Quy hoạch phát triển ngành than: TKV phải thực hiện như thế nào?

07:00 | 28/07/2014

1,362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (quy hoạch 60) là trọng trách lớn đối với ngành than để giữ vững an ninh năng lượng. Tuy nhiên, đã được 2 năm kể từ khi Chính phủ phê duyệt, việc thực hiện quy hoạch của ngành than đang tồn tại nhiều vấn đề chưa thể tháo gỡ.

Năng lượng Mới số 342

Thiếu công nhân - nặng gánh thuế, phí

Mặc dù, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ khi tăng hơn 18%, doanh thu ước đạt 55.259 tỉ đồng. Song, những điều Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên thẳng thắn bày tỏ tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng vừa qua lại cho thấy, khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành than ngày càng nặng nề hơn. Khoảng 2 năm trở lại đây, dư luận nghe khá nhiều về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành than gặp rất nhiều cái khó. Trong nhiều kiến nghị mang tính cấp bách thì nhiều khi dư luận cũng khó hiểu hết những khó khăn đó là gì? Thực tế hiện nay, hầu hết các mỏ điều kiện khai thác phải xuống mức âm, quãng đường xa hơn và để có 1 tấn than thì phải đánh đổi không chỉ mồ hôi, nước mắt mà cả máu của người thợ. Những lo ngại về sự nặng nhọc, nguy hiểm khiến cho việc tuyển dụng thợ hầm lò rất nan giải, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị.

Khó khăn thứ hai là vấn đề thuế, phí đè nặng khiến cho lợi nhuận của ngành than trong 6 tháng chỉ tạm dừng ở mức 600 tỉ đồng và mới đạt được 30% so với kế hoạch của năm. Theo phân tích của lãnh đạo TKV, từ sức ép thuế, phí mà cụ thể, từ ngày 1-2 thuế tài nguyên đã tăng lên 2% làm cho ngành than phải chi thêm hơn 1.000 tỉ đồng đóng thuế. Nhiều loại phí sử dụng tài nguyên, phí khai thác cũng đội lên 1.000 tỉ đồng. Thêm một bất cập nữa, trong lúc khó khăn như vậy thì giá than trong suốt 3 năm qua không tăng giá nên càng gây khó cho nguồn thu của Tập đoàn. Trước thực trạng đó lãnh đạo TKV đã từng nhiều lần đề xuất nhà nước giảm các loại thuế phí để ngành than có vốn để đầu tư mở rộng khai thác, sản xuất nhưng việc giải quyết diễn ra vẫn còn rất chậm.

Quy hoạch phát triển ngành than: TKV phải thực hiện như thế nào?

Khai thác than tại mỏ Núi Béo (Quảng Ninh)

Thậm chí trong nhiều khó khăn được trình bày tại hội nghị, khi nói đến chuyện thuế, phí, đích thân Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn cũng phải thốt lên rằng: “Thuế phí mà cứ cao như hiện tại, chúng tôi không có vốn để đầu tư nữa”. Các loại thuế và phí chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất than. Thời điểm hiện tại, các loại thuế, phí chiếm trên 23% giá thành than trong nước và khoảng 30% giá thành than xuất khẩu. Tình hình trong nước thì như vậy, việc xuất khẩu than cũng không mấy khả quan khi thị trường xuất khẩu than sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Tập đoàn phải mở rộng thị trường với đối tác Nhật Bản nhưng việc xuất khẩu chỉ mang yếu tố giữ mối quan hệ. Chủ tịch TKV cho rằng, sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép Tập đoàn xuất khẩu than cục sang Nhật Bản với giá 110USD/tấn, mặc dù không có lãi nhưng để tạo mối quan hệ hợp tác các dự án khác cùng Nhật Bản.

Thách thức trong  Quy hoạch 60

Vấn đề lớn nhất của ngành than hiện nay đó là việc thực hiện Quy hoạch 60 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 60/QÐ-TTg ngày 9/1/2012. Có thể nói rằng, đây là một trọng trách rất lớn đặt lên vai một trong ba trụ cột an ninh năng lượng đất nước. Như đã biết, để đạt được những mục tiêu trong quy hoạch đề ra đòi hỏi phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương và các ngành kinh tế khác. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước…) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế. Ðẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Quy hoạch 60 đối với TKV đang gặp quá nhiều khó khăn. Mục tiêu của quy hoạch yêu cầu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn; năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn…

Theo báo cáo của TKV từ cuối năm 2013 về tình hình thực hiện Quy hoạch 60 thì tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Ðông Bắc và vùng nội địa giảm 1,875 tỉ tấn (giảm 20,8%) so với Quy hoạch 60 do mức độ tin cậy thấp của số liệu báo cáo thăm dò. Tính đến 31/12/2013, tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Ðông Bắc và vùng nội địa còn lại là 6,933 tỉ tấn, trong đó phần tài nguyên đạt cấp trữ lượng rất thấp, chỉ khoảng 30%. Ngoài ra, việc khai thác bể than Ðồng bằng sông Hồng hiện chưa rõ về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường, việc khai thác thử nghiệm theo dự kiến cũng bị lùi lại. Hiện dư luận cũng chưa rõ sẽ làm ở địa điểm nào và khi nào bắt đầu. Do vậy, mức sản lượng tối đa đến năm 2025-2030 theo Quy hoạch 60 có thể đạt chỉ là khoảng 65 triệu tấn và có thể còn thấp hơn.

Theo phân tích của một chuyên gia Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), nhu cầu dự báo và khả năng khai thác trong nước cho thấy từ năm 2015 sẽ thiếu than và đến năm 2020 tối đa chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, đặc biệt than cho sản xuất điện sẽ thiếu trầm trọng. Ước tính đến năm 2015 thiếu khoảng 3 triệu tấn và đến năm 2020 ít nhất thiếu hơn 40 triệu tấn, bằng tổng sản lượng than toàn ngành năm 2013.

Theo ông Lê Minh Chuẩn, sau 2 năm triển khai thực hiện, có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện quy hoạch gặp khó khăn. Ngoài 2 nguyên nhân đã nêu ở trên là thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác các dự án còn rất chậm; mức thuế, phí chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất than. Ngoài ra, than có đặc thù là một trong 3 trụ cột của an ninh năng lượng, hơn 50% lượng điện theo Quy hoạch điện VII là điện than, nên phải có chính sách phù hợp hơn để xây dựng mỏ. Khó khăn nữa là than bán cho điện thấp hơn giá thành trong nhiều năm, nên tích lũy vốn để đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch hạn chế.

Mỗi năm ít nhất TKV phải đầu tư 14.000 tỉ, năm nhiều 18.000-19.000 tỉ, muốn vay được vốn phải có lãi (2015 là 9.000 tỉ) nhưng tình hình kinh doanh không thể đáp ứng do giá bán than cho điện thấp. Ngoài ra, còn một số vấn đề liên quan khác, đặc biệt là kinh tế suy giảm, sản lượng các mỏ tạm thời phải giảm xuống, sản lượng theo quy hoạch chưa đạt được và sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch của ngành than với quy hoạch của các địa phương. Về thị trường than trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, nhu cầu than luôn giảm và giá than cũng giảm nhiều. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1 tấn than ngày càng tăng do chi phí các yếu tố đầu vào tăng, ngành than ngày càng phải khai thác xuống sâu hơn, cung độ vận chuyển xa hơn. Chính vì vậy, ngành than buộc phải điều chỉnh giảm sản lượng để đảm bảo cân đối tài chính, công ăn việc làm cho cán bộ công nhân và người lao động. Từ sản lượng 44 triệu tấn năm 2011 đến nay chỉ sản xuất dưới 40 triệu tấn, trong khi đó năng lực thi công các mỏ mới của các đơn vị trong ngành cũng còn hạn chế, do hầu hết việc mở các mỏ than hiện nay phải sử dụng giếng đứng trong khi việc thi công loại giếng này rất phức tạp. Từ những khó khăn nêu trên, nếu không có giải pháp tháo gỡ, có thể ngành than không đủ điều kiện để tích lũy tái đầu tư phát triển các dự án nâng cao năng lực sản xuất than, nâng cao được sản lượng đáp ứng theo yêu cầu Quy hoạch 60.

Nguyễn Kiên

 

  • el-2024