Tổng giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn:

“Kỷ luật và đồng tâm, giá trị xuyên suốt của ngành than”

06:45 | 13/11/2013

3,171 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” đã trở thành phương châm hành động xuyên suốt và là sức mạnh tinh thần, tính kỷ luật trong đấu tranh, sự đùm bọc tương thân, tương ái cho lớp lớp thế hệ mỏ. Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ - Truyền thống ngành than (12/11/1936 - 12/11/2013), Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Lê Minh Chuẩn đã dành cho Báo điện tử PetroTimes cuộc trao đổi về quá trình hình thành và phát triển cũng như những định hướng trong tương lai của 1 trong 3 tập đoàn trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

PV: Chặng đường 77 năm qua ngành than đã trải qua biết bao thăng trầm để lập nên những thành tích vẻ vang góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước. Ý nghĩa sức mạnh của khẩu hiệu: “Kỷ luật và đồng tâm” đã được phát huy trong thế hệ thợ mỏ thời kỳ đổi mới ra sao, thưa ông?

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Vào đêm 12 rạng sáng ngày 13/11/1936 cuộc đình công kéo dài hơn 20 ngày đã nổ ra tại Cẩm Phả sau đó lan rộng khắp vùng mỏ với sự tham gia của hơn 3 vạn thợ mỏ đã buộc chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân. Thắng lợi của cuộc đình công đã để lại cho tổ chức Đảng và phong trào giai cấp công nhân vùng mỏ bài học to lớn về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh; về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người thợ mỏ được kết tinh lại trong khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm chúng ta nhất định thắng”. Suốt 77 năm qua, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ kế tiếp nhau phát huy kết hợp với sức mạnh của thời đại đã xây dựng và phát triển ngành than ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, làm nên chặng đường vẻ vang của thợ mỏ - ngành than.

Ông Lê Minh Chuẩn

PV: Thành quả chúng ta đạt được đó là những gì? Đặc biệt là giai đoạn từ khi thành lập Tổng Công ty Than 1994 đến nay?

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Ngành than từ nhiều năm qua luôn nêu cao truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng mỏ, phát huy nội lực mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, nên sau 19 năm hoạt động kể từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam năm 1994, sản lượng than khai thác luôn tăng trưởng cao. Năm 1994, sản lượng khai thác chỉ đạt gần 6 triệu tấn thì năm 2012, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngành than vẫn đạt sản lượng 44,5 triệu tấn và năm 2013, ngành than vẫn phấn đấu đạt sản lượng trên 40 triệu tấn và tiêu thụ đạt mức 39 triệu tấn. Bên cạnh đó, Vinacomin đã phát triển một số sản phẩm mới như: Sản xuất điện, sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, kim loại màu, chế tạo thiết bị mỏ…

Kể từ khi thành lập đến nay, tổng doanh thu toàn Tập đoàn tăng 44,7 lần. Nộp ngân sách Nhà nước tăng từ trên 100 tỉ/năm lên trên 16.000 tỉ đồng/năm. Vốn chủ sở hữu tăng từ 750 tỉ đồng năm 1995 lên 31.000 tỉ đồng năm 2012. Vinacomin đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế đất nước, bảo đảm thu nhập và việc làm cho gần 14 vạn cán bộ, công nhân, người lao động của Vinacomin nói chung và 11 vạn công nhân mỏ và người lao động tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

PV: Điều gì đã hình thành nên văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” rất riêng chỉ có ở ngành than đến hôm nay, thưa ông?

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Cuộc tổng bãi công đêm ngày 12/11/1936 tại Cẩm Phả đã biểu thị ý chí quật cường của những người lao khổ được Đảng lãnh đạo, đồng thời đã để lại cho tổ chức Đảng và giai cấp công nhân vùng mỏ bài học to lớn về tập hợp lực lượng; tính kỷ luật trong đấu tranh; sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. Cũng từ đó, “Kỷ luật và đồng tâm” trở thành truyền thống tinh thần bất khuất của thợ mỏ Việt Nam.

Với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” ấy, lớp lớp thợ mỏ đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử đấu tranh và xây dựng Tổ quốc, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi. Để hôm nay, ngành than không ngừng lớn mạnh, đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu về than cho nền kinh tế, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung và vùng mỏ Quảng Ninh nói riêng. Cùng với sự thay đổi từng ngày của vùng mỏ, đời sống của hơn 11 vạn thợ mỏ, công nhân, người lao động của ngành than tại Quảng Ninh đã và đang được cải thiện rõ rệt. So với 77 năm trước đây, người thợ mỏ hôm nay với sức khỏe tốt, tri thức tốt, có đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh, luôn sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên. Có thể nói, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” đã tạo cho thợ mỏ nguồn sức mạnh vô cùng to lớn.

Nếu như 77 năm trước, người thợ mỏ giương cao khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!” thì ngày hôm nay Vinacomin đã nâng cấp nó lên. Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn hôm nay “Trí tuệ, trung thành, kỷ luật, đồng tâm” là khẩu hiệu, là phương châm hành động. Tập đoàn đã và đang thực hiện trí thức hóa đội ngũ công nhân, tăng cường sự phấn đấu để trung thành với nghề, với ngành, có tính kỷ luật và sự đoàn kết ắt sẽ đảm bảo thành công, thắng lợi.

PV: Năm nay cũng là dịp cả nước chào mừng 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây cũng là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành. Ông có thể khái quát đôi nét về mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa ngành với tỉnh Quảng Ninh suốt chặng đường vừa qua?

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Từ khi thành lập Xí nghiệp quốc doanh Than Hòn Gai năm 1955, cho đến khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam năm 1994 và nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam từ năm 2005, Vinacomin luôn đứng ở vị trí vững chắc và quan trọng trong cơ cấu của kinh tế Quảng Ninh hiện nay. Mặc dù xu thế đa dạng hóa nền kinh tế ở Quảng Ninh diễn ra mạnh mẽ và tác động nhiều đến ngành than nhưng ngành than vẫn thể hiện là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của Quảng Ninh, thể hiện ở việc hàng năm ngành than đóng góp tới 40% GDP cho Quảng Ninh. Ngoài ra, trong thời kỳ trước một số cơ sở vật chất của ngành than được chuyển đổi để làm cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của Quảng Ninh.

Bên cạnh đó là nguồn cán bộ, nhân lực của ngành than một phần đã chuyển sang tham gia xây dựng chính quyền của Quảng Ninh góp phần vào sự phát triển chung của Quảng Ninh như chúng ta đã thấy ngày hôm nay. Ngoài sự đóng góp về nhân lực và cơ sở vật chất cho Quảng Ninh, ngành than đã đóng góp một tỷ trọng lớn chủ yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Đồng thời, việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự của ngành than đã làm cho sự ổn định an ninh chính trị và xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Công nhân tan ca

PV: Thưa ông! Trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành đã chuẩn bị những gì để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện lời Bác dạy: “Sản xuất than phải như quân đội đánh giặc… sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”?

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Công nhân, người lao động ngành than luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ, coi đó là di chúc của Người dành riêng cho thợ mỏ ngành than: “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc… sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Nghĩa là sản xuất than luôn phải đương đầu với vô vàn khó khăn, gian khổ mà trước hết là các hiểm họa trong lòng đất vì vậy phải thông minh, dũng cảm, dám hy sinh như các chiến sĩ quân đội ngoài chiến trường, nghĩa là phải biết tiến, biết lùi, phải biết ém quân chờ trận đánh mới. Trong những giai đoạn khó khăn, có thời điểm phải giãn sản xuất tạm thời nhưng thu nhập của thợ lò vẫn được đảm bảo và ngành than tiếp tục tập trung thị trường để tiến lên.

Ngành than là ngành kinh tế đầu tiên được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng năm 1996. Tổng Công ty Than Việt Nam là Tổng Công ty 91 đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005; nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

PV: Chặng đường hướng tới tương lai và chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Tập đoàn trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh. Vinacomin đã nhập cuộc, sẵn sàng đón nhận thử thách này ra sao thưa ông?

Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn: Để đạt được những thành tích nêu trên ngoài sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân ngành than - khoáng sản dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể từ trung ương đến địa phương trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh - cái nôi của giai cấp công nhân mỏ và là địa bàn chiến lược của Tập đoàn Vinacomin.

Chặng đường hướng tới tương lai và chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Tập đoàn trở thành tập đoàn kinh tế vững mạnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn trong Chiến lược nêu trên là khai thác than, khai thác bô-xít, sản xuất alumin, nhôm, khai thác các loại khoáng sản, luyện kim, sản xuất điện, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí v.v... với mức sản lượng cao hơn nhiều so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của nền kinh tế trong bối cảnh Tập đoàn, đất nước và thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp và diễn biến khó lường. Vì vậy, đây là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề và khó khăn.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công nhân và người lao động ngành than luôn nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo, lao động quên mình, tiếp tục phát huy truyền thống từ khẩu hiệu đấu tranh năm xưa “Kỷ luật và đồng tâm chúng ta nhất định thắng” và biến khẩu hiệu năm xưa thành “TRÍ TUỆ + TRUNG THÀNH + KỶ LUẬT + ĐỒNG TÂM = THẮNG LỢI” cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn, xứng đáng với tấm Huân chương Sao vàng và danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong 9 tháng năm 2013, lượng than nguyên khai của Vinacomin sản xuất được 31 triệu tấn, đạt 67% kế hoạch năm, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng than tiêu thụ ước đạt 28,2 triệu tấn, trong đó, lượng tiêu thụ trong nước đạt 19,8 triệu tấn, xuất khẩu đạt 8,4 triệu tấn. Tồn kho tính đến cuối tháng 9 ước 7,8 triệu tấn, trong đó than sạch 5,6 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so đầu năm và giảm 900.000 tấn so cùng kỳ.

Trong quý III/2013, Vinacomin sản xuất 502 tấn thiếc thỏi, 5.717 tấn kẽm thỏi, 34.956 tấn tinh quặng đồng, 7.265 tấn đồng tấm. Sản xuất 45.860 tấn thuốc nổ, cung ứng 73.455 tấn thuốc nổ công nghiệp. Ngoài ra, lượng điện sản xuất và tiêu thụ trong quý III cũng đã đạt 6.299 triệu kWh. Ước tính, sản lượng điện quý IV đạt 2,24 tỉ kWh và cả năm 2013 sẽ đạt trên 8,5 tỉ kWh.

Doanh thu của toàn Tập đoàn trong 9 tháng ước đạt 68.630 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ than đạt 38.923 tỉ đồng; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 2.581 tỉ đồng; doanh thu từ điện đạt 6.786 tỉ đồng; doanh thu từ sản xuất cơ khí đạt 2.558 tỉ đồng; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp đạt 2.655 tỉ đồng và doanh thu kinh doanh thương mại, dịch vụ đạt 15.127 tỉ đồng.

Lợi nhuận của Tập đoàn ước đạt 1.500 tỉ đồng, trong điều kiện phải tiết giảm 5% chi phí, giữ ổn định việc làm, thu nhập cho thợ lò và tăng sản lượng của các đơn vị thuận lợi, giảm sản lượng của các đơn vị khó khăn hơn.

Tiền lương bình quân trong 9 tháng của cán bộ, công nhân viên toàn Tập đoàn đạt mức 7,2 triệu đồng/người/tháng, bằng mức năm 2012 nhưng chỉ đạt 95% so với kế hoạch. Tiền lương ngày công sản phẩm của công nhân chính, đặc biệt là công nhân hầm lò vẫn được ổn định, một số đơn vị tăng so với năm 2012. Tuy nhiên, vẫn chưa có điều kiện cải thiện đời sống cho lao động hầm lò làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm.

Trong 9 tháng năm 2013, giá trị đầu tư của Vinacomin ước đạt 12.604 tỉ đồng, đạt 66% kế hoạch năm và bằng 118% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, Vinacomin đã tập trung thu xếp vốn cho các ngành nghề chính như than (than hầm lò), khoáng sản, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp.

Trong tháng 9-2013, Tập đoàn đã phát hành thành công trái phiếu trong nước trị giá 5.000 tỉ đồng thời hạn 5 năm cho các dự án bauxte nhôm, amôn nitrat và cho các dự án than. Đồng thời, Tập đoàn duy trì công tác đánh giá hệ số tín nhiệm với hai tổ chức đánh giá có uy tín quốc tế Moody’s và S&P.


Đức Tài - Mạnh Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps