Hãy tập cho con trẻ tình yêu âm nhạc dân tộc

09:06 | 11/10/2012

990 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay có xu hướng, nhiều gia đình khá giả cho con nghe nhạc cổ điển từ bé và cho đó là sang, là quý phái, nhưng không hẳn bậc phụ huynh nào cũng nghe và hiểu hết một bản nhạc cổ điển. Hãy tập cho con trẻ tình yêu âm nhạc dân tộc từ bé để lớn lên các em yêu hơn văn hóa nước nhà là kinh nghiệm và cũng là tâm huyết của nghệ sĩ đàn tranh - giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP HCM Nguyễn Thị Hải Phượng.

PV: Cơ duyên nào đưa chị đến với âm nhạc dân tộc. Trong các loại nhạc cụ, vì sao chị chọn đàn tranh và “sánh duyên” với nó cả cuộc đời?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Có lẽ cơ duyên từ gia đình, mẹ tôi là NSƯT Phạm Thúy Hoan dạy âm nhạc dân tộc từ năm 1969 nên từ bé đã bắt chước các học trò của mẹ tập tành. Năm 1976 tôi thi vào Nhạc viện Thành phố, sau đó học đại học, rồi học tiếp lên cao học và dạy ở Khoa Âm nhạc dân tộc từ năm 2000. Còn vì sao tôi chọn đàn tranh ư? Thực ra từ nhỏ có biết mình thích nhạc cụ nào đâu, ba mẹ chọn gì thì theo nấy thôi, nhưng càng học càng thấy yêu đàn tranh không rời được.

PV: Như vậy người lớn đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn sở thích âm nhạc của con cái?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Cái đó GS Trần Văn Khê và mẹ tôi đã nói nhiều lần. Hãy cho trẻ con tiếp cận với âm nhạc dân tộc từ nhỏ, lớn lên, dù có em không theo con đường chuyên nghiệp nhưng sẽ có khả năng cảm thụ âm nhạc dân tộc, thấy tự hào và yêu hơn văn hóa nước nhà.

Giảng viên Nguyễn Thị Hải Phượng đang dạy học trò tại Khoa Âm nhạc dân tộc - Nhạc viện TP HCM

PV: Nhưng hiện nay người ta hay rỉ tai nhau là cho con nghe nhạc giao hưởng từ trong bụng mẹ thì lớn lên sẽ thông minh.

Nghệ sĩ Hải Phượng: Khi tôi có bầu bé Hải Minh, nhiều người cũng bảo nghe nhạc giao hưởng sẽ thông minh và họ còn tặng sữa kèm theo đĩa nhạc giao hưởng cho mình. Rất buồn cười là nhiều bậc cha mẹ nghe giao hưởng không hiểu thì làm sao con nghe hiểu mà thông minh. Từ xưa ông bà ta không nghe nhạc giao hưởng mà nhiều người rất thông minh đấy thôi. Nếu từ nhỏ cho con nghe nhạc giao hưởng thì lớn lên làm sao các em yêu âm nhạc dân tộc được.

PV: Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa âm nhạc dân tộc vào trường học?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Thực ra, rất nhiều người có tâm huyết với văn hóa dân tộc, đã nói từ lâu lắm rồi, nhưng nước mình còn nghèo và chưa quan tâm nhiều đến âm nhạc dân tộc và nhiều nhà quản lý văn hóa cảm thấy chưa cần làm. Nhưng nếu đưa vào dạy thì chương trình như thế nào, giáo trình ra sao và cả chuyện đào tạo giáo viên dạy âm nhạc phải được làm bài bản thì mới hiệu quả.

Hiện nay, nhất là các trường học ở thành phố có nhiều thuận lợi là có vi tính, video… cứ mỗi tiết học âm nhạc, giáo viên mở nhạc cho các em nghe chứ đâu cần cô giáo hát hay thì các em cũng dần dần yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Cách đây không lâu, Đoàn hát bội TP HCM cũng đã thử nghiệm chương trình này ở cấp phổ thông, sau buổi học, các em rất thích và nhiều em tự nguyện lên làm diễn viên tuồng nữa đấy.

Đầu tư âm nhạc dân tộc cần người vừa có tầm, vừa có tâm, có thể lợi trước mắt thì chưa nhưng về lâu dài thì có nhiều cái lợi.

PV: Bao năm giảng dạy tại Khoa Âm nhạc dân tộc thì chị thấy các em sẽ chọn nhạc cụ nào học nhiều nhất?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Đàn tranh là nhạc cụ được các em chọn nhiều nhất. Ở Hà Nội, sinh viên Khoa Âm nhạc dân tộc theo học đàn tranh đông nhất, kế đến là Huế rồi TP HCM. Các em chọn đàn tranh vì có 3 nguyên nhân: thứ nhất là niềm đam mê - yêu thích; thứ hai, đây là một nghề kiếm tiền tương đối nhẹ nhàng; thứ ba là có cơ hội đi biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng cái quan trọng hơn là học âm nhạc dân tộc không quá căng thẳng, không phải ganh đua như nhiều loại hình âm nhạc khác, nên sẽ rất hợp với những ai có tâm hồn nghệ sĩ nhẹ nhàng.

PV: Từ xưa, âm nhạc dân tộc có vai trò rất quan trọng trong đời sống, nhất là trong hình thành nhân cách của mỗi người. Qua bao năm sống với âm nhạc dân tộc, chị cảm nhận điều này như thế nào?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Nếu ở các lĩnh vực khác tôi không dám nói, riêng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc thì tôi có thể khẳng định rằng, những người học đàn, nhạc khí dân tộc thì chơi với nhau rất hòa đồng và họ có khả năng thích nghi với cuộc sống rất cao. Mỗi em học ở đây biết ít nhất là hai loại nhạc cụ truyền thống. Khi hòa tấu các em phải biết nhường nhịn nhau. Chính điều đó tạo thành thói quen tốt và khi ra đời các em thích nghi cuộc sống rất tốt. Thực tế chứng minh là, có rất nhiều em học nhạc cụ dân tộc sau này dù không theo nghề nhưng hành nghề khác rất thành công.

Thời gian qua có rất nhiều du học sinh cứ mỗi kỳ nghỉ hè là về nước học âm nhạc dân tộc. Nhiều em tâm sự tuy thời gian học không dài nhưng khi qua bên đó, mỗi lần có chương trình văn nghệ các em đàn được, sinh viên các nước khác rất thích thú, ngưỡng mộ.

PV: Chị vừa là nghệ sĩ biểu diễn vừa là giảng viên ở nhạc viện thì có lẽ thu nhập sẽ khá hơn, nhưng liệu các em học ở đây sau khi ra trường thu nhập có đảm bảo cuộc sống?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Có thể nói, nghề này thì không giàu nhưng đủ đảm bảo cuộc sống. Còn đối với những người giỏi thì không khó kiếm tiền vì vừa đi dạy, vừa biểu diễn và thu âm.

Các em sinh viên khi còn học ở đây đã đi biểu diễn thường xuyên ở các nhà hàng sang trọng trong thành phố và thu nhập cũng đủ trang trải chi phí học hành. Sau khi ra trường, các em có thể dạy nhạc tại nhà, hay ở các cung văn hóa lao động, nhà thiếu nhi… Nói chung, giáo viên dạy đàn tranh hay nghệ sĩ đàn tranh cuộc sống không quá chật vật.

PV: Thường đi biễu diễn đàn tranh ở nước ngoài chị thấy họ ứng xử với âm nhạc dân tộc ra sao?

Nghệ sĩ Hải Phượng: May mắn là tôi có cơ hội đi diễn ở nhiều nước như Singapore, Mỹ, riêng Hàn Quốc và Nhật Bản thì khá nhiều lần họ mời vì họ thường xuyên tổ chức liên hoan âm nhạc dân tộc.

Qua những chuyến đi tôi thấy rằng, các nước họ rất quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc truyền thống, các trường đại học của họ đều có quỹ giao lưu văn hóa và mỗi năm họ đều mời nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Việt Nam qua biểu diễn cho sinh viên xem.

Người dân họ cũng rất đề cao việc dạy âm nhạc dân tộc cho con em nước mình. Để thấy rằng, âm nhạc dân tộc có giá trị nhất định trong đời sống tinh thần đương đại.

PV: Quả là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc dân tộc. Chị có đứa con gái rất dễ thương, chị có định hướng cho con nối nghiệp mẹ không?

Nghệ sĩ Hải Phượng: Tụi trẻ bây giờ có rất nhiều thứ để lựa chọn, mình không ép được, nhưng con gái tôi vẫn được tập đàn từ nhỏ và tôi nghĩ rằng, cho con học âm nhạc dân tộc từ nhỏ thì mình sẽ không mất con. Vì sau này, dù có học bất cứ loại đàn nào trên thế giới hay đi đâu và sống ở bất cứ nơi nào thì con vẫn nhớ là mình có gia đình, có nguồn cội và nhớ đến âm thanh réo rắt của đàn tranh.

PV: Cảm ơn chị!

Thiên Thanh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 162, ra thứ Ba ngày 9/10/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.