Bà chúa tuồng Đàm Liên: Mê bóng đá, xem phim Hàn và... sống với tuồng

06:30 | 05/01/2013

1,139 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cảm nhận những đối cực trong con người tài hoa này, mới hiểu tại sao bà lại có sức cuốn hút đến thế: mạnh mẽ mà yếu mềm, sắc lạnh mà nồng ấm, “ngoa” nhưng lại rất đỗi dịu dàng... Ở tuổi 70 nhưng NSND Đàm Liên vẫn rất nồng nàn với tuồng bằng con tim chưa bao giờ nguôi nóng.

1. Nhắc đến Đàm Liên là người ta nhớ ngay đến tuồng. Bà cũng tự nhận rằng, nếu không nói về tuồng thì bà thấy mình thật vô duyên, bởi tất cả tình yêu và tri thức bà có được là dành cho tuồng. Không câu nệ, giấu giếm, bà thừa nhận, ban đầu đến với tuồng không phải vì tình yêu. Niềm đam mê của bà là dành cho điện ảnh. Song dường như là duyên nợ, nên bà đã đeo đuổi và từng bước chinh phục môn nghệ thuật truyền thống vốn đã rất kén người này. Đàm Liên tự hào: Đã là cái nghiệp của đời, mấy ai được nghề chọn như mình.

Bà là con nhà “nòi”, ông ngoại của bà là chủ một gánh hát bội (hát tuồng) nức tiếng một thời với biệt danh Bầu Leo của mảnh đất Phú Yên, nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật tuồng. Mẹ là nghệ nhân Trần Thị Bảy, đào chính của gánh hát, nổi tiếng xinh đẹp, tài năng. Bà cũng chính là người “dụ dỗ” Đàm Liên đến với tuồng. Đến tận bây giờ, khi nói về sự dụ dỗ ngọt ngào này, chúa tuồng vẫn thầm cảm ơn má, bởi nếu không đi theo con đường má chọn, sẽ chẳng có một Đàm Liên sống được trong lòng công chúng như ngày hôm nay.

NSND Đàm Liên

NSND Đàm Liên ghi dấu ấn trong lòng khán giả với gần 50 vai diễn, vai diễn nào cũng rất riêng, rất đậm... Người ta vẫn không thể quên những “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Trưng Nữ Vương”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”...  Từ vai diễn phức tạp đòi hỏi tính chuẩn mực, đến những vai diễn cần sự phá cách sáng tạo, bà đều hoàn thành một cách xuất sắc. Tự hỏi, sức mạnh nào giúp người nghệ sĩ ấy thành công đến vậy?

Những ngày đầu quyết tâm dấn thân với nghề là chặng đường gian nan nhất. Diễn tuồng không phải dễ, làm sao để công chúng hiểu được thông điệp của tuồng lại là việc cực kỳ khó. Bà cứ diễn và diễn, có những vở được diễn đi diễn lại cả trăm lần, mỗi lần diễn là một lần bà tự rút kinh nghiệm. Bà chủ động ghi lại tất cả những ý kiến khen, chê của khán giả, rồi tập lại để hoàn thiện cho những đêm diễn sau. Còn nhớ, khi nhận vai đào điên trong “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Bà đã phải cất công ra đường tìm kiếm những hình ảnh người điên thực sự. Tìm rồi cũng gặp, nhìn người phụ nữ điên lạc lõng giữa đoàn người, bà thực sự thương cảm nên cứ đứng lặng nhìn mà xót đau cho một số phận. Vì thế mà khi diễn, cái thần thái mà bà truyền tải cũng làm người xem bị ám ảnh. Từ ánh mắt hoảng loạn, ngây dại, lúc tỉnh, lúc say... thực sự sống động, lột tả hết cái thần của nhân vật.

Hay như trong màn “Ông già cõng vợ đi xem hội”, bà cũng trằn trọc từng đêm. Làm sao để nói được giọng của hai nhân vật cùng một lúc, làm sao phân thân được làm hai nửa, để diễn sao cho thực nhất từ điệu cười, ánh mắt, đôi chân run rẩy.... Cất công mày mò, cóp nhặt từ những chi tiết vụn vặt mà lại thành nhân vật của bà. Tiếng cười của ông già, bà bắt chước từ chính tiếng ồm ồm của chồng, đôi chân run rẩy là lúc bà thử nghiệm được khi cõng má, còn sắc thái chắc chắn là phải từ trái tim của người nghệ sĩ.

Theo bà thì, kỹ thuật thì có thể học, nhưng không ai dạy được cái sắc thái biểu cảm. Cái thần của vai diễn xuất phát từ chính trái tim người nghệ sĩ mới là điều đáng quý. Vậy nên, vai diễn nào bà cũng cố gắng vui cái vui, đau cái đau, điên cái điên... trong nhân vật của mình. Làm sao để khán giả cảm nhận được nhân vật một cách thực nhất mới là thành công của người nghệ sĩ.

2. Có ngồi xem bà diễn mới thấy được hết cái thần thái bà gửi gắm vào mỗi nhân vật. Đàm Liên tự nhận, cái được nhất trời đã ban cho bà là đôi mắt biết nói. Bà vẫn còn nhớ lời nhận xét của một khán giả: “Có thể rớt nước mắt cảm thương khi nhìn bà diễn đào bi trong “Phương Cơ giả điên qua ải”, nhưng cũng giật mình thảng thốt với sự ghê gớm của đào ghen trong “Bà huyện đánh ghen” và kiên nghị với đào võ trong “Trưng Nữ Vương”. Còn điệu cười thì có lẽ, bà là người duy nhất tiếp thu được 36 điệu cười của NSND Sáu Lai.

Theo bà thì, tiếng cười trong tuồng không phải là cái cười cơ học nên rất khó tập. Khó chứ không phải không làm được, nên chỉ tính riêng cái cười trong vai đào điên bà đã thể hiện trong đó đủ ba sắc cười, lúc trầm, lúc bổng, lúc chơi vơi. Chả thế mà, cùng với thành công của điệu cười thì đến nay công trình nghiên cứu của bà đã có tới 36 điệu cười của vai diễn nam và 18 điệu cười của vai nữ. Có lần, khán giả quá khích mong muốn được nghe những điệu cười trong tuồng xem Đàm Liên biến hóa ra sao. Không ngần ngại, trong 5 phút bà đã đưa khán giả đi đến từng cung bậc của cảm xúc: Thương với cái cười sảng hoảng, man dại của đào điên, thán phục cái cười rất đanh thép của Trưng Trắc, tủm tỉm với cái cười tự mãn và cay cú của ông già cõng vợ... Tất cả biến hóa không ngừng và đầy ấn tượng. Đó cũng là thành quả của một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ của bà chúa tuồng.

3. Không ngạc nhiên khi Đàm Liên lại là người đầu tiên phá cách tuồng. Bấy lâu, nhắc đến tuồng người ta nói đi “xem tuồng” chứ mấy ai lại “nghe tuồng”. Ấy thế mà Đàm Liên đã cùng với chồng của mình - NSND Vĩnh An đã có ý tưởng táo bạo đó. Và lần đầu tiên, đưa tuồng lên sóng phát thanh đã đạt được hiệu ứng đáng kể. Có người khen, kẻ chê, nhưng với riêng Đàm Liên đó là sự thỏa mãn.

Theo “chúa tuồng” thì, người nghệ sĩ phải luôn tự hỏi, tại sao khán giả lại dần quay lưng với mình. Nghệ thuật đòi hỏi phải luôn có sự đổi mới, ngay cả nền nghệ thuật truyền thống. Truyền thống là ta giữ được những gì thuộc về bản sắc, còn không thể cứ tự bằng lòng và diễn theo lối mòn. Cũng cùng một nhân vật, cùng một nội dung nhưng mỗi thời mỗi khác. Vì thế người nghệ sĩ cũng phải biết làm mới mình, chuyển tải được thông điệp đến với khán giả, tìm được chỗ đứng trong lòng họ mới là thành công.

Đàm Liên hồi trẻ

Vì thế mà bao năm qua, NSND Đàm Liên vẫn miệt mài nghiên cứu thể nghiệm, để làm sao tuồng đến gần hơn được với công chúng. Mỗi khi nghe tuồng, khán giả như được tái hiện hình tượng nhân vật bằng chính ngôn ngữ và giọng điệu của tuồng. Theo bà thì nắm được thị hiếu khán giả đã là một thành công. Bấy lâu nay, “Ông già cõng vợ đi xem hội” là vở đã đem đến cho Đàm Liên nhiều danh tiếng nhất và xác lập kỷ lục với hơn 2.000 xuất diễn. Nhưng ít ai biết rằng, vở tâm đắc hơn với bà là vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Theo bà thì thành công của “Ông già cõng vợ đi xem hội” là bởi nắm được thị hiếu khán giả. Nó bình dân, vấn đề đặt ra khá phổ thông, ngôn ngữ tuồng thể hiện trong vở mang tính chất giải trí mà dễ hiểu. Còn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” lại là một giá trị, thuộc dạng hàn lâm bác học, nên kén người xem hơn. Hiểu được vấn đề này, NSND Đàm Liên luôn đau đáu một điều, làm sao để tuồng đến gần với công chúng nhất.

Bà không phải là nhà nghiên cứu nhưng lại có rất nhiều công trình có giá trị về nghệ thuật biểu diễn tuồng. Những vở tuồng cổ được bà khéo léo cách tân, hợp thời nhưng vẫn không xa rời bản sắc, được chuyển thể và đưa lên đài phát thanh. Chỉ nghe thôi, cũng có thể hình dung được từng cử chỉ, điệu bộ của diễn viên tuồng. Ban đầu, ý tưởng này không được ủng hộ, vì có nhiều ý kiến cho rằng, bà đã “phá tuồng”. Nhưng đến nay, chương trình vẫn được tiếp sóng hằng tuần trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó được xem là thành công của NSND Đàm Liên.

4. Cả cuộc đời đắm đuối với tuồng, gian nan nhiều nhưng nghệ thuật cũng đáp đền lại NSND Đàm Liên bằng những niềm vui bất ngờ. Bà còn nhớ, lần đầu tiên theo mẹ tập kết ra Bắc năm 16 tuổi, hai chị em bà (cùng với Đàm Thanh - PV) đã vinh dự được diễn cho Bác Hồ xem. Khi diễn xong vở “Trưng Trắc đề cờ” hai chị em bà đã được Bác khen và mọi người nồng nhiệt đón nhận. Chú Vũ Kỳ, thư ký của Bác còn gọi bà với cái tên thân thuộc “Cô Trưng Trắc của Bác Hồ”. Cảm giác xúc động nghẹn lời đó bà sẽ chẳng bao giờ quên.

Còn những khán giả vì “yêu” Đàm Liên rồi mới yêu đến tuồng thì nhiều vô kể. Đó là những chuyến đưa tuồng đi dọc dài đất nước. Nhắc đến những kỷ niệm này, bà không khỏi xúc động. Bà cũng cho biết, “chúa tuồng” không phải xuất phát từ Việt Nam, mà là do những khán giả nước ngoài yêu mến gọi đầu tiên. Bà còn nhớ, trong một lần lưu diễn tại Đức, sau khi xem bà diễn, không khỏi thán phục tài năng của cô gái Việt, họ đã ùa đến quanh bà, ngưỡng mộ gọi bà với cái tên đó. Khi phiên dịch dịch lại, không khỏi ngỡ ngàng bà đã bật khóc. Cái tên Đàm Liên được gắn liền với chúa tuồng từ đó.

Những chuyến lưu diễn vùng sâu, vùng xa, bà con chỉ cần nghe tiếng có “Ông già cõng vợ đi xem hội” là nô nức kéo đến. Có người đến chỉ vì sự tò mò, được tận mắt chiêm ngưỡng đôi “móng vuốt” của bà chúa tuồng, nhiều người nghi ngờ, đôi bàn tay có gì mà mê hoặc đến thế. Người già chiêm ngưỡng, giới trẻ trầm trồ. Bà bảo: Khán giả ở thế hệ mình nhận ra Đàm Liên là một lẽ đương nhiên. Nhưng sau này cả khi về hưu, bà vẫn hay bị các bạn trẻ kéo lại chỉ để xem có phải cô Đàm Liên thực hay không? Chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm bà thực sự xúc động. Như vậy là phần nào Đàm Liên đã có được chỗ đứng trong lòng khán giả. Làm người nghệ sĩ, còn gì vui hơn thế. Những khó khăn, vất vả không nghĩa lý, bà tâm sự: “Có chỗ đứng trong lòng công chúng như vậy là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật mà mình đã đạt được”.

5. Với bà, đứng trên sân khấu là lúc biết mình vẫn còn được sống, đứng trên giảng đường là lúc được cống hiến, còn trong căn nhà nhỏ sẽ là góc để bà chiêm nghiệm cuộc đời. Góc nhỏ ấy lưu giữ những kỷ niệm đẹp của bà với người chồng quá cố NSND Vĩnh An, người đã được biết đến với những sáng tác đi cùng năm tháng như: “Nắng ấm quê hương”, “Đi tìm người hát Lý thương nhau”, “Dấu chân trên rừng”... Bà tự nhận, ban đầu đến với ông không phải vì tình yêu, mà chỉ là niềm cảm phục. Tình yêu với bà đến tận bây giờ vẫn vỏn vẹn hai từ trắc trở.

“Bà chúa tuồng” trong vở “Ông già cõng vợ đi xem hội”

Có sức cuốn hút, xinh đẹp và tài năng, hơn nữa lại nổi tiếng từ rất sớm, Đàm Liên được rất nhiều chàng trai theo đuổi cả trong nghề lẫn khán giả, cả trong nước lẫn nước ngoài. Nhưng cũng chính cái sự “đào hoa” đó đã đem đến cho bà ít nhiều phiền toái. Mối tình đầu của bà được gửi gắm cho anh chàng Ba Lan có đôi mắt xanh quyến rũ. Nhưng những nông nổi của tuổi trẻ, cộng với quá nhiều khoảng cách của hai con người, ở hai đất nước đã kéo họ xa nhau. Sau này, người đàn bà tài sắc ấy còn trải qua nhiều mối tình dang dở, cuộc tình nào cũng đẹp nhưng hồi kết đẹp lại được dành cho người chung tình, chịu đựng hy sinh nhất là NSND Vĩnh An.

Nhắc đến ông, bà bất chợt thổn thức, bởi bà đã nợ ông quá nhiều. Bà kể: Ông hơn bà những 15 tuổi, quen nhau từ những ngày bà đi lưu diễn ở miền Trung, lúc đó ông là Trưởng đoàn Văn công Quân khu IV. Trong những ngày lưu diễn ấy, ông là người luôn đứng sau cổ vũ, đợi bà diễn xong thì tặng cho bà những đóa hoa rừng. Không mấy ấn tượng nhưng bỗng một ngày bà thấy ông xuất hiện và thông báo chuyển về Hà Nội làm, khiến bà quá đỗi bất ngờ. Đương thời người đời vẫn truyền nhau câu hát: “Nực cười nhạc sĩ Vĩnh An, bỏ ra Hà Nội vì nàng Đàm Liên” là như thế. Ông đã chinh phục được “sầu nữ tình yêu” bởi chính sự chân thành, mộc mạc đó.  Sau này, ông vẫn luôn là người đứng bên cạnh động viên vợ trên con đường hoạt động nghệ thuật. Đến giờ với bà, ông vẫn như một người anh, người bạn, người thầy luôn lặng thầm đứng sau cổ vũ cho con đường nghệ thuật mà bà theo đuổi. Một điều làm bà thấy ân hận là, lúc biết trân trọng và dành hết tình yêu cho ông thì ông lại ra đi.

Bà tâm sự: Người ta cứ nhìn vào vẻ ngoài tài sắc và những thành công của bà mà ngưỡng mộ. Nhưng mấy ai hiểu được nỗi cô đơn trong lòng bà. Những năm tháng khóc cười một mình, tủi cho phận mình không biết tỏ cùng ai, bà lại tìm đến tuồng như một niềm an ủi. Những lúc thảng thốt mà than: “Ngàn cây ngủ hết rồi, làm sao nghe tôi khóc” mà tự thương cảm cho mình.

Trái tim đa cảm của người nghệ sĩ thật nhiều khát khao. Ẩn sau cái khát khao ấy là một lý trí mãnh liệt. Khóc rồi cười ngay như muốn giấu những khoảng lặng cho riêng mình. Bà hồ hởi kể hai sở thích đặt cạnh nhau tưởng chừng như vô duyên là: Yêu bóng đá và thích xem phim Hàn. Bóng đá cho bà một nhịp sống mạnh mẽ hơn, cuồng nhiệt hơn...còn phim Hàn lại cho bà cảm nhận được những cung bậc tình cảm có khi là “rất sến” nhưng lại nghe được từng nhịp đập từ trái tim mình. Thế mới hiểu, những đối cực trong con người tài hoa này mới làm nên một “bà chúa tuồng” đặc biệt đến thế.

NSND Đàm Liên, tên thật là Đàm Thị Liên, sinh năm 1943 tại tỉnh Phú Yên. Là nghệ sĩ Đoàn Tuồng dân ca khu 5 (1958), nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam (1975).

“Bà chúa tuồng” Đàm Liên đã để lại được dấu ấn trong lòng công chúng bao thế hệ với những vai diễn ấn tượng như: “Trưng Trắc đề cờ”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Phương cơ giả điên”, “Bà huyện đánh ghen”... Hơn nữa, bà còn tạo được dấu ấn trong những bộ phim kinh điển như: “Đêm hội Long Trì”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”... Đến nay, bà vẫn lăn lộn với sân khấu tuồng, chuyên tâm giảng dạy và viết nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống này.


Huyền Anh

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.