Đạo diễn buồn và buồn vì đạo diễn

08:42 | 28/09/2012

616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đạo diễn sân khấu khát khao sáng tạo bị chặn đứng “từ trong trứng nước” cũng có, mà đạo diễn “công lực kém” làm hỏng sân khấu cũng là một thực trạng. Đó là chia sẻ và nhận định mới đây của nhiều nghệ sĩ đã và đang dấn thân vào công tác này.

Bơ vơ trong “nhà” mình!

Những năm qua địa hạt sân khấu xuất hiện thêm nhiều đạo diễn mới. Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 vừa qua cũng ghi nhận sự khẳng định của một lớp người gọi là mới nhưng thực ra đã quen mặt, bởi nhiều người vốn xuất thân từ diễn viên, đã gặt hái nhiều thành công, hoặc cũng đã trình làng một số vở do mình đạo diễn, gây chú ý. Nhưng đằng sau sự xuất hiện, khẳng định này là những tâm sự lắm khi không mấy vui vẻ của những người được trao quyền làm “vua sân khấu” nhưng thực tình cũng đang phải ngậm ngùi.

Khởi nghiệp đạo diễn khi mà trên đầu còn phủ những cái bóng đồ sộ của các đạo diễn “đắt sô” thuộc vào lớp cha chú, những người mới háo hức muốn làm nhiều hoặc có việc để mà làm cũng khó! Thậm chí có những đạo diễn “bơ vơ” ngay trong “nhà” là nhà hát, đoàn nghệ thuật mà mình đầu quân. Thực tế đời sống sân khấu cho đến gần đây vẫn còn kéo dài tình trạng có những đơn vị sân khấu mà hầu hết các vở được dựng đều rơi vào tay lãnh đạo đơn vị đó. Cho nên, hầu như nhà hát, đoàn sân khấu nào cũng thường trực hơn một đạo diễn “phó thường dân” nhưng đối với nhiều người, cơ hội được dựng vở hầu như không đến tay. Ít cơ hội dàn dựng, không mấy khi xuất hiện với vai trò đạo diễn nên nhiều người đã ở vào cái cảnh “cười như mếu” - được gọi là đạo diễn trẻ. Mặc dù về tuổi tác thì chỉ chục năm, non chục năm nữa họ đã về hưu! NSƯT đạo diễn Tuấn Hải của Nhà hát kịch Việt Nam than thở: “Chúng tôi chẳng còn mới nữa, nhưng quá ít, thậm chí không có cơ hội cọ xát. Thế hệ chúng tôi thiệt thòi!”. Bản thân Tuấn Hải cũng đã từng 10 năm “ngồi chơi xơi nước”. Anh thẳng thắn vạch ra một trong những “căn bệnh” sân khấu: Nếu ở nhà hát, giám đốc là đạo diễn thì hầu hết các vở do ông đó làm. Có trường hợp giám đốc còn hoang tưởng nghĩ là mình có trình độ. Chúng tôi chỉ có “cửa ngoài” là đi dựng ở các đơn vị khác trong và ngoài Hà Nội.

Quả thực, nhìn vào danh mục tác phẩm được dựng của các “đạo diễn trẻ” như NSƯT Tuấn Hải, NSƯT Anh Tú, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh… có thể thấy “gia tài” của họ rất khiêm tốn so với thế hệ trước đã và đang tung hoành, đã có đến hàng chục, hàng trăm vở “lận lưng”. Mà ở Hà Nội thì các “đạo diễn trẻ” còn có ít cơ hội, chứ ở các tỉnh thì thật chẳng biết đến bao giờ. NSƯT đạo diễn Trần Quang Hùng - Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội ái ngại rằng, có nhiều đạo diễn chưa có vở mới. Điều này cho thấy họ chưa được tạo điều kiện. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, đạo diễn từng dàn dựng nhiều vở cũng băn khoăn, lĩnh vực tuồng, 5, 6 đạo diễn ra nhưng không có vở! Có trường hợp đơn vị không dùng người nhà mà đi mời người bên ngoài, không am hiểu về đặc trưng sân khấu tuồng nên vở thành “xôi đỗ”. Theo ông Thọ, chúng ta cần “cảnh tỉnh” các “ông” chỉ đạo nghệ thuật và giám đốc. Nếu không rất dễ rơi vào chủ quan!

Cảnh báo “đa” danh “thiểu” thực!

Bên cạnh những nỗi buồn thường trực của các đạo diễn “chưa gặp thời”, chưa gặp vận may thì với nhiều người quan sát đời sống sân khấu lâu nay, cũng có không ít mối lo lắng, băn khoăn về chất lượng đạo diễn. Ái ngại về hoàn cảnh của nhiều đạo diễn, nhưng cũng đã có không ít phàn nàn về công tác này. Ông Thọ nhắc nhở: Mong các anh chị không chủ quan với việc đạo diễn của mình. Trân trọng nghề nghiệp đến mức ghê gớm mới có giá trị nghệ thuật. Chứ nếu cứ “văn mình vợ người” thì nguy cho sự nghiệp sân khấu chung. Nhìn chung nhiều bạn đang có xu hướng “hơi bị” chủ quan. Một số đạo diễn là giám đốc có khi còn chủ quan gấp đôi! Ông Thọ cảnh báo: Cẩn thận không chúng ta đang nghiệp dư hóa nghề nghiệp cao quý!

NSND họa sĩ Doãn Châu bộc bạch: “Có thể nói tôi là người làm việc với nhiều đạo diễn nhất! Từ thế hệ các thầy như Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Ngô Y Linh… cho đến Doãn Hoàng Giang, Ngô Xuân Huyền… và các đạo diễn trẻ gần đây. Nhưng bây giờ thì buồn nhiều hơn vui!”. Nhấn mạnh một số kinh nghiệm đúc rút cả đời của mình, ông Châu cho rằng, làm thì phải có bài bản, từ kịch bản đến diễn viên. Cái này thì đạo diễn phải lo lắng, phải làm việc với từng bộ phận, cá nhân. Chứ cứ như hiện nay, có khi đạo diễn chỉ vạch vạch vài cái là họa sĩ làm, hoặc đạo diễn cứ kệ cho họa sĩ nhặt nhạnh nhạc các nơi để cho vào làm âm nhạc của vở.

Nhìn lại thế hệ “vàng” của đạo diễn sân khấu, không ít người e ngại khi liên hệ đến đội ngũ làm công tác đạo diễn nói chung của thời buổi hiện tại. Làm nhanh, làm vội, làm chưa tới, thiếu sáng tạo, ít hoặc không có cái lạ… là những hạn chế thường thấy. Đạo diễn NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu nhận xét: Chúng ta đã từng chờ đợi để được “hưởng thụ” tác phẩm của thế hệ “vàng”. Nhưng bây giờ thì hiếm đạo diễn thực hiện được chức năng dự báo của nghệ thuật sân khấu. Đã xem khoảng 7 vở chuẩn bị tham dự liên hoan sân khấu cải lương thời gian tới, ông Chức băn khoăn: Không có nhiều yếu tố mới. Vấn đề thách thức hiện nay là sẽ có cái gì mới để mang đến liên hoan cải lương sắp tới sẽ diễn ra tại Đồng Nai?

Công tác đạo diễn đang phát triển theo hướng bình đẳng hơn khi một số đạo diễn mới được nhìn nhận, đánh giá tốt, được mời dựng vở nhiều hơn, bù lại cho cảnh lâu nay “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Nhất là vào các kỳ hội diễn trước kia, chỉ có một số cái tên đạo diễn “chia nhau” hết các vở. Nhưng tình hình chỉ mới cải thiện chút ít, vẫn còn đó nhiều nghệ sĩ mang danh đạo diễn mà phải chờ đợi mỏi mòn. Bên cạnh đó, lo lắng của nhiều nghệ sĩ đi trước hẳn không thừa, các đạo diễn mới, đang đến và sắp đến thời của mình, hãy cẩn thận! Kẻo lớp người mới không tạo nổi bước tiến rõ nét của sân khấu mà lại thành bước lùi hoặc chững lại. Bản thân sự chững lại đã là bước lùi!

Muốn thành đạo diễn giỏi cũng khó đấy! Đó là nhận định của GS.TS.NSND Đình Quang, như NSƯT Lê Chức gọi một cách cung kính: “Thầy của các đạo diễn!”. Theo Đình Quang, làm đạo diễn phải được đọc, được nghe, được xem, được làm và được góp ý đúng và trúng. Nhưng ở ta lâu nay thì đọc, nghe, xem, làm đều ít và những lời góp ý cũng không đến mức - GS nhấn mạnh: “Khuôn vàng thước ngọc!”. Ông đặt câu hỏi: So với đạo diễn các nước, một năm anh đạo diễn ta làm được bao nhiêu?

Lưu Nguyễn

(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.