Nghệ sỹ Hán Văn Tình: “Hãy hiểu... cho Tuồng”

08:22 | 13/12/2012

1,243 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tuồng khó tiếp cận ở chỗ, những văn phong lời thoại cũng như hành động của Tuồng mang nặng tính ước lệ. Vì vậy, để hiểu một tác phẩm Tuồng đòi hỏi người xem phải có vốn hiểu biết nhất định. Điều này đã làm Tuồng ngày càng xa rời khán giả, NSƯT Hán Văn Tình mong mỏi khán giả hãy hiểu cho cái khó của Tuồng.

- Vẫn ở tình trạng “đìu hiu vắng khách” người nghệ sỹ “gạo cội” đã gắn với Tuồng gần trọn cuộc đời như Hán Văn Tình , chắc chắn sẽ buồn lắm?

- Nói thực là những giải pháp cũng đã được vẽ ra hết rồi, đã có những chuyển biến. Nhưng để tuồng thực sự khởi sắc cũng cần phải một quá trình lâu dài và kết hợp bởi nhiều yếu tố. Chuyện đã thành “Biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn cứ còn phải nói dài dài.

Còn về phần một người nghệ sỹ Tuồng như Hán Văn Tình những gì cống hiến thì đã cố gắng hết sức. Chỉ mong sân khấu Tuồng thường xuyên được đỏ đèn, chứ cứ đìu hiu mãi thì cũng “tủi”.

Nghệ sỹ Hán Văn Tình

- Điều gì đã làm cho sân khấu Tuồng trở nên bất di, bất dịch như thế?

- Thực ra các bạn cũng phải hiểu cho loại hình sân khấu Tuồng. Đã đành là tình hình chung, loại hình nghệ thuật truyền thống chung cảnh vắng khách như nhau, nhưng Tuồng lại khó khăn hơn. Bởi nếu như chèo, cải lương...có thể đem đi phục vụ ở những lễ hội nhỏ, những sân đình, thậm trí là cả phòng trà như trong Nam các nghệ sỹ đã làm với cải lương. Nhưng ở Tuồng thì thực sự rất khó. Tuồng xa lạ với công chúng hơn ở tính ước lệ, cách điệu mang tính chất bi hùng với những nội dung mang tính chất kinh điển. Nó không gần gũi với cuộc sống đời thường thậm trí là rất khó hiểu. Nên để hiểu được sâu, được kỹ một vở Tuồng cổ là một điều khó với khản giả đương thời.

- Nhưng khó chứ không phải không thể làm cho Tuồng gần được với công chúng?

- Chúng tôi vẫn có biện pháp khắc phục với tham vọng rằng “mưa dầm thấm lâu”, để đưa tuồng đến được gần với công chúng. Bình thường thì tại rạp Hồng Hà mỗi tuần chúng tôi vẫn biểu diễn 2 buổi vào tối thứ 5, thứ 6 dành cho khách du lịch. Còn những lần công diễn hay phục dựng vở mới thì diễn cả thứ 7, chủ nhật. Mặc dù với hơn 800 ghế của rạp hát, nếu diễn thu vé thì chỉ được tầm 2-3 trăm khán giả nhưng chúng tôi vẫn diễn và phục vụ khán giả nhiệt tình dù khách đến đông hay vắng. Nhưng phải thừa nhận là diễn cho khách du lịch thì dân ta chiếm rất ít, chủ yếu là khác nước ngoài. Họ cũng rất được, khi xem rất chăm chú và chịu khó tìm hiểu. Vì thế mà chúng tôi đã có những trích đoạn được dịch ra tiếng Anh, hoặc có phụ đề tiếng Anh để tiện cho họ theo dõi.

Song song với việc duy trì sáng đèn ở rạp Hồng Hà thì các nghệ sỹ nhà hát Tuồng cũng đã thực hiện gần song chương trình đưa Tuồng đến với sân khấu học đường. Để Tuồng tiếp cận được với các bạn trẻ, đó là đối tượng chúng tôi thực sự quan tâm.

- Kế hoạch đã thực hiện gần xong? Vậy kết quả thu được có khả quan?

- Chương trình chỉ còn một buổi nữa, các nghệ sỹ sẽ đưa Tuồng đến trường Amstecdam là kết thúc một tua chúng tôi đưa Tuồng đến với các trường phổ thông và đại học khu vực Hà Nội. Xong chương trình chúng tôi cũng dự tính những kế hoạch dài hơi để đưa Tuồng tới với sân khấu học đường của những tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cũng mở rộng, hướng tới bà con đồng bào khu vực biên giới, bộ đội, hải đảo.

- Đã đưa Tuồng đến với các trường Đại học, THPT trên địa bàn Hà Nội. Vậy phản ứng của các em thế nào?

- Điều bất ngờ là các em đón nhận rất nhiệt tình. Ban đầu các nghệ sỹ cũng thoáng e ngại. Bởi thời đại phát triển, người lớn còn không muốn nghe Tuồng huống hồ các bạn thanh niên. Chúng tôi đã rất cất công để vạch ra kế hoạch diễn và tìm cách cho các em tiếp cận một cách dễ hiểu nhất. Nên ngoài việc cho các em hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Tuồng truyền thống chúng tôi còn tìm những đoạn trích trong các vở vừa mang tính đại trà, vừa hài hước như: Ông già cõng vợ đi xem hội, Nguyệt Cô hóa cáo, Lân mẹ đẻ lân con... diễn cho các em xem. Bên cạnh đó, các nghệ sỹ còn có màn thử cho các em làm diễn viên Tuồng. Phần này được đón nhận khá hào hứng. Và kết quả làm chúng tôi rất bất ngờ. Có em khi được hướng dẫn xong còn cứ muốn đứng mãi trên sân khâu để học tiếp. Có em thì hào hứng thốt lên: Không ngờ Tuồng lại hấp dẫn đến thế. Các em cũng tỏ ra khá tài năng khi học các hành động khá nhanh.

Diễn Tuồng cho học sinh trường Xuân Đỉnh

- Vậy có nghĩa là, chúng ta có quyền tin vào tương lai khởi sắc của Tuồng, nếu biết tiếp cận?

- Tất nhiên nghệ thuật truyền thống thì sẽ không mất đi. Điều nghệ sỹ chúng tôi mong muốn là Tuồng được đón nhận nhiều hơn nữa. Vẫn biết rằng nó phụ thuộc vào nỗ lực của người nghệ sỹ, nhưng khán giả chịu khó tìm tỏi và trân trọng hơn nữa nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu Tuồng nói riêng thì quả là đáng quý.

- Nhưng Tuồng là điển hình cho việc vướng vào “vết xe đổ” của nghệ thuật truyền thống là ít chịu đổi mới?

- Điều này bản thân tôi cũng công nhận, nhưng Tuồng như đã nói ở trên thuộc thể loại hàn lâm, ước lệ, nói mây nảy trăng...rất dài dòng, phải cần sự am hiểu mới thưởng thức được. Hơn nữa, nếu cách điệu cho phù hợp với cuộc sống hiện đại thì cũng tùy từng vở. Hiện tại, nhà hát Tuồng mỗi năm sẽ phục dựng lại hai vở và diễn mới hai vở. Những vở mới sẽ được sáng tác cho phù hợp với cuộc sống đương đại, đương nhiên các nghệ sỹ cũng sẽ cố gắng thể hiện cái đương đại đó cho tốt. Còn những vở phục dựng sẽ được chọn lọc, cắt gọt, thêm bớt những chi tiết thực hơn, hành động đơn giản hơn để dễ tiếp nhận.

- Nhưng dường như vẫn còn khá ì ạch và chưa hiệu quả cho lắm?

- Không thể đòi hỏi ngay và luôn ở trường hợp này. Hơn ai hết chúng tôi mong muốn kéo được khán giả đến với nghệ thuật của mình. Nhưng chúng tôi đã tiến những bước chắc chắn. Mục tiêu vẫn như định hướng ban đầu là hướng tới tầm đối tượng khán giả đông nhất, hùng hậu nhất là giới trẻ. Họ sẽ là những khán giả tiềm năng của tương lai.

Còn đổi mới, sẽ còn trông chờ bởi nhiều yếu tố kịch bản, kinh phí...đặc biệt là những diễn viên giỏi, có tâm và thực sự muốn lăn lộn với nghề.

"Luôn mong muốn kéo khán giả đến với nghệ thuật của mình"

- Vậy điều mà nghệ sỹ Hán Văn Tình muốn gửi gắm?

- Tôi có một mong muốn là khán giả hãy quan tâm hơn nữa đến nghệ thuật truyền thống. Đành rằng nó có một khoảng cách nhất định về tiếp nhận, nhưng nếu chủ ý tìm hiểu và khi đã hiểu sâu về nó, tôi chắc các bạn sẽ bị nó mê hoặc. Chính tình yêu cho nghệ thuật truyền thống mới kéo các bạn lại được gần với sân khấu.

Vâng, xin cảm ơn nghệ sỹ Hán Văn Tình về cuộc trò chuyện này!

                                                                   Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.