NSND Trịnh Thịnh qua đời

23:45 | 12/04/2014

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
NSND Trịnh Thịnh vừa từ trần lúc 9h30’ sáng 12/4 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Chia sẻ với báo chí, con gái trưởng của NSND Trịnh Thịnh, chị Trịnh Thị Hằng cho biết: “Hơn chục năm nay, bố tôi ốm nặng, trải qua 2 lần thập tử nhất sinh, ông không đi diễn được. Năm 2007, ông phải vào viện phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Năm 2011, ông bị ngã và bị gãy xương đùi. Còn năm 2012, ông bị nhồi máu cơ tim. Ông nằm trên giường từ đợt đó”.

Vợ của NSND Trịnh Thịnh nghẹn ngào: “Ông ấy đã vào viện được 20 ngày rồi. Những ngày đầu ông vẫn nói chuyện được bình thường. Nhưng mấy ngày gần đây, ông không nói được. Bệnh viện tận tình cứu chữa nhưng ông đã không qua khỏi”.

Được biết trước đó, nghệ sĩ Trịnh Thịnh từng 4 lần vào viện cấp cứu và may mắn qua khỏi. Nhưng lần này, ông đã ra đi mãi mãi.

Tang lễ NSND Trịnh Thịnh sẽ được cử hành lúc 14h45’ thứ 3 ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

NSND Trịnh Thịnh đã qua đời

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926, là diễn viên điện ảnh kỳ cựu của Việt Nam. Ông nổi tiếng với vai ông Củng trong phim Vợ chồng anh Lực mà giờ đây đã thành biệt hiệu mỗi khi nhắc đến ông.

Trịnh Thịnh sinh vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân, lớn lên tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông theo học "trường Tây" do Pháp mở. Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Tuy nhiên, các hoạt động điện ảnh của Việt Nam khi đó còn rất hạn chế, bó hẹp trong vài buổi chiếu phim công cộng ở các rạp Hàng Da, Hàng Quạt, những nơi Trịnh Thịnh thường lui tới khi còn là một cậu bé.

Trước năm 1954, Trịnh Thịnh làm việc ở Ngân hàng Đông Dương (Banque L'Indochine). Sau 1954, Ngân hàng Đông Dương ngừng hoạt động, ông làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống cho tới khi trúng tuyển cuộc thi tuyển diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô vào năm 1956 và bắt đầu tham gia vào hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp với tư cách diễn viên lồng tiếng. Trước đó Trịnh Thịnh có tham gia hoạt động sân khấu với vai diễn đầu tiên là vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng Topaze.

Cũng trong năm 1956, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời ông tham gia. Không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, Trịnh Thịnh vào vai khá thành công.

NSND Trịnh Thịnh trong phim "Vợ chồng A Phủ"

Vẻ bề ngoài và tính cách khiến Trịnh Thịnh rất được các đạo diễn ưa thích cho những vai các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam.

Những vai diễn thành công của ông là những vai hài, tuy nhiên cũng có những vai bi như phim Lời nguyền một dòng sông. Ông không khai thác tiếng cười tự nhiên chủ nghĩa, rẻ tiền mà thay vào đó khai thác triệt để đời sống tâm lý của nhân vật.

Trịnh Thịnh đóng rất nhiều phim và những vai của ông đều được đánh giá thành công như: ông nội thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, ông Củng trong Vợ chồng anh Lực, người cha trong Lá ngọc cành vàng, lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông, ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh, phim Vợ chồng A Phủ, Xích lô...

Phim cuối cùng ông vào vai chính là Tết này ai đến xông nhà của đạo diễn Trần Lực, ra rạp năm 2002. Kể từ đó, sức khỏe của ông yếu dần và vắng bóng khỏi màn bạc.

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh về hưu năm 1989. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Với vai diễn Phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim Thằng Bờm, NSND Trịnh Thịnh được trao Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 8 (1988).

Linh Chi (t/h)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.