Đi tìm sự “bình đẳng” cho phim truyền hình và điện ảnh

09:01 | 29/07/2012

1,655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần đây, trên kênh VCTV2 đài truyền hình cáp Việt Nam, cứ vào 2 tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ 20 giờ đến 22 giờ, phát lại một số phim truyện nhựa Việt Nam như: "Con chim vành khuyên", "Ván bài lật ngửa", "Chị Dậu", "Tây Sơn hào kiệt" v.v… được người xem hoan nghênh.

Việc làm này là rất đáng trân trọng, cần được khuyến khích để tiếp tục phát huy tác dụng những tác phẩm điện ảnh có giá trị từng có hiệu ứng xã hội một thời, nay rất cần các thế hệ hậu sinh biết đến. Những bộ phim này đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị, theo thời gian lại càng sáng đẹp như những viên ngọc lung linh không lớp bụi nào có thể che mờ.

Một cảnh trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"

Người viết bài này không có ý nhắc lại, bình luận gì thêm về những tác phẩm điện ảnh đó, chỉ xin được bàn đôi điều về một vấn đề, bắt đầu từ dòng chữ xuất hiện ở phía dưới màn hình khi những bộ phim trên được phát. Đó là dòng chữ: “Phim điện ảnh” chiếu vào các tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần từ 20 giờ đến 22 giờ trên VCTV2”. Người xem hiểu vào thời gian trên, sẽ phát những phim truyện nhựa do các hãng sản xuất, chứ không phải là phim truyền hình. Như vậy, trong giới chuyên môn (làm phim), đã xuất hiện một khái niệm được nhiều người thống nhất: phim điện ảnh (PĐA) và phim truyền hình (PTH). PĐA còn gọi là phim nhựa. Nhà quay phim ghi hình ảnh vào những cuốn phim nhựa. Khi chiếu ở rạp phải đưa những cuốn phim vào máy chiếu, hình ảnh hiện ra trên màn ảnh. Còn PTH thì người quay phim ghi hình vào băng video hoặc đĩa, rồi phát trên sóng truyền hình. Như vây PĐA hay PTH chỉ là vấn đề chất liệu dùng để ghi hình ảnh, chứ không phải phương tiện chuyển tải hình ảnh đến người xem, vì PĐA vẫn chiếu trên tivi và ngược lại, phim video đem chiếu ở rạp. Nhưng chỉ phim nhựa mới gọi là tác phẩm của nghệ thuật điện ảnh, còn PTH thì không. Các Liên hoan phim trên thế giới cũng chỉ thu nạp PĐA, chứ không chấp nhận PTH như ở ta, bởi họ không cho đó là tác phẩm của nghệ thuật điện ảnh, mặc dù công nghệ truyền hình ở các nước đó phát triển rất cao.

Nhưng ở Việt Nam lại có một điều rất mâu thuẫn. Đó là: Một mặt rất trân trọng những người chỉ chuyên hoạt động trong lĩnh vực làm PTH. Hội Điện ảnh Việt Nam bao gồm cả những nghệ sĩ chỉ làm PTH. Không thiếu nghệ sĩ ưu tú, có cả nghệ sĩ nhân dân trong lĩnh vực này. Song, mặt khác, lại tỏ ra coi nhẹ, hạ thấp yêu cầu nghệ thuật đối với PTH. Bằng chứng rõ nhất là kinh phí để sản xuất PTH là rất khiêm tốn so với PĐA. Quy trình làm ra một PTH ở tất cả các khâu (kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, thiết kế…) dễ dãi hơn nhiều so với PĐA. Xem một bộ PĐA, dẫu có dở, người xem vẫn thấy không dễ ai cũng có thể làm ra được, trong khi đó, xem PTH, người ta có cảm giác ai cũng có thể viết được kịch bản, làm đạo diễn, làm nhạc, đóng phim. Rất nhiều khi không có kịch bản văn học mà chỉ là những ý tưởng vạch ra rồi thực hiện luôn kịch bản phân cảnh. Không ít đạo diễn không được học hành bài bản, từ người cầm ca-me-ra mà thành. Không là nhạc sĩ cũng có thể làm nhạc. Diễn viên lại càng dễ dãi. Không khó giải thích tình trạng này: trình độ mọi mặt của người làm  phim còn hạn chế. Trong suy nghĩ của không ít nghệ sĩ và cả những nhà quản lý đã có quan điểm cho rằng: PĐA là để giáo dục tư tưởng, tình cảm, thẩn mỹ, còn PTH để giải trí là chủ yếu. Cho nên loại trước cùng lắm chỉ dài đến 3 tập là cùng (thời lượng mỗi tập từ 1 - 1 giờ rưỡi). Còn loại sau thì ngày càng mở rộng độ dài.

Hiện nay đã có phim tới cả trăm tập, chiếu lan man suốt nhiều tháng không hết. Quá dài như vậy, khó có thể hay. Nhưng các nghệ sĩ và nhà quản lý lại quên một điều: số đông công chúng không biết và cũng không cần biết tên gọi các chủng loại PĐA hay PTH; chúng khác nhau ra sao; cách phân biệt thế nào; mà chỉ cần biết có hay hay không, có đáp ứng được nhu cầu thưởng thức không, xem xong thấy thú vị hay chỉ thấy mệt mỏi, tiếc thời gian… Nếu không ghi rõ đơn vị sản xuất (hãng, đài, công ty nghe nhìn…) nào, làm sao người xem có thể biết đó là PTH hay PĐA phát trên truyền hình (như các phim đang phát vào các tối thứ 7, chủ nhật trên kênh VCTV2)? Bởi vậy, sẽ vô lý khi hạ thấp yêu cầu nghệ thuật của PTH so với PĐA. Hai thể loại phim này chỉ khác nhau ở chất liệu ghi hình ảnh. Vậy hà cớ gì lại có sự phân biệt ở các điểm khác, nhất là chất lượng nghệ thuật? Cũng là những câu chuyện, trong đó các nhân vật đối thoại, hành động với nhiều mối quan hệ. Cũng là những mảnh đời, những số phận chịu sự chi phối của bối cảnh xã hội. Cùng một mục đích là đem đến cho người xem những xúc cảm về tinh thần, về thẩm mỹ. Và ngay cả nhằm vào mục tiêu giải trí thì cũng phải có nghệ thuật, chứ không phải là sự tếu táo, tào lao. Vậy sao lại có sự phân biệt về đẳng cấp giữa hai loại phim?

Nghệ thuật chỉ có hay hoặc dở, có khiến trái tim người thưởng thức rung động hay không, chứ không có vấn đề tác phẩm to hay nhỏ, lớn hay bé, càng không phụ thuộc vào tác giả của những tác phẩm ấy có tầm cỡ ở mức nào, thuộc đẳng cấp ra sao trong xã hội. Một bài hát hay khiến người ta thích thú sẽ có giá trị gấp nhiều lần một bản giao hưởng xoàng. Một truyện ngắn mi-ni thú vị hơn một pho tiểu thuyết nhiều tập mà nhạt nhẽo. Một bộ phim truyền hình ngắn chỉ có vài ba nhân vật, chiếu trong khoảng 15- 20 phút mà gây xúc động mãnh liệt cho người xem thì hẳn nhiên là đáng được đề cao hơn một bộ phim nhựa (điện ảnh) bề thế về quy mô, hoành tráng về bối cảnh và số luợng nhân vật mà xem xong chẳng đọng lại được gì trong cảm nhận của khán giả.

Không ít nghệ sĩ điện ảnh tự cho rằng thời hoàng kim của mình đã qua khi giờ đây tuổi đã cao, lực đã mòn, nhiệt huyết cũng vơi cạn, bèn nghĩ đến việc tìm đến PTH, vừa để làm cho vui, bớt nỗi nhớ nghề và cũng để cải thiện cuộc sống khi ngoài lương hưu, chẳng còn biết làm gì thêm để tăng thu nhập. Như vậy là một lẽ rất tự nhiên, họ đã cho rằng PTH là thấp kém hơn PĐA, không cần nhiều tài năng, trí tuệ, tâm huyết cũng có thể làm nên. Với suy nghĩ ấy, chất lượng PTH non kém, theo thời gian vẫn không được nâng cao hơn quả là điều dễ hiểu. Và sự thật thì PĐA Việt Nam đã để lại những tác phẩm vô giá khiến công chúng nhớ mãi như: Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Thằng Bờm… trong khi PTH tuy cũng có được một số tác phẩm chất lượng nhưng chưa có được đời sống lâu bền tương xứng.

Vậy nên xin trả cho 2 loại phim trên sự bình đẳng, sự khó tính cần thiết để cùng hoàn thành tốt sứ mạng: hướng đến người xem, thỏa mãn cao nhất nhu cầu ngày càng khó tính của họ. Chỉ có như vậy, cả 2 loại phim trên mới có thể phát triển vững mạnh, hài hòa.

Nguyễn Đình San

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.