"Hy vọng vào tương lai điện ảnh Việt có thể cất cánh”

09:52 | 27/11/2012

984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó là sự kỳ vọng vào nền Điện ảnh Việt của Tiến sĩ Aruna Vasudev, Chủ tịch mạng lưới điện ảnh châu Á bày tỏ trong buổi hội thảo với chủ đề “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” diễn ra trong khuôn khổ LHP chiều qua 26/11.

Tuy nhiên để thực hiện được sự kỳ vọng của Tiến sĩ Aruna Vasudev thì Điện ảnh Việt cần lắm những nỗ lực khi mà việc tìm đường vẫn còn “ngổn ngang trăm mối”.

“Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” nhằm nhìn nhận, đánh giá bước phát triển của Điện ảnh Việt, những kết quả đạt được cũng như vấn đề còn tồn đọng và theo đó nhận định nét đặc trưng của phim Việt Nam thời kỳ đổi mới với dấu mốc năm 1986 trở lại đây.

Nhận định, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn đã giúp cho Hội thảo có cái nhìn chân thực hơn về thực trạng Điện ảnh Việt Nam nhưng hiệu quả và bước tiến tiếp theo vẫn còn là cả một quá trình lâu dài.

Điện ảnh Việt ghi dấu ấn bằng đề tài chiến tranh

Một điều không ngạc nhiên khi Điện ảnh Việt Nam mới chỉ ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế bằng những bộ phim về đề tài chiến tranh. Bởi, ngay cả công chúng trong nước cũng chỉ nhớ tới những tác phẩm “một thời” không thể quên với: Cánh đồng hoang, Điện Biên Phủ, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê... đã trở thành niềm tự hào dân tộc.

Thắng thắn bày tỏ: “Phim Việt Nam về đề tài chiến tranh luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với tôi” là tâm sự của Tiến sĩ Aruna Vasudev, Chủ tịch mạng lưới điện ảnh châu Á. Theo quan điểm của bà nếu muốn biết một đất nước thế nào mà chưa có điều kiện đến thăm thì hãy xem phim của đất nước đó. Thế nên, phim về chiến tranh của Việt Nam đã có sức hút mãnh liệt thôi thúc bà đến và cảm nhận về đất nước này. Đến tận bây giờ hình ảnh về thước phim “Cánh đồng hoang” vẫn còn ám ảnh và tạo được thiện cảm đối với bà.

Đồng quan điểm với Tiến sỹ Aruna, bà Heneriko Jeannette Paulson, Chủ tịch diễn đàn điện ảnh Châu Á- Thái Bình Dương, nguyên giám đốc LHPQT Hawaii cũng đánh giá cao phim về đề tài chiến tranh của Việt Nam được sản xuất những năm cuối thập niên 80. Bà cho biết: “Bao giờ cho đến tháng 10” của Đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn để lại dấu ấn khó phai mờ. Bà xem đây là một tác phẩm điện ảnh giàu tính nhân văn và có chất lượng.

Chính vì thế, cả hai vị khách mời này đều bày tỏ quan điểm đặt hy vọng vào thế hệ làm phim trẻ, họ sẽ tiếp tục làm được những bộ phim “như xưa” chứ không phải vì chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng.

Hai vị diễn giả nước ngoài ấn tượng với phim Việt đề tài chiến tranh

Thừa nhận những đánh giá này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng bày tỏ Điện ảnh Việt thời kỳ đổi mới phong phú về đề tài lịch sử, chiến tranh, thanh thiếu niên...Và những tác phẩm vừa được nhắc đến được xem là thành tựu của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, bà Ngát cũng bày tỏ quan điểm điện ảnh Việt không nên cứ mải mê “gặm nhấm” những thành quả trong quá khứ mà quên đi thực tại và tương lai. Bên cạnh những bộ phim về đề tài chiến tranh tạo được dấu ấn, thì thời gian gần đây, ít tên phim Việt nào “gieo” được vào lòng khán giả. Vấn đề đặt ra là, làm phim gì và làm như thế nào lại là vấn đề được đem ra mổ xẻ.

“Cuộc chuyển mình bối rối” và sự phân tranh “phe phái”

Theo nhà Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cái khó của Điện ảnh thời kỳ đổi mới ở chỗ đây là thời điểm giao thoa giữa cái cũ và cái mới, việc tìm đường đi sẽ còn nhiều lắm những gian nan. Hơn nữa, sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự hoạch toán có sự tài trợ một phần của nhà nước cũng làm thay đổi diện mạo của Điện ảnh Việt. Sự xuất hiện của nhà làm phim tư nhân bên cạnh hãng phim nhà nước, vô hình chung tạo ra sự biến động. Vì thế mà nhà Biên kịch này đã ví von một cách hóm hỉnh rằng thời kỳ này là bước chuyển mình của Điện ảnh Việt nhưng sự chuyển mình đó không tránh khỏi “bối rối”.

Vấn đề hướng tới dòng phim thị trường hay phim nghệ thuật mà bà Ngát đặt ra bên cạnh mối nghi ngại về việc làm phim tư nhân hay phim nhà nước cũng là vấn đề được đạo diễn Lê Hoàng và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm quan tâm.

Theo nhà biên kịch Hồng Ngát thì sự xuất hiện ồ ạt của những nhà làm phim tư nhân kéo theo sự “nở rộ” của dòng phim thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo của điện ảnh đương thời. Sự “lên ngôi” chóng vánh rồi tàn lụi đã không đưa được tên tuổi của Điện ảnh Việt ra trường quốc tế. Bày tỏ niềm nghi ngại phim thị trường được sản xuất ồ ạt và kém chất lượng ở thời điểm đầu những năm 90, bà Ngát nhận định: Đó là sự nghiệp dư hóa trong sản xuất phim tại Việt Nam. Hệ quả đó còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Nó tàn phá một đội ngũ, hủy hoại sự chuyên nghiệp và cả lòng tự trọng nghề nghiệp của một số nghệ sỹ. Đây dường như là một bài học chưa bao giờ cũ.

Đạo diễn Lê Hoàng giữ đúng phong cách “hóm hỉnh” khi ví phim thương mại và phim nghệ thuật là hai phe phái. Và vị đạo diễn cá tính này bỗng dưng “lập lờ” khi nhận mình theo cả hai phe. Lý giải cho sự vụ này, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ, cái được của một bộ phim không nằm ở chỗ nó nằm ở thể loại thương mại hay nghệ thuật mà nằm ở phương diện chuyển tải thông điệp. Theo ông thì, một bộ phim thương mại cũng có thể chuyển tải thông điệp nghệ thuật. Và vẫn chung thành với quan điểm: “Bộ phim hay không nằm ở cái máy mà nằm ở cái đầu của nhà làm phim”. Vị đạo diễn của “Cát Nóng” cũng bày tỏ: Thành công của một nhà làm phim là được công chúng ngay trên “sân nhà” đón nhận, nó là một thành công cao quý hơn bất cứ một thứ huân, huy chương nào. Ý kiến này của đạo diễn Lê Hoàng được nhiều diễn giả đồng thuận.

Nhà sản xuất phim tư nhân hay nhà nước cũng là vấn đề quan tâm của Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Thế nên, việc “tìm cách xích lại gần nhau” của hai nhà làm phim này cũng được đem ra bàn luận. Chính yếu theo ý kiến của các diễn giả là ở chỗ: Dù là phim thương mại thì cũng cần lắm những tác phẩm phải hướng đến tính nghệ thuật. Nhà sản xuất phim tư nhân hay nhà nước cũng phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu bởi dân tộc nào cũng yêu quý sự nhân văn. Những bộ phim nên tập chung hướng đến những điều cao cả mới mong thuyết phục được khán giả. Phim thương mại tốt trong cơ chế thị trường nhưng để tạo được dấu ấn lại là phim có tính nghệ thuật.

Đạo diễn Lê Hoàng người theo cả hai phe

Chính vì thế, hài hòa được hai yếu tố thương mại và nghệ thuật để vừa cuốn hút được người xem, lại vừa tạo được dấu ấn thì sẽ phải cần đến những cái “đầu sỏi” của những nhà làm phim.

Cuộc hội thảo mang tên “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” nằm trong khuôn khổ của LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) diễn ra vào chiều qua 26.11, đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà làm phim trong nước cũng như các nhà làm phim đến từ các nền điện ảnh Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan... về điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới (1986-1999).

Dưới sự đề dẫn của bà Ngô Phương Lan_ Cục trưởng cục Điện ảnh, các đại biểu thảo luận khá sôi nổi về các vấn đề: Điện ảnh Việt Nam mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế từ năm 2000 đến nay, kinh nghiệm phát triển điện ảnh của một số nước châu Á.

Các nhà làm phim quốc tế cho rằng: Điện ảnh Việt Nam nên mở rộng việc quan hệ hợp tác, đồng sản xuất, phát hành với các tổ chức điện ảnh quốc tế để có thể tiếp nhận một cách tốt nhất công nghệ làm phim tiên tiến. Có như vậy, nền Điện ảnh Việt mới mau chóng theo kịp sự phát triển của nền Điện ảnh Thế giới.

Huy An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.