Bình chọn lắm, tranh cãi nhiều

07:00 | 16/01/2013

684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất cứ một game show tìm kiếm tài năng hay truyền hình thực tế nào mà kết quả phụ thuộc vào tin nhắn bình chọn đều vướng nhiều nghi vấn của thí sinh, công chúng về tính hợp lệ, độ chính xác.

Câu chuyện ồn ào nhất trong giới showbiz tuần qua có lẽ là chuyện tranh cãi giữa chương trình “Bài hát yêu thích” và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương xung quanh giải thưởng 1,3 tỉ đồng trao cho ca khúc “Chiếc khăn piêu”, sáng tác Doãn Nho, ca sĩ trình bày Tùng Dương. Nguyên nhân của lùm xùm này xuất phát từ những nghi vấn, hay nói chính xác hơn là Lưu Thiên Hương cho rằng, có dấu hiệu tiêu cực, không minh bạch trong việc đánh giá tính hợp lệ của tin nhắn bình cho ca khúc của cô sáng tác, ca khúc “Người hát tình ca” do ca sĩ trẻ Uyên Linh thể hiện của Ban Tổ chức (BTC) 

Một ngày trước lễ trao giải năm của chương trình, cuộc cạnh tranh giữa “Chiếc khăn piêu” và “Người hát tình ca” gây ồn ào, khi ấy phần thắng nghiêng về ca khúc của nhạc sĩ họ Lưu. Song, khi BTC tiến hành xóa bớt lượng tin nhắn bình chọn “ảo” theo quy định cuộc thi vào phút chót đã khiến ca khúc “Chiếc khăn piêu” vươn lên dẫn đầu vì “Người hát tình ca” bị hủy đến hàng chục nghìn tin nhắn bình chọn được cho là “ảo”. Không những thế, ca sĩ Uyên Linh và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương còn khiếu nại về việc ghi nhận bình chọn bằng lượt nghe - xem cho bài hát này trên website. Theo họ, khi click vào nghe ca khúc “Người hát tình ca” thì lượt nghe không tăng lên trong khi nghe cùng máy ấy với “Chiếc khăn piêu” thì có kết quả, đó là gian dối.

Lưu Thiên Hương phản đối chiến thắng của “Chiếc khăn piêu”!

Chưa thể bàn đến chuyện đúng sai, minh bạch xung quanh việc này khi chưa có sự  điều tra, vào cuộc của cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, người thắng, kẻ thua trong một sân chơi, một cuộc thi tương tự như thế này đâu phải là điều quá quan trọng, trong khi niềm tin khán giả vào những chương trình sử dụng hình thức nhắn tin bình chọn bằng điện thoại, click bình chọn trên mạng đã cạn dần. Bởi thực chất rất khó xác định tính hợp lệ của những tin nhắn và độ chính xác thường là không cao.

Như ở chương trình “Bài hát yêu thích”, BTC cũng đã đề ra những quy chế nhằm để đảm bảo tính công bằng. Phần thứ nhất, việc nghe bài hát trên website thì BTC quy định mỗi máy trong một ngày chỉ được website chương trình ghi nhận tối đa 10 bình chọn, tương đương 10 lượt nghe cho một bài hát; và chỉ cho phép mỗi trình duyệt được mở một cửa sổ để nghe. Với phương thức bình chọn này thì việc kiểm tra tính hợp lệ tương đối dễ dàng, những gian dối dễ ngăn chặn và phát hiện nên hiện tượng “ảo” ít khi xảy ra.

Song, vấn đề nằm ở phần thứ hai, tin nhắn bình chọn của khán giả qua điện thoại. Cách thức cho một thuê bao nhắn nhiều tin bình chọn nhưng phải là “thuê bao chính chủ” không chỉ có ở “Bài hát yêu thích” mà trong nhiều cuộc thi diễn ra hiện nay đã tạo nên vô vàn rắc rối cho BTC trong việc kiểm tra đâu là tin nhắn hợp lệ, đâu là tin nhắn từ “sim rác”. Bởi có một thực tế luôn tồn tại rằng, thí sinh huy động, hoặc tự thân những người hâm mộ, gia đình, người thân mua sim khuyến mãi về để thực hiện việc nhắn tin bình chọn thay vì chỉ qua thuê bao mà họ dùng. Và mọi việc kiểm tra xuất phát từ trực giác, như bà Huyền Thanh, Phó BTC chương trình “Bài hát yêu thích” cũng cho biết, khi thấy một bài hát có tỷ lệ bình chọn vượt ca khúc khác quá 20% thì lập tức đưa vào diện tình nghi và tiến hành kiểm tra bằng biện pháp kỹ thuật, một số còn kiểm tra bằng cách thức gọi lại thuê bao ấy.

Thoạt tiên, có vẻ như chuyện kiểm tra tin nhắn điện thoại này là hoàn hảo, chính xác nhưng xác suất của nó là khá cao; đặc biệt, trực giác của con người không bao giờ là thước đo của sự đánh giá chuẩn xác, đầy đủ! Ở các cuộc thi “Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol” hay “Giọng hát Việt - The Voice”… đều sử dụng tin nhắn bình chọn của khán giả làm kết quả chung cuộc. Và không ít trong số những cuộc thi ấy cũng vướng đầy nghi vấn về sự minh bạch, chính xác, song hầu như đều rơi vào im lặng!

Tuy Hương Giang trong “Vietnam Idol” đã rời cuộc chơi nhưng thí sinh chuyển giới này vẫn gây nhiều tranh cãi về tin nhắn bình chọn. Rất nhiều tuần Hương Giang luôn dẫn đầu về tỷ lệ bình chọn trên mạng và nhiều lần nằm trong top an toàn vì tin nhắn bình chọn qua tổng đài của cô luôn cao hơn những thí sinh khác. Trong khi giọng hát của Hương Giang thì chưa bao giờ nhận được lời khen từ giám khảo, với hầu hết khán giả xem chương trình, nếu không nói là quá tệ để có thể đi đến những vòng cuối của một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc như Idol. Có thể nói, không cần phải vận dụng trực giác, sự bất hợp lý đã quá rõ ràng, vấn đề không ai chạm đến nghi vấn ấy. Tất cả những thắc mắc, đòi hỏi về sự minh bạch trong tỷ lệ tin nhắn bình chọn của khán giả trong “Vietnam Idol” từ báo chí đều bị BTC khước từ với lý do: Tuân thủ theo kịch bản chương trình!

Hay một hệ quả khác của việc nhắn tin bình chọn còn thể hiện ở cuộc thi đình đám nhất hiện nay: “Giọng hát Việt”. Cuộc thi có cách thức bình chọn rất vô lý là khán giả được quyền nhắn tin bình chọn trước một tuần khi đêm thi và công bố kết quả diễn ra, thay vì kể từ sau đêm diễn như ở các cuộc thi khác. Vì vậy mà không ít lần, ngay trong đêm thi có những thí sinh tỏa sáng nhưng vẫn bị loại, trái lại những thí sinh có nhiều fan thì nghiễm nhiên đi tiếp mặc dù có tiết mục trình diễn nhạt nhòa. Chính cách thức bình chọn hết sức vô lý này đã làm cho kết quả không còn phản ánh đúng thực tế trong đêm thi và tình cảm của số đông khán giả dành cho thí sinh.

Trở lại chuyện giải thưởng “Bài hát yêu thích” 2012, nếu bỏ qua những chuyện lùm xùm thì “Chiếc khăn piêu” chiến thắng là xứng đáng. Ca khúc mang âm hưởng miền núi phía Bắc này đã có “57 năm tuổi đời”; trước đây là một ca khúc trúc trắc, có ca từ khó hát nhưng Tùng Dương thể hiện được điều đó cũng như xóa được khoảng cách thế hệ bằng sự nhiệt tình, sự sáng tạo và những cảm xúc thổi vào ca khúc này. Anh đã biến ca khúc trở nên sôi động, trẻ trung, đậm đà chất Việt qua một bản hòa âm đầy tinh tế. Còn đối với “Người hát tình ca” của Lưu Thiên Hương, đó là một ca khúc nhạc trẻ hiện đại khá hấp dẫn, song để nói về sự đặc biệt thì không thể sánh với đối thủ “Chiếc khăn piêu”!

Vụ lùm xùm này càng thêm chứng minh một điều rằng, các công cụ hiện đại, việc click chuột, nhắn tin điện thoại đã góp phần phá vỡ tính minh bạch trong việc bình chọn của khán giả trong các cuộc thi, tìm kiếm tài năng. Điều này góp phần làm khán giả, kể cả những nghệ sĩ chân chính mất lòng tin về sự công bằng của những cuộc chơi nghệ thuật, cũng như việc không còn nhiều người tin vào những gương mặt được gọi là “nghệ sĩ do khán giả bình chọn” nữa!

Vì vậy, nếu những sân chơi nghệ thuật đang tồn tại không có những cải tiến trong quy định, thể lệ, cũng như sự chi tiết, minh bạch trong việc bình chọn, đánh giá kết quả thì đến ngày dòng chữ “Game over” sẽ dành cho chương trình! Những “Vietnam Idol”, “Bài hát yêu thích”… đang tiệm cận điều đó!

Trúc Vân

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.