Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2012:

Điện ảnh Việt lại nói lời xin lỗi!

15:17 | 04/12/2012

800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) đã khép lại, nhưng đằng sau nó còn nhiều vấn đề nhức nhối mà điện ảnh Việt một lần nữa phải nhìn thẳng, nhìn thật vào những yếu kém còn tồn đọng, để kịp thời sửa đổi. Mong rằng mùa LHP quốc tế lần thứ 3, BTC sẽ không còn phải nói lời xin lỗi với lý do “vẫn còn non trẻ”.

Phim Việt: Thiếu và yếu

Không phải đợi đến khi trao giải, công chúng mới biết được nền điện ảnh Việt gần như trắng tay tại LHP lần này. Bởi ngay từ khi tên hai ứng cử viên được đưa vào danh sách dự thi mục phim truyện, họ đã tiên đoán được cái kết không mấy ấn tượng. Việc thiếu những tác phẩm đủ điều kiện tham dự LHP vẫn còn là một sự tiếc nuối đối với giới chuyên môn. Chả thế mà, ngay sau khi lễ bế mạc kết thúc, đạo diễn, NSƯT Nhuệ Giang và NSND Như Quỳnh đã đồng loạt “kêu than” những bộ phim tham dự lần này chưa phải là tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Việt.

Vẫn phải nhìn nhận vào một thực tế, trong khi trung bình mỗi năm điện ảnh Việt cho ra đời rất nhiều những bộ phim chiếu rạp, nhưng ngẩng lên, nhìn xuống khó có thể chọn được vài ba tác phẩm xứng tầm để tự tin sánh vai với điện ảnh của nước bạn.

Trao giải Nhất cho đoàn làm phim Philippines

Điện ảnh Việt đang chạy theo xu hướng đáp ứng những dòng phim thương mại. Khi mà dàn dạt những bộ phim sản xuất với mục đích câu khách hoặc chăng nửa thị trường, nửa nghệ thuật nên chưa thấy được một tác phẩm cho ra tấm, ra món. Xét đến ba tác phẩm “ra mắt” công chúng trên “sân nhà” của LHP năm nay, mới thấy sự non kém hiện rõ.

Ngoại trừ “Thiên mệnh anh hùng” được an ủi là có lối đi riêng, phần nào tạo được dấu ấn với dòng phim dã sử, lịch sử. Thì “Cát nóng” và “Đam mê” bị chê tơi tả. Vẫn thừa nhận ở cách đặt vấn đề và xử lý tình huống mang đậm phong cách Lê Hoàng. Vị đạo diễn này khéo léo trong cách bài trí hình ảnh và biết cách tiết chế làm ám ảnh người xem. Nhưng “Cát nóng” vẫn bị cho là sa vào lối mòn không mấy mới mẻ. Còn “Đam mê” thấy rõ sự ôm đồm thái quá, đạo diễn muốn chuyển tải quá nhiều vấn đề mà không biết điều tiết. Công chúng thấy tiếc bởi, sự thụt lùi hơn hẳn so với “Lưới Trời”, “Vào Nam ra Bắc”... của chính thương hiệu Phi Tiến Sơn đã từng làm trước đây.

Về phía BTC, trong khi hăm hở tìm kiếm những tác phẩm của nước bạn thì dường như quên mất việc thúc giục và lựa chọn bộ phim thật sự xứng tầm của điện ảnh nước nhà. Việc đặt những tác phẩm này cạnh nhau mới thấy rõ sự khập khiễng. Trong khi những bộ phim của nước bạn rất biết tiết chế trong cách truyền tải thông điệp, mỗi tác phẩm đều mang được cái thần thái của dân tộc cũng như đất nước con người của họ như: “Đêm yên lặng” (đạo diễn Reis Celik, Thổ Nhĩ Kỳ), “Oán hận”(đạo diễn Reza Dormishian, Iran), “Talgat” (đạo diễn Zhanna Issabayeva, Kazakhstan)... thì hai tác phẩm tranh giải của Việt Nam lại thiếu vắng hẳn dấu ấn Việt. Sự ôm đồm không đáng có của hai bộ phim này vô tình đánh mất thông điệp tự nhiên mà chính bản thể tác phẩm phải toát ra được.

Như vậy, rõ ràng điện ảnh Việt giữa "cả kho" những bộ phim được “ra lò” hàng năm, nhưng so đũa mãi vẫn không tìm nổi một cột cờ, xứng tầm chinh chiến trên đấu trường quốc tế. Và vì thế LHP Quốc tế Hà Nội khép lại không để lại được nhiều dấu ấn với giới chuyên môn, truyền thông và công chúng. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, một sự kiện lớn như LHP quốc tế, lý do gì lại để phim Việt trở lên rất đỗi nhạt nhòa?

“Non trẻ” không hẳn là một cái tội

Không thể không nói đến những nỗ lực của BTC LHP Haniff lần này: Quy tụ được một đội ngũ hùng hậu đạo diễn, đoàn làm phim có chất lượng đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sự xuất hiện đầu tiên của một trại sáng tác được đầu tư nghiêm túc dành cho những nhà làm phim trẻ, huy động được một loạt các rạp trình chiếu những bộ phim xuất sắc để khán giả tiếp cận được nền điện ảnh tiên tiến nước bạn... Chừng đó cũng khẳng định phần nào những nỗ lực của BTC LHP Quốc tế Hà Nội. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa thấm tháp gì so với những yếu kém vẫn còn tồn đọng.

LHP Quốc tế Hà Nội với chủ đề “Điện ảnh Châu Á - Thái Bình Dương thống nhất và phát triển”, đúng theo lời của bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC thì LHP lần này chủ yếu là tạo đà cho bước hội nhập của điện ảnh Việt Nam trong khu vực để mở rộng ra thế giới. Bà Lan cũng không ngần ngại gửi lời xin lỗi nhã nhặn: “Chúng ta không thể và không nên so sánh LHP Quốc tế Hà Nội còn non trẻ với các LHP quốc tế có uy tín trên thế giới. Chúng tôi cố gắng xây dựng một LHP theo thông lệ quốc tế nhưng mang dấu ấn của điện ảnh Việt Nam”. Cái khó của BTC không phải khó hiểu. Tuy nhiên, dù không muốn chúng ta vẫn phải đặt dấu so sánh khi đặt nền điện ảnh nước nhà bên cạnh nền điện ảnh tiên tiến của nước bạn.

Không phải chúng ta không có cơ sở để kỳ vọng. Mà cái cần có để hy vọng vô tình đã bị rơi vào quên lãng. Vẫn còn nhớ sự tiếc nuối của bà Chalida Uabumrungjit, Giám đốc LHP ngắn và video Thái Lan, nói về nền điện ảnh Việt: “Tôi đã xem nhiều phim cũ của Việt Nam, tôi nghĩ vẻ đẹp và sự nên thơ là thế mạnh của các bạn. Nhưng điều đó lại thiếu trong những bộ phim hiện nay. Các bạn đang đi theo mô hình Hàn Quốc, Hollywood... nhưng tôi nghĩ đó chưa chắc đã là con đường đúng đắn”.

Còn Tiến sĩ Aruna Vasudev, Chủ tịch mạng lưới điện ảnh châu Á lại thẳng thắn bày tỏ: “Phim Việt Nam về đề tài chiến tranh luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với tôi”. Đối với bà thì đến tận bây giờ hình ảnh về thước phim “Cánh đồng hoang” vẫn còn là nỗi ám ảnh. Đồng quan điểm với Tiến sĩ Aruna, bà Heneriko Jeannette Paulson, Chủ tịch Diễn đàn điện ảnh Châu Á - Thái Bình Dương lại đặc biệt ấn tượng với “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bà xem đây là một tác phẩm điện ảnh giàu tính nhân văn và có chất lượng.

Nói như vậy không phải là để áp đặt đạo diễn trẻ Việt Nam đi theo lối mòn, mà cái thiếu là sự hoài nghi: Nhà làm phim Việt đương đại đã vô tình quên lãng một phần tất yếu của điện ảnh là phải mang được cái hồn cốt của dân tộc, chứ không phải chạy theo những thứ xa hoa, nhạt toẹt để “hái” ra tiền nhưng lại nhanh chóng rơi vào quên lãng. Việc kỳ vọng vào những tác phẩm “như xưa” vẫn là niềm mong mỏi của không chỉ giới chuyên môn, bạn bè quốc tế mà hơn nữa là chính người Việt, để điện ảnh là dấu ấn trong tâm hồn người Việt về bản sắc Việt, chứ không phải để điện ảnh Trung Quốc, hay Hàn Quốc chiếm chỗ.

Ghi nhận đáng kể nhất của BTC trong liên hoan phim lần này khi có hướng đi đúng đắn là tập trung vào chuyên môn với hai cuộc hội thảo chủ điểm, khơi gợi được nhiều vấn đề cho nhà làm phim Việt. Việc đầu tư vào thế hệ tương lai qua trại sáng tác là một đột phá. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bối rối trong công tác quản lý, trong việc sắp xếp thời gian diễn ra sự kiện vẫn còn lộn xộn và yếu trong cách quảng bá hình ảnh. Mặt khác, vấn đề quan trọng là chiêu sinh và quy tụ các tác phẩm dự thi còn tỏ ra vô cùng bối rối. Mong rằng, trong mùa liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3 tới đây, BTC sẽ không còn phải chống chế những khuyết điểm với lý do “còn non trẻ” và thể hiện được tầm quốc tế của LHP ở Việt Nam.

Huyền Anh