Ca sĩ Đăng Dương: Tôi và nhạc đỏ

08:10 | 29/08/2012

1,874 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là dòng nhạc chính thống, nhạc “đỏ” hay còn gọi là nhạc cách mạng được coi là thể loại sang trọng, kén người nghe, kén không gian, sân khấu biểu diễn không kém Opera. Trong thời kinh tế thị trường hiện nay, đặc biệt là trước sự sôi động của nhạc nhẹ, nhạc thị trường, thì nhạc đỏ đang “sống”, phát triển như thế nào cũng như tương lai của nó ra sao?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ca sĩ Đăng Dương, một trong những tên tuổi gắn liền với dòng nhạc cách mạng cùng với các ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ... để thông qua cuộc đời, sự nghiệp của anh có thể hiểu rõ về dòng nhạc này hiện nay.

“Nhí” nhưng lại thích hát nhạc đỏ

PV: Thuộc thế hệ 7x, sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, thế nhưng anh lại chọn dòng nhạc cách mạng cho sự nghiệp ca hát của mình. Có thể hiểu điều này như thế nào, thưa anh?

Ca sĩ Đăng Dương: Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống ca hát, không ai là nghệ sĩ, ca sĩ mà chỉ là cán bộ viên chức bình thường. Thế nhưng ngay từ nhỏ, khi biết nói, biết nghe nhạc thì tôi rất thích hát, thích lắm ấy. Miệng lúc nào cũng hát. Ai bảo hát là hát ngay, không ngượng ngùng, xấu hổ, kể cả giữa đông người. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, ở quê tôi cứ tổ chức chương trình gì có biểu diễn văn nghệ là tôi tham gia liền và biểu diễn một mình, hát một mình như... ca sĩ thật.  Mà đáng lẽ ở tuổi khoảng lên 10 ấy, tôi phải thích nhạc thiếu nhi. Nhưng tôi lại thích những bài hát cách mạng, yêu những bài hát cách mạng vô cùng như thể tôi được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ ấy để cảm nhận rõ tinh thần một thời kỳ của dân tộc để rồi thể hiện ra bên ngoài rất có hồn. Vì hồi đó, tôi nhớ trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật gì đó, có chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu”, phát chủ yếu những bài ca cách mạng (bây giờ mình gọi là nhạc đỏ), chỉ cần nghe hai, ba lần là tôi thuộc ngay và hát không sai một nốt. Sau này, khi đã học thanh nhạc thì tôi còn biết thêm hồi đó, giọng tôi không bị phô, ngược lại còn nhiều người khen hay nữa. Chính vì vậy, tôi nhất quyết xin bố mẹ cho tôi được học nhạc ở Nhạc viện Hà Nội (bây giờ gọi là Học viện Âm nhạc Quốc gia).   

PV: Nhưng hồi đó, anh theo học đàn bầu trước khi học hát?

Ca sĩ Đăng Dương: Đúng rồi. Vì lúc tôi vào Nhạc viện Hà Nội mới 10 tuổi. Mà tuổi đó thì chưa thể học thanh nhạc được do giọng hát chưa ổn định, còn vỡ giọng theo tuổi tác. Phải đến năm 18 tuổi mới được học thanh nhạc theo quy định của Nhạc viện. Bởi vậy, trước khi đủ tuổi học hát, tôi chọn học đàn bầu của cô Thanh Tâm. Học đến đại học năm thứ 2, tôi mới thôi và chỉ chuyên tâm học hát.

Ca sĩ Đăng Dương

PV: Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi vì sao mình chọn dòng nhạc cách mạng?

Ca sĩ Đăng Dương: Như đã nói là tôi mê những ca khúc cách mạng từ bé nên khi tuyển vào Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội, tôi xác định sẵn trong đầu là chỉ theo đuổi dòng nhạc này. Tuy nhiên, hồi đó - cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 - dòng nhạc nhẹ bắt đầu phát triển với những giọng ca “hút hồn” như Thanh Lam, Hồng Nhung... với nhiều ca khúc trữ tình nở rộ rất hay và ngay cả trong đào tạo, xu hướng cũng nặng về nhạc nhẹ. Tôi nhớ như in, lúc chọn bài để luyện thanh nhằm thi tuyển vào khoa, thầy Trần Hiếu (NSND Trần Hiếu) cũng chọn và luyện cho tôi ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu” của nhạc sĩ Phú Quang, một ca khúc của giọng nữ và đúng dòng nhạc trữ tình. Nói vậy, để thấy mặc dù đào tạo chính thống, nhưng khoa thanh nhạc thời kỳ đó cũng bị cuốn theo thị hiếu âm nhạc của số đông. Thế mà tôi cũng hát được và trúng tuyển với ca khúc này. Đỗ vào khoa thanh nhạc, mặc dù với ca khúc như vậy, với dòng nhạc như vậy, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định theo con đường mà mình đã lựa chọn...

PV: Ngay cả khi anh thấy rõ sự phát triển của dòng nhạc này có thể lắm chông gai thời kỳ đó, do không được số đông khán giả “chuộng”?

Ca sĩ Đăng Dương: Thì như tôi đã nói ngay cả đến xu hướng đào tạo của một cái nôi nghệ thuật hàn lâm nhất quốc gia như Nhạc viện Hà Nội còn thiên về nhạc nhẹ thì chắc chắn sự phát triển của dòng nhạc chính thống, dòng nhạc cách mạng sẽ rất khó khăn, không thể “bì” với thể loại âm nhạc chiếm được số đông khán giả. Và không những tương lai của dòng nhạc cách mạng mở ra trước mắt với con đường nhiều gập ghềnh mà việc học tập của những sinh viên theo học dòng nhạc này cũng rất vất vả, khổ luyện gấp bội lần so với dòng nhạc nhẹ. Nhưng rất may, khi tôi gặp thầy Kiên (NSND Trung Kiên) để được thầy luyện thanh, rèn giũa thì sự thể đã đổi thay.

PV: Sự thay đổi ấy như thế nào, thưa anh?

Ca sĩ Đăng Dương: Lúc đó, thầy Trung Kiên đã nắm giữ cương vị lãnh đạo ở cơ quan cấp Cục (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) rồi Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), với vai trò của một nhà quản lý, đồng thời với trách nhiệm của một nghệ sĩ thuộc dòng nhạc chính thống, thầy Kiên đã nắn được dòng chảy của thể loại âm nhạc này. Thấy rõ xu hướng đào tạo của Nhạc viện Hà Nội, thầy đã chấn chỉnh công tác đào tạo và đề ra chủ trương phải chú trọng đào tạo dòng nhạc chính thống và không chỉ khởi xướng bằng lời, thầy còn hành động ngay bằng cách: Tập hợp lại tất cả những sinh viên thanh nhạc thuộc dòng nhạc chính thống và lựa chọn trong số đó những sinh viên có tiềm năng, chuyên môn tốt để trực tiếp luyện thanh. Và trong số những sinh viên đó, duy nhất mình tôi “lọt” được vào mắt thầy Kiên.

PV: Hồi đó, những sinh viên lựa chọn con đường như anh có nhiều không?

Ca sĩ Đăng Dương: Chỉ đếm trên đầu ngón tay, không nhiều. Vì hầu hết sinh viên thanh nhạc đều đi theo con đường nhạc nhẹ, rất được chuộng lúc bấy giờ.

PV: Để nhớ về thầy Trung Kiên, anh sẽ nói điều gì?

Ca sĩ Đăng Dương: Đó là một người kỹ tính, rất có trách nhiệm và say mê công việc của mình. Biết định hướng tốt cho sinh viên trên bước đường tương lai và nhìn ra thế mạnh của sinh viên cực kỳ chính xác, đặc biệt là trong việc giao bài (để luyện và hát). Chính thầy là người đã khuyên tôi nên chuyên tâm vào một lĩnh vực là hát thôi. Vì việc học tập một chuyên môn này đã đủ vất vả, khổ luyện lắm rồi. Nếu ôm đồm thêm cả học đàn bầu nữa thì không những bị phân tâm mà thời gian còn không đủ để học. Và khi đã không đủ để học, lại bị phân tâm thì dễ dẫn đến nghề nào cũng dở dang, khó thành công. Do đó, mặc dù đã học lên đến đại học năm thứ 2, nhưng tôi quyết định dừng học đàn bầu và chỉ học thanh nhạc.

Mò kim đáy biển

PV: Phải chăng với một người thầy tâm huyết, nhạy cảm với nghệ thuật như vậy cùng với một học trò như anh, đã thay đổi được tương lai của cả một dòng nhạc?

Ca sĩ Đăng Dương: Không phải vậy, mà trước tiên ở đây phải là sự định hướng. Nếu sự định hướng đó đúng đắn sẽ dẫn theo cả một đoàn tàu chạy đúng trên con đường của mình để về tới đích đúng như mong muốn. Còn nếu định hướng sai, sẽ làm cho đoàn tàu trật khỏi đường ray và lật đổ. Ở đây, ý tôi muốn nói từ chủ trương của thầy Trung Kiên, xu hướng đào tạo của Nhạc viện Hà Nội đã trở về đúng với quỹ đạo xứng với vai trò, tầm vóc của nó và quan trọng là xu hướng đào tạo đó đã có những thành quả nhất định để rồi khán giả đón nhận nó nhiều hơn, nồng nhiệt hơn. Và để đạt được kết quả như vậy, là sự lao động, cống hiến của cả một tập thể chứ không phải của riêng ai.

PV: Cụ thể thành quả mà anh vừa nói đến là gì?

Ca sĩ Đăng Dương: Sau tôi 2 khóa thì đã có nhiều sinh viên theo học dòng nhạc này hơn và trong số ấy không thể không nhắc đến tên tuổi làm rạng rỡ dòng nhạc chính thống như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh. Cụ thể hơn nữa, khi còn là sinh viên, trong cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 1995, với bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, một ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng “chính hiệu”, tôi đã đoạt giải nhất. Hay cũng trong năm này thì lần đầu tiên tổ chức cuộc thi hát thính phòng quy mô toàn quốc lần thứ nhất và tôi cũng đoạt giải nhất cuộc thi ấy. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, sự hồi sinh của dòng nhạc cách mạng mà theo tôi đánh dấu bằng sự đón nhận của khán chính là tôi đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn với ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” cùng một số ca khúc cách mạng khác.

PV: Hình như, doanh nhân là bố của ca sĩ Tùng Dương còn mời anh sang Nga biểu diễn?

Ca sĩ Đăng Dương: Sau khi xem biểu diễn ở trong nước, với tư cách là một doanh nghiệp, nhà tổ chức, đúng là bố của ca sĩ Tùng Dương đã mời tôi sang Nga biểu diễn những ca khúc cách mạng.

PV: Như vậy, có thể nói từ giữa thập niên 90, dòng nhạc cách mạng đã trở lại thời kỳ hào hùng không kém gì so với thời mà những tác phẩm đó ra đời?

Ca sĩ Đăng Dương: Đúng thế. Nó là bước ngoặt của dòng nhạc chính thống thời bấy giờ.

PV: Nhưng đối với một dòng nhạc, bị giới hạn bởi thời gian, không gian, số lượng... vì hầu hết các ca khúc đều ra đời trong thời kỳ kháng chiến thì sự duy trì và phát triển dòng nhạc đó liệu có lâu bền trong tương lai?

Ca sĩ Đăng Dương: Đối với những ca sĩ thuộc dòng nhạc này và nhất là với những người đã đứng trên bục giảng như tôi, không khỏi băn khoăn về điều ấy, mặc dù nghệ thuật không phân định bất kể điều gì. Chỉ cần mang giá trị đích thực thì nó tồn tại mãi mãi. Minh chứng là có nhiều tác phẩm, ca khúc âm nhạc ra đời đã cách đây hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn là những tuyệt tác của nhân loại, được coi là kinh điển của nền âm nhạc nói chung. Tuy nhiên, nó vẫn có khó khăn, ấy chính là những ca sĩ kế tục. Về nguyên nhân khách quan, do nhạc chính thống kén người nghe, khán giả không đông bằng nhạc trẻ, do đó đời sống của ca sĩ thính phòng không thể bằng ca sĩ nhạc trẻ dễ kiếm tiền hơn, thời gian học lại lâu phải 8 năm ròng rã nên ít sinh viên theo dòng nhạc này. Về nguyên nhân chủ quan, dòng nhạc chính thống đòi hỏi người theo phải có năng lực thực sự, chịu khó học tập, khổ luyện, vì vậy không nhiều người đáp ứng được. Hiện nay, trước khi đào tạo một lớp nào đó về dòng nhạc chính thống, tôi vẫn luôn thẳng thắn với các em: Phải xác định trước, theo đuổi sự nghiệp này rất gian khổ, không đơn giản, dễ dàng như dòng nhạc khác nên nếu cảm thấy đáp ứng được thì hãy theo không thì chuyển ngành nghề lập tức khi có thể.

PV: Nói vậy, nghĩa là dòng nhạc chính thống để tồn tại, phát triển phụ thuộc phần lớn vào công khổ luyện của ca sĩ trong khi năng khiếu không được xem là “bí quyết” song song?

Ca sĩ Đăng Dương: Ngành nghề nào cũng cần có tinh hoa nhưng sau những thành công nhất định trong sự nghiệp, tôi đúc kết rằng, với nghệ thuật nói chung và dòng nhạc cách mạng nói riêng, yếu tố này càng cần phải có để anh sáng tạo, tạo nên dấu ấn riêng không giống ai và làm nên giá trị đích thực của nghệ thuật. Nói một cách cụ thể hơn nữa, anh cần phải có sự nhạy cảm hơn người, cảm thụ và biểu đạt hơn người, để mang đến cho ca khúc cái “hồn” đúng theo tinh thần của tác giả. Sự khổ luyện sẽ giúp cho những tố chất này của anh bừng sáng.

PV: Nếu vậy, ngoài tên tuổi Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh thì chưa thấy tên tuổi nào tiếp theo nhỉ?

Ca sĩ Đăng Dương: Có lẽ thế. Mặc dù Nhạc viện đang đào tạo hàng chục em theo đuổi nhạc đỏ nhưng chưa thấy ai nổi lên để có thể đứng tiếp tục trong đội ngũ đã gắn tên tuổi của mình với dòng nhạc này, dẫu rất nhiều em chăm chỉ học tập. Nói chung tài năng vẫn như “tìm kim đáy biển”.

PV: Thế đã bao giờ vì “có thực mới vực được đạo” mà sinh viên bỏ nhạc đỏ để theo đuổi sự nghiệp khác, mặc dù có năng khiếu hẳn hoi không, thưa anh? 

Ca sĩ Đăng Dương: Tôi vẫn nói với các sinh viên về điều này: Ngày trước, khi ngồi trên giảng đường như họ, tôi cũng phải làm thêm, đi biểu diễn kiếm tiền để bảo đảm cuộc sống của mình. Tuy nhiên, phải biết điểm dừng ở đâu để nhận định rõ “lấy ngắn nuôi dài” như thế nào. Có như vậy, sự nghiệp mới thành công mà cuộc sống vẫn bớt đi khó khăn. Chứ lao như tên bắn theo sự nghiệp “ăn sổi” thì rồi cuối cùng chẳng đạt được gì cả, có khi tay vẫn trắng tay.

Tôi mãn nguyện với lựa chọn của mình

PV: “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, “Việt Nam quê hương tôi”... đã gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của anh. Thế nhưng, nếu cứ hát đi hát lại mãi những bài như vậy, có khi nào anh cảm thấy nhàm không?

Ca sĩ Đăng Dương: Nói thật là có chứ, nhất là những lúc biểu diễn ở một sân khấu không đủ điều kiện về âm thanh, ánh sáng, lại chơi nhạc điện tử... Lúc đó biểu diễn có thể nói lý trí nhiều hơn là cảm xúc. Nhưng nếu biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng, với sân khấu hoành tráng như Nhà hát Lớn, chỉ riêng những điều kiện đó thôi đã tạo cho ca sĩ cảm xúc vô bờ bến và đến khi biểu diễn thì như lần đầu tiên mình hát.

Bộ ba ca sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàng

PV: Còn áp lực khi biểu diễn những ca khúc đó thì sao. Vì đã có nhiều nghệ sĩ đi trước thành công và “đóng đinh” trong đầu khán giả với những những bài hát đó?

Ca sĩ Đăng Dương: Áp lực như vậy thì không. Vì mình phải có sự tự tin của mình, vào sự sáng tạo, cảm thụ của mình. Nếu để mình rơi vào áp lực như vậy, có khi dẫn đến hiệu quả ngược là không thành công.

PV: Với sự tự tin và thành công nhất định như vậy trong dòng nhạc mà anh đã lựa chọn, chắc là anh có thể hoàn toàn yên tâm sống với nghề mà không phải làm “tay trái tay phải”nghề khác như nhiều nghệ sĩ nhỉ?

Ca sĩ Đăng Dương: Thể loại âm nhạc này có thể nói đã “nuôi” tôi rất tốt, cho tôi một cuộc sống ổn định với những điều kiện được bảo đảm mà nhìn lên tất nhiên không thể bằng... đại gia, nhưng nhìn xuống thấy nhiều nghệ sĩ còn khổ hơn mình.

PV: Tuy nhiên, có lúc nào anh cảm thấy vẫn chạnh lòng vì học tập, theo đuổi dòng nhạc chính thống vất vả thế, gian khổ thế vậy mà cuối cùng so với nhạc trẻ khán giả vẫn không đông bằng, vì vậy đời sống kinh tế cũng không giàu có bằng v.v...

Ca sĩ Đăng Dương: Khi lựa chọn dòng nhạc này thì như tôi đã nói với bạn rồi đấy, tôi nhìn thấy tất cả những gì sẽ diễn ra từ thị trường, khán giả, đời sống kinh tế... của nó so với nhạc trẻ. Nhưng tôi đã quyết định như vậy nên tôi không có gì ân hận hay chạnh lòng cả. Tôi hoàn toàn mãn nguyện với lựa chọn của mình và đáp lại lựa chọn đó, nhạc đỏ đã mang lại cho tôi cuộc sống tốt.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Trong khi nhiều đồng nghiệp và bạn bè của Đăng Dương lần lượt có những dự án kết hợp với các ca sĩ dòng nhạc đương đại, anh vẫn tiếp tục trung thành với dòng nhạc cổ điển và nhạc cách mạng, dòng nhạc không thuộc thị hiếu của khán thính giả hiện đại. Đăng Dương thừa nhận rằng,  chưa bao giờ anh thử hát nhạc nhẹ, hoặc nếu có thì cùng lắm là nhạc bán cổ điển. Đối với nhạc truyền thống và nhạc đỏ, anh cũng rất thận trọng trong việc phá cách vì theo Đăng Dương, thể loại nhạc này mang tính chuẩn mực cao và việc làm mới chúng rất khó.

Đăng Dương lập gia đình với Kim Xuyến, một ca sĩ hát nhạc nhẹ của Đoàn Quân khu 2, sau rời đoàn về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Việc rời bỏ nghề hát cũng như môi trường quân đội của Đoàn Quân khu 2 được đánh giá là một sự hy sinh rất lớn của Kim Xuyến dành cho Đăng Dương. Kim Xuyến cũng giúp đỡ chồng mình rất nhiều trong nghiệp ca hát và trở thành hậu phương lớn cho Đăng Dương.


Tú Anh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)