Vùng biển quốc tế là gì?

08:00 | 25/12/2014

14,642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vùng biển quốc tế là gì? Quyền hạn của các nước trong vùng biển quốc tế?

Đồ họa các vùng biển của Việt Nam (Nguồn: Internet)

Theo pháp luật quốc tế hiện đại, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, toàn bộ đại dương trên thế giới được chia thành 2 bộ phận. Bộ phận thứ nhất là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước ven biển (phần cột nước chia thành nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Còn phần dưới cột nước gọi là thềm lục địa). Bộ phận thứ 2 là các vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.

Vùng biển quốc tế (hay còn gọi là biển cả) theo luật biển quốc tế trước đây thì vùng biển quốc tế rất rộng, tức là toàn bộ các khu vực biển nằm ngoài lãnh hải 3 hải lý của các nước ven biển. Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc quyền chủ quyền của các nước ven biển, phạm vi vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể. Theo Công ước Luật Biển năm 1982, vùng biển quốc tế là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển.

Ở vùng biển quốc tế, tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống ngầm, tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền tự do này, các nước phải tôn trọng lợi ích của các nước khác cũng như phải tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982 như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển v.v… Công ước quy định vùng biển quốc tế được sử dụng vì mục đích hoà bình và không nước nào được phép đòi một khu vực nào đó của vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình.

Liên quan đến việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật ở vùng biển quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 đề ra 4 quy định rất quan trọng.

Một là, khi để dân mình đánh cá ở vùng biển quốc tế, các nước phải tuân thủ các nghĩa vụ ghi trong Công ước. Các nước phải tôn trọng các quyền và lợi ích của các nước ven biển liên quan các đàn cá vừa sinh sống ở vùng đặc quyền kinh tế vừa sinh sống ở vùng biển quốc tế.

Hai là, các nước có nghĩa vụ định ra những biện pháp cần thiết để áp dụng đối với công dân mình nhằm bảo tồn tài nguyên sinh vật ở vùng biển quốc tế hoặc hợp tác với các nước khác trong hoạt động này.

Ba là, các nước phải hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật ở biển. Các nước có công dân khai thác các tài nguyên sinh vật khác nhau ở trong cùng một khu vực hoặc các tài nguyên sinh vật giống nhau phải thương lượng để có những biện pháp cần thiết trong việc bảo tồn các tài nguyên đó. Trong những trường hợp cần thiết các nước lập ra các tổ chức đánh bắt phân khu vực hoặc khu vực.

Bốn là, các nước có thể quy định khối lượng đánh bắt và thi hành các biện pháp khác để bảo tồn các tài nguyên sinh vật ở vùng biển quốc tế. Khi làm việc này, các nước phải dựa vào những số liệu khoa học đáng tin cậy nhất, tính đến một loạt yếu tố như duy trì và khôi phục các loài đang được khai thác, các yếu tố sinh thái và kinh tế, nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển, phương pháp đánh bắt và chú ý đến những tác động của những biện pháp này.

Theo biendong.net