TKV: 500 tỉ cho an toàn lao động

07:00 | 03/08/2014

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị sơ kết Công tác An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ 6 tháng đầu năm, triển khai biện pháp đảm bảo an toàn lao động 6 tháng cuối năm 2014. Tại hội nghị, vấn đề tai nạn lao động (TNLÐ) tiếp tục được các chuyên gia tập trung thảo luận nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác an toàn lao động

Năng lượng Mới số 344

Tai nạn vẫn lặp lại

Trong 6 tháng đầu năm nay, TKV và các đơn vị trực thuộc đã có nhiều biện pháp tăng cường thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các biện pháp nâng cao mức độ đảm bảo an toàn, tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại cơ sở và hiện trường sản xuất; số vụ TNLÐ và số người bị tai nạn so với cùng kỳ giảm trên 10%. Tuy nhiên, điều đáng nói là các vụ TNLÐ chủ yếu xảy ra ở các đơn vị khối sản xuất than hầm lò, một số đơn vị vẫn xảy ra tình trạng vi phạm an toàn lao động, tai nạn mang tính lặp lại...

Việc vẫn để xảy ra mất an toàn lao động, Chủ tịch HÐTV, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn yêu cầu cần đánh giá sâu sắc các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý, điều hành, trách nhiệm của cán bộ, công nhân, hệ thống làm công tác an toàn và nâng cao hiệu quả công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ, công tác tuyên truyền, huấn luyện tới người lao động nhằm mục tiêu giảm thiểu TNLÐ và sự cố, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Thợ hầm lò than Mông Dương

Qua kiểm điểm các vụ tai nạn lao động, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ sự cố tai nạn là do một số đơn vị chưa tổ chức nghiên cứu kỹ điều kiện sản xuất, chưa làm tốt công tác huấn luyện, tuyên truyền cho cán bộ công nhân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc an toàn, chưa chú trọng đến tổ chức sản xuất khoa học, nâng cao năng suất lao động như Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích, thiếc Tĩnh Túc (Tổng Công ty Khoáng sản) hay Cơ khí Hòn Gai; các cán bộ kỹ thuật, quản lý an toàn còn yếu về kỹ năng, kinh nghiệm trong lập và chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật thi công, các biện pháp an toàn trong quản lý, kiểm tra giám sát thi công, giám sát an toàn. Ðiều này cũng diễn ra ở Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích thuộc Tổng Công ty Khoáng sản.

Ở một số đơn vị, cán bộ chỉ huy sản xuất, cán bộ giám sát an toàn và công nhân còn hạn chế về kỹ năng dự báo nguy cơ mất an toàn, chưa biết được các vị trí nguy hiểm trong khu vực quản lý, để xảy ra tại nạn cho bản thân và công nhân đồng nghiệp như ở Công ty Than Ðồng Vông (Than Uông Bí), Than Thống Nhất, Vàng Danh; công tác huấn luyện, cấp chứng chỉ về quản lý, vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, huấn luyện cấp chứng chỉ thợ mìn, chỉ huy bắn mìn, huấn luyện về công tác phòng cháy chữa cháy ở một số đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đúng với chỉ đạo của Tập đoàn.

Ðối với người lao động, hiện nay vẫn còn một số bộ phận người lao động còn thiếu kỹ năng làm việc, chưa thực hiện tự chủ an toàn trong quá trình sản xuất, đặc biệt trong khai thác hầm lò. Nhiều công nhân chưa chú trong công tác củng cố, bơm bổ sung áp lực cột chống trước khi làm việc, sau khi nổ mìn và trước khi di chuyển giá chống thủy lực trong lò trước khi làm việc. Chưa chấp hành nghiêm túc nội quy lao động, quy trình sử dụng vận hành thiết bị. Công tác bàn giao ca va thời gian làm việc theo quy định dẫn đến sự cố tai nạn cho bản thân như ở Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Nam Mẫu…

Vì mục tiêu tai nạn bằng không

Qua những phân tích trên, lãnh đạo TKV đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất 6 tháng cuối năm nay như: Tập trung tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động, phòng ngừa sự cố. Rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định, hồ sơ quản lý kỹ thuật an toàn phù hợp với tình hình thực tế. Kiểm tra, nếu môi trường lao động không đảm bảo hợp lý từ thiết kế thì chủ đầu tư phải phối hợp và yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh kịp thời. Tăng cường công tác đánh giá, dự báo nguy cơ mất an toàn. Ðẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ phù hợp, tiên tiến trong đào lò, khai thác. Riêng các đơn vị sản xuất than hầm lò phải kiểm soát bằng được về khí mỏ, áp lực mỏ, nước mỏ và quản lý chặt chẽ người ra, vào mỏ. Tổ chức nghiên cứu, rà soát để xây dựng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của hệ thống quản lý kỹ thuật, hệ thống quản lý giám sát an toàn và chỉ huy sản xuất trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động đảm bảo khoa học, gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả và phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển của Tập đoàn.

Tổ chức huấn luyện về an toàn định kỳ, phòng chống cháy nổ, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cấp chứng chỉ cho những người làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Người huấn luyện phải là người có đủ năng lực theo quy định và theo nguyên tắc cấp trên trực tiếp huấn luyện cấp dưới. Các đơn vị sản xuất hầm lò lập ra các biện pháp kỹ thuật an toàn phải phù hợp, dễ đọc, dễ hiểu, dễ phổ biến. Ðưa môn học “Kỹ năng phòng tránh rủi ro” vào học tại các trường dạy nghề của Tập đoàn. Các đơn vị thành viên phải tiếp tục nâng cao công tác tự chủ an toàn tại các đơn vị. Xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện, kiểm tra theo chuyên đề, để từ đó kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn lao động và có biện pháp phòng tránh.

Cùng với việc duy trì ổn định sản xuất của Tập đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động của các đơn vị được đặt là nhiệm vụ hàng đầu, lãnh đạo TKV yêu cầu người đứng đầu đơn vị phải đặc biệt quan tâm hơn nữa để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp an toàn một cách quyết liệt, nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đảm bảo sản xuất an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố, tiến dần tới mục tiêu tai nạn bằng không.

Các đơn vị trong Tập đoàn đã thực hiện kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động trong 6 tháng đầu năm đạt 505,7 tỉ đồng, bằng 50,25% kế hoạch năm.

Hải Văn