Người thầy của 6 vị tướng

07:06 | 19/11/2014

2,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở Đà Nẵng nhiều người dân biết tiếng người thầy giáo già - Đại tá Doãn Mậu Hòe. Riêng tôi, đã nghe nhiều người nói về ông nhưng quả thực cho tới khi tiếp xúc và chuyện trò với ông, tôi mới hiểu nguyên cớ vì sao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở thành phố “đầu biển, cuối sông” lại quý mến ông đến vậy. Trong lịch sử gần 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta, có biết bao tấm gương thầy giáo tiêu biểu, nhưng người thầy trực tiếp dạy văn hóa cho 6 vị tướng thì quả là hiếm có.

Năng lượng Mới số 375

Bất ngờ làm thầy

Ông kể: “Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc, biên chế về Trung đoàn 108, Sư đoàn 305, giữ chức chính trị viên tiểu đoàn. Ở đơn vị, tôi mở lớp dạy kèm các môn văn, toán, tiếng Pháp… cho các chiến sĩ. Sau đó, tôi được phân công về Tổng cục Chính trị dạy bổ túc văn hóa cho các cán bộ của 3 cơ quan: Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Bộ tổng Tham mưu…

Thế rồi, tôi được Ban Giám hiệu chọn hướng dẫn cho 6 vị tướng học văn hóa tại nhà riêng là các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Song Hào, Phạm Ngọc Mậu, Lê Quang Đạo và Phạm Kiệt.

Tuy là lãnh đạo cao cấp trong quân đội, song các anh đều cầu tiến, ham học hỏi, giản dị và khiêm nhường khiến tôi thực sự cảm phục về tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc của các vị tướng. Ngày đó, đồ dùng dạy học thiếu thốn, thầy trò phải tranh thủ thời gian tự tạo ra đồ dùng để giảng dạy. Tuy bận nhiều công việc, nhưng các vị tướng đều chăm học. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người thông minh, giỏi đều các môn. Các bài tập tôi ra về nhà, anh đều hoàn thành một cách xuất sắc.

Thiếu tướng Phạm Kiệt vốn là người chỉ huy du kích Ba Tơ, giỏi đánh giặc, nhưng học văn hóa có phần vất vả. Một hôm Thiếu tướng Phạm Kiệt đề nghị: “Thầy Hòe đừng phân công các cô giáo dạy tôi nhé, vì trước đây tôi bị Pháp bắt, tù đày, đánh đập, bây giờ ảnh hưởng trí não, nói trước quên sau, nếu các cô giáo dạy khi hỏi bài mình không trả lời được thì xấu hổ lắm…”. Nghe vậy, tôi tận tình hướng dẫn và anh cũng học hành tấn tới.

Đối với Thượng tướng Song Hào và Trung tướng Lê Quang Đạo, trong giờ hóa học, tôi giành thời gian thực hành nhiều hơn để cho các anh dễ hiểu, dễ nhớ. Thời kỳ này, các tướng lĩnh tập trung theo dõi, chỉ đạo trên chiến trường, đêm về tranh thủ thời gian học tập. Tuy cường độ học tập hơi “căng”, nhưng các anh đều cố gắng hoàn thành”. 

Kỷ niệm khó phai

“…Hồi đó tôi mới 25 tuổi, còn học viên là các tướng lĩnh nổi tiếng, thế nên xưng hô trên lớp như thế nào cho hợp lý, hợp tình là cả một vấn đề. Hiểu sự bối rối của tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ân cần nói: “Giáo viên nên gọi chúng tôi là anh, chúng tôi gọi giáo viên là thầy giáo. Xưng hô như thế cho gần gũi, tình cảm!”. Nghe Đại tướng nói vậy, tôi xúc động không nói nên lời. Từ đó, quan hệ thầy trò rất cởi mở.

Đại tướng là người nghiêm khắc, song nhân hậu, luôn quan tâm tới người khác. Cuối buổi học hoặc giờ giải lao, ông thường hỏi thăm tôi về quê hương miền Nam, về cuộc sống của bà con vùng bị địch tạm chiếm. Mỗi lần nghe tôi kể về nỗi khổ đau của đồng bào dưới sự đàn áp của giặc Mỹ, ánh mắt ông rưng rưng. Lần gặp gỡ cuối cùng giữa tôi với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vào đầu tháng 7/1967. Biết tôi chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu, Đại tướng mời tôi đi chùa Thầy. Tôi không thể đi được vì phải làm công tác chuẩn bị cho kịp thời gian. Hôm ấy, Đại tướng ân cần cầm tay tôi và nói: “Thầy giáo lên đường bình an, cho tôi gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới bà con, hẹn ngày chiến thắng!”. Tôi không ngờ đấy là lần cuối cùng được gặp Đại tướng. Bởi trên đường hành quân vào đến Khu IV thì tôi được tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời vì bệnh tim”.

Sau giây phút xúc động, Đại tá Doãn Mậu Hòe say sưa: “Kỷ niệm  giữa tôi và Đại tướng Hoàng Văn Thái cũng khá sâu sắc. Nhân dịp lên thăm con trai là Hoàng Quốc Hùng đang học tại Trường Nguyễn Văn Trỗi mà tôi là giáo viên, Đại trướng Hoàng Văn Thái mời tôi lên gặp. Sau một hồi hàn huyên đủ thứ chuyện, hai bố con ông đi bộ tiễn tôi cả đoạn đường Yên Mỹ. Đêm mùa thu dịu mát, ánh trăng thượng tuần sáng vằng vặc, đang đi, Đại tướng Hoàng Văn Thái dừng lại, cầm tay tôi và nói với con trai Hoàng Quốc Hùng: “Trước đây thầy Hòe dạy ba, nay thầy lại tiếp tục dạy con. Muốn nên người, con phải luôn “tôn sư, trọng đạo”, sống có nghĩa tình sau trước!”. Đêm ấy, dọc đường về, lòng tôi trào dâng nỗi niềm khó tả”…

Ông bùi ngùi tưởng nhớ 28 học trò thân yêu đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có đồng chí Võ Văn Dũng (con trai nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), học sinh khóa 5, rất thông minh, học giỏi và vui tính…

Tấm gương mẫu mực

Nói về thầy Hòe, ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch UBND phường Mỹ Á khẳng định: “Cụ là một đảng viên tiêu biểu, là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo!”.

Thật vậy, về hưu nhưng ông đâu có chịu nghỉ ngơi. Thầy đề xuất với lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn thành lập Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến. Thực tế từ năm 2008 đến nay, Quỹ Khuyến học Lê Văn Hiến đã vận động được gần 160 triệu đồng từ hơn 50 tổ chức, cá nhân, góp phần bảo trợ dài hạn cho hàng trăm học sinh mồ côi nghèo, cấp học bổng cho 145 em học sinh giỏi, trao giải thưởng cho gần 300 học sinh lớp cuối cấp học phổ thông và trúng tuyển vào đại học.

Có lẽ tất cả người dân khối phố An Thượng sẽ không bao giờ quên ơn  người cựu chiến binh già Doãn Mậu Hòe bởi từ ngày ông về hưu thì bà con được hưởng lợi. Bằng uy tín của mình, ông đã huy động được hơn 300 triệu đồng để “nâng cấp” hệ thống hạ tầng cơ sở. Có kinh phí, ông huy động bà con khơi thông cống rãnh, sửa chữa hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường… Nhờ vậy, đến nay 100% hộ gia đình trong tổ dân phố đều có điện chiếu sáng, có nước máy, hệ thống đường sá xanh, sạch đẹp…

Giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông vẫn hăng hái động viên con cháu ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông thường nói, là đảng viên thì phải gương mẫu, là cán bộ thì phải thương dân. Lời nói và hành động của ông luôn nhất quán. Tuy sức lực không còn dẻo dai như trước, nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian đến các trường học, các đơn vị quân đội trên địa bàn kể cho thế hệ trẻ nghe về những kỷ niệm một thời dạy học cho các vị tướng lĩnh tài năng của quân đội trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Ngoài giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Khuyến học, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tham gia xây dựng tổ dân phố, gia đình văn hóa. Với sự mẫu mực và những cống hiến của mình, Đại tá Doãn Mậu Hòe đã được ra thủ đô Hà Nội dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH-TT&DL, Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh Việt Nam… tặng hàng chục Bằng khen.

Gần 10 năm công tác ở Tổng cục Chính trị, cuộc đời Đại tá Doãn Mậu Hòe gắn bó với nhiều kỷ niệm… Phút chia tay, tôi ấn tượng mãi với lời tâm sự chân tình của ông: “Quân đội ta nói chung và Tổng cục Chính trị nói riêng sắp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống. Những năm tháng công tác tại Tổng cục Chính trị đã để lại trong tôi những ân tình sâu nặng. Thời kỳ ở Trường nghiệp vụ Tổng cục Chính trị, ngoài việc hướng dẫn các tướng lĩnh học văn hóa, tôi đã học tập ở các anh đức tính chân thành, thẳng thắn, giản dị, gương mẫu và phương pháp, tác phong công tác… Chính tài năng, đạo đức của các anh là tấm gương sáng để tôi học tập, noi theo”.

Vĩnh Lộc

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.