Sức trẻ ở Đạm Cà Mau

09:00 | 19/07/2014

905 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đợt bảo dưỡng định kỳ của Nhà máy Đạm Cà Mau đến nay đã đi được gần nửa chặng đường. Với gần 1.369 đầu mục và hàng ngàn thiết bị máy móc được tháo ra để kiểm tra từng chi tiết, anh em công nhân, kỹ sư nhà máy đang ngày đêm miệt mài, cố gắng hoàn tất sớm nhất kế hoạch đã đề ra. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cơ hội được tiếp xúc, làm việc cùng các anh em công nhân, kỹ sư trong khoảng thời gian đầy thách thức này.

Năng lượng Mới số 340

Tầm nhìn xa

Sáng sớm ngày 10/7, sau khi được cấp quần áo bảo hộ, mũ, giày chống đinh, chúng tôi mới được vào khu công nghệ. Tại đây, mọi hoạt động ra vào đều được kiểm soát chặt chẽ, thông qua bước kiểm tra bằng máy dò kim loại. Những chi tiết máy, thiết bị kim loại mà công nhân, kỹ sư mang qua cửa an ninh phải được khai báo đầy đủ. Tất nhiên, những chất dễ gây cháy nổ, bật lửa, thuốc lá, vật dụng sắc nhọn đều không được phép mang vào. Đối với những phóng viên được “đặc cách” như chúng tôi, muốn đem máy ảnh vào cũng phải đợi 5, 10 phút để bộ phận an ninh xác nhận lại từ các cấp kiểm soát cao hơn.

Khu công nghệ (ở đây gọi là “site”) là một tổ hợp rộng lớn bao gồm 3 phân xưởng chính: xưởng amoniac (gọi tắt là xưởng amo), xưởng urê và xưởng phụ trợ. Trong mỗi phân xưởng được chia làm nhiều cụm khác nhau với hàng trăm thứ máy móc, thiết bị đan xen. Điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất là tất cả các khu vực đều nối liền với nhau bằng đường ống dẫn khí lớn nhỏ chằng chịt, thể hiện rõ công nghệ sản xuất của Nhà máy Đạm Cà Mau là một hệ thống hoàn toàn khép kín.

Sức trẻ ở Đạm Cà Mau

Toàn cảnh nhà máy đạm Cà Mau

Nội dung chính trong đợt bảo dưỡng lần này của Nhà máy Đạm Cà Mau bao gồm các công tác: kiểm tra, kiểm định các thiết bị chịu áp, đường ống, van an toàn; thay đổi, cải tiến công nghệ, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; phối hợp với tổng thầu để sữa chữa, khắc phục các hạng mục còn tồn đọng sau mốc nghiệm thu và cuối cùng là kiểm tra những thiết bị hoạt động liên tục 24/24 (những thiết bị này chỉ có thể kiểm tra khi dừng toàn bộ hoạt động của nhà máy). Các chi tiết cần bảo dưỡng, sửa chữa lên đến 1.619 hạng mục, chia thành 7 tổ: tổ thiết bị tĩnh - đường ống, tổ thiết bị động - vận chuyển, tổ điện, tổ điều khiển, tổ van điều khiển, tổ kiểm tra chẩn đoán thiết bị và tổ xúc tác.

Qua trao đổi với Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) Văn Tiến Thanh, chúng tôi được biết, công tác bảo dưỡng định kỳ của Nhà máy Đạm Cà Mau luôn phải chuẩn bị trước cả năm. Nghĩa là sau khi hoàn thành mỗi đợt bảo dưỡng cán bộ, công nhân viên, kỹ sư của nhà máy lại phải bắt tay vào chuẩn bị ngay cho công tác bảo dưỡng năm sau. Hằng năm, cụm nhà máy Khí - Điện - Đạm Cà Mau mất khoảng từ 14 đến 20 ngày ngưng hoạt động hoàn toàn để bảo dưỡng, theo lịch bảo dưỡng định kỳ hằng năm của giàn cấp khí PM3 ở ngoài khơi. Vì vậy anh em kỹ sư phải nghiên cứu, tính toán làm sao để chia các thiết bị ra từng phần việc. Những phần việc nào năm trước đã làm rồi thì năm sau không cần làm nữa.

Trong kế hoạch bảo dưỡng hằng năm của nhà máy, khâu chuẩn bị có rất nhiều việc quan trọng và chiếm khá nhiều thời gian. Khối lượng việc phải thực hiện trong kỳ bảo dưỡng chỉ chiếm 1/3 tổng khối lượng công tác cần làm. Trong thời gian tiền bảo dưỡng, các kỹ sư phải thông qua công cụ chẩn đoán, đánh giá tình trạng thiết bị, xác định những việc cần làm trong đợt bảo dưỡng tiếp theo. Kế hoạch thường bắt đầu lập từ tháng 7 năm trước, sau 2 tháng phải đưa ra được danh mục các vật tư cần thiết để nhanh chóng đặt hàng. Sau khi đặt xong phải chờ nhà sản xuất gia công, chế tạo, sau đó mới vận chuyển về Việt Nam. Được biết, đối với đợt bảo dưỡng lần này, PVCFC đã đặt hàng tổng cộng 35 gói mua sắm và ký hợp đồng 29 dịch vụ hỗ trợ từ các đơn vị trong nước cũng như nước ngoài trước một năm. Có như vậy, các anh em công nhân kỹ sư mới có thể thực hiện tốt các công tác bảo dưỡng toàn nhà máy trong khoảng thời gian cực kỳ giới hạn.

Trong đợt bảo dưỡng lần này, Nhà máy Đạm Cà Mau có 6 hạng mục quan trọng, dự kiến nhiều rủi ro về mặt tiến độ do khối lượng công việc lớn, đó là thay thế vỏ cho máy nén khí công nghệ K04421, đại tu máy nén CO2 phần cao áp và turbine, kiểm tra sửa chữa bảo ôn cách nhiệt Reformer, kiểm tra - xử lý rò rỉ trao đổi nhiệt E04503, sửa đổi thiết kế vòi phun buồng tạo hạt G07601 và sửa chữa 8 van hệ thống bơm nước tự nhiên vào làm mát.

Ngoài các chuyên gia được hãng sản xuất thiết bị có mặt tại nhà máy để hỗ trợ kỹ thuật cho công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau, hầu như toàn bộ các phần việc chính đều do anh em công nhân, kỹ sư nhà máy đảm nhận. Tất cả các ca đều làm việc từ 7 giờ đến 19 giờ. Những việc gấp, quan trọng sẽ làm đến 22 giờ. Thời điểm này đang vào mùa mưa khiến cho nhiều hạng mục bị ngưng trệ. Ví dụ như việc tháo dỡ chất xúc tác của thiết bị nhiệt phân thứ cấp, tuyệt đối không được để nước mưa lọt vào. Vì vậy, nếu hôm nào trời mưa lớn, các anh em công nhân buộc phải ngừng công việc lại và tăng ca sau đó, có khi phải chia làm 3 ca, làm việc 24/24.

Diện kiến cỗ máy triệu đô

Khu vực đầu tiên anh Khanh dẫn chúng tôi đến tham quan là trạm phân phối khí đầu vào thuộc xưởng phụ trợ. Tại đây, các anh em công nhân, kỹ sư đang tiến hành tháo dỡ chất xúc tác hấp thụ thủy ngân ra khỏi máy lọc không khí. “Trong khí đầu vào thường có một lượng rất nhỏ thủy ngân và các chất kim loại nặng khác. Chất xúc tác này có tác dụng hấp thụ lượng kim loại đó, lọc thành khí tinh khiết trước khi dẫn vào các hệ thống khác trong nhà máy. Chất này sau 3-5 năm sẽ được thay 1 lần” - anh Nguyễn Hoàng Sơn - Phó quản đốc xưởng phụ trợ giải thích.

Tháo dỡ chất xúc tác là một hạng mục không quá khó khăn, tuy nhiên lại mất khá nhiều thời gian và có tính độc hại cao. Các công nhân thực hiện thao tác này phải trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, găng tay và mặt nạ phòng độc. Chất xúc tác tháo ra kèm theo rất nhiều muội than, tạo thành làn bụi đen dày đặc, nếu tiếp xúc trực tiếp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Vì vậy, tại khu vực này luôn có hai nhân viên đội an toàn túc trực, kiểm soát chặt chẽ các quy tắc an toàn lao động. Theo anh Sơn, công tác tháo dỡ xúc tác mất khoảng một ngày rưỡi, một ngày để kiểm tra, vệ sinh bên trong thiết bị, sau đó mất thêm một ngày rưỡi nữa để thay chất xúc tác mới. Đây có thể xem là hạng mục được anh em thực hiện khá nhanh so với tiến độ đề ra ban đầu.

Tại khu vực lò hơi phụ trợ, các kỹ sư thuộc tổ kiểm định (inspection) cùng một đơn vị kiểm định khác đang tiến hành kiểm tra các mối hàn và độ dày các đường ống trong buồng đốt. Nơi đây không khác gì một lò nung khổng lồ với những tấm thép cực lớn. Bên trong buồng đốt dày đặc những vết ám khói và bụi. Lúc này tuy đã giữa trưa, nhưng mùa mưa Cà Mau khiến cho ánh sáng trời chỉ còn mờ ảo chiếu qua các cửa van để mở. Các kỹ sư phải dùng đèn pin để có thêm ánh sáng, tỉ mẩn kiểm tra từng mối hàn, ghi chép cẩn thận lại từng chi tiết. Lối vào buồng đốt là những cửa van tròn có đường kính chỉ vừa một thân người vào lọt. Phải rất vất vả chúng tôi mới chui vào được bên trong. Chỉ sau 5 phút, chúng tôi đã cảm thấy khó thở, mồ hôi vã ra ướt đẫm người. Bóng tối, bụi than cùng cái nóng của lò hơi, có thể nói, đã khiến nơi đây trở thành một môi trường cực kỳ khắc nghiệt mà chỉ những kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm mới có thể điềm tĩnh làm việc được.

Trong các hạng mục quan trọng thì phần đại tu máy nén khí CO2 là hạng mục mà anh em nơi đây nhận xét là “xương” nhất. Công tác đại tu cỗ máy nặng 20 tấn này bao gồm thay vỏ ngoài, kiểm tra độ mòn của turbine và thay thế nếu cần thiết. Việc tháo dỡ bộ turbine hơi mất khá nhiều thời gian và công sức. Anh Trần Đại Nghĩa - Quản đốc xưởng ure cho biết, để tháo toàn bộ vỏ của máy nén CO2 sao cho kịp tiến độ, anh em trong tổ phải chia làm 2 ca, thay phiên nhau làm việc đến 22 giờ. Sau khi tháo dỡ toàn bộ vỏ của turbine hơi sẽ tiến hành công tác kiểm tra, đo đạc để xác định độ mòn của rotor. Nếu cần thiết sẽ tiến hành gia cố hoặc thay mới hoàn toàn.

Sức trẻ ở Đạm Cà Mau

Công nhân đang làm việc vệ sinh lắp ráp lại máy nén CO2

Khi chúng tôi đến nơi đặt giàn máy nén CO2, toàn bộ các chi tiết máy, vỏ trong, ngoài của cỗ máy đã được tháo xong. Lúc này có một nhóm chuyên phụ trách vệ sinh vỏ máy đang miệt mài làm việc. Một nhóm khác đang kiểm tra hộp bánh răng truyền động. Anh Minh phụ trách nhóm cho biết, có một phần vỏ máy nén bị nứt bên trong và các anh em đang tìm cách gia cố lại. Đây chỉ là một vết nứt khá nhỏ nhưng nếu không được phát hiện và gia cố kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất hoạt động của máy, nếu để lâu có thể dẫn đến hư hỏng nặng nề.

Bên cạnh máy nén CO2 tại xưởng urê, máy nén không khí công nghệ đặt tại xưởng amo cũng là một hạng mục khó khăn không kém. Khi chúng tôi đến thăm anh em đang làm việc tại đây, Phó giám đốc Văn Tiến Thanh cũng đang có mặt. Hằng ngày, như mọi anh em công nhân, kỹ sư khác, anh Thanh luôn có mặt tại nhà máy từ rất sớm, trực tiếp theo dõi tiến độ công tác bảo dưỡng. Bất cứ hạng mục nào gặp khó khăn hay có trục trặc, anh đều có mặt ngay lập tức để xem xét tìm hướng xử lý.

Anh Thanh nói, sở dĩ đưa công tác bão dưỡng hai cỗ máy nén vào danh sách hạng mục đặc biệt quan trọng là bởi tất cả các phần việc như tháo dỡ, vệ sinh, kiểm định rồi đến lắp đặt, cân chỉnh đều mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Riêng việc tháo gỡ ra từng phần nhỏ của cỗ máy cũng phải mất 1-2 ngày. Sau đó những bộ phận quan trọng được đem về xưởng cơ khí đo đạc, xem xét độ ăn mòn. Trong trường hợp cần thiết phải thay mới rồi lắp ráp trở lại. Nếu ví việc tháo gỡ, kiểm định đòi hỏi độ chính xác 5 phần thì việc lắp đặt, cân chỉnh lại còn khó khăn gấp 10 phần. Bởi lẽ nếu công tác cân chỉnh, lắp đặt không  chuẩn, cỗ máy sẽ lập tức xảy ra sự cố. Với tốc độ vòng quay thấp nhất 7.200 vòng/phút, cao nhất 26.000 vòng/phút thì chỉ cần sai số rất rất nhỏ (1/1.000mm) trong lúc lắp đặt thôi cũng dẫn đến hư hỏng hoàn toàn.

Sức bật tuổi trẻ

Qua trao đổi trò chuyện với anh Nguyễn Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý bảo dưỡng, chúng tôi được biết thêm một câu chuyện khá thú vị về cỗ máy này. Năm 2012, vỏ máy nén không khí công nghệ gặp sự cố khiến toàn bộ nhà máy phải ngừng hoạt động. Có hai giải pháp được đưa ra lúc đó: thay mới hoặc chế tạo lại. Tuy nhiên, nếu đặt hàng để thay thế phải mất ít nhất 6 tháng nhà sản xuất mới có thể giao hàng. Chính vì vậy, phương án gia công chế tạo lại nhanh chóng được tiến hành. Thời điểm ấy, ban lãnh đạo PVCFC cũng đã mời thêm chuyên gia nước ngoài đến tư vấn và hỗ trợ anh em kỹ sư về mặt kỹ thuật. Điều đặc biệt là, sau khi so sánh phương án hai bên đề ra, phương án của đội kỹ sư PVCFC có phần thuyết phục hơn.

Cuối cùng, chính bằng trí lao động sáng tạo, thực lực của mình, các anh em công nhân, kỹ sư nhà máy đã khắc phục được sự cố, chế tạo lại ổ đỡ bi và cỗ máy nén đã hoàn toàn chạy tốt suốt từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, sự cố này thuộc về trách nhiệm của nhà sản xuất nước ngoài, nên trong đợt bảo dưỡng lần này, họ đã đúc lại cho nhà máy một bộ mới để thay thế. Hiện tại, việc đại tu máy nén không khí công nghệ vẫn đang tiếp tục diễn với 16 nhân lực nhà máy, dưới sự hỗ trợ của 3 chuyên gia nước ngoài cộng với một số nhân lực làm công tác phụ trợ đến từ các đơn vị khác.

Từ những ngày bắt đầu bảo dưỡng cho đến nay, toàn nhà máy không khi nào ngừng làm việc trước 19 giờ. Tất cả đều có một quyết tâm chung, là làm sao để hoàn thành bảo dưỡng đúng tiến độ đã đề ra. Hầu như ngày nào, chúng tôi cũng thấy Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến có mặt ở công trình để kiểm tra tiến độ bảo dưỡng, mặc dù khu nhà máy cách tổng công ty ngót gần 20km.

Còn anh Văn Tiến Thanh - người được Ban Tổng giám đốc PVCFC tín nhiệm giao nhiệm vụ tổng quản công tác sửa chữa bảo dưỡng thì luôn túc trực tại công trình, từ sáng sớm cho đến tận khi nhà máy lên đèn. Trong những ngày có mặt tại đây, chúng tôi lúc nào cũng thấy anh tất tả từ phân xưởng này đến phân xưởng khác trên chiếc xe đạp của mình. Tất cả các công việc, hạng mục từ lớn đến nhỏ anh đều nắm rõ như lòng bàn tay và khi có bất kỳ sự cố hay trục trặc kỹ thuật nào, anh cũng đều có mặt để trực tiếp theo dõi, đưa ra phương hướng giải quyết kịp thời.

Sức trẻ ở Đạm Cà Mau

Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến (phải) và Phó tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh trực tiếp kiểm tra các chi tiết sửa chữa của máy nén CO2

Nhớ lại thời điểm này cách đây một năm, bằng ý chí, sức trẻ của đội ngũ anh em kỹ sư, công nhân nhà máy, cộng với sự chỉ đạo sát sao và điều hành quyết liệt của Ban Giám đốc PVCFC, công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau được đánh giá an toàn, chất lượng; đội ngũ kỹ sư bảo dưỡng hoàn toàn làm chủ kế hoạch và tiến độ, đặc biệt là hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tất các các hạng mục bảo dưỡng đều hoàn thành đạt chất lượng theo yêu cầu mà không cần phải thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý và tổ chức bảo dưỡng. Qua quá trình kiểm soát các thiết bị, hệ thống công nghệ từ khi khởi động lại, các phân xưởng và các thiết bị nhà máy vận hành an toàn, ổn định theo đúng thiết kế và cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao.

Trong đợt bảo dưỡng năm nay, phải nói rằng, chính sự chủ động trong nắm bắt công nghệ và thực thi hiệu quả các chiến lược đào tạo con người đã đưa Nhà máy Đạm Cà Mau tự chủ hoàn toàn trong quá trình vận hành, tổ chức bảo dưỡng. Mọi quy trình kỹ thuật đều do các chuyên gia mang “thương hiệu Việt” của nhà máy đảm nhận, không cần phải thuê chuyên gia nước ngoài. Để có được kiến thức và bản lĩnh như thế phải kể đến các chương trình đào tạo bài bản, khoa học của PVCFC dành cho anh chị em cán bộ, công nhân viên, kỹ sư nhà máy. Điều này thể hiện rõ nhất bằng kết quả mà hơn 2 năm qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã đạt được. Đó là đi vào vận hành sản xuất ổn định ở công suất thiết kế và đưa ra thị trường gần 2 triệu tấn ure hạt đục. Trong 6 tháng đầu năm 2014, PVCFC đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ: sản xuất được 408,2 nghìn tấn sản phẩm urê chất lượng cao, đạt 109% kế hoạch; tiêu thụ 414,8 nghìn tấn, đạt 108% kế hoạch với tổng doanh thu đạt 3.143 tỉ đồng.

Nguyên Phương

DMCA.com Protection Status