TKV sẽ ưu đãi hơn nữa cho thợ lò

06:58 | 07/08/2014

791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp nhiều khó khăn như: Tiêu thụ than chậm dẫn đến khó cân đối tài chính; giá thành khai thác tăng cao do các mỏ dần xuống sâu; công tác cơ giới hóa áp dụng các công nghệ hiện đại gặp khó do điều kiện địa chất phức tạp; và đặc biệt là thiếu nhân lực thợ lò do công tác tuyển dụng nghề thợ lò.

Năng lượng Mới số 345

Khó từ khi tuyển sinh

Hiện nay, toàn Tập đoàn có tới 3 trường đào tạo nghề mỏ đặt tại nhiều vùng khác nhau là Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí (Quảng Ninh) và cả Thái Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay các trường đào tạo nghề này cũng vắng bóng các em vào học tập nghề thợ lò, mặc dù Tập đoàn đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt. Ðó là miễn phí toàn bộ kinh phí học tập, đài thọ tiền ăn, chỗ ở. Thậm chí các đơn vị, doanh nghiệp còn tài trợ cả tiền đi về quê, nghỉ hè, nghỉ tết… cho các em. Tuy nhiên, học sinh vào học nghề lò vẫn khó tuyển. Nhà trường đã cử cả cán bộ tuyển sinh lên các vùng miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… nhưng tỷ lệ học sinh vào học vẫn “vắng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ðức Long, Trợ lý hiệu trưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh Trường cao đẳng Nghề mỏ Hữu nghị - TKV cho rằng, Nhà trường cũng như các trường khác đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh, nhưng kết quả tuyển sinh học nghề hầm lò đạt rất thấp, năm 2013 chỉ đạt 51,3% kế hoạch. Tuyển sinh nghề mỏ đã khó, việc “giữ chân” học sinh cũng không dễ. Tình trạng học sinh bỏ học đang diễn ra ở các trường đào tạo nghề rất đáng lo ngại. Năm 2013, số học sinh bỏ học so với tổng số học sinh tại trường là 16,9%, trung bình cứ tuyển 10 học sinh thì 1 học sinh bỏ học.

Theo ông Long, xảy ra tình trạng học sinh bỏ học có nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung ở một số nguyên nhân cơ bản như: Hiện nay có nhiều ngành nghề khác có sức cạnh tranh và thu hút lao động phổ thông cao hơn ngành mỏ; các cơ sở đào tạo nghề thời gian ngắn.

TKV sẽ ưu đãi hơn nữa cho thợ lò

Thực hành chống lò tại trường nghề Hồng Cẩm

Thợ lò cũng bỏ việc và xin nghỉ quá nhiều

Ngoài việc khó tuyển dụng học sinh vào đào tạo nghề, thợ lò các đơn vị cũng rải rác bỏ việc khá nhiều. Lãnh đạo nhiều đơn vị cho hay, trong vài năm gần đây, mặc dù yêu cầu tăng sản lượng khai thác nhưng thợ lò không tăng được. Số thợ lò tuyển dụng được và số bỏ việc hoặc xin nghỉ chế độ trước tuổi gần như ngang nhau. Thợ lò bỏ việc cũng có nhiều nguyên nhân. Nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, số thợ lò bỏ việc chủ yếu là công nhân mới vào nghề. Lý do khiến họ bỏ việc chủ yếu là do tư tưởng chưa ổn định, “đứng núi này trông núi nọ”; nhiều thanh niên trẻ do đi làm ngày công thấp, dẫn đến thu nhập thấp, sinh chán nản đành bỏ việc. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, ngành khai thác than là một nghề vất vả, công nhân làm việc trong môi trường khắc nghiệt, đòi hỏi tính kỷ luật cao…

Trên thực tế cho thấy, hầu hết những người làm việc lâu dài trong nghề thợ lò đều rèn luyện tốt cho mình tính kiên trì và chịu khó làm việc, xác định được mục tiêu lâu dài… Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bá Lượng, thợ lò bậc 6/6 Công ty Than Khe Chàm đã làm việc trên 25 năm trong nghề tâm sự: “Từ khi vào nghề, tôi đã xác định đây là nghề nguy hiểm, ít có nghề nào đổ nhiều mồ hôi, công sức như nghề này. Vì vậy, phải rất kiên trì và yêu nghề mới có thể trụ vững được. Với tinh thần "kỷ luật, đồng tâm", anh em chúng tôi luôn tâm niệm làm gì cũng phải đặt an toàn trên hết, bởi chỉ lơ là, mất cảnh giác một phút thôi, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào”. Anh cũng tâm sự, mong muốn lớn nhất của người thợ lò là môi trường làm việc, ổn định nơi ăn, chốn ở. Vài năm trở lại đây, ngành than đã tập trung đầu tư lớn về công nghệ khai thác, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ, sự cố trong hầm lò.

Giải pháp nào?

Ðối với học sinh đã tuyển dụng và đang theo học, để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm, nhà trường đã có văn bản đề xuất với Tập đoàn và các cơ quan chức năng. Theo đó, cần cải cách chương trình đào tạo; cụ thể là rút ngắn thời gian học tập, bố trí tiến độ phù hợp để không gây áp lực cho học sinh sinh viên. Chính sách tiền lương và thu nhập đối với công nhân hầm lò cần được nâng cao hơn nữa để tăng khả năng cạnh tranh với các ngành nghề khác. Về phía nhà trường, cần kết hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để hạn chế và đẩy lùi các tụ điểm mang tính chất tệ nạn, là nguyên nhân gây ra tình trạng trốn học, bỏ học, đồng thời nâng cao cả về chất lượng và số lượng các dịch vụ dành cho học sinh, sinh viên nội trú.

Ðối với công nhân các đơn vị, lãnh đạo TKV cho biết, sẽ có chính sách ưu dãi hơn nữa cho thợ lò. Tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng mang tính đặc thù đối với lao động thợ lò như bảo đảm lương, thưởng, chế độ sinh hoạt cho công nhân làm việc trong hầm lò đến khi về hưu để "giữ chân" thợ lò. Nhất là, cần xem xét chế độ cho thợ lò như bậc thợ, thâm niên, bởi hiện nay, bậc thợ cho thợ lò từ khi ra trường đến năm 30 tuổi nhiều người đạt bậc 6 (bậc tối đa), nhưng khi đến 45 tuổi (tuổi có thể về hưu của thợ lò), họ vẫn "giẫm chân tại chỗ" ở bậc thợ này, gây thiệt thòi cho người lao động. Ngoài ra, TKV tiếp tục đầu tư cải thiện điều kiện làm việc giảm sức lao động cơ bắp và đảm bảo an toàn, chăm lo đời sống người lao động hơn nữa như bố trí nhà ở, công việc cho vợ, con thợ lò, giúp hợp lý hóa gia đình. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, khen thưởng thợ lò lao động giỏi để họ thêm yêu nghề, yên tâm gắn bó dài lâu với mỏ, xây dựng TKV phát triển bền vững…

Nguyễn Kiên