Cánh diều đang thiếu “gió”!

07:00 | 05/03/2013

1,618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Cánh diều vàng 2012” đang đón nhận sự thờ ơ của nhiều nhà làm phim lớn, khi thể loại phim điện ảnh tham gia tranh giải có số lượng chỉ bằng nửa năm trước. Có thể nói “cánh diều” đang chới với vì thiếu “gió”!

Đến hẹn lại lên, giải thưởng điện ảnh được cho là danh giá nhất, giải Cánh diều vàng được tiến hành để vinh danh các tác phẩm và người làm phim điện ảnh, truyền hình xuất sắc trong năm 2012 vừa qua. Theo thông tin mà phía nhà tổ chức cuộc thi, Hội Điện ảnh Việt Nam cung cấp thì năm nay có tất cả 10 phim điện ảnh tham gia (tính luôn phim “Mùa hè lạnh” vừa bất ngờ tham gia là 11 phim). Phim truyện truyền hình có 18 phim với 460 tập tất cả. Ngoài ra còn có cá thể loại khác như phim hoạt hình, phim ngắn, phim tài liệu…

Ở thể loại phim điện ảnh, thể loại luôn được công chúng đặc biệt quan tâm thì đang khiến nhiều người thất vọng vì thiếu vắng phim hứa hẹn làm nên cuộc tranh giải kịch tính đó là “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Vắng phim ấn tượng đã đành, số lượng phim tranh giải ở thể loại này cũng thấp khi chỉ có 11 phim tham gia. Bi kịch hơn, trong số đó có đến gần 1/3 là những phim bị liệt vào danh sách thảm họa, có phim còn chưa được trình chiếu rộng rãi.

Giải Cánh diều vàng

Vì sao số lượng phim tham gia lại lèo tèo đến vậy? Trước tiên câu trả lời đến từ lời thừa nhận não lòng của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, đồng thời là nhà biên kịch, thành viên Ban Tổ chức cuộc thi. Bà nói có gọi điện đến đạo diễn Ngô Quang Hải để đề nghị anh mang phim “Mùa hè lạnh” đến tham dự giải nhưng anh này kiên quyết không bắt máy! Sau đó bà còn “hạ mình” gọi điện cho diễn viên trong phim, đó là Lý Nhã Kỳ để nói về lời mời của Ban Tổ chức nhưng kết quả… vẫn là sự thờ ơ!

Song, trong sáng ngày 4/3 Ban Tổ chức bất ngờ công bố rằng “Mùa hè lạnh” đã có mặt trong danh sách các phim tranh giải. Sự thay đổi ý định đột ngột vào phút chót này của đạo diễn Ngô Quang Hải là một dấu hỏi lớn bởi trước đó anh gần như kiên quyết từ chối! Và sự có mặt của “Mùa hè lạnh” có thể phần nào tăng cường chút gió cho cánh diều bay lên nhưng nó không thể phủ nhận một điều rằng, giải thưởng không còn hấp dẫn với nhiều người.

Với phim “Mỹ nhân kế” của Nguyễn Quang Dũng cũng vậy, Ban Tổ chức cũng rất nhiệt tình gửi lời mời tham dự giải nhưng thư đi mà tin không lại! Câu hỏi đặt ra là vì sao bà Ngát hay Ban Tổ chức nói chung lại mời mọc nhiệt tình đến vậy? Không khó để trả lời câu hỏi này vì nhà tổ chức giải thưởng nào mà không biết rằng để có một lễ trao giải đặc sắc thì tác phẩm dự thi phải đặc sắc và phong phú chứ không thể hy vọng vào bất kỳ một hình thức nào để khỏa lấp. Lễ trao giải năm nay không có những phim hay như mong đợi, hẳn Ban Tổ chức đang rất buồn, bà Ngát cũng buồn lắm, điều đó thể hiện rõ trên khuôn mặt bà trong buổi họp báo vừa qua.

Nhưng vì sao “hai ông lớn” của mùa giải năm nay lại thờ ơ và lạnh nhạt với một giải thưởng danh giá như vậy!? Làm nghệ thuật hay bất cứ lĩnh vực nào bất cứ ai cũng muốn những lao động và cống hiến của mình được ghi nhận, mà cụ thể là qua các giải thưởng như Cánh diều vàng. Ban Tổ chức chắc rất trăn trở đến câu hỏi này, song hẳn họ cũng dễ dàng biết được lý do rằng uy tín và chất lượng giải thưởng này đang ngày càng tụt giảm nghiêm trọng bởi “diều vàng” đã trao “nhầm địa chỉ”!

Nói đâu xa, ngay trong mùa giải trước hồi đầu năm 2012, Cánh diều vàng đã trao cho hotgirl Elly với vai diễn đầu tiên trong phim truyền hình “Khát vọng thượng lưu” danh hiệu là Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất! Cánh diều năm ấy trên tay Elly chưa kịp bay đã bị ném đá tơi tả vì dư luận cho rằng cô không xứng đáng. Họ kết tội Ban Giám khảo đã hơi lệch lạc khi một vai diễn hết sức bình thường lại được vinh danh trong khi rất nhiều diễn viên khác vượt trội hơn thì trắng tay. Có lẽ Ban Giám khảo muốn khích lệ nhân tố mới chăng? Nhưng đó cũng lại là một sai lầm bởi nghề của hotgirl này không phải là nghề diễn, nghề của cô là nghề “cởi” trong các bộ ảnh thiếu vải thừa da thịt trên các trang báo mạng. Và thực tế chứng minh, diều vào tay Elly nhưng không bay lên được, suốt năm qua cô cũng chỉ quanh quẩn mấy bộ ảnh mát mẻ với vòng một căng tròn rồi thôi!

"Thiên mệnh anh hùng" đang là ứng viên sáng giá nhất

Trở lại chuyện nhiều nhà làm phim chẳng mặn mà với giải thưởng này, đạo diễn Dũng “khùng” hay Ngô Quang Hải không giải thích lý do nhưng ta cũng ngầm hiểu rằng họ sợ chuốc lấy tiếng thất bại vô lý trước những đối thủ có thể không xứng tầm hơn khi biết đâu năm nay diều vàng lại trao nhầm địa chỉ thì sao!? Huống gì với những người như Dũng “khùng” thì anh cũng không mặn mà lắm với một giải thưởng mà uy tín và chất lượng đang đi xuống. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên những giải thưởng điện ảnh ở Việt Nam “không nhận được sự chú ý của các nhà làm phim”. Còn nhớ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 diễn ra vào tháng 12/2011, “Hotboy nổi loạn...” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có tham gia Liên hoan Phim nhưng đoàn làm phim không có mặt và sau đó chính anh cũng thừa nhận rằng mình “không quá mặn mà với các giải thưởng”.

“Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Lý thuyết về tiêu chí giải thưởng Cánh diều vàng mà Ban Tổ chức cho biết là như thế đấy. Song, từ lý thuyết đến thực tế bao giờ cũng là một quãng đường khá xa, thậm chí rất xa! 

Trong các phim điện ảnh tham gia giải thì “Cát nóng” của đạo diễn Lê Hoàng và “Lạc lối” của NSƯT Nhuệ Giang không nằm trong danh sách công chiếu rộng rãi cho công chúng mà “chỉ có Ban Giám khảo mới được xem”. Công chúng chưa được xem thì làm sao nói phim “đạt hiệu quả xã hội tích cực” như tiêu chí được?! Chưa kể, phim “Cát nóng” của đạo diễn Lê Hoàng trong lần trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã bị liệt vào danh sách phim “thảm họa”, thậm chí nó còn được so sánh với bộ váy trong suốt phản cảm của người đẹp Hồng Quế trong sự kiện đó. Ngoài ra các phim đã trình chiếu như:“Gia sư nữ quái, Nhà có 5 nàng tiên” đều bị đánh giá rất thấp về mặt nghệ thuật, còn bị liệt vào dạng “hài nhảm”.

Theo quy chế giải thưởng năm nay mà Ban Tổ chức công bố thì Ban Giám khảo sẽ đánh giá chất lượng phim bằng cách thức chấm điểm (phiếu kín) theo khung điểm 10. Theo đó, phim đạt Cánh diều vàng phải có điểm số trung bình 9,1-10 điểm; Cánh diều bạc là 8,1-9,0 điểm; Bằng khen phải có điểm số trung bình 7,1-8,0 điểm. Quy chế là thế song thực tế sẽ có sự thiếu nhất quán khi xảy ra chuyện không có một phim nào đạt đủ 9,1-10 điểm, hoặc có đến 2 phim trở lên cùng có số điểm 9,1-10 điểm. Vấn đề này đã được báo chí nêu ra và thực tế các giải thưởng khác cũng từng gặp. Đại diện Ban Tổ chức, bà Ngát khẳng định nếu không đủ điểm sẽ không có giải Vàng. Song bà cũng không quên lần nữa thú nhận chân thành rằng: “Quyền quyết định tất cả vẫn thuộc về Ban Giám khảo!”.

Vẫn chưa thể biết Cánh diều vàng năm nay sẽ trao vào tay ai cho đến tối ngày 9/3 tới, “Thiên mệnh anh hùng” của Victor Vũ, một ứng cử viên sáng giá nhất hay một phim nào khác!? Song việc giải thưởng năm nay có rất ít phim tham gia, số lượng chỉ bằng 1/2 mùa giải năm trước trong khi lượng phim sản xuất ra trong năm thì nhiều hơn là một điều đáng để nhà tổ chức suy nghĩ. Sự thờ ơ của những “ông lớn”, những phim, những đạo diễn có tiếng đang làm cho cánh diều bay chấp chới và ngày càng theo chiều… tiếp đất!

Không riêng gì Cánh diều vàng mà hàng loạt các giải thưởng âm nhạc, điện ảnh khác như Làn sóng xanh, Mai vàng… cũng đang phải đón nhận sự thờ ơ, lạnh nhạt từ người làm nghệ thuật chân chính. Bởi một khi uy tín và chất lượng giải thưởng đã tự đánh mất mình qua những lần “trao nhầm” thì giải thường ấy chẳng còn ý nghĩa nào đối với họ, họ quay lưng là một lẽ đương nhiên!

Trúc Vân

 

 

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...