Công đoàn Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Ðồng - TKV:

Từng bước kiện toàn hoạt động

08:36 | 31/07/2014

421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ thực sự đi vào hoạt động sau khi Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Ðồng - TKV tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình từ 2 cấp về 1 cấp, Công đoàn công ty đang từng bước kiện toàn hoạt động theo chiến lược sản xuất kinh doanh chung của đơn vị.

Năng lượng Mới số 343

Bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động

Như mọi người đều biết, Nhà máy Alumin Tân Rai mới vận hành thương mại được gần 1 năm nay. Hiện tại, công việc bàn giao từ nhà thầu Chalieco đã hoàn tất trên giấy tờ, còn trên thực tế, một vài kỹ sư nước ngoài vẫn có mặt ở để cùng cán bộ, kỹ sư công ty trực xử lý các sự cố bất ngờ. Vì mới vận hành nên một phần máy móc thiết bị sau khi được bàn giao bị sự cố dẫn đến hỏng hóc nên phải dừng để sửa chữa, bảo dưỡng. Khi năng suất người lao động không đảm bảo, không đạt sản lượng theo kế hoạch thì rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của họ.

Hiện nay, mức thu nhập của người lao động mới chỉ nhích nhẹ so với thời điểm chuẩn bị sản xuất. “Thường thì phải sau 3-5 năm, một nhà máy mới có thể đạt 100% công suất thiết kế. Cộng thêm giá alumin phụ thuộc vào giá thị trường thế giới và chưa đạt được mức kỳ vọng của Tập đoàn nên nguồn thu của công ty không được dồi dào”, bà Phạm Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Công đoàn cho biết.

Từng bước kiện toàn hoạt động

Theo bà Hòa, thu nhập luôn là “chủ đề” nóng nhất giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vốn là cán bộ phụ trách Phòng Lao động tiền lương, Ðảng ủy công ty đầy dụng ý khi cử bà Hòa sang ngồi ghế công đoàn thời điểm hiện tại. “Vì nhà máy mới vận hành đạt 70% công suất thiết kế, cộng thêm giá alumin còn thấp nên công đoàn phải tăng cường tuyên truyền, giải thích để cán bộ, công nhân viên hiểu và tiếp tục đồng hành cùng công ty”, bà Hòa nói.

Có một thực tế, đó là người dân ở khu vực nhà máy tuyển dụng nhiều là Bảo Lâm, Bảo Lộc có cuộc sống tương đối khá giả. Thu nhập từ cây chè, cây cà phê cao không kém việc “đầu quân” cho Công ty Nhôm. Nói nôm na, người lao động khu vực này có nhiều sự lựa chọn hơn là làm công nhân. Theo như người viết quan sát, lưu trình sản xuất alumin của Nhôm Lâm Ðồng hoàn toàn khép kín. Số lượng lao động phổ thông chỉ chiếm phần nhỏ, nói chung là nhàn nếu so với chính một lượng lớn thợ lò cùng trong TKV. “Ðội ngũ công nhân còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, trình độ tay nghề chưa cao, ý thức tác phong công nghiệp còn yếu. Mặt khác, một số lao động mới được tuyển vào để thay thế số công nhân đã nghỉ việc chưa thành thạo tay nghề do chưa được đào tạo về mặt công nghệ. Tiền lương của công nhân trực tiếp sản xuất thấp, chưa đảm bảo thu nhập cho người lao động, dẫn đến tư tưởng của người lao động chưa yên tâm công tác và không gắn bó lâu dài với công ty”, bà Hòa không ngại đặt vấn đề trước thực tế.

Huấn luyện tác phong công nghiệp

Ðành rằng doanh nghiệp rất cần sự hợp tác, thông cảm của người lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn, nhưng ở phía ngược lại, tác phong công nghiệp cũng khiến công đoàn công ty đau đầu. Vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc nơi công ty đóng quân vốn là “vùng trũng” của cây chè, tiêu, cà phê, người dân chưa quen với khái niệm “công nghiệp”, “sản xuất”, công nghệ… Chủ tịch Công đoàn Phạm Thị Thanh Hòa khẳng định, chỉ bằng các phong trào thường xuyên mới có thể xây dựng tác phong công nghiệp cũng như văn hóa doanh nghiệp cho người lao động nơi đây. Ðây là khó khăn không dễ gì vượt qua.

Tháng 7 này, công đoàn công ty đang tưng bừng phát động “Tháng thi đua đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”. Chủ tịch Phạm Thị Thanh Hòa cho biết, mục tiêu lớn nhất của lần phát động này là phấn đấu không để xảy ra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động nặng, chết người; hướng người lao động đến việc thực hiện tốt công tác an toàn - vệ sinh lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố thiết bị. Bên cạnh đó, công đoàn công ty nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Nội dung và biện pháp thực hiện chủ yếu là tuyên truyền, giáo dục cho người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, có ý thức xây dựng tác phong công nghiệp trong sản xuất; chấp hành tốt quy trình kỹ thuật, quy phạm an toàn, thực hiện trang bị bảo hộ lao động, thiết bị phòng hộ đầy đủ nhằm hạn chế sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong sản xuất.

Sự thành công của các chương trình sẽ chỉ đến nếu phối hợp với chuyên môn của đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, điều kiện sản xuất, môi trường làm việc tại các vị trí sản xuất; tăng cường kiểm tra đột xuất vào ca 2, ca 3 về công tác an toàn vệ sinh lao động. Ðịnh kỳ hằng tháng, công đoàn công ty tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác Atan toàn vệ sinh lao động của chuyên môn và tổ chức đoàn thể, chỉ ra những nguy cơ thường xảy ra tai nạn lao động tại nơi sản xuất, qua đó đề ra những biện pháp, giải pháp phòng ngừa.

“Chúng tôi tổ chức kiểm tra đánh giá hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong đơn vị, kịp thời chấn chỉnh và có các biện pháp, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tổ chức rút kinh nghiệm các sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra trong đơn vị để có biện pháp đảm bảo an toàn lao động tại đơn vị”, bà Hòa giải thích.

Công đoàn công ty tham gia, kiến nghị với chuyên môn hoàn thiện hệ thống biển báo, cảnh báo tại những nơi nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn lao động. Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp, duy trì và thực hiện tốt việc bảo đảm cho công trường, phân xưởng  “Xanh - Sạch - Ðẹp” mà các đơn vị đã đăng ký.

Lê Tùng

 

  • el-2024