Nguyên thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Muốn sách hay thì phải có đạo đức

11:10 | 26/11/2014

1,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần đây trên thị trường xuất bản liên tiếp xảy ra các vụ việc sai phạm liên quan đến các đầu sách. Điều đáng nói là những lỗi vi phạm đó hoàn toàn có thể sửa chữa nếu các nhà xuất bản không làm việc tùy tiện, cẩu thả. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn về những tồn tại trong ngành xuất bản.

Năng lượng Mới số 377

Lộn xộn do liên kết xuất bản

PV: Năm nay có lẽ là năm nhiều sai phạm của các nhà xuất bản (NXB) bị phát hiện nhất. Quan trọng là các lỗi đó hầu hết có thể khắc phục được nếu các NXB không có lối làm việc tùy tiện, cẩu thả, đội ngũ biên tập có vấn đề... Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xuất bản, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Đỗ Quý Doãn: Nói một cách khách quan thì trong những năm vừa rồi, lĩnh vực xuất bản lâm vào rất nhiều khó khăn, kể cả về tổ chức sản xuất, kinh doanh hay in ấn phát hành. Thế nhưng, với những nỗ lực các NXB vẫn cho ra đời nhiều bộ sách lớn có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu, cho nhu cầu đời sống, cung cấp khối lượng tri thức khổng lồ cho xã hội.

Cho đến nay chúng ta có 63 NXB nhưng số NXB làm ăn được rất ít, thú thực là không quá 5 đầu ngón tay. Việc đầu tư của các cơ quan chủ quản cho NXB rất hạn chế. Nếu nói số vốn cấp theo quy định của luật cho NXB ban đầu rất thấp, có khoảng 75% số lượng các NXB có vốn từ 2 tỉ trở xuống. Nhiều nơi cơ sở vật chất kể cả trụ sở cũng rất khó khăn...

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn

PV: Nhưng không thể lấy khó khăn để đổ lỗi cho sai phạm, thưa ông?

Ông Đỗ Quý Doãn: Thực chất sai phạm không chỉ trong năm nay hay thời gian vừa qua mới phát hiện mà ít nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Hàng năm ngành xuất bản nói chung, thanh tra thông tin truyền thông đều xử lý những sai phạm này. Mỗi năm phát hiện khoảng 40-45 trường hợp vi phạm. Nhưng ở đây cách thức xử lý như thế nào. Thông thường khi xử lý sai phạm ít khi công bố bởi nó có tác dụng ngược. Những cuốn sách bị xử lý, bị đình chỉ phát hành sẽ bị in lậu để bán và bán đắt trên thị trường vì nó đánh vào trí tò mò của người tiêu dùng. Thực tế thì gần đây, theo quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng cũng đã nâng mức xử phạt lên và các loại sai phạm đã được thanh tra tập trung xử lý. Có thể nhận thấy một loạt sai phạm trong hoạt động liên kết xuất bản cần quan tâm. Thực chất liên kết là huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư cho xuất bản.  Liên kết có thể nói đang trong quá trình phát triển, vận động rất mạnh. Thời gian qua nhờ liên kết chúng ta có những bộ sách quý. Liên kết có những mặt tích cực nhưng nếu quản lý không tốt nó sẽ bộc lộ những mặt hạn chế tiêu cực. Ví dụ khâu biên tập nhiều NXB gần như giao khoán cho đối tác liên kết, không chú trọng các chi tiết trong sách dẫn đến sai sót không thể chấp nhận được. Điều đó hết sức nguy hại vì cung cấp kiến thức sai cho độc giả, đặc biệt cho học sinh, sinh viên và cho những người nghiên cứu. Sự chặt chẽ, tính chính xác trong quy trình xuất bản có ý nghĩa quan trọng nhưng nhiều NXB đôi khi “quên mất”.

PV: Vậy trong quá trình liên kết xuất bản các ấn phẩm, bên nào phải chịu trách nhiệm cuối cùng, thưa ông?

Ông Đỗ Quý Doãn: Một số NXB khi có sai phạm vẫn trả lời là do đối tác liên kết xuất bản, chúng tôi tin tưởng đối tác. Theo tôi, trả lời như vậy là ngụy biện vì trong luật quy định rất chặt chẽ vấn đề này. Luật quy định: NXB được phép liên kết xuất bản nhưng giám đốc NXB là người duyệt cuối cùng để đưa đi in, sau khi sách in xong giám đốc NXB ký mới được phát hành. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập. Cơ quan quản lý cần  tổng kết đánh giá việc liên kết trong hoạt động xuất bản, thấy sơ hở khâu nào cần xem xét để bổ sung, điều chỉnh các quy định. Ví dụ như nói vai trò của NXB bị buông lỏng vậy buông lỏng ở khâu nào. Tôi nghĩ công tác quản lý phải đánh giá, phân tích để tập trung vào khâu đó chứ không phải khi có sai phạm mình không dám làm gì nữa rồi phủ nhận toàn bộ. Làm như vậy sẽ không tạo ra động lực cho sự phát triển.

Tuy nhiên, những khuyết điểm như nói ở trên là có thật. Thậm chí còn gây nên những nguy hại vì sách là nơi hướng dẫn, dạy dỗ, cung cấp tri thức nên bất cứ một sai sót nào dù nhỏ nhất cũng đều có tác động rất lớn trong đời sống, tạo ra sự bức xúc trong xã hội, vì vậy, cần tăng cường hơn nữa vai trò của NXB, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý trong việc xử lý những sai phạm.

PV: Đã từng có chuyện các nhà xuất bản không biết hình hài, mặt mũi của đứa con tinh thần do mình cấp giấy phép. Dường như việc một số NXB cấp giấy phép quá dễ dàng cũng góp phần không nhỏ tạo ra các sai phạm không đáng có, thưa ông?

Ông Đỗ Quý Doãn: Quy trình cấp phép như thế nào, tôi nghĩ trong tất cả các văn bản luật, nghị định đều quy định trách nhiệm của NXB, còn việc bỏ qua khâu nào thì sai phạm đó là của NXB thôi. Vấn đề là anh không thực hiện chứ không phải không có quy định. Tôi nghĩ ở đây chưa nói đến khía cạnh pháp luật, chỉ góc độ đạo đức thôi thì việc anh cho phép một sản phẩm ra đời mà không biết mặt mũi, nội dung, hình hài nó thế nào là điều không thể chấp nhận được.

Hiện tại,  Hội Xuất bản Việt Nam đang tập trung xây dựng và hoàn chỉnh bản quy định đạo đức nghề nghiệp của ngành xuất bản. Điều này rất cần thiết, bởi bất cứ lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng rất cần những quy chuẩn để mọi người hoạt động trong lĩnh vực đó khi đã thỏa thuận thì tự giác thực hiện. Hoạt động nghề nghiệp điều chỉnh bằng quy định đạo đức nghề nghiệp sẽ rất có hiệu quả. Ngoài các quy định của pháp luật ra thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp, lương tâm của người làm biên tập, quản lý là điều rất đáng quan tâm.

PV: Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các NXB đang “chết đói” như hiện nay, đồng tiền đã và sẽ còn tiếp tục chi phối nhiều thứ?

Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi muốn nói vấn đề đạo đức. Ông cha ta nói rồi, kể cả một người dân nghèo nhưng vẫn biết câu “Đói cho sạch rách cho thơm”. Có những người tàn tật, vô gia cư… nhưng mình cho theo kiểu bố thí người ta không nhận đâu mà họ vẫn lao động dù là những việc nhỏ như bán vé số, gói tăm để kiếm sống. Những người gần như ở tầng lớp tận cùng xã hội còn có đạo đức huống chi những người làm trong lĩnh vực văn hóa. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Khó ngăn chặn tình trạng in lậu

PV: Cách đây không lâu một giám đốc NXB từng kêu rằng có hiện tượng bảo kê và các lực lượng chức năng không làm việc đến nơi đến chốn mới dẫn đến việc “ăn cắp, in lậu”. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Ông Đỗ Quý Doãn: Tình hình vi phạm gây bức xúc hiện nay trong xã hội là vấn đề in lậu. Thực ra chuyện này đã tồn tại rất nhiều năm. Khi còn làm Thứ trưởng tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp với lực lượng công an soạn thảo và ban hành thông tư liên tịch về phòng chống in lậu, từ đó ra đời các đội kiểm tra liên ngành phòng chống in lậu. Có không ít cuộc ra quân để truy quét in lậu nhưng thành công không cao. Thanh tra ngành không thể ra tay một mình mà phải có sự phối hợp với quản lý thị trường, công an, địa phương… Có cuộc tổ chức lực lượng triển khai xuống thì đối tượng in lậu đã cao chạy xa bay. Đây là một khó khăn rất lớn.

Giới trẻ mê đọc sách ngôn tình

PV: Nói như thế có nghĩa chúng ta phải sống chung với in lậu sao, thưa ông?

Ông Đỗ Quý Doãn: Không phải là chúng ta không làm được. Thứ nhất anh phải quản lý các cơ sở in. Nếu tăng cường quản lý tại địa bàn cũng có thể hạn chế được in lậu. Không lẽ một nhà in hoạt động ở địa bàn mà chính quyền hay người dân trên địa bàn không hay biết. Điều này phải học tập trước đây. Trong kháng chiến, chính đội ngũ công nhân nhà in là lực lượng nòng cốt của cách mạng, tất cả những cuốn sách sai trái đều do công nhân nhà in phát hiện. Vậy tại sao bây giờ không làm được trong khi tất cả đều do ta quản lý? Đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Chúng ta đã có Đội liên ngành phòng chống in lậu của Trung ương, các tỉnh thành phố. Nhưng đội này có lớn đến thế nào cũng không thể quán xuyến nổi. Cuộc đấu tranh này muốn thành công phải được nhân dân ủng hộ, phải huy động sức mạnh của dân.

PV: Nhưng tại sao trước đây những người công nhân họ có trách nhiệm, còn giờ thì không? Theo ông, có phải vì sự đãi ngộ không xứng đáng?

Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi nghĩ quan trọng hiện nay chính là vấn đề đội ngũ. Làm sao tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho những người làm công tác xuất bản, bao gồm xuất bản, in ấn và phát hành. Từ đó phát hiện ra những sai phạm.

Rõ ràng công tác quản lý của chúng ta có những khâu bị buông lỏng. Chúng ta luôn trong tình trạng đối phó. Sự việc xảy ra rồi mới kéo quân đến, nhưng thậm chí nếu có bắt được cũng chỉ là xử lý một việc chứ không thể nào xử lý tận gốc được. Do đó, một trong những nội dung quan trọng của quản lý Nhà nước là biết dự báo tình hình xuất bản, in ấn, phát hành và dự báo cả vấn đề in lậu, in nhái. Từ đó đưa ra những cơ chế chính sách, quy định mới có thể quản lý ở tầm vĩ mô được. Nếu không, cũng chỉ giải quyết vụ việc cấp thời, hết vụ này lại đẻ ra vụ khác mà thôi.

Nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên

PV: Thực tế cho thấy có rất nhiều nhà sách liên kết với NXB chỉ nhằm mục đích kiếm lợi, ông nghĩ sao?

Ông Đỗ Quý Doãn: Hằng năm ở nước ta có thể xuất bản khoảng 26.000-28.000 đầu sách với khoảng 280-300 triệu bản sách/năm. Với số lượng sách như vậy, phần lớn là sách phục vụ cho giáo dục như sách tham khảo, sách giáo khoa… Sách văn học trong số này khoảng 3.000 đầu sách. Trong số sách đó có một bộ phận sách hay nhưng loại sách “vô thưởng vô phạt” chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nhưng chính loại này lại dễ bán nên một số người chuyên kinh doanh sách lại chú trọng làm. Và để loại sách này chiếm phần chủ đạo sẽ gây nên tình huống bất lợi vì chức năng xuất bản không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân mà còn góp phần định hướng, giáo dục thẩm mỹ hay hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Những loại sách “vô thưởng vô phạt” kia mới chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng thôi nhưng nó quên đi các chức năng định hướng, giáo dục cần có. Đây là hiện tượng dưới góc độ quản lý cũng phải hết sức lưu ý. Trong các hội nghị xuất bản hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã phân tích và chỉ ra điều này. Tất nhiên vấn đề này phụ thuộc vào nhận thức của các NXB, người làm xuất bản. Những cuốn sách này không sai luật nhưng về vấn đề đạo đức, lương tâm nghề nghiệp lại rất cần chú ý.

Những cuốn sách bị nhắc nhở trong năm 2014

Ở nước ngoài đôi khi chưa cần luật pháp xử lý mà chỉ cần hiệp hội ngành nghề lưu ý cuốn sách này, NXB có vấn đề thì sập tiệm là điều khó tránh khỏi. Tuần vừa rồi, Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo  ở TP Hồ Chí Minh với chủ đề: Đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật. Tôi cho rằng vấn đề này rất đáng quan tâm. Anh muốn giáo dục đạo đức trong xã hội thì bản thân những người làm trong ngành phải có đạo đức trước hết. Trong hội thảo, tôi cũng đã nhấn mạnh việc cần hết sức coi trọng chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của xuất bản. Đây cũng là một yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp.

PV: Theo ông nói thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Một NXB để làm tốt phải hết sức coi trọng đội ngũ, đặc biệt là biên tập viên?

Ông Đỗ Quý Doãn: Theo dõi nhiều năm tôi thấy chất lượng đội ngũ biên tập viên của chúng ta là điều đáng quan tâm hiện nay. Trước đây một NXB tên tuổi của các biên tập viên là những nhà văn lớn, nhà văn hóa lớn, chuyên gia lớn của lĩnh vực mà NXB đảm nhiệm. Bây giờ thấy cứ sàn sàn vậy. Ngành xuất bản cũng có nhiều lần tập huấn để nâng cao chất lượng cho biên tập viên. Tôi nghĩ đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì muốn trở thành biên tập viên giỏi thì phải có quá trình chứ không phải chỉ học vài bữa là giỏi ngay. Một biên tập viên có ý thức nghề nghiệp thì ghi danh vào cuốn sách phải thể hiện được trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội đối với sản phẩm đó. Rất tiếc là điều đó không phải biên tập viên nào cũng nhận thức được.

PV: Nếu thực sự hệ thống xuất bản đang gặp nhiều khó khăn sao không tính đến chuyện thu gọn chỉ để những NXB có đủ khả năng, thưa ông?

Ông Đỗ Quý Doãn: Đây là công tác quy hoạch cũng đã làm nhiều lần. Có một thời kỳ chúng ta đã tập trung nhiều chức năng trong một NXB nhưng một thời gian lại tách ra để thành lập các NXB chuyên ngành… Trong chiến lược, quy hoạch những vấn đề này đã được tính đến để có cách sắp xếp hợp lý. Tôi nghĩ việc này phải triển khai thật nghiêm quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực ra, số lượng NXB, số lượng bản sách, đầu sách của ta hiện nay không phải nhiều nhưng tại sao người ta cảm thấy bị ngợp. Đó là do sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các NXB. Có quá nhiều loại sách như tôi nói là “vô thưởng vô phạt” trùng lặp nội dung, rồi phân bổ không đồng đều, hưởng thụ không đồng đều. Nơi thừa thì vẫn thừa, nơi thì vẫn không có sách để đọc... Vấn đề này, các địa phương, các ngành phải rà soát để thực hiện đúng quy hoạch thôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã quyết định xử phạt 252 triệu đồng với NXB Lao động - Xã hội do đã xuất bản 2 cuốn sách có hình bìa không phù hợp, phản cảm. Sau bìa cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” in hình “Công Lý mặc quần nhỏ” do NXB Lao động - Xã hội phát hành, NXB này tiếp tục bị phát hiện có nhiều sai sót trong việc xuất bản cuốn sách “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”.


Thái Dương - Thanh Huyền

(thực hiện)

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.