Khe Chàm và những cái nhất

07:00 | 17/11/2013

2,822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được thành lập từ năm 1986, trên cơ sở tách ra từ một công trường của mỏ than Mông Dương. Vậy mà, chỉ sau đó một thời gian ngắn, Khe Chàm đã vươn lên ngang hàng với các mỏ lớn trong vùng. Không những thế, Khe Chàm còn có nhiều kỷ lục thuộc “top” những đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất.

Mỏ trẻ tuổi nhất ngành than

Ngày 10/11/2013 vừa qua, Công ty Than Khe Chàm - Vinacomin đã tổ chức lễ khai thác tấn than đầu tiên tại mỏ mới Khe Chàm III sau 7 năm xây dựng. Khởi công từ đầu năm 2006, Dự án Khe Chàm III có tổng mức đầu tư được lập ban đầu hơn 2.200 tỉ đồng, tương đương với mức đầu tư của cầu Bãi Cháy lúc bấy giờ. Sau được điều chỉnh lên 2.700 tỉ đồng trong xây dựng. Mỏ được khai thông bằng cặp giếng nghiêng mang tên gọi “An Khang” và “Thịnh Vượng”, chiều dài mỗi giếng gần 1,6km, dốc 12 độ được thiết kế từ mặt bằng +25 thẳng xuống mức -300 với công suất mỏ 2,5 triệu tấn/năm, được thiết kế hiện đại. Các lò chợ chủ yếu được thiết kế theo hướng cơ giới hóa.

Lễ khai thác tấn than đầu tiên tại mỏ Khe Chàm III ngày 10/11 vừa qua

Tại buổi lễ, Tổng giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn đã biểu dương những nỗ lực của nhà thầu thi công, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động mỏ Khe Chàm. “Đây là mỏ mới đầu tiên của Vinacomin do công nhân mỏ của ta tự thiết kế, thi công. Một mỏ hiện đại ngang tầm với nhiều nước có ngành công nghiệp khai khoáng phát triển trên thế giới. 7 năm xây dựng một mỏ như vậy là nhanh gấp nhiều lần so với trước đây ta nhờ chuyên gia nước ngoài xây dựng mỏ cũng mất vài chục năm. Chẳng hạn như mỏ Vàng Danh, phải đến 30 năm mới xây dựng cơ bản xong”, ông Chuẩn tự hào nhấn mạnh.

Kỷ lục về đổi mới công nghệ

Đây là dự án có nhiều cái nhất: công suất lớn nhất, vốn đầu tư lớn nhất, xuống sâu nhất, mỏ hiện đại nhất. Cùng với việc tăng sản lượng than khai thác, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và đảm bảo ổn định đời sống, thu nhập cho người lao động, công ty luôn mạnh dạn và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Trước năm 1986, hầu như toàn ngành đều áp dụng công nghệ khai thác than lò chợ bằng khoan nổ mìn, chống gỗ. Sản lượng lò chợ thấp, chỉ đạt 21.000-28.000 tấn/ năm; năng suất khai thác cũng chỉ đạt đạt 1,6-1,8 tấn/người/công. Năm 1996, công ty là đơn vị đầu tiên áp dụng thử nghiệm công nghệ chống lò bằng vì ma sát thay cho chống gỗ. Khi đó nhiều người hoài nghi, không tin vào kết quả.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy đây là một quyết định sáng suốt, mang tính đột phá trong ngành than. Sản lượng khai thác tăng đột biến, từ 50.000-55.000 tấn/năm cho mỗi lò chợ, gấp đôi công nghệ chống gỗ lạc hậu cũ, năng suất đạt 2,2-2,5 tấn/công. Điều đặc biệt hơn cả là lượng gỗ trụ mỏ giảm tới trên 80%. Ý nghĩa lớn lao hơn cả về công tác môi trường là nó làm cho các khu rừng tại Quảng Ninh không còn bị tàn phá để khai thác than. Mặt khác, lò chợ đảm bảo hệ số an toàn cao hơn nhiều so với chống gỗ trước đây. Lò chợ không bị nén bẹp như chống gỗ, người thợ đi lại sản xuất cũng dễ dàng hơn, an toàn hơn, không phải chui, luồn qua những “họng sáo” như trước nữa.

Không dừng lại ở đó, năm 1998 công ty lại áp dụng thử nghiệm công nghệ cột chống thủy lực đơn. Điều kỳ diệu lại đến. Sản lượng khai thác lò chợ tăng vọt, đạt 100.000-130.000 tấn/năm, năng suất đạt 3,2-3,6 tấn/người/công. Người thợ đi làm chỉ cần cầm chiếc cờ lê là có thể điều khiển cả lò chợ bằng một đường ống thủy lực đưa từ một trạm cấp gần đó vào dễ dàng. Chỉ sau đó một vài năm, Tập đoàn đã cho áp dụng rộng rãi tại hầu hết các đơn vị trong Vinacomin. Cũng nhờ vậy mà sản lượng của toàn Tập đoàn tăng từ hơn 11 triệu tấn/năm lên 20 rồi 30 triệu tấn/năm một cách dễ dàng.

Năm 2002, công ty lại tiếp tục đi đầu, đầu tư đưa vào thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác than trong lò chợ. Tức là khai thác than bằng máy khấu thay cho nổ mìn trước đây. Lại một lần nữa Khe Chàm lập nên kỳ tích, năng suất đạt 7,0-7,5 tấn/người/công. Hiện nay, một số mỏ như Nam Mẫu, Vàng Danh, Dương Huy… cũng đã áp dụng công nghệ này và mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Năm 2005 cũng là năm đánh dấu sự thay đổi vượt bậc trong công nghệ khai thác của Công ty Than Khe Chàm khi triển khai lắp đặt công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than lò chợ. Tức là khai thác bằng máy khấu, chống lò bằng giàn chống tự hành. Thợ lò chỉ việc bấm nút thay cho choòng cuốc trước đây. Tuy nhiên, công suất vượt lên, đạt 400.000 tấn/năm. Nếu chuẩn bị tốt diện khai thác, máy có thể đạt 500.000 tấn/năm. Đây cũng là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của ngành than vào thời điểm đó với số tiền đầu tư hơn 50 tỉ đồng.

Và cho đến thời điểm này, Khe Chàm cũng là đơn vị đạt hiệu quả cao nhất khi áp dụng công nghệ này. Một số đơn vị khác cũng đang triển khai sau thành công của Khe Chàm. Liên tiếp các năm sau đó, năm 2010, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ giá khung thủy lực di động. Năm 2011, công ty đã chính thức đưa công nghệ giàn chống siêu nhẹ vào khai thác tại lò chợ 13.1-3 vỉa 13.1 khu trung tâm. Những dự án trên đều là những dự án đi đầu trong áp dụng nghệ của Vinacomin và cũng là những tiêu chí được Tập đoàn đẩy mạnh trong thời gian tới, phấn đấu tăng nhanh sản lượng và đưa mục tiêu xây dựng các mỏ “An toàn - Năng suất - Ít người”…

Hải Hà

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps