Xem thợ ngành than đào lò giếng đứng

13:00 | 20/10/2014

2,686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thợ đào lò xây dựng cơ bản thường được ví như những chú ong thợ cần mẫn. Để có cái nhìn cận cảnh về nghề đào lò giếng đứng ở ngành Than, vừa qua, phóng viên PetroTimes đã có dịp ghi nhận lại công việc đào lò hàng ngày của các kỹ sư, công nhân Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 tại Dự án giếng đứng Khe Chàm II-IV.

Dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV thuộc Công ty than Hạ Long sau khi hoàn thiện sẽ đạt kỷ lục về độ sâu (-500m). Dự án này do Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 đã tiến hành thi công từ tháng 9/2013. Thời điểm chúng tôi có mặt, công nhân đã đào được đến phần thân giếng đạt độ sâu -83m.

 

 

Trước khi xuống giếng công nhân phải thực hiện đầy đủ các quy trình an toàn kỹ thuật

Để xuống giếng, công nhân phải đi bằng thang tay được làm từ những thanh sắt phi 6 đóng chặt vào thành giếng. Với người bình thường thực hiện việc này không đơn giản chút nào, nếu đi lần đầu sẽ khá mệt có thể khiến bàn tay phồng rộp.

Cứ 5m thang sẽ có một chiếu nghỉ cho công nhân. Cảnh công nhân cheo leo nghỉ giải lao trong thân giếng có đường kính 7m, đây mới chỉ là độ sâu bằng khoảng 1/6 so với thiết kế.

Đối với cán bộ, công nhân Công ty xây dựng hầm lò 1 hàng ngày vừa làm việc, vừa leo lên leo xuống vài lần là chuyện bình thường. Trung bình thời gian "tụt" giếng không nghỉ mất khoảng 7 phút, leo lên mất 10 phút qua hơn 300 bậc thang tay.

1 ca làm việc trung bình có 8 công nhân (7 thợ đào lò, 1 thợ cơ điện). Cứ 2 ca rưỡi mới đào xong 1 gương lò, 1 tháng phải đạt mục tiêu đào trên 10m lò.

Toàn bộ vật tư, đất đá được vận chuyển bằng chiếc thùng tròn nặng hơn 1 tấn, có dung tích chứa tối đa 3 mét khối được kéo lên bằng cần cẩu tự hành. Thùng này cũng có thể chở được người nhưng vì lý do an toàn công ty chưa cho phép.

 

CBCN Công ty Xây dựng hầm lò 1 bên trong giếng

Công ty Xây dựng hầm lò 1 nổi tiếng với kinh nghiệm đào lò, xây dựng cơ bản hơn 40 năm ở ngành than. Từ năm 1975, tiền thân của công ty là Xí nghiệp xây lắp mỏ Mông Dương đã thực hiện đào giếng phụ, xây dựng sân ga đáy giếng đạt mức -98m. Trong những năm gần đây, Công ty đảm nhiệm việc thi công hàng loạt các công trình đào lò XDCB quan trọng như: Thi công lò giếng nghiêng Than Thống Nhất; các đường lò, hầm trạm -225 ở Khe Chàm I; cặp giếng nghiêng Khe Chàm III; cặp giếng đứng Hà Lầm, Núi Béo...

Để hoàn thành xây dựng  giếng đứng Khe Chàm  II-IV vẫn còn một chặng đường dài. Công nghệ giếng đứng đòi hỏi khá nhiều công việc đồng bộ như lắp đặt hệ thống vận chuyển người và đất đá, công tác khoan nổ, bốc xúc đất đá, đổ bê tông thành giếng… Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ Khe Chàm II-IV được khai thông bằng 3 giếng đứng kết hợp với các lò xuyên vỉa ở 2 tầng khai thác. Tầng trên khai thác từ mức - 60/ -350 và mức dưới khai thác từ -350/-500; trong đó giếng chính được đào từ mức +35/-500 chiều dài 535 mét; giếng phụ từ mức +35/-500 chiều dài 570 m

Dự án có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm với tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng. Trữ lượng công nghiệp trên 74 triệu tấn, tổng số có 13 lò chợ: Khu Khe Chàm I 04 lò chợ; Khu Khe Chàm II 05 lò chợ và  Khu Khe Chàm IV 04 lò; có 02 lò chợ cơ giới hóa, các lò chợ còn lại là các lò chợ giá khung, giá di động.

Mỏ Khe Chàm II-IV được thiết kế với tiêu chí: Mỏ sạch, Mỏ an toàn, Mỏ hiện đại, Mỏ tiết kiệm tài nguyên, Mỏ sản lượng cao, Mỏ ít người được thiết kế lựa chọn theo tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác đối với tất cả các khu vực có điều kiện cho phép. Các hệ thống vận tải, thông gió, thoát nước, quan trắc tập trung, tổ hợp công nghệ trên mặt mỏ được cơ giới hóa, tự động hóa tối đa. Khu xử lý nước thải mỏ được thiết kế hiện đại đảm bảo nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng, đủ điều kiện thải ra môi trường...

Tùng Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps