Bài ca đi cùng năm tháng

16:10 | 27/07/2012

1,958 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tôi đến Thành cổ Quảng Trị một ngày tháng 7 cũng đầy nắng như thế này. Những vạt cỏ xanh mướt cao ngang thắt lưng nằm im lìm trong cái nắng mùa hè thiêu đốt, lặng nghe câu chuyện về những chiến sĩ cộng sản vượt sông Thạch Hãn, những con người quên mình vì Tổ quốc…

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi, ngàn năm”

(Lê Bá Dương)

Mỗi miền đất đi qua đều để lại trong lòng những xúc cảm mới, ấn tượng mới, thậm chí những chộn rộn mới. Quảng Trị - mảnh đất nơi khúc ruột miền Trung thân thương của đất nước, từng có khu phi quân sự vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam Bắc, và là nơi máu xương bao con người đã đổ xuống trong những tháng ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào khúc ca này, rất đỗi tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở:

“Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hi sinh cho mảnh đất quê mình”.

Với “Cỏ non Thành cổ”, Tân Huyền đã gọi về một miền thương nhớ những thế hệ tóc xanh ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì sự bình yên. Màu cỏ xanh mướt non tơ trong nhạc phẩm chứa đựng tất cả mọi xúc cảm mà bất cứ ai một lần đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị đều thấu hiểu và trân trọng: bi tráng, hào hùng, da diết, xót thương, tiếc nuối. Màu cỏ ấy hòa quyện cả vào những ca từ, giai điệu và góp phần khắc họa tượng đài người chiến sĩ cách mạng kiên cường trong nền âm nhạc Việt Nam. Ngoài “Cỏ non Thành cổ”, Tân Huyền có một loạt những ca khúc khác như: “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” thậm chí là ca khúc thiếu nhi. Thế nhưng, cứ nhắc đến Tân Huyền là người ta nhớ đến “Cỏ non Thành cổ” như một lời tri ân những ngày tháng 7 bỏng cháy sục sôi hay tri ân chính tâm hồn nghệ sĩ đáng trân trọng này.

Cũng viết về chủ đề người chiến sĩ, đúng hơn nữa là người thương binh trở về từ chiến trường với chiếc nạng gỗ và cây đàn guitar đi khắp xóm làng, nhưng nhạc phẩm “Vết chân tròn trên cát” của “chàng lãng tử Hà Thành” Trần Tiến lại mang đến cho người nghe những cảm xúc hoàn toàn khác.  Hình ảnh “những gót chân son vui quanh dấu chân tròn” trong nhạc phẩm của ông khiến người nghe không cầm được nước mắt:

“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi
Anh thương binh vẫn đến trường làng

Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương
Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời
Bài hát có đồng lúa miên man câu hò
Bài hát có người lính đã hy sinh rất âm thầm
Cho hôm nay những gót chân son
Vui quanh vết chân tròn ...”

Nhạc sĩ Trần Tiến ôm đàn say sưa hát ca khúc "Vết chân tròn trên cát"...

Năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhạc sĩ Trần Tiến bắt gặp những dấu nạng in hằn lên cát biển. Ông dò hỏi những người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát ngay trên đường trở về và đặt tên là “Vết chân tròn trên cát”… Ca khúc được rất nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích và nhiều ca sĩ trình bày. “Vết chân tròn trên cát” đã thực sự in dấu lại trong những trái tim Việt Nam hôm nay.

“Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn, để lại một bài ca trên cát trắng bao la...”

Những ngày tháng 7, vẫn nghe vang lên đâu đó những bài ca không quên - “Cỏ non Thành cổ”, “Vết chân tròn trên cát”, “Đời mình là một khúc quân hành”, “Màu hoa đỏ” … v.v để mãi mãi khắc ghi công ơn của một lớp người đã ngã xuống hay mang trên mình những vết thương không thể nào xóa nhòa cho hạnh phúc và bình yên hôm nay.

Một số ca khúc nhạc đỏ về người chiến sĩ cách mạng Việt Nam nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7:

Cỏ non Thành cổ - Nhạc sĩ: Tân Huyền

Vết chân tròn trên cát – Nhạc sĩ: Trần Tiến

Màu hoa đỏ - Nhạc sĩ: Thuận Yến

 

Hương Mai

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.