Phim truyền hình đang xa rời nghệ thuật

06:00 | 15/12/2012

786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đang từng bước chiếm lĩnh màn hình nhỏ trong nước. Doanh thu từ phim Việt cũng ngang ngửa với phim ngoại, đạt mức 450 triệu đồng/tập trên VTV1 và khoảng 1,2 tỉ/tập trên VTV3. Về “số lượng” thì coi như đã đủ, nhưng về chất lượng thì còn quá hạn chế, nhiều vấn đề cấp bách thực sự đang rất cần những nhà làm phim, đạo diễn chân chính, những người yêu mến phim truyền hình Việt Nam nghiên cứu đưa ra bàn thảo, để mong tìm ra giải pháp khắc phục tốt nhất.

Nghịch lý số lượng – chất lượng

Ai cũng nhận thấy rằng, dường như phim truyền hình Việt hiện đang ngày càng giảm “chất lượng”. Chưa bao giờ nhắc đến phim truyền hình Việt lại khiến khán giả ngán ngẩm bởi mật độ phủ sóng dày đặc, nhưng về chất lượng thì chỉ xem được vài phút đã muốn chuyển kênh. Nguyên nhân, mà theo như nhận xét của Đạo diễn NSND Khải Hưng, đó là “phim dài lê thê, đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng lại không truyền tải được hết đến người xem…”.

Đầu tiên cần nhắc lại do quy định tại Nghị định số 54/2010/NĐ-CP yêu cầu phải có “30%-50% phim Việt phát sóng”. Và vì thế, số lượng phim Việt phải sản xuất trong một năm là cực kỳ lớn. Tính ra hàng năm, ít nhất các hãng sản xuất phim phải cung ứng từ 5.000 - 6.000 tập phim mới đáp ứng được nhu cầu của các đài truyền hình trên cả nước. Chính nguyên nhân này đã làm cho thị trường sản xuất phim truyền hình Việt phát triển “quá đà” trong vài năm gần đây.

Bộ phim “Xin thề anh nói thật” kéo dài lê thê đến hàng chục tập

Phim Việt sản xuất tràn lan, nhiều như những món ăn hổ lốn trên bàn tiệc, khiến người xem dù muốn ăn cũng dễ ngao ngán, bội thực... Và dù cho có “bội thực” thì họ vẫn buộc phải cố mà nghiền ngấu cho đến khi kết thúc bộ phim dài đến vài chục tập, như kiểu “Xin thề anh nói thật”... Chất lượng phim thì ra sao? Có nhiều phim truyền hình Việt hiện nay khiến người ta nghĩ ngay đến món lẩu hỏng, nghĩa là đủ các thể loại, lủng củng, làm người thưởng thức khó có thể cảm nhận được trong đó có những gì...!

Theo Đạo diễn NSND Khải Hưng, sở dĩ phim truyền hình Việt chất lượng kém như vậy là bởi “đội ngũ làm phim truyền hình đang ngày càng bị nghiệp dư hóa”. Ông cho rằng, hầu hết phim truyền hình ngày nay đều có nội dung na ná nhau, kỹ thuật dàn dựng, tiết tấu nhạt nhòa không có sự hòa đồng, bởi vì có không ít các đạo diễn ngày nay không thực sự coi trọng sáng tạo, họ chấp nhận chỉ đạo của các nhà sản xuất, đầu tư để làm sao cho ra sản phẩm nhanh nhất… Tuy nhiên, NSND Khải Hưng cũng cảm thông với phim truyền hình Việt hiện nay, khi ông đưa ra một vài nguyên do, như việc các nhà đài hiện nay phải tự thu tự chi nên rất cần nguồn quảng cáo, là “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà đầu tư. Đơn cử như một doanh nghiệp (nhà đầu tư) muốn trong phim diễn viên phải sử dụng liên tục sản phẩm của họ, rồi họ gây sức ép lên đạo diễn… Vậy là kịch bản phim rõ ràng sẽ phải phụ thuộc miễn cưỡng vào nhà đầu tư, khi đó nó không còn thực sự là của đạo diễn nữa. Sau đó, chất lượng ra sao thì như chúng ta đã biết qua một số phim “ăn xổi” hiện nay.

Đạo diễn Khải Hưng cho biết, với chỉ tiêu 50-60% thời lượng phát sóng phim Việt như hiện nay quả thực rất phí phạm, vì “chẳng mấy ai buồn xem”; truyền hình Cáp cũng được thể chiếu vô tội vạ, có lúc đến 7-8 phim Việt; “có phim cứ ra mắt là dài đến 30-40 tập, kịch bản thì kém, chất lượng tồi vậy mà vẫn cho lên sóng…”. Ông thực sự không đồng tình với kiểu sản xuất phim ăn xổi cứ 1-2 ngày đã xong một tập, không chịu nghiền ngẫm, đầu tư hoàn chỉnh cho kịch bản, lối tư duy kiểu một ngày phải viết vài ba chục trang, trong khi không thèm để ý đến vấn đề chuyển thể từ văn học sang lời thoại, rồi thì hình ảnh ra sao v.v… phải mất thời gian thế nào.

Tương lai nào cho phim truyền hình Việt?

Với đà làm phim kiểu “mỳ ăn liền” như hiện nay, thì phim truyền hình Việt Nam sẽ sớm bị biến thể. Thực tế hiện nay cần phải có một quy định chặt chẽ cho phim truyền hình Việt đi đúng đường ray, chứ không nên dễ dãi như hiện nay. Nhà nhà làm phim, người người làm phim khiến cho người ta không biết đâu mà lần.

“Anh chàng vượt thời gian” đã bị dừng phát sóng sau khi phần 1 kết thúc

Cung cách quản lý đánh đồng phim hay, phim dở cũng khiến cho những nhiều đạo diễn, đội ngũ làm phim giỏi nản chí, không muốn phải bận tâm nhiều hơn, chỉ cần làm cho gọi là có. Đội ngũ trẻ mới ra nghề tuy còn non nhưng cũng đã sớm mắc bệnh chủ quan, không cần học hỏi thêm, vốn liếng nghề như vậy đã nghĩ là đủ xài rồi. Sự buông lỏng, xã hội hóa tràn lan phim truyền hình khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân không chuyên, các công ty truyền thông “vô danh tiểu tốt” cũng nhảy vào sản xuất phim. Chính vì họ là tư nhân, là những doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm cốt lõi, cho nên phần lớn phim của họ chỉ nhắm tới những đối tượng khách hàng, họ coi trọng khuynh hướng giải trí, đánh mất đi tính xã hội, nhân văn… Và rồi, phim truyền hình mặc nhiên sẽ mất đi tính nghệ thuật vốn có của nó.

Cũng phải nói một cách công bằng rằng, trước thực trạng phim truyền hình từ người làm nghề, nhà sản xuất có tâm huyết đến đội ngũ kiểm duyệt (của các đài), hầu như ai cũng thấy rằng nên làm điều gì đó để đóng góp cho bộ mặt chung của phim truyền hình Việt. Cụ thể sau những thảm họa như “Anh chàng vượt thời gian”, các đài đã siết chặt hơn khâu thẩm định, duyệt phim. Tuy nhiên, tất cả những tâm huyết ấy, dường như vẫn chỉ là ước mơ… Nhất là trong thời điểm khủng hoảng thì tiếng nói của nhà sản xuất và nhà đầu tư vẫn là “mạnh” nhất.

Có nhiều đạo diễn nổi tiếng cũng đồng tình cho rằng, phim truyền hình Việt Nam hiện nay có lẽ phải trải qua khủng hoảng như vậy rồi mới có thể định hình được, đó là quy luật cân bằng. Cứ cái kiểu ăn xổi như hiện nay của các nhà sản xuất phim, thời gian tới đây khả năng sẽ có hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”, các hãng phim lớn sẽ thôn tính các hãng bé, để cuối cùng lại quy về một mối. Chỉ có như vậy phim truyền hình Việt mới có thể được đầu tư thích đáng, toàn tâm toàn ý của nhà sản xuất mạnh nhất, đạo diễn giỏi, diễn viên tài năng vào mỗi tập phim cho thật chất lượng.

Suy cho cùng, thị trường phim ảnh của Việt Nam còn quá nhỏ hẹp, so với các cường quốc điện ảnh trên thế giới, những nơi có đủ đất để “diễn”. Thế nên, việc có quá nhiều mối đầu tư, cạnh tranh trong một thị trường chật hẹp như vậy thì việc phải cải tổ cũng là điều dễ hiểu!

Thanh Huyền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.