“Ni cô chiến sĩ” sẽ trở lại!

11:10 | 24/08/2012

1,418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày này, vở “Ni cô Đàm Vân” đang được các nghệ sĩ Đoàn 2 – Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng để chào mừng tác giả lão thành bước sang tuổi 100. Có nhiều kỷ niệm vui và những bài học nghề nghiệp quý báu cùng những chia sẻ chân tình xung quanh vở diễn nổi tiếng.

Nhà văn Học Phi

Vở ưng ý nhất!

Tôi viết có mấy chặng đường – nhà văn, nhà viết kịch lão thành Học Phi ở tuổi 100 chia sẻ, ngày xưa còn chưa có tay nghề, viết còn nặng về thể hiện lập trường, còn lên gân lên cốt nên vẫn cứng quá! Sau này viết thoải mái theo tình cảm của mình hơn. Vở kịch “Ni cô Đàm Vân” được tôi viết cùng với vở “Cô hàng rau” vào năm 1976, khi đó thì mình đã chín, đã có thêm những nhận thức mới về Đảng, nên viết thoải mái lắm, hầu như nghĩ thế nào viết thế ấy, kịch cũng có nguyên mẫu từ quá trình hoạt động cách mạng của mình trước kia rồi…

Vở diễn nổi tiếng này nằm trong số những tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi. Được biểu diễn trên sân khấu kịch và được chuyển thể sang chèo, đều thành công và được yêu mến trong nhiều năm. Theo nhà văn Học Phi, đó cũng là hai vở mà tự tác giả thấy ưng ý nhất!

Và mới đây, để mừng lão nhà văn bước sang tuổi 100, từ ý tưởng và đề xuất của Hội NSSK Việt Nam, Bộ VHTT&DL quyết định giao cho Nhà hát chèo Việt Nam phục dựng vở chèo “Ni cô Đàm Vân” do TS Trần Đình Ngôn chuyển thể. Kể về quá trình “chèo hoá” và vở diễn vang danh trên sân khấu kịch hát thì cũng có nhiều chuyện đáng nhớ. TS Trần Đình Ngôn nhớ lại: Năm 1976, cụ Học Phi 64, tôi mới 34 tuổi. Tôi đến gặp cụ xin phép được chuyển thể tác phẩm. Hai cha con làm việc nghiêm túc và công phu. Cụ nghiêm khắc lắm, trong chuyển thể cũng như quá trình dàn dựng sau này, không cho phép những sáng tạo ảnh hưởng đến tính chân thực lịch sử. Tôi học được ở cụ nhiều điều, đó là ngón nghề, là nhân cách của người cầm bút, thái độ nghiêm túc trước đồng nghiệp và khán giả.

Nhà văn Học Phi tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ

Dựng dở, cấm phát sóng!

TS Trần Đình Ngôn càng hạnh phúc khi hồi đó không chỉ có ông chuyển thể vở “Ni cô Đàm Vân”, nhưng mỗi khi có đoàn chèo nào đến xin dựng, cụ Học Phi đều nói, lấy bản của Trần Đình Ngôn. Nhớ lần đầu tiên vở được đưa xuống dựng ở đoàn chèo Hải Phòng, cụ Học Phi về ở nhà khách thành uỷ để theo dõi tiến độ, cụ góp ý kiến kỹ lắm, nhất là về vốn sống của người chiến sĩ cộng sản.

Nhà văn Chu Lai, người con thứ chín của cụ Học Phi nói: Bố tôi khó tính kinh khủng! Đi theo dõi dựng vở, có nơi cụ “nhảy lên” sân khấu gạt đạo diễn xuống để tự mình “đạo”. Có lần ti vi báo vở “Ni cô Đàm Vân” sắp lên sân khấu truyền hình, cụ yêu cầu dừng chiếu! Về chuyện này, lão nhà văn cho biết: Đợt diễn vài chục năm trước không kể. Mươi năm trước, chèo Thái Bình có dựng lại vở này. Đạo diễn khác, lứa diễn viên cũng khác, dựng xong, đưa lên ti vi định phát, tôi nghe được tin hoảng người lên, sang truyền hình hỏi. Họ nói đã quay đoàn diễn rồi. Tôi yêu cầu phải cho tác giả xem chứ! Nhưng thấy tệ quá! Tôi yêu cầu không được phát sóng. Cụ mỉm cười: Tôi “sút” của truyền hình mấy vở người ta dựng của tôi đấy chứ! Cũng đều là xem trước rồi không đồng ý cho phát vì không thể đồng ý được.

Những chuyện như thế càng cho thấy là cụ “ghê”! Vì chính chèo Thái Bình hồi đầu đã từng dựng rất thành công vở “Ni cô Đàm Vân” mà theo cụ Học Phi là diễn tốt nhất, từng đưa vở đi phục vụ Quốc hội, tất nhiên hồi đó là đạo diễn khác, diễn viên lứa trước. Còn đoàn chèo Hà Nam Ninh thì được diễn vở phục vụ Đại hội Đảng. Vở được hơn chục đoàn dàn dựng, biểu diễn, được thử thách và công nhận. Chắc chắn đóng góp vào đó cũng chính nhờ sự nghiêm túc của lão nhà văn. Bởi thế mới đây khi Nhà hát chèo Việt Nam khai trương dựng vở, TS Trần Đình Ngôn góp ý trước: Hy vọng các nghệ sĩ sẽ làm việc nghiêm túc như bậc trưởng lão, sửa gì cũng phải xin ý kiến cụ. Còn lão nhà văn thì vẫn cẩn thận lắm, cụ bộc bạch: Tôi rất cảm ơn Hội NSSK Việt Nam và Bộ VHTT&DL có ý làm sống lại một vở diễn mà tôi rất thích. Nhưng tôi cũng rất sợ như hồi chèo Thái Bình phục dựng. Vừa rồi làm việc với Hội, tôi bảo, nhất thiết phải cho tác giả làm việc cùng đạo diễn. Phải thống nhất thì mới dựng. Chưa được thì cứ tranh luận đi! Nhà hát chèo đến làm việc với tôi và đã về khai trương. Bao giờ chạy vở, tôi sẽ đến tận nơi xem, không thì không yên tâm!

Cân bằng tâm linh

NSƯT Hà Quốc Minh, quyền Giám đốc nhà hát cho biết, trên bản chuyển thể của TS Trần Đình Ngôn, đạo diễn Vũ Ngọc Minh sẽ đảm nhiệm vở cùng nhạc sĩ NSƯT Hạnh Nhân, hoạ sĩ Doãn Bằng. Cuối tháng 8 này, vở sẽ xong đường dây, chờ góp ý để điều chỉnh, sửa chữa sau đó sẽ hoàn thành dàn dựng vào gần cuối tháng 9 để diễn chào mừng nhà văn, nhà viết kịch Học Phi bước sang tuổi 100. Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Hội đang tiến tới kỷ niệm 55 năm thành lập, có một số hoạt động kỷ niệm quá trình xây dựng và phát triển. Việc Hội tham gia cùng các cơ quan mừng lão nhà văn bước sang tuổi mới cũng nằm trong chương trình đó. Ông hy vọng, vở sẽ có những sáng tạo thổi được tình cảm, tinh thần của tác giả vào thời đại mới. Tại lễ khai trương vở, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn nói, đề nghị nhà hát tập trung phục dựng thành công, biểu diễn phục vụ đúng với ý nghĩa, tầm vóc của tác phẩm và tác giả.

Nhận xét về tác phẩm của cha, cũng là bậc tiền bối của mình trên đường văn nghiệp, nhà văn Chu Lai nói: Cả đời viết của bố tôi, nhân vật là người chiến sĩ cộng sản. Nhưng những người chiến sĩ ấy lại luôn nhiều góc khuất, lại có những tồn tại rất đời! Như vậy, đưa người cộng sản về với cuộc đời chính là bổn phận của văn nghệ sĩ! Nhà văn Chu Lai cũng hy vọng, vở được dựng lại thành công sẽ là cân bằng về tâm linh để lão nhà văn Học Phi có thể “bám víu” thêm với cuộc sống. Đối với cụ, viết là để chống lại sự suy tàn, sáng tạo là sợi dây nối liền người nghệ sĩ với cuộc đời.

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh ở Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng từ sớm và bắt tay vào những trang viết đầu tiên trong thời gian hoạt động. Trong sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 30 vở kịch và 9 cuốn tiểu thuyết, hầu hết mang đề tài cách mạng… Từ sau Cách mạng tháng Tám, ông từng tham gia nhiều công tác với các vai trò: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh Hưng Yên, Tổng thư ký Văn hoá kháng chiến Liên khu III, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam… Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996.

 

Xuyên Sơn