GS Ngô Bảo Châu và "tiểu thuyết Toán hiệp" mang đậm chất thơ

09:22 | 03/08/2012

2,057 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tối 2/08/2012 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”. Ngoài các tác giả của cuốn sách là GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa và TSKH Hà Huy Khoái.

“Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” là cuốn tiểu thuyết toán hiệp được viết chung bởi hai tác giả: Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, với phần minh họa của họa sĩ Thái Mỹ Phương. 

Bìa cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình.

 

Từ trước khi phát hành, cuốn sách đã gây chú ý cho đông đảo bạn đọc bởi tên tuổi của tác giả. Sau khi ra mắt, cuốn sách ngay lập tức leo lên vị trí đầu trong các bảng xếp hạng sách tiêu thụ trong nước và đứng đầu trong Top 10 sách bán chạy nhất tại Hội sách TP Hồ Chí Minh lần VII, với 10.000 bản in được tiêu thụ chỉ trong vòng 1 tuần

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình là tác phẩm mang kỳ vọng tiếp thêm tình yêu, sự say mê cho độc giả trẻ đối với môn toán, dẫn họ bước qua những cột mốc lớn nhất của nền văn minh toán học loài người bằng một hình thức truyện kể văn học sinh động và trí tuệ

Tác giả, GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, cùng sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa và TSKH Hà Huy Khoái tại buổi tọa đàm.

 

Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, điều làm nên thành công cho “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” chính là sự giản dị của cuốn sách. “Cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán như tôi. Và rồi, qua cuộc dạo chơi trong xứ sở những con số tàng hình, ta cũng dần hiểu được phần nào vẻ đẹp kỳ diệu của toán học”.

Mặc dù được viết bởi hai tác giả, nhưng cuốn sách rất liền mạch, chau chuốt, tâm sự về điều này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, chính tình bạn, cùng sự hiểu biết lẫn nhau trong công việc đã giúp GS và người bạn đồng hành Nguyễn Phương Nam cho ra đời một cuốn sách như thế.

Theo GS Hà Huy Khoái, ngay lần đầu tiên đọc “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”, ông đã cảm thấy thú vị và rất ngạc nhiên khi trong một quyển sách mỏng lại có thể chứa đựng nhiều vấn đề sâu của toán học đến thế. Ông cũng cho rằng, “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” là một cuốn sách vừa có chất toán, vừa có chất thơ lại mang cả tư tưởng triết học sâu sắc.

Anh Nguyễn Phương Văn bày tỏ: “Trong quá trình viết, nội dung đã chuyển hướng, song những gì chúng tôi mong muốn từ đầu vẫn không thay đổi. Ấy là cố gắng khơi gợi niềm vui tìm tòi tri thức, ít nhất là làm sao cho bạn đọc tò mò về các nhân vật, muốn biết họ là ai ngoài đời, họ đã sống thế nào và cống hiến những gì”.

Trên thế giới, đã có những cuốn sách được viết theo thể loại pha trộn toán học và hư cấu, nổi bật nhất là “Sophie’s world” của Jostein Gaader về lịch sử triết học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” là cuốn sách đầu tiên như thế.

Thoạt tiên, cuốn sách khiến người đọc liên tưởng đến hành trình trong tiểu thuyết kinh điển Tây du ký. Nhưng đó chỉ là cảm nhận thoáng qua, bởi ở thế giới kỳ lạ đó, bỡ ngỡ nhưng không cô đơn, Ai đã có Ky, một chàng trai “đeo kính trắng, đầu to, tóc bạc sớm, nụ cười hiền lành” và dế Jim, một chú “dế cụ, đầu gân guốc” có tài búng râu kỳ dị đợi sẵn để cùng cậu lên đường.

Chặng đường Ai và Ky dấn bước trong nửa đầu câu chuyện cũng chính là hành trình văn minh nhân loại đã trải qua: từ buổi bình minh của toán học với Euclid vĩ đại và những tiên đề đầu tiên về điểm và đường thẳng, Diogenes đức hạnh luôn giơ cao ngọn đèn tìm người lương thiện, hay Cartesius với hệ tọa độ và phương pháp tư duy trừu tượng… Những nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại được các tác giả cho cùng ngồi ăn tối hay đàm đạo dưới một mái nhà.

Các bậc danh nhân toán học đó đã giảng giải cho Ai và Ky những kiến thức cột mốc trong lịch sử phát kiến và nghiên cứu toán học, với một nguyên tắc: Những quy luật, những định lý, những vẻ đẹp của Toán chỉ có thể hiện lên một khi các cậu bé thực sự muốn khám phá.

Nửa sau của cuốn sách lại là những biến cố bất ngờ có phần siêu thực, lôi các nhân vật vào một vòng xoáy hành động sôi nổi.

Cuốn sách dừng lại với một cái kết mở ra cho một câu chuyện khác. Hình ảnh dải đất hình chữ S cuối sách như một nhắc nhở cảm động về cội nguồn mà các tác giả muốn lưu giữ thông qua sách.

Rất đông các bạn trẻ háo hức tham gia buổi tọa đàm.

 

Những người yêu thích toán học, muốn nghiên cứu về toán học hay đơn giản chỉ tò mò muốn tìm hiểu về toán học đều có thể đọc: “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”. Nội dung hấp dẫn, sâu sắc, mang tính triết học là những điều sẽ lôi cuốn người đọc khi đọc cuốn tiểu thuyết toán hiệp này.

Cuốn sách được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên yêu thích bởi đã thể hiện được những cột mốc vàng son của nền văn minh toán học dưới hình thức truyện kể văn học, pha trộn giữa tính kì ảo, khoa học và triết luận. Bên cạnh đó, những bức vẽ sinh động của họa sĩ Thái Mỹ Phương cũng đóng góp một phần không nhỏ làm nên thành công cho Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình.

Nguyễn Hoan