Phim kinh dị Việt: Nhọc nhằn phát triển

07:00 | 17/08/2013

1,014 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ ít ai nhớ rằng, thể loại phim kinh dị là một trong những thể loại lâu đời nhất của điện ảnh Việt Nam. Song vì nhiều lý do liên quan đến đặc thù trong việc sản xuất dòng phim này nên quá trình phát triển cứ bị ngắt quãng và chất lượng của phim vẫn chưa xứng tầm với tuổi đời vốn có của nó.

Kỳ và Trang vừa gặp gỡ nhưng đã trao nhau tình yêu bồng bột và mê đắm. Sau một lần tình tự bên dòng suối ở Đà Lạt, Trang đi về nhà nhưng trong lúc mơ màng nghĩ đến người yêu, cô lạc vào khu công trường cấm và bị tai nạn và qua đời. Một dòng máu của Trang thấm vào đầu con kỳ lân bằng đá không thể lau sạch được. 5 năm sau, linh hồn thiếu nữ nhập vào xác một người đàn ông. Trang trong thân xác người đàn ông kia điên cuồng tìm kiếm người yêu cũ để thỏa lòng mong nhớ…

Đó chính là nội dung phim kinh dị “Lệ đá” (đạo diễn Võ Doãn Châu), một bộ phim từng gây chấn động nền điện ảnh miền Nam trước năm 1975. “Lệ đá” đã trở thành một hiện tượng điện ảnh và là một trong những phim tiên phong của dòng phim kinh dị Việt Nam. Giới phê bình phim khi ấy cũng công nhận đây là một tiến bộ đáng kể về kỹ thuật của phim ảnh Việt. Bộ phim trắng đen của đạo diễn Võ Doãn Châu thu hút rất nhiều khán giả tới rạp bởi người xem vừa hồi hợp run sợ, vừa ám ảnh buồn thương về một câu chuyện tình bất hạnh.

Nhiều phim kinh dị Việt có chất lượng vẫn chưa xứng tầm với tuổi đời vốn có của nó

Hai năm sau, “Con ma nhà họ Hứa” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa ra đời và được đánh giá là thành công hơn cả “Lệ đá”. Tuy phim có kỹ xảo khá đơn giản nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phim kinh dị đó là làm khán giả phải run lên vì sợ. Và phim này đã ăn khách khiến đạo diễn Lê Hoàng Hoa trở thành “triệu phú”, còn “Con ma nhà họ Hứa” trở thành một thành ngữ mới trong dân gian.

Với những khởi đầu đầy ấn tượng đó, những tưởng rằng thể loại kinh dị Việt sẽ thể loại phim phát triển mạnh mẽ nhất sau đó; nhưng trái lại là sau khoảng 15 năm kể từ năm 1975, phim kinh dị gần như bị bỏ quên. Và phải đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà sản xuất Nguyễn Chánh Tín mới vực dậy thể loại này, qua bộ phim “Ngôi nhà oan khóc” (1992). Với mức đầu tư rất cao, khoảng vài trăm triệu thời điểm năm 1992, bộ phim “Ngôi nhà oan khóc” đã thu về 1 tỉ đồng doanh thu cho nhà sản xuất là diễn viên Nguyễn Chánh Tín, đó là một con số rất khủng thời điểm đấy. Sau cú đột phá này, nhà sản xuất ra hàng loạt các phim cùng thể loại như: “Xác chết trên cao nguyên”, “Chiếc mặt nạ da người”… Nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”, chỉ nhà sản xuất Chánh Tín thì cũng không thể nào đủ sức để kéo cả một thể loại phim trở nên phát triển được.

Năm 2007, đánh dấu sự trở lại của dòng phim này sau nhiều năm vắng bóng qua. Đầu tiên đó là bộ phim “Mười: Truyền thuyết về bức chân dung” do Hãng Phước Sang hợp tác cùng Hàn Quốc sản xuất, kế đến là loạt phim “Chuyện kể lúc nửa đêm” của Hãng phim Chánh Tín. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm duyệt thì phim “Mười: Truyền thuyết về bức chân dung” bị Cục Điện ảnh đánh giá là không phù hợp, phải dời ngày công chiếu và cắt bỏ một số cảnh quá rùng rợn. Phim ra mắt cuối năm 2007 và bị giới phê bình, báo chí chê tơi tả vì đậm chất Hàn hơn là thuần Việt và nhất là phim quá “hiền” không đủ sức hù dọa khán giả… Còn “Chuyện kể lúc nửa đêm” thì dù không bị vướng “lưỡi kéo” kiểm duyệt nhưng lại bị thua lỗ và cũng chỉ ra thêm 2 tập nữa vào năm 2008 là dừng hẳn dự án vì thiếu kinh phí.

Dù số lượng không nhiều nhưng các năm tiếp theo đều có phim kinh dị ra rạp, đề tài cũng chủ yếu xoay quanh những chuyện ma mị, rùng rợn. Đặc biệt năm 2012 vừa qua được xem là “năm vàng” của thể loại này với 3 bộ phim: “Cột mốc 23”, “Giữa hai thế giới” và “Lời nguyền huyết ngải” cùng ra mắt. Nhưng cả 3 bộ phim này đều không để lại ấn tượng như mong đợi. Sự nghèo nàn trong ý tưởng, nội dung, sự vụng về trong cách sắp xếp tình tiết đã khiến cho phim không chạm được vào nỗi sợ của khán giả, những người đã quá quen thuộc với các thể loại kinh dị ngoại vốn rất đậm chất kinh dị.

Câu hỏi đặt ra là, vì những lý do gì mà thể loại phim kinh dị Việt lại phát triển một cách nhọc nhằn trong khi đây là một thể loại lâu đời và có những khởi đầu đầy ấn tượng? Chia sẻ với PetroTimes, NSƯT Chánh Tín, nhà sản xuất có nhiều đóng góp trong việc “mở cửa” và phát triển thể loại này thừa nhận rằng người làm phim kinh dị nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế thì dòng phim có thể phát triển rất mạnh nhưng vấn đề là ít người làm chuyên nghiệp và nhà sản xuất ngại làm nên lâu nay nó cứ bị ì ạch và ngắt quãng. Thực tế đã chứng minh, những phim kinh dị, ma của Hãng phim Chánh Tín làm ra có những phim rất ăn khách và được giới chuyên môn đánh giá cao, nhiều phim còn đoạt giải thưởng điện ảnh.

NSƯT Chánh Tín cho biết, phim kinh dị, ma là một thể loại khó, cần phải có đạo diễn thật sự chuyên nghiệp, vững tay nghề thì mới làm ra một bộ phim hay được. Nếu tay nghề yếu thì sẽ làm ra một phim ngô nghê, không gây giật mình mà còn chọc cười cho khán giả. Kế đến đó là vì khâu kiểm duyệt. Đã là phim ma, kinh dị thì phải rùng rợn, phải thật kinh dị với máu me, chết chóc... nhưng đó là những chi tiết rất nhạy cảm với khâu kiểm duyệt, thực hiện không khéo thì sẽ bị tuýt còi ngay. “Phim kinh dị mà không còn thấy kinh dị, rùng rợn nữa thì lại ế khách, nhà sản xuất ôm lỗ. Phim kinh dị tốn thời gian và chi phí khá nhiều, hiện tại mỗi phim ngốn đến nhiều tỉ đồng. Mà làm ra chất thì có nguy cơ kẹt khâu kiểm duyệt, mà khi phim bị cắt đi thì ế khách, cầm chắc thua lỗ. Nên nhiều nhà sản xuất không mặn mà là thế. Còn muốn trung hòa được độ kinh dị nhưng vẫn hợp lý để qua cửa kiểm duyệt thì lại đòi hỏi người có tay nghề cao, mà người ấy hiện rất hiếm” - Nhà sản xuất Nguyễn Chánh Tín chia sẻ về thực trạng làm phim kinh dị ở nước ta hiện nay.

Thêm một lý do nữa khiến phim kinh dị dù lâu đời nhưng vẫn trong tình trạng trì trệ, nhà sản xuất thờ ơ là chuyện của rạp chiếu. NSƯT Chánh Tín cho biết, hiện nay phim làm ra nhưng để ra rạp được thì cũng là một vấn đề nan giải. Bởi các rạp hiện nay không tạo điều kiện cho các nhà làm phim kinh dị nhiều như trước. Thể loại phim hài, hành động… ngoại đang rất ăn khách nên được nhiều nhà rạp tuyệt đối ưu tiên. Vì thế mà nhiều khi phim kinh dị làm ra nhưng không có được suất chiếu đẹp như mong muốn vì không thể chen giờ vào các phim ngoại đang ăn khách khác.

Trong khi các hãng phim trong nước không dám đánh liều với dòng phim kinh dị thì người Thái xuất hiện. Những phim như “Chuyến bay định mệnh” hay “Tình người duyên ma”… ra mắt gần đây đã tạo nên cơn sốt phòng vé. Đương nhiên, so sánh phim kinh dị Thái và ta là một so sánh đầy khập khiễng bởi người Thái đã nổi tiếng thế giới về dòng phim này. Nhưng không phải là người làm phim Việt không có những lợi thế nhất định, bằng chứng là quá khứ đã có nhiều phim kinh dị Việt ăn khách và đoạt giải thưởng điện ảnh. Vấn đề chính là không ai muốn làm và làm thì thiếu cái tâm, những phim kinh dị nhợt nhạt ra đời trong thời gian qua cũng là vì lý do đó. 

Thành công về mặt doanh thu của các phim kinh dị Thái vừa qua càng chứng tỏ khán giả Việt rất quan tâm đến thể loại phim này. Vì thế, nếu phim kinh dị Việt được làm nghiêm túc và có tâm, dòng phim này sẽ góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho điện ảnh Việt vốn đang mất dần sinh khí như hiện nay.

Xuân Mai

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan