Người ta đốt cháy giai đoạn rất nhiều

07:07 | 18/09/2014

469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hoàng Bách cho biết, anh là một người thầy dạy nhạc khó tính. Những ai tìm đến anh với mong muốn làm ca sĩ mà anh thấy không có khả năng thì sẵn sàng phũ phàng đến mức… đuổi về!

Năng lượng Mới số 357

PV: Hoàng Bách đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp gắn liền với nhóm hát Acapella AC&M. Nhưng cái gì cũng có thời của nó, hẳn anh thấy rõ, âm nhạc bây giờ khác so với thời hoàng kim của nhóm khoảng chục năm trước?

Ca sĩ Hoàng Bách: Khác nhiều lắm chứ. Đầu tiên nói về giai điệu bây giờ nhanh hơn, đơn giản hơn và cái tính nhịp điệu được nâng cao hơn. Âm nhạc điện tử được sử dụng rất nhiều.

Về ca từ thì dễ dãi hơn và nó không còn mang nhiều tính ẩn dụ và chất thơ như ngày xưa nữa. Nhưng ngược lại nó cũng có sự phát triển về thể loại rất nhiều. Ca sĩ Việt Nam bắt đầu làm nhạc có thể loại chứ không như ngày xưa. Ngày xưa một bài hát có rất nhiều thể loại, còn bây giờ có sự phân dòng rất rõ ràng.

PV: Và theo anh, sự thay đổi đấy là tích cực hay tiêu cực?

Ca sĩ Hoàng Bách: Nếu bạn hỏi câu này cách đây 3, 4 năm, khi mà tôi chưa đi dạy nhiều và với những gì mình tiếp xúc trong thời điểm đó thì tôi sẽ trả lời đó là thời kỳ đỉnh điểm của âm nhạc trong chu kỳ xấu. Nghĩa là nhạc nhảm, nhạc chế đủ thứ lên ngôi.

Nhưng bây giờ cái nhìn của tôi đang có sự thay đổi nhất định và tôi mới bắt đầu nhận ra, không có điều gì là hoàn hảo cả. Nếu mình là một người yêu nghề, sống với nghề thì cần tỉnh táo để nhìn nhận mọi việc một cách khách quan từ nhiều phía. Luôn luôn có những mặt hay và không hay trong quá trình phát triển, nhưng đôi khi nó là xu thế thì mình phải chấp nhận chơi với nó hoặc mình dừng lại.

PV: Tôi thấy ca sĩ trẻ bây giờ không chú ý lắm đến giọng hát, họ quan tâm đến những chiêu trò để nổi tiếng nhiều hơn. Là người dạy nhạc cho thế hệ trẻ, anh nhìn nhận điều này thế nào?

Ca sĩ Hoàng Bách: Tôi nghĩ thời đại nào thì cũng có người này người khác. Đã có những lúc tôi từng nghĩ là như vậy và cảm thấy rất thất vọng với lớp ca sĩ trẻ ngày nay. Nhưng có một thực tế, những người muốn đi lên bằng scandal chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn thì biến mất tăm hơi, đến khi nhắc lại thì những người có chuyên môn chỉ nhếch mép lấy đó làm những câu chuyện cười. Có thể lúc đầu khán giả rất sốc nhưng dần họ sẽ quen và sẽ nhận ra đâu là nghệ thuật đích thực, đâu là cái ăn theo, lợi dụng để kiếm lợi.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của một người làm nghề, bất kỳ lĩnh vực nào cũng có những giây phút huy hoàng hoặc có khi lu mờ. Nhưng vấn đề chính là mình có chuyên môn và mình yêu nghề thì sẽ tồn tại được. Còn những người muốn tìm một chút hào quang, danh vọng mà đặt tên nó là đam mê trong khi bản thân lại không có thì sớm muộn gì cũng biến mất.

PV: Thời bây giờ làm ca sĩ dễ quá. Ngày xưa để làm ca sĩ phải trải qua cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Còn ngày nay chỉ cần có ít tiền làm album phát hành online, tốn chút tiền để lên báo nữa là nghiễm nhiên là ca sĩ. Bây giờ, ra đường là gặp ca sĩ. Anh đánh giá thế nào hiện trạng này?

Ca sĩ Hoàng Bách: Tôi nghĩ đây là câu chuyện của thời đại, của xu thế và chúng ta không thể nào đặt mình đứng ngoài xu thế và phán xét một cách vội vàng được. Ngày nay khác ngày xưa rất nhiều. Bây giờ, chúng ta di chuyển bằng xe hơi, bằng máy bay và kết nối với nhau bằng Internet thì không thể bắt các bạn ấy phải sống như thời xưa đi xe đạp, tàu hỏa, nói chuyện với nhau bằng thư tay được. Ngày xưa và ngày nay đều chung một xuất phát điểm. Họ chỉ khác về phương tiện, công nghệ thôi.

Và người làm công tác giảng dạy như tôi cũng phải luôn cập nhật xu hướng, cũng phải làm bạn với công nghệ để có thể dạy cho học trò mình những cái mới nhất. Bởi vì thực ra nghệ thuật thì luôn luôn thay đổi, quan trọng là cái tư duy làm nghề nó vẫn như thế, vẫn đặt chất lượng lên hàng đầu.

Nhưng theo tôi ngày xưa làm nghệ sĩ dễ hơn bây giờ, vì ngày xưa sự cạnh tranh ít hơn. Còn bây giờ mới là giai đoạn khốc liệt của người làm nghệ sĩ, bởi vì tuổi nghề của người nghệ sĩ bắt đầu và kết thúc rất sớm nếu chúng ta đốt cháy giai đoạn. Và thời buổi này mọi người đốt cháy giai đoạn rất nhiều. Càng nhiều người tham gia thì sự đào thải càng lớn và số người trúng giải có giá trị thực sự sẽ ít đi.

PV: ́i những học trò mà anh nhìn rõ là không có khả năng ca hát. Anh sẽ khuyên họ bỏ nghề chăng?

Ca sĩ Hoàng Bách: Đầu tiên, tôi nghĩ mơ ước ca hát đó là điều rất tốt. Có thành công hay không là câu chuyện khác nhưng còn hơn những người sống mà không biết mình muốn gì, không biết mình thích và đam mê gì. Chính lớp trẻ bây giờ đang có rất nhiều người như vậy.

Còn về mặt chuyên môn, tôi là một người rất thẳng thắn. Đến học với tôi với mong muốn trở thành ca sĩ thì cách nói chuyện, nhận xét chuyên môn của tôi sẽ khác. Tôi đôi khi rất phũ phàng. Và có rất nhiều người đến với tôi yêu cầu lăng-xê, yêu cầu tôi làm nhà sản xuất nhưng khi họ thực sự không có khả năng thì tôi đều khuyên là nên dừng và chuyển qua việc khác mà làm. Tôi nói thẳng luôn tiền mất, tật mang nên dừng lại đi. Rất nhiều người giận tôi và đi làm việc với người khác nhưng rồi cũng không đâu vào đâu cả. Tôi nghĩ có thể họ sẽ giận mình lúc đó nhưng sau này họ sẽ hiểu. Còn ngược lại với những con người đam mê ca hát và có khả năng thì tôi sẵn sàng dạy và có thể làm việc cùng với họ.

PV: Nhìn những ca khúc nhạc trẻ đang được yêu thích nhất bây giờ, như “Em của ngày hôm qua” với hơn 40 triệu lượt xem chẳng hạn. Anh có suy nghĩ gì? Nhiều người nói, thị hiếu âm nhạc ngày càng đi xuống!

Ca sĩ Hoàng Bách: Điều đó là sự thật, âm nhạc hay nghệ thuật chỉ phản ánh xu hướng của thời đại, thực tế cuộc sống đang diễn ra. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ai cũng phải sống vội, mọi thứ đến và đi rất nhanh. Ngày xưa người ta nói chuyện với nhau bằng thơ, bằng nhạc, bây giờ người ta nói chuyên với nhau bằng Internet, với từ ngữ nhanh gọn, dễ hiểu, rút ngắn thì âm nhạc cũng như vậy. Đấy là nói về mặt ca từ bây giờ nó không còn chất thơ nữa.

Người ta đốt cháy giai đoạn rất nhiều

Còn về mặt thị hiếu âm nhạc thì bây giờ âm nhạc điện tử đang lên ngôi và những thứ gì dễ nghe, dễ hiểu thì nó sẽ được biết đến rộng rãi và mình không thể thay đổi điều đó được. Tất nhiên, những ca khúc xưa có giá trị thì vẫn có chỗ đứng riêng và dù không ồn ào nhưng vẫn có một lượng khán giả nhất định. Âm nhạc bây giờ khác xưa, nếu nói về tính đại chúng thì âm nhạc bây giờ ngày càng dễ dãi hơn. Nhưng ngược lại, những người nghe tinh tế thì ngày càng khó tính hơn, chính vì thế sự phân dòng rất là rõ ràng.

Những người nghe nhạc một cách tinh tế thì đôi khi những ca khúc cho không họ cũng không nghe, không mua. Nhưng cũng có những ablum bán với giá rất đắt nhưng họ vẫn đi lùng mua cho bằng được.

Còn với loại nhạc hát không ra hát, nói không ra nói, chửi không ra chửi mới xuất hiện gần đây thì nó làm cho mọi người phải cau mày khi nghe. Song, đó không phải là tất cả, tôi mong khán muốn nghe nhạc thật sự hãy bình tâm vì đâu đó vẫn luôn có những người trẻ tài năng. 

PV: Là người thầy dạy nhạc, anh dạy học trò mình thế nào cái gọi là thẩm mỹ âm nhạc?

Ca sĩ Hoàng Bách: Rất khó để dạy điều đó trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là do lối sống, cách suy nghĩ, cảm thụ và quan trọng là phải có trình độ. Trình độ không chỉ đơn giản học một vài ngày rồi ra mà trình độ này là sự hiểu biết về văn hóa, cuộc sống và qua đó mình sẽ thấy được nhiều cái hay, cái đẹp ẩn giấu trong đó.

Tôi luôn nói với các học trò, nếu các bạn muốn làm ca sĩ thực sự thì phải đi học nhạc và ít nhất là phải chơi được một loại nhạc cụ, thì lúc đó cảm thụ âm nhạc và cách hát của mình nó sẽ khác và biết đâu sau này các bạn sẽ tự sáng tác ca khúc cho riêng mình. Và rất nhiều học trò của tôi đã làm được điều đó.

PV: Cảm ơn anh!

Thu Vân (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.