Nhan sắc Việt "trắng tay" trên đấu trường quốc tế, lẽ đương nhiên!

00:13 | 09/09/2012

1,715 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã có không ít lần câu hỏi “vì sao người đẹp Việt thường trắng tay trên đấu trường quốc tế?” đã đặt ra sau mỗi cuộc thi nhan sắc quốc tế như Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn vũ kết thúc. Nhưng nhìn cái cách đào tạo và chọn người đẹp đi thi thì… không cần phải hỏi như thế bởi đó là lẽ đương nhiên!

“Nước tới chân mới nhảy”

Chúng ta không thể so sánh với Venezuela, một đất nước được mệnh danh là một cường quốc hoa hậu bởi nhìn vào chương trình đào tạo nhan sắc Việt để dự thi trên đấu trường quốc tế là một khoảng cách xa vô cùng tận! Nhưng khoảng cách ấy hoàn toàn có thể rút ngắn chứ không phải bế tắc! Trước nay, chúng ta cử người đẹp đi thi theo kiểu “nước tới chân mới nhảy”. Trong khi ở nước ngoài để đào tạo một người đẹp tham dự một cuộc thi hoa hậu, người ta có cả một quá trình dài đào tạo, huấn luyện một cách bài bản, chuyên nghiệp và nghiêm khắc. Ở Venezuela, nhiều hoa hậu được đưa vào các trường đào tạo từ năm 12, 14 tuổi đến khi đủ 18 tuổi người ta mới “xuất chiến”. Trong khi đó, công tác đào tạo của ta chỉ diễn ra khi còn hơn tháng nữa là người đẹp phải lên đường thi đấu! Tôi nhớ có năm vừa thi xong một cuộc thi hoa hậu trong nước, người đoạt giải liền được chọn đi thi thế giới. Với kiểu lựa chọn ấy thì làm sao các người đẹp có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm để tranh tài với người đẹp thế giới?!

Hoàng My

Chúng ta thích làm việc phong trào, cuộc thi nào, vòng thi nào cũng tham gia cho có mà không có sự đầu tư đúng mực. Đơn cử vừa rồi trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới Miss World 2012, đại diện Việt Nam - Á hậu Hoàng My đã lần lượt trượt hết tất cả các phần thi phụ là vì như thế. Kiến thức và kỹ năng nghệ thuật phải được học tập, tôi luyện trong thời gian dài thì mới có thể đem ra thi thố, đằng này Hoàng My chỉ được học vỏn vẹn trong vòng vài tháng. Vì tinh thần dân tộc, mọi người hết lòng ủng hộ Hoàng My chứ thật tình, trong số đông cổ vũ nhiệt liệt ấy có không ít người thừa hiểu rằng, Hoàng My chỉ có thể đoạt được các giải phụ hay lọt vào top 10, 15 khi cô ấy may mắn!

Việc đào tạo người đẹp của chúng ta có nhiều vấn đề phải nói. Phần đông các công ty đều đào tạo theo cảm tính và dạy nghề, người đi trước chỉ lại cho người đi sau, không có một giáo trình cụ thể nào. Các trung tâm đào tạo người mẫu hiện nay phần nhiều chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài, như đi đứng làm sao để có thể diễn catwalk tốt là được còn cái chất bên trong, đó là tâm hồn thì hầu như đều bị bỏ ngỏ hoặc không được xem trọng. Trong lần trò chuyện gần đây cùng một giám đốc công ty chuyên đào tạo người mẫu để đi dự thi các cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước, anh Nguyễn Anh Tuấn của Công ty Á Đông cho biết, một người đẹp không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà nó còn phải đẹp về thể chất và tâm hồn bên trong. Một người được đào tạo bài bản về kiến thức bên trong thì tự khắc nó sẽ toát hẳn ra bên ngoài qua cử chỉ, dáng đi, cách ngồi, thế đứng, ánh mắt, đôi môi… “Cái chất muốn có thì người đào tạo cần phải có vốn kiến thức nhất định, tôi thấy hiện nay ở thị trường đào tạo người mẫu của chúng ta có một số người ở cương vị giám đốc trung tâm, nhưng bằng đại học còn chưa có, thậm chí có người còn chưa tốt nghiệp phổ thông thì làm sao cung cấp kiến thức cho học trò mình được!” - anh nói. Rồi anh kết luận rằng: “Đào tạo một người trở thành một người mẫu và một hoa hậu thực thụ còn khó hơn đào tạo một kỹ sư nhiều lần!”.

Chọn chưa đúng người?

Về cơ bản thì mỗi một cuộc thi hoa hậu đều tìm ra người tài đẹp nhất để trao vương miện nhưng về chi tiết thì mỗi một cuộc thi đều có tiêu chí khác nhau và như thế thì gu thẩm mỹ của ban giám khảo, ban tổ chức cũng là hoàn toàn khác… Ví dụ như Hoa hậu Hoàn Vũ thì thí sinh cần phải có vẻ đẹp sắc sảo và nóng bỏng, gợi cảm; trong khi đó Hoa hậu Thế giới thì cần phải có vẻ đẹp thánh thiện, phúc hậu nhưng hiện đại. Vì thế ngoài việc đào tạo, huấn luyện thì công tác tuyển chọn một người đẹp đại diện để tham gia một đấu trường sắc đẹp quốc tế cũng đặc biệt quan trọng!

Trước mỗi cuộc thi quốc tế, khi một người đẹp được chọn đều gây ồn ào, tranh cãi về chuyện có phù hợp không, đẹp xấu thế nào so với người đẹp B, C nào đó… Nhưng những tranh cãi đó cũng là điều hết sức cần thiết và dễ hiểu bởi thi hoa hậu mà chúng ta chọn một người không đẹp thì làm sao có thể đoạt giải được! Trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới vừa rồi, chúng ta hãy nhìn các hoa hậu của Venezuela hay Ấn Độ… chưa bàn đến tài năng và việc họ được đào tạo thế nào, chỉ nhìn vào hình thể và gương mặt thôi thì đã thấy họ vượt trội rồi. Nhìn lại thí sinh ta trong các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới gần đây nhất là một sự khác biệt lớn. Dẫu đẹp xấu không có tính bất biến nhưng với những người đẹp này, quá nhiều khán giả nhà đánh giá là không đẹp thì làm sao khán giả thế giới thấy họ đẹp được chứ!

Nhưng nói đi thì phải nói lại, không phải ta hoàn toàn “trắng tay” trên đấu trường quốc tế. Năm 2004 chúng ta có Nguyễn Thị Huyền lọt vào top 15, năm 2006 có Mai phương Thúy lọt vào top 17 người đẹp nhất của Hoa hậu Thế giới. Có một điều cần suy nghĩ là, cả 2 người đẹp làm rạng ngời nhan sắc Việt này đều là Hoa hậu của Việt Nam, còn thời gian gần đây chúng ta chọn những người đi thi đấu đều không phải là hoa hậu! Có thể, không phải chúng ta chọn hoa hậu để đi dự thi thì chúng ta có giải nhưng một điều đơn giản dễ hiểu nhất là nếu trong nước cô ấy không phải là người đẹp nhất thì đối với cả rừng nhan sắc của thế giới cô ấy chẳng là gì!

Cũng từ đây một câu hỏi được đặt ra là, vì sao chúng ta chọn những người đẹp không phải là nhất, là hoa hậu, trong khi chúng ta có thừa người đủ tiêu chuẩn để ứng thí trên đấu trường quốc tế? Đây là một câu hỏi khó, nó thuộc về “chuyện hậu trường” trong công tác chọn người đẹp đi thi. Một cách đơn giản nhất có thể hiểu là, đơn vị giữ bản quyền đưa người đi thi là một công ty người mẫu A nào đó. Thế nhưng trớ trêu là những hoa hậu Việt Nam hoặc những người đẹp nhất thì lại trực thuộc một công ty người mẫu B nào khác. Theo một lẽ thường thì ai cũng muốn người mẫu công ty mình được vinh danh, được nổi tiếng, huống gì đây còn là một cuộc thi nhan sắc lớn nhất nhì thế giới, nên sẽ hiếm khi nếu không nói là không có chuyện những người đẹp nhất này được đơn vị giữ bản quyền chọn đi thi, trừ khi họ là những người đẹp tự do, không trực thuộc một công ty nào!

Nếu không có những bước cải tiến, thay đổi mang tính đột phá trong cách thức đào tạo và lựa chọn người đẹp để tham gia thi đấu trên các đấu trường nhan sắc thế giới thì việc mong chờ một người đẹp Việt “làm nên chuyện” sẽ mãi ở thì tương lai! 

Trúc Vân

 

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...