Nghệ sĩ Khắc Huề: “Tôi chỉ giàu tâm hồn”

17:20 | 19/02/2013

3,127 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề” đã trở thành câu nói quen thuộc của hàng triệu người Việt Nam. Ông làm bạn với cây Violon từ khi còn là một cậu bé, với sự nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, ông đã chuyển sang nghề “chỉ đạo” vươn lên tầm “nghệ thuật”.

Hiện ông đang kèm cặp 4 học trò để chuẩn bị cho cuộc thi sắp tới. Biết chúng tôi đến, ông vẫn không rời khỏi cây đàn, thay cho màn chào hỏi, ông đón tiếp đón chúng tôi bằng những tiết tấu ca khúc “Diễm xưa” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất cả như đang chìm đắm trong khúc nhạc du dương, da diết ấy. Qua câu chuyện, ông cho chúng tôi biết đôi chút về con người mình, cũng như cái nghiệp mình đang theo.

- Giữa hai danh hiệu “Chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề” và “Người nghệ sĩ violon”, ông thích được gọi bằng danh hiệu nào?

- Như nhau cả thôi. Đối với tôi, hai danh hiệu đó nên đi cùng với nhau, đừng nên tách nó ra. Có mặt này thì mới có mặt kia.

Một chương trình biểu diễn thắng lợi hay không phải do tài của người chỉ đạo. Cái tài ở đây là việc tổ chức, bố trí những công việc thiết yếu. Anh hãy nhìn ca sĩ xem họ đi đôi giày. Đối với người chỉ đạo, khi ca sĩ đến, phải tìm đúng đôi giày của họ, đừng đi nhiều giày cùng một lúc.

Người chỉ đạo phải thuộc hết, biết hết, nắm bắt cho được cái “gam” của từng vùng, từng miền, từng địa phương. Không những thế, người chỉ đạo còn phải nắm bắt được tâm lý từng đối tượng. Bởi vì mỗi người ở từng vùng miền khác nhau có những gu khác nhau. Mình y như một người bác sĩ vậy, phải bắt trúng mạch họ để tìm ra được cái gu của họ. Chẳng hạn, đối tượng thanh niên thì có “Phượng hồng”, người già thì có “Suối mơ”, bộ đội thì có “Bài ca hy vọng”, “Mời anh đến thăm quê tôi”.

Tôi còn nhớ một kỉ niệm khó quên. Có một lần, tôi đến để chuẩn bị cho công việc của mình, bất ngờ khi thấy mấy chục chiếc ghế hàng ngày đã được dọn sạch. Hỏi ra mới biết có một đoàn gồm các anh em thương binh trong Hà Đông nghe tiếng đã đi ôtô ra, người khỏe đi trước dọn chỗ để đưa xe đẩy cho các đồng chí tàn tật lên. Nắm bắt được tâm lí của họ, tôi đổi ngay chương trình kịch bản được dàn dựng trước đó, các ca khúc cách mạng được tấu lên như “Vết chân tròn trên cát”, “Bài ca hy vọng”… để khơi gợi niềm tin, sự lạc quan. Rất nhiều tràng pháo tay vang lên cảm kích, có cả những giọt nước mắt vì xúc động. Nhiều lần hát theo yêu cầu trong đó có những khán giả người nước ngoài như Hàn Quốc, Indonesia.. muốn nghe những ca khúc của đất nước họ, chúng tôi cũng đã điều chỉnh kịp thời để đáp ứng những yêu cầu ấy

 Nghệ sĩ Khắc Huề coi cây đàn như người bạn tri kỷ của mình

- Ông thấy mình có gì đặc biệt?

- Tôi thèm cầm cây đàn đi lang thang giống như một người lãng du vậy. Tôi đánh đàn hay nhất là lúc ngửi thấy mùi khói, đặc biệt là mùi khói từ rơm rạ, mùi thơm của khoai nướng, sắn nướng quyện hòa vào nhau. Giường như lúc đó trong tiếng đàn của tôi có thêm men say.

- Người ta thường nói, violon là một thứ nhạc cụ sang trọng, quý phái nhưng người nghệ sĩ không thể dựa vào đấy để mưu sinh được. Là một người gắn bó với cây vĩ cầm từ lâu, ông thấy điều đó thế nào?

- Suốt từ bé đến bây giờ, tôi luôn gắn bó với cây đàn, không làm gì khác ngoài việc kiếm tiền từ cây đàn này.

Những người khác nói rằng không thể mưu sinh với cây đàn, chẳng qua họ đòi hỏi ở cuộc sống quá cao sang, phải ở khách sạn, uống rượu ngoại, sính đồ ngoại… Tôi thì đơn giản hơn nhiều. Cuộc sống của tôi thật giản đơn nhưng cũng không thiếu niềm vui. Nhà tôi rộng chưa đầy 50m2 nhưng tôi dành 20m2 để làm sân, làm vườn, là nơi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, những người bạn cô đơn luôn tìm đến tôi để sẻ chia. Tôi luôn mở rộng cánh cửa chào đón họ cũng như những ai yêu mến tôi. Việc giao lưu gặp gỡ bạn bè là dịp để chúng tôi cùng ôn lại những năm tháng đã sống, làm việc, ôn lại những năm tháng tuổi trẻ đã qua. Hàng xóm rất quý mến tôi, họ thường mang củi sang cho. Vì vậy mỗi lần bạn bè đến, tôi thường mang củi ra đốt, chúng tôi tụ tập xung quanh bếp lửa để đàm đạo cùng nhau với mùi thơm từ khoai, sắn nướng nghi ngút khói.

- Trong quãng thời gian hoạt động nghệ thuật, ông có cảm thấy tiếc nuối điều gì không?

- Từ nhỏ tôi luôn ôm ấp mộng ước được đi du học ở nước ngoài, được học một cách bài bản bởi những người thày chính thống. Nhưng mộng ước ấy đã bị vùi lấp do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc lúc ấy. Đó là một điều khiến tôi vô cùng tiếc nuối

- Công việc “chỉ đạo nghệ thuật” có khiến cho ông “rủng rỉnh” hơn trong vấn đề kinh tế?  

- Giàu về tâm hồn thì đúng hơn (cười).

- Trong lúc biểu diễn ông thường hay nghĩ đến điều gì?

- Trong lúc biểu diễn, đầu óc tôi rất ít khi bị phân tán, tôi tập trung toàn bộ sức lực, trí lực cho công việc. Những vấn đề liên quan đến danh vọng, kinh tế tôi không quá quan tâm. Bởi mình là người hoạt động nghệ thuật, mình mà thực tế quá thì làm sao có chỗ cho nghệ thuật, nghệ thuật sao có thể thăng hoa được. Tiếng đàn lúc ấy sẽ bị “loãng” bởi những suy nghĩ mông lung.

Khi kéo đàn, tôi thường thả hồn theo nó, liên tưởng đến những điều trong bài hát đó. Chẳng hạn khi tôi thể hiện “Diễm xưa” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi chợt nhớ đến một tỉnh nào đó, nơi tôi về tìm một người bạn nhưng không thấy bạn đâu. Hòn đá, giếng nước bị lấp, cây bị chặt… Những hình ảnh đó gọi nhớ đến những kỷ niệm xa xưa đồng thời cứa vào lòng một nỗi đau của sự xa cách, chia ly.

- Bằng ấy năm sống cùng cây đàn kiêm công việc chỉ đạo nghệ thuật, ông có cảm thấy mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi không?

- Tôi vẫn chưa thấy mệt. Được sống, làm việc cùng cây đàn, tôi cảm thấy cuộc đời thật đáng quý, đáng yêu. Không ngày nào tôi không động đến cây đàn, nó như người bạn tri kỷ của tôi vậy.

- Ắt hẳn công việc của ông giờ đây rất bận rộn?

- Công việc của tôi hàng ngày diễn ra đều đều, hầu như không có mấy khi ngưng nghỉ, hết soạn nhạc trên những chất liệu âm nhạc khác nhau, thời gian này tôi bận nhất là đào tào, bồi dưỡng violon cho lớp trẻ. Hiện tại, tôi đang bỗi dưỡng violon cho 4 cô cậu học trò để chuẩn bị cho phần thi tài năng ở một cuộc thi sắp tới.

- Những buổi biểu diễn giao hưởng, ông thấy thanh niên đến đông không hay chủ yếu là những người trung niên?

- Kết quả cho thấy, những chương trình biểu diễn giao hưởng, khán giả chủ yếu là những người trung niên, thanh niên thì rất ít. Tôi thấy, thanh niên hay những người trẻ tuổi nói chung họ ảnh hưởng nhiều bởi nhạc trẻ, nhạc rock… những loại nhạc có tiết tấu nhanh, mạnh, gấp gáp, ngôn ngữ vui nhộn đầy sắc màu. Hai loại nhạc trên không liên quan đến nhau. Nhạc giao hưởng khiến người nghe phải suy nghĩ nhiều thì mới hiểu hết được ngôn từ, ý nghĩa trong bài hát đó. Nhạc trẻ, nhạc rock có khả năng gây kích động mạnh đến người nghe vì nó ồn ào, sôi nổi.

- Vậy theo ông nguyên nhân nào khiến giới trẻ quay lưng lại với nhạc giao hưởng?

- Tôi nghĩ, văn hóa đọc là một điều rất quan trọng. Cách giáo dục ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi. Ở những nước phương Tây, nền giáo dục của họ rất tốt, quan tâm đúng cách. Họ có những buổi giảng về dân tộc. Họ đi nhà thờ nhiều, nghe Opera. Nói chung, giáo dục quần chúng của họ khá cao. Còn ở đất nước mình thì ngược lại, không được giáo dục quần chúng nên cũng không thể trách họ được.

- Xin cảm ơn những điều tâm sự của ông!

                                                                             Minh Hiền (thực hiện) 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.