Còn cháy mãi ánh chớp lửa đạn

10:51 | 23/07/2012

2,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhà báo - chiến sĩ - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, phóng viên TTXVN chỉ cầm máy trên 2.000 ngày nhưng đã để lại một bộ sưu tập ảnh chiến tranh khá đồ sộ. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của ông, NXB Thông tấn đã giới thiệu tập sách ảnh “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” tập hợp khoảng 200 bức ảnh của ông từ năm 1966 đến 1972.

“Có những nhà nhiếp ảnh sinh ra để sẵn sàng đem tính mạng của mình đổi lấy những bức ảnh máu lửa, chân thật. Nghĩa Dũng như một hình mẫu để làm công việc hệ trọng này. Chỉ có ông và những người như ông mới đủ sức lăn đi, lộn lại nơi khói lửa, ngẩng cao đầu giữa những làn bom đạn mà chụp ảnh. Chỉ có ông và những người như ông mới nhìn thẳng vào họng súng và cột khói bom, thu vào ống kính những ánh chớp, những quầng lửa hào hùng và bi tráng của cuộc chiến, mà từ đó bừng sáng lên những gương mặt cương nghị, sắt đá, phi thường của người lính quyết tâm bảo vệ Tổ quốc”.

Những chia sẻ như vậy về nhà báo, nhà nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng được chia sẻ trong cuốn sách ảnh của ông “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” vừa được NXB Thông tấn ấn hành. Sách giới thiệu gần 200 tấm ảnh của ông trong số hàng ngàn tấm ảnh mà ông đã ghi được từ những chuyến đi chiến trường ác liệt từ năm 1966-1972. Kết lại hàng loạt chuyến đi dữ dội ấy, ngày giải phóng Quảng Trị 1/5/1972, ông hy sinh khi bám theo xe tăng truy kích địch. “Đấu pháo ở Dốc Miếu” của ông được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng truy phong ông tước hiệu “Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam”.

Hy sinh của ông và sự dấn thân đầy quả cảm, không mệt mỏi với nghề khiến nhiều đồng nghiệp cảm kích, khâm phục. Xuất thân là thầy giáo Trường bổ túc văn hóa Tổng cục Chính trị, năm 1965-1966 ông học lớp Nghiệp vụ phóng viên ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1966 ông trở thành phóng viên ảnh được Tổng cục Chính trị biệt phái sang tổ ảnh quân sự của Thông tấn xã Việt Nam. Gò lưng trên chiếc xe đạp hoặc bám theo ôtô với những người lính trẻ vào chiến trường, với balô, bao gạo, bi đông, súng ngắn như một người lính thực thụ, thêm máy ảnh, thuốc tráng, giấy tờ sổ sách… ông lặn lội trong khói bom và mùi thuốc súng, giữa những quang cảnh tàn phá ác liệt. Ông có mặt ở nhiều trận địa cao xạ, tên lửa bảo vệ các trọng điểm giao thông của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… cùng các sân bay, bến cảng, hải đảo như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Hòn Ngư…

Đồng nghiệp vẫn nhớ sự xông xáo của Lương Nghĩa Dũng trong những trận đánh dữ dội, để có được những bức ảnh ghi lại khí thế tiến công dũng mãnh của quân ta hay cảnh tên lửa rời bệ, đạn vụt khỏi nòng pháo… ông phải đứng ở nhiều vị trí nguy hiểm và đã nhiều lần chết hụt khi vừa kịp rời đi trước khi hầm nổ tung, đứng trên nóc chuồng gà bị bom hất văng lên cao, rồi bị bom ép, bị đất đá vùi lấp… Lương Nghĩa Dũng theo Đoàn 559 Tây Quảng Bình, vào Chiến dịch Khe Sanh 1968, rồi đường Trường Sơn Nam vĩ tuyến 17, đường Trường Sơn Nam Lào, có mặt ở Chiến dịch Cánh đồng Chum – Mường Xủi (Lào), Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, rồi mặt trận Quảng Trị.

Nhưng càng gian nan, ác hiểm, ông càng miệt mài nhập cuộc để kịp gửi về hậu phương những bức ảnh rực cháy không khí chiến đấu của quân và dân ta trên những tuyến đầu, những đôi mắt sáng, ánh nhìn mạnh mẽ của người chiến sĩ lúc lâm trận, hay những phút thảnh thơi của chiến sĩ, dân quân trong ngày tháng cái chết luôn rình rập. Những bức ảnh sôi nổi và gấp gáp đó được giới thiệu trong cuốn sách ảnh: “Cảnh Đại đội 2”, “Pháo cao xạ Hải Phòng đánh trả máy bay Mỹ ngày 12-8-1967”, “Đại đội 1, không quân anh hùng chuẩn bị xuất kích”, “Chiến sĩ thông tin Lê Ngọc Sơn”, “Tiểu đoàn 2 thông tin – Đoàn Vận tải quân sự Quang Trung”, “Trung đội Thanh niên xung phong 2D đường bộ”, “Quảng Bình sửa đường nơi vừa bị máy bay Mỹ đánh phá”, “Lính Vàng Pao và lính Thái Lan bị đưa về trại giam”… Hàng trăm bức ảnh “là dung mạo, là hơi thở cuộc chiến vừa hào hùng, vừa bi tráng, khốc liệt…”.

Đại tá Trần Dũng – nguyên Trưởng phòng Thông tấn Quân sự Tổng cục Chính trị, nhớ lại: “Cứ ai đó nhắc đến Nghĩa Dũng dù vui hay buồn, tôi đều nhớ đến hình dáng cao gầy, hơi gù, nước da mai mái vì sốt rét rừng. Chưa bao giờ anh từ chối chuyến đi nào, dù dài hay ngắn ngày, chiến trường xa hay gần, một chiến dịch hay một trận đánh. Có lần ở đơn vị về chưa kịp đặt balô, thấy anh em chuẩn bị đi, Nghĩa Dũng lại gạ: “Tiện thể sẵn balô, máy, phim đây, cho tớ đi ké luôn”. Thế là lại lên đường với chiếc xe đạp “đầy sẹo”, không phanh, không chuông, không chắn bùn”.

Ông ra đi và ở lại với ký ức Quảng Trị 40 năm trước. Nhưng qua cuốn sách và những bức ảnh của ông, hình ảnh nhà báo gan dạ và dấn thân Lương Nghĩa Dũng vẫn có thể như một nguồn khích lệ nhiệt thành với các nhà báo trẻ.

“Những câu chuyện nho nhỏ, những việc làm bình thường của anh, càng ngày càng cảm hóa tôi. Điều tôi học tập được ở anh là sự dũng cảm, tinh thần khẩn trương, sự hiểu biết, tự rèn luyện và cách làm việc. Nó là yếu tố làm cho chuyến đi thành công và cũng từ đó con người tôi trưởng thành lên”. (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành – nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh TTXVN, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Hai phóng viên ảnh của Mỹ Horst Fass và Tim Page, những người đã từng chụp ảnh ở Chiến trường Đông Dương, đã thực hiện bộ sách ảnh Requiem (Hồi niệm) nổi tiếng thế giới, giới thiệu 144 nhà nhiếp ảnh trên thế giới ở hai phía đã ngã xuống trên Chiến trường Đông Dương. Sách do Nhà xuất bản Random New York ấn hành. Họ đã chọn ra 16 ảnh của Nghĩa Dũng giới thiệu trong cuốn sách này và trân trọng, đánh giá cao sự nghiệp của anh.

 

Xuân Bách