Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI: Tuổi trẻ có hăng hái nhưng chưa sâu sắc

08:00 | 24/02/2013

1,319 lượt xem
|
(Petrotimes) – Đêm thi cuối của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI có sự tham gia của 5 trường ĐH đã kết thúc thành công với nhiều màn biểu diễn ấn tượng, thể hiện sự tươi trẻ của sinh viên. Nhưng các tiết mục trình diễn vẫn thiếu sự sâu sắc cần có ở chủ đề năm nay “Tuổi trẻ và Tổ quốc”.

>> Ngày thơ Việt Nam trên cả nước

>> Ngày thơ Việt Nam 2013: Tuổi trẻ và tình yêu Tổ quốc

>> Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI: Ngày đầu 'thừa tạp kỹ, thiếu ấn tượng'

Trong tiết trời xuân ấm áp, đêm thi thứ hai của sinh viên 5 trường Đại học mở màn với màn trình diễn ấn tượng, hoành tráng của 60 sinh viên trường ĐH Đại Nam. Tiết mục hát múa “Đại Nam quốc sử ca” được dàn dựng chuyên nghiệp, công phu, lôi cuốn toàn bộ ban giám khảo và khán giả có mặt tại sân chính Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tiết mục thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” được đọc trên nền nhạc, có múa minh họa được biểu diễn khá truyền cảm tới khán giả.

Tiết mục mở màn của ĐH Đại Nam được dàn dựng hoành tráng chiếm được cảm tình của khán giả

Trường thứ hai dự thi là ĐH Sư phạm 1 với tiết mục mở màn “Các cô gái Đài quan sát”, gắn liền với chiến thắng đánh bại chiến tranh B52 của Mỹ tại Hà Nội năm 1972. Bài thơ được thầy Bùi Công Minh (thầy giáo khoa Ngữ văn – ĐH Sư phạm Hà Nội) viết tặng các cô gái trên đài quan sát. Cô Bích Hà (một trong bốn cô gái Đài quan sát) đã lưu giữ bài thơ suốt 40 năm qua: “Các cô gái có hẹn gì chúng tôi/ Đài quan sát hẹp và cao đến thế/ Ngày mấy bận bắn tàu bay Mĩ/ Có lúc nào để hẹn hò nhau”.

Sinh viên Sư phạm với giọng đọc lôi cuốn đưa khán giả trở về những năm chiến tranh bị bom B52 Mỹ dội xuống, nổi lên hình ảnh những Cô gái trên Đài quan sát

Tiết mục thứ hai sinh viên Sư phạm mang đến một sự khác lạ là một sáng tác thơ ở thể loại tâm linh “Câu kinh gửi mây trời” (Nguyễn Thị Hường) nói về tình cảm của đứa con với người cha đã mất.

Tiết mục khá mới lạ ở thể loại tâm linh của trường Sư phạm

Tiếp theo chương trình là các tiết mục đọc thơ, với sự thể hiện hồn nhiên, trong sáng của hai sinh viên trường Sư phạm qua tác phẩm mang ý nghĩa gia đình “Con lớn lên” - tác giả là một em học sinh lớp 9 – Lê Minh Anh (trường THCS Nguyễn Tất Thành). Phần thi của trường Sư phạm 1 kết thúc với tiết mục đọc thơ Rằm tháng Giêng – bài thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đúng rằm tháng Giêng năm Mậu Tý 1948. Bài thơ viết bằng chữ Hán, có bốn câu, mỗi câu là một nét khắc hoạ tinh tế cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc của con người trước thiên nhiên kỳ vĩ.

Trường thứ ba tham dự là ĐH Bách khoa. Các sinh viên Bách khoa đã mang tới đêm thi thơ tiết mục ấn tượng với bài thơ “Nghĩ về cái cổng” (cổng ở đây là cổng parabol). Cổng parabol có lẽ biểu trưng cho một đường hình học có đặc tính kỳ lạ nhất trong số các đường cơ bản, tượng trưng cho ý chí bất khuất, tinh thần xây dựng, lòng hiếu khách và ham học của lớp lớp người VN đã trưởng thành từ mái trường Bách khoa. Có thể nói cổng parabol là niềm tự hào của trường Bách khoa. Bài thơ “Nghĩ về cái cổng” thơ của Lâm Thị Hà My, được thầy Nguyễn Đức Diên (thầy giáo phòng Công tác chính trị) phổ nhạc gây ấn tượng với đông đảo khán giả: Cổng bà cho cháu lớn lên/Cổng trường nâng cháu cao trên bước đời/Cong cong như mảnh trăng ngời/ Mã soi vằng vặc một thời sinh viên.

Trường ĐH Bách khoa còn mang tới chương trình một số tiết mục hát và đọc thơ “Tâm tình người giáo viên”, “Vẫn theo chân Bác, Bác ơi”, bài thơ Thế lộ nan của Hồ Chí Minh và kết thúc với tiết mục múa "Làng lúa làng hoa".

Thầy Nguyễn Đức Diên (phòng Công tác chính trị) tham gia trình diễn tại đêm thi

Càng về cuối, chương trình càng sôi động với sự tham gia của hai trường ĐH: Khoa học xã hội và Nhân văn và Học viện Báo chí tuyên truyền. Với đặc thù văn học nhân văn, các bạn sinh viên trường ĐH KHXH&NV mang tới chương trình nhiều tiết mục giản dị nhưng truyền cảm: “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân), Cảnh rừng Việt Bắc, Xuân 68, Nói với em và biển (Nguyễn Thị Hằng sinh viên K56 khoa Văn sáng tác và biểu diễn), Ôm dáng hình đất nước (bài thơ của hai sinh viên trong trường sáng tác).

Tiết mục trình diễn của sinh viên ĐH KHXH&NV

Sau liên khúc mùa xuân mở màn vui nhộn, Học viện Báo chí mang tới chương trình các tiết mục thơ Ca sợi chỉ của Hồ Chí Minh, bài thơ “Theo cô” (sáng tác của của sinh viên khoa Quan hệ quốc tế), “Nỗi nhớ Quảng Ninh” của bạn sinh viên Hồ Ngọc Phúc. Phúc chia sẻ: "Em rất yêu thơ, thông qua bài thơ em muốn gửi thông điệp biển đảo Tổ quốc yêu thương bởi Quảng Ninh có đảo Cô Tô – đảo tiền tiêu ở Đông Bắc của Tổ quốc.Em mong muốn gửi những câu thơ cho các chiến sĩ ở hải đảo xa xôi đang canh giữ bầu trời bình yên cho Tổ quốc".

Liên khúc xuân vui nhộn của sinh viên Báo chí

Đánh giá chung qua hai đêm thi của 8 trường đại học, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: "Chủ đề đưa ra năm nay "Tuổi trẻ và Tổ quốc" cho thế hệ thanh niên, mà cụ thể là qua sự thể hiện của sinh viên 8 trường đại học không quá to tát so với các bạn. Các bạn có hăng hái nhưng lại chưa có sự sâu sắc cần có. Có nhiều bài thơ chưa phù hợp với tiêu chí của chủ đề năm nay, đi vào tình cảm riêng lẻ chứ chưa thể hiện được tình yêu lớn với Tổ quốc. Thơ còn mang giọng xã luận, báo chí chưa nói được tính trữ tình, làm rung động, có thể đi vào lòng người".

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.