Tìm giải pháp để thu hút thợ lò

08:00 | 17/12/2014

726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy năm nay, sau nhiều giải pháp chăm lo đến nguồn nhân lực là thợ lò đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quan tâm như: Chăm lo về nhà ở, đi lại, ăn uống, tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc v.v... Tuy nhiên, nhiều thợ lò vẫn bỏ việc sau chỉ một vài năm ra mỏ. Đặc biệt công tác tuyển sinh cũng không hề dễ dàng. Theo thống kê của TKV, số thợ lò tuyển sinh và đào tạo được cũng chỉ tương đương với số thợ lò bỏ việc. Như vậy thợ lò không tăng. Trong khi đó, nhu cầu thợ lò của TKV ngày càng tăng theo yêu cầu tăng lượng. Đây là một trong nhiều thách thức mà TKV đang phải gắng sức vượt qua.

Năng lượng Mới số 383

Những nguyên nhân thợ lò bỏ việc

Vì sao thợ trẻ, được đào tạo bài bản, có sức khỏe, có tay nghề lại hay bỏ việc cho dù sau đó họ phải vất vả bươn chải, tìm kiếm cơ hội thử vận may ở các ngành nghề, các doanh nghiệp khác? Qua tìm hiểu, các chuyên gia đều đưa ra một số nguyên nhân như: Ngành khai thác than hầm lò với đặc thù độc hại, nguy hiểm, đòi hỏi cường độ lao động cao trong khi các yếu tố như mức thu nhập, đời sống tinh thần, vị thế; khả năng thăng tiến trong xã hội chưa đủ sức lôi cuốn lớp người trẻ tuổi gắn bó suốt đời với ngành nghề.

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp với các ngành nghề đa dạng, ít nặng nhọc, đỡ vất vả hơn, điều kiện tuyển dụng, tiếp nhận lại thông thoáng, dễ dàng nên cho dù tiền công thấp, bấp bênh nhưng lại là môi trường có sức hút gây tò mò cho lớp lao động trẻ vốn bản tính hiếu động, thích dịch chuyển, thích phiêu lưu, ưa thử sức để tự khẳng định mình.

Trao tặng nhà mái ấm công đoàn cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Hiện nay, mặc dù TKV đã xây dựng nhiều khu tập thể khang trang, nhưng nhiều người đã không chấp nhận ở tập thể, tìm kiếm thuê mướn nhà trọ gần phố, gần dân thì đi làm lại bất tiện, sinh hoạt không tuân thủ giờ giấc, dẫn tới buông lỏng kỷ luật lao động, tùy tiện nghỉ việc. Không ít người do thiếu sự quan tâm, quản lý của người thân, gia đình, thiếu sự "để mắt", góp ý kịp thời của tổ chức, đoàn thể nên bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, gái mại dâm... Ngoài ra, khâu giáo dục tư tưởng, truyền thống, khơi dậy ý thức tập thể, giai cấp, lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp không đạt hiệu quả như mong muốn v.v…

Quan tâm tới gia đình và địa phương thợ lò

Nhằm vượt qua thách thức này, TKV đang tập trung nhiều giải pháp hơn nữa để có thể thu hút thợ lò. Ngoài việc tiếp tục không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn và hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là trong khai thác than hầm lò để người lao động bớt vất vả hơn. TKV còn đề ra nhiệm vụ chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đang từng bước hình thành tác phong công nghiệp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có việc quan tâm đến yếu tố tâm lý… của người lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp  được TKV đặc biệt quan tâm. Bởi theo ý kiến của không ít thợ lò, công tác định hướng nghề của gia đình có tác động chủ yếu đến quyết định bỏ việc của thợ lò. Nếu được gia đình động viên, định hướng nghề nghiệp tốt, thợ lò sẽ ý thức hơn về công việc của mình để từ đó làm việc lâu dài với mỏ.

Đi đầu trong ý tưởng này là Công ty Than Quang Hanh. Mới đây, các đồng chí lãnh đạo Công ty Than Quang Hanh đã về thăm và động viên gia đình thợ mỏ tại 2 địa phương: Xã Điệp Nông huyện Hưng Hà, Thái Bình; xã Quang Hưng huyện Ninh Giang, Hải Dương. Đây là 2 địa phương có đông con em làm công nhân tại TKV nói chung và Than Quang Hanh nói riêng.

Lãnh đạo Công ty Than Quang Hanh cho biết, hiện nay tại xã Điệp Nông (Hưng Hà, Thái Bình) hiện có trên 200 người làm công nhân mỏ tại TKV, trong đó có khoảng 60 người làm việc tại Công ty Than Quang Hanh. Hội đồng hương Ninh Giang Hải Dương có khoảng 250 người ra làm thợ mỏ tại TKV, trong đó có hơn 80 người làm việc tại Công ty Than Quang Hanh. Anh em thợ lò tại 2 địa phương này đã bố trí thời gian để về quê tổ chức gặp mặt theo phương án “Nghỉ 6 ngày/tháng” đối với thợ lò do TKV triển khai, bởi vậy trong buổi gặp mặt có hầu hết anh em tham dự, cùng có là các vị lãnh đạo hai địa phương và gia đình thợ mỏ.

Ông Trần Duy Mạc, Chủ tịch UBND xã Điệp Nông (Hưng Hà, Thái Bình) cho biết xã Điệp Nông có trên 1.200 lao động đi làm tại các khu công nghiệp trong đó có đa số là công nhân mỏ. Trong những năm qua lực lượng lao động này đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thông mới của địa phương. Còn ông Lê Tài Hoa, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng (Ninh Giang, Hải Dương) thì tâm sự, ông cũng đã có thời gian làm mỏ, rồi chuyển công tác về địa phương ông rất thấu hiểu về người thợ mỏ. Bởi vậy lãnh đạo xã rất quan tâm đến đối tượng lao động này, tạo điều kiện về mọi mặt để anh em yên tâm công tác, phát triển kinh tế gia đình, địa phương, ông xúc động trước sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo công ty đã về tận quê hương để thăm gia đình thợ mỏ, động viên chia sẻ với từng anh em thợ mỏ, đây quả thực là việc làm hết sức cảm động.

Qua cuộc gặp gỡ, thợ lò Nguyễn Xuân Chiên đại diện cho Hội đồng hương Hưng Hà, Thái Bình; Thợ lò Phạm Văn Chiều đại diện cho Hội đồng hương Ninh Giang, Hải Dương bày tỏ niềm xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo công ty, dành cho anh em thợ lò những tình cảm sâu sắc, gần gũi; các anh hứa sẽ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công ty giao, sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và gắn bó lâu dài với ngành nghề… Đây là giải pháp sẽ được TKV gặp gỡ lãnh đạo địa phương và gia đình của nhiều đơn vị có nhiều thợ lò làm việc tại TKV…

N.Kiên