Hãy để Hãng Phim truyện Việt Nam được sửa sai!

07:00 | 08/12/2012

1,398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày qua, vụ việc lực lượng chức năng (được cho là của Ban Quản lý Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) bất ngờ đến đóng kè, đổ bao cát xung quanh Nhà thủy phi cơ - một hạng mục trên Hồ Tây được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao Hãng Phim truyện Việt Nam quản lý - đang làm nóng các mặt báo. Phóng viên Báo Năng lượng Mới theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân sự vụ.

 “Di sản” tệ hại

Chỉ trong 3 ngày từ 3-5/12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đã cử tới 2 đoàn công tác làm việc với Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) để tìm hiểu toàn diện vụ lùm xùm trên. Trong buổi họp cuối cùng do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo Cục Điện ảnh, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra Bộ và Hội Điện ảnh Việt Nam, đã có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nước mắt và phẫn nộ.

Tuy nhiên, những người có mặt hoàn toàn không thể tìm thấy, dù chỉ một chút sự đấu tranh, cứng rắn trước thực trạng đang hết sức bất lợi cho Hãng. Có lẽ cũng đúng như phần phát biểu của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH-TT&DL), lý do lớn nhất khiến cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng rơi vào tình trạng như hiện tại, đó chính là sự đấu tranh yếu ớt và tính nghệ sĩ quá... vô tư.

Ông Hồ Anh Tuấn

Theo trình bày của Phó giám đốc Nguyễn Thanh Vân, hồi ông Nguyễn Văn Nam làm giám đốc (2002-2007), đã ký tổng cộng 2 hợp đồng kinh tế để các đối tác tự do sử dụng hơn 600m2 đất ở 2 hạng mục là nhà thủy phi cơ và xưởng mỹ thuật - kho trang phục trong vòng 5 năm. Năm 2007, tức là trước khi từ chức để lên Cục Điện ảnh làm... chuyên viên và cùng là lúc 2 bản hợp đồng còn 1 năm hiệu lực, ông Nam bất ngờ ký bổ sung phụ lục với những điều khoản buộc trách nhiệm của Hãng với đối tác đến 2018 (45 triệu đồng/tháng với xưởng in tráng phim và 12 triệu đồng/tháng với Nhà thủy phi cơ) mà không hề thông qua Đảng ủy cũng như Ban Giám đốc.

“Chưa nói đến khía cạnh kinh tế, vì trên thực tế Hãng chịu rất nhiều thiệt thòi từ các bản hợp đồng trên, mà điều này ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài về mặt tinh thần đối với hơn anh chị em cán bộ, công nhân viên. Bản phụ lục đó trở thành vòng kim cô trói chân, trói tay anh em, gây sụt giảm niềm tin, phá vỡ uy tín, hình ảnh của cả một nền điện ảnh cách mạng. Đã rất nhiều lần Ban Giám đốc hiện tại quyết tâm đòi lại Nhà thủy phi cơ để biến nơi đây thành một bảo tàng điện ảnh, hoặc nhỏ hơn, chí ít cũng là phòng trưng bày kỷ vật thiêng liêng”, NSND Thanh Vân - đạo diễn bộ phim nổi tiếng “Đời cát” chia sẻ. “Nhưng cuối cùng tất cả lại trở về với đơn từ, công văn xin xỏ”.

Phó giám đốc Nguyễn Thị Hoa thú nhận, Hãng đã sai, đã thất bại vì bất lực khi buông xuôi trước những hợp đồng kinh tế sai lầm để lại trong suốt một thời gian dài. Tất cả chỉ biết ngồi chờ, cho đến đi xuất hiện lực lượng chức năng đến kè lại nhà thủy phi cơ. “Tuy nhiên, gần 2 năm nay, Hãng không nhận được 1 đồng nào trong số 1,5 tỉ đồng lẽ ra được thanh toán, vì đối tác cứ khất lần. Họ thừa hiểu Hãng Phim truyện Việt Nam chỉ toàn... nghệ sĩ hiền lành, ít sự phản kháng và nếu có xích mích thì cũng giải quyết đơn giản.

Trong bối cảnh tìm kiếm nhà đầu tư cho điện ảnh khó khăn như hiện tại, việc Hãng thiếu kinh phí hoạt động và rơi vào cảnh đói ăn theo đúng nghĩa đen của nó, chắc cũng không có gì khó hiểu,” diễn viên, NSƯT Minh Châu đã bật khóc khi nhắc đến rất nhiều thế hệ đàn anh đàn chị, những người bạn tri kỷ - đồng nghiệp đã mất, đã không còn cơ hội được chứng kiến cái ngày Nhà thủy phi cơ phải đứng trước sự lựa chọn - tồn tại hay không tồn tại. “Chúng tôi chỉ biết làm phim, tại sao cứ bắt chúng tôi phải cuốn theo những điều ngớ ngẩn thế này?”.

Cái lý của Ban Quản lý Hồ Tây

Liên lạc với lãnh đạo quận Tây Hồ thời điểm này không hề dễ dàng. Trong một lần hiếm hoi nối máy điện thoại, đại diện (xin được giấu tên) UNBD quận này khẳng định, họ và cấp dưới (Ban Quản lý Hồ Tây - PV) có đủ bằng chứng và văn bản pháp qui để chứng minh Hãng Phim truyện Việt Nam đang sử dụng sai mục đích quá nhiều hạng mục. Và tốt hơn cả, Hãng nên điều chuyển nhà thủy phi cơ về cho họ quản lý, chống thất thoát công sản.

Nhà thủy phi cơ có thể trở thành bến neo đậu cho tàu cứu hộ

“Chúng tôi không vô cảm, chúng tôi hiểu nền điện ảnh cách mạng đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như thế nào. Nhưng hãy nhìn xem, ngay cả nơi nhiều thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch... cho rằng đó phải là bàn thờ tổ của điện ảnh Việt Nam mà họ vẫn cho thuê bán bia hơi, làm quán ăn được thì chúng tôi phải giải thích như thế nào?”, vị lãnh đạo quận Tây Hồ chia sẻ.

Ban Quản lý Tây Hồ có lý khi cho biết, cơ quan chức năng đã rất nhiều lần thanh tra và thấy rõ ràng, gần 100m2 mà nhiều thế hệ làm phim điện ảnh Việt Nam tôn thờ (Nhà thủy phi cơ - PV), thực chất biến thành quán bia cả chục năm nay. Thêm nữa, hơn 500m2 mặt đường ven hồ Tây, vốn là xưởng in tráng phim và khu tập thể của diễn viên cũng được chuyển giao cho một nhà hàng khang trang. Bởi thế nếu có thu hồi để phục vụ cho cảnh quan mặt hồ đẹp nhất thủ đô thì điều đó cũng chẳng có gì sai trái. Ngay trong buổi làm việc với Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, tập thể Hãng Phim truyện Việt Nam đã thú nhận họ hoàn toàn mù mờ về những tranh chấp pháp lý, thậm chí không hiểu nếu lãnh đạo trong quá khứ sai phạm thì mình phải làm gì để... bù đắp cho lịch sử.

Có thể nói, với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm những cảnh đầu tiên của bộ phim “Chung một dòng sông” (1959), số 4 Thụy Khuê và Nhà thủy phi cơ là một địa chỉ văn hóa uy tín, một điểm đến “đỏ” của nhân dân cả nước.

Có thể ngay ngày mai, sau khi UBND thành phố Hà Nội tìm hiểu kỹ ngọn nguồn, sẽ thu hồi lại yêu cầu bàn giao Nhà thủy phi cơ. Nhưng dù gì đi nữa, Hãng Phim truyện cũng phải cảm ơn dư luận vô tình thổi bùng trở lại thực trạng buồn. Thị trường điện ảnh thời buổi kinh tế thị trường có thể ít đất diễn cho những tâm hồn nghệ sĩ chân chính. Nhưng bị kịch nhất với chính họ, là họ chẳng biết phải làm gì và bắt đầu lại từ đâu…

Diễn biến vụ việc:

- UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 285/QĐ-UB ngày 28/9/1996, về việc thu hồi 1.586m2 thuộc quản lý của Hãng Phim truyện Việt Nam (PTVN).

- Ngày 25/9/2002, Hãng Phim truyện Việt Nam bàn giao đầy đủ 1.586m2 mà Nhà nước thu hồi (trên thực tế phần diện tích Hãng Phim truyện Việt Nam giao lại là 1.692m2).

- Ngày 19/8/2003, Hãng Phim truyện Việt Nam gửi Công văn số 172/HPTVN tới Ban Quản lý dự án đề nghị diễn giải và bổ sung chỉ giới đường đỏ địa chính Nhà thủy phi cơ.

- Ngày 11/9/2003, Ban Quản lý dự án có văn bản phúc đáp, khẳng định: Nhà thủy tạ (tức thủy phi cơ) của Hãng Phim truyện Việt Nam “không” nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thành phố.

- Năm 2010, UBND quận Tây Hồ ra thông báo thu hồi bổ sung công trình Nhà thủy phi cơ phục vụ dự án.

- Ngày 29/4/2011, UBND quận Tây Hồ ra Quyết định số 1398/QĐ-CT, về việc Hãng Phim truyện Việt Nam không trả đất đúng thời hạn.

- Ngày 13/11/2012, UBND quận Tây Hồ có thông báo số 262/TB-UBND yêu cầu Hãng Phim truyện Việt Nam bàn giao hạng mục Nhà thủy phi cơ.

- Trong các ngày 14, 15, 16, 17/11/2012, Ban Quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã điều động lực lượng đến đóng kè, đổ bao cát lấp xung quanh khu vực Nhà thủy phi cơ mà Hãng Phim truyện Việt Nam đang quản lý theo sự phân công của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

- Ngày 30/11/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội tạm dừng hoạt động đóng kè, đổ bao cát lấp xung quanh Nhà thủy phi cơ.


Tùng Lê

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.