Thách thức ở Cọc Sáu

08:00 | 11/12/2014

1,777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến nay hầu như tất cả các mỏ than tại vùng Than Quảng Ninh đã khai thác xuống sâu hàng trăm mét, thậm chí vài trăm mét so với mức nước thủy chuẩn. Moong than Cọc Sáu là một trong những mỏ lộ thiên hiện nay đang khai thác ở mức sâu -200m. Điều này đặt ra những khó khăn mà Cọc Sáu cần phải vượt qua để đi lên.

Năng lượng Mới số 381

Chỉ toàn… đá và nước

Chúng tôi đến moong than Cọc Sáu vào dịp đầu đông. Khác với dịp mùa hè, mùa đông thường mù trời nên tầm nhìn bị hạn chế. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn cảm thấy rõ lòng moong rộng mênh mông và ăn sâu vào lòng đất. Những tầng than là những con đường uốn quanh moong theo hình xoắn trôn ốc để xuống tận đáy mong. Trên đó, những chiếc xe ôtô chở than, đất đá nhìn từ xa như những “bao diêm di động” cứ ù ù cõng đất đi lên, đi xuống, ngược xuôi, tấp nập.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công ty Than Cọc Sáu chia sẻ, bình quân mỗi năm, công nhân, cán bộ công ty bốc xúc và vận chuyển khoảng 35 triệu m3 đất đá để lấy lên trên 3 triệu tấn than nguyên khai. Nghe thì thật đơn giản, nhưng bước vào công việc mới thấy đó là thử thách không hề dễ dàng. Bởi than nằm trong lòng đất, dưới độ sâu gần 200m. Khác với khai thác hầm lò là xây dựng các hệ thống đường lò để khai thác than, khai thác lộ thiên là phá đất đá để đưa máy móc trực tiếp xuống lấy than. Do vậy, cách duy nhất phải làm là muốn xuống sâu thì phải mở rộng lòng moong. Moong than hết năm này qua năm khác đã trở nên rộng và sâu như thế. Và để hoàn thành kế hoạch, hàng trăm thiết bị xe máy đang ngày đêm hoạt động cần mẫn, không mệt mỏi dưới lòng moong…

Khai trường mỏ than Cọc Sáu

Điều không dễ dàng ở đây còn là mỗi năm thợ mỏ Cọc Sáu phải bơm từ đáy moong lên hàng chục triệu m3 nước. Nước thoát ra lòng moong từ các mạch nước ngầm. Nước mưa trút xuống. Vào mùa mưa, nhiều khi nhìn lòng moong trắng nước. Tuy nhiên, nước cứ xuống bao nhiêu lại được các phà bơm nổi theo nước và bơm lên bấy nhiêu. Do vậy, thường vào mùa mưa, sản lượng khai thác thấp hơn mùa khô. Quy trình bơm nước từ đấy moong than lên cũng là một bài toán khiến các nhà kỹ thuật phải đưa ra nhiều phương án. Do chiều cao đẩy sâu nên hệ thống bơm cũng được chia ra làm nhiều mức. Nước bơm tăng bo từ hệ thống này lên hệ thống kia để lên được đến bờ moong ra ngoài. Đây là một trong những công việc hết sức quan trọng, vì nếu không đảm bảo việc bơm nước, hàng trăm thiết bị làm việc dưới moong rất dễ gặp nguy hiểm khi xảy ra mưa lớn. Do vậy, ngay cả khi trời đang nắng, moong than khô thì các kỹ sư vẫn phải kiểm tra bơm nước thường xuyên để sẵn sàng có thể bơm nước khi trời mưa.

Và… giá thành

Trên thực tế, hiện nay hệ số bóc đất của Than Cọc Sáu đã lên đến 12-13 m3 cho 1 tấn than. Tức là, để khai thác được một tấn than, phải khoan nổ mìn, bốc xúc và vận chuyển tới 13m3 đất đá với cung độ vận chuyển gần chục km. Trong khi nền kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhiên liệu đầu vào như điện, xăng dầu tăng từng ngày, giá thành khai thác than của Cọc Sáu gần như đã cao hơn giá bán.

 Do đáy moong xuống sâu, dẫn đến độ dốc lớn, chiều rộng hạn chế, nước ngầm nhiều… Tất cả các yếu tố trên khiến cho giá thành khai thác cao hơn  so với trước đây. Kỹ sư Vũ Văn Khẩn - Giám đốc Công ty CP Than Cọc Sáu chia sẻ, các chỉ tiêu kỹ thuật đã giảm đến đáy, vì vậy, muốn hạ giá thành sản xuất phải tính đến công nghệ hiện đại hơn. Theo ông Khẩn, vận tải đất đá bằng ôtô, nhất là các loại ôtô có trọng tải nhỏ là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí sản xuất cao. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này không thể một sớm, một chiều. Trước mắt, công ty được Tập đoàn phê duyệt cho thuê tài sản gồm 10 xe ôtô tải khung cứng, tải trọng định mức 96 tấn (trọng tải lớn nhất hiện nay) góp phần giảm chi phí lớn trong quá trình vận chuyển.

Vượt khó đi lên

Năm 2014, công ty được giao sản xuất 2,9 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 3,3 triệu tấn than các loại. Cũng theo kế hoạch, công ty sẽ tổ chức bóc gần 35 triệu m3 đất đá; đảm bảo tiền lương cho người lao động bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng… Để đạt được kế hoạch trên, đòi hỏi sự nỗ lực cao của trên 3.600 công nhân, cán bộ và người lao động công ty. Nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Than Cọc Sáu đang xây dựng và chỉ đạo các phương án kỹ thuật hàng tháng, quý phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Tiếp tục tập trung quy hoạch hệ thống tầng công tác phù hợp, đồng bộ với thiết bị bóc xúc - vận tải để tăng năng suất máy xúc, ôtô 1-5%; nâng cao chất lượng khoan nổ mìn, giảm chi phí di chuyển của thiết bị khoan, xúc.

Công ty đã phải bố trí thiết bị hợp lý, ưu tiên từng bước hiện đại hóa thiết bị để hướng tới mục tiêu hạ giá thành trong khai thác. Theo đó, công ty rà soát lại toàn bộ định mức kỹ thuật và triển khai đồng bộ bằng một loạt các biện pháp như: quy trình phối hợp giữa ôtô, máy xúc cũng được bố trí hợp lý, nhịp nhàng; 100% các ôtô, máy xúc của đơn vị được trang bị bộ đàm để bộ phận điều hành sản xuất thực hiện điều hành trực tuyến, xử lý kịp thời mọi phát sinh đảm bảo cho sản xuất được liên thông, không ách tắc, nâng cao thời gian công ích của xe, máy. Đối với khâu khoan nổ mìn, công ty xây dựng quy mô khoan nổ hợp lý. Đồng thời, công ty đầu tư nâng cấp các tuyến đường vận tải trên mỏ, cải thiện điều kiện làm việc cho ôtô. Chất lượng khoan nổ mìn sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho máy xúc, từ đó không chỉ nâng cao được năng suất của máy xúc tại mỗi ca làm việc mà còn giúp giảm thiểu các tác nhân gây hư hại máy, giảm tiêu hao răng gầu cán thép, tăng cường công tác an toàn. Bên cạnh đó, công ty tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện năng suất thiết bị trong dây chuyền sản xuất như: vận tải, xúc, khoan, sàng tuyển, băng tải được tiến hành rà soát chấn chỉnh để đạt hiệu quả cao nhất, giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất…

Nguyễn Kiên

 

  • el-2024