Phim về đề tài chiến tranh: Nhiều sạn vì làm ẩu!

09:52 | 30/08/2012

2,906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm trọng đại hay ngày lễ lớn là các kênh truyền hình, màn ảnh Việt lại đồng loạt chiếu những bộ phim đề tài chiến tranh nhằm giúp công chúng khán giả hồi tưởng và hiểu thêm về quá khứ hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, có rất nhiều “hạt sạn” mà người xem thường xuyên bắt gặp trong các phim thuộc mảng đề tài này. Đặc biệt, với ai từng tham gia cuộc chiến thì đó càng là những “hạt sạn” khó "nuốt"!

Hóa trang, phục trang quá… đẹp!

Nói đến hóa trang và phục trang trong các phim đề tài chiến tranh, khán giả nhìn chung đều có một cảm nhận là không thật và rất lộ. Còn nhớ, khi bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” được công chiếu, nhiều khán giả đã phê phán tạo hình nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim quá trẻ. Bác Hồ trong những năm 1946 không hề có dung mạo, ngoại hình như thế, khá nhiều bức ảnh tư liệu cũng cho thấy điều này, thế nhưng người xem vẫn cứ buộc phải công nhận đó là Bác qua lời thoại của các nhân vật.

Hay, gần đây nhất là phim “Giải phóng Sài Gòn”, khán giả không khỏi giật mình về việc hóa trang cho các nhân vật lịch sử Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Khoan nói đến diễn xuất của diễn viên, nhưng quả thật nhìn các nhân vật ấy trên màn ảnh, khó có thể thuyết phục người xem chấp nhận rằng, đấy chính là những nhà lãnh đạo kiệt xuất mà họ vốn rất quen mặt.

Bối cảnh, phục trang của phim đề tài chiến tranh thường bị chê là thiếu chân thực

Đối với phục trang, có thể nói, hầu hết các phim về chiến tranh của ta đều mắc lỗi ở khía cạnh này. Thời chiến tranh, thiếu thốn trăm bề vậy mà áo quần của nhân vật trong phim đều mới tinh, láng cóng. Ngay cả bộ đội chủ lực trong phim “Ký ức Điện Biên”, dù đã trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng quần áo ai cũng sạch sẽ, gọn gàng như đi duyệt binh. Thậm chí, thời bấy giờ chưa hề có vải màu xanh Tô Châu, vậy mà trong phim bộ đội ta đã có để dùng. Hay phim “Đường Trường Sơn trên biển” cũng vậy, đội du kích làm nhiệm vụ bí mật ra bờ biển đón tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào lúc nào cũng thấy ăn mặc toàn quần áo mới tinh, khiến người xem biết ngay những bộ quần áo ấy vừa được may đồng loạt để đóng phim!

Rồi, liệu có ai tin được không, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, người dân miền Bắc đã mặc “áo bay” Liên Xô, viết bằng bút bi, anh giải phóng quân thì đi giày Adidas, người dân sơ tán năm 1972 được đeo túi thể thao của những năm 1990… Tất cả những lỗi “nho nhỏ” ấy, tiếc thay chẳng khiến nhà làm phim cảm thấy áy náy, đứng ra chịu trách nhiệm hay tìm cách khắc phục. Mỗi lần phim được chiếu lại trong các dịp chào mừng, kỷ niệm, khán giả lại... chạnh buồn vì nhai phải chính những hạt sạn cũ!

Kiến thức về chiến tranh ở đâu?

Đó là câu hỏi mà nhiều khán giả đã đặt ra khi xem các bộ phim chiến tranh của ta. Một khán giả chia sẻ: “Xem các phim chiến tranh được sản xuất gần đây - chúng tôi, những người lính từng lăn lộn trong chiến trường - không khỏi buồn phiền, lo lắng về mảng đề tài này. Một số đạo diễn của ta tuy được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn sâu nhưng lại tỏ ra yếu kiến thức về lịch sử chiến tranh và kinh nghiệm thực tế chiến đấu. Đơn cử: Bộ đội giải phóng hầu như sử dụng tiểu liên AK47 (chỉ rất ít đơn vị bộ đội địa phương mới dùng vũ khí thu được của địch). Mỗi loại súng có tiếng nổ khác nhau. Nhiều khi nghe tiếng súng là biết ta hay địch nên các đơn vị chủ lực không mấy khi dùng súng địch, sợ bắn nhầm phải nhau. Thế nhưng trong nhiều phim, đạo cụ, súng ống được dùng lẫn lộn, bất kể quân ta hay quân địch, quân địa phương hay quân chủ lực, cốt để quay quấy quá cho xong!

Cũng vì các nhà làm phim yếu kiến thức về quân sự nên nhiều bộ phim còn phản ánh sai lệch hẳn kỹ thuật chiến đấu cũng như bối cảnh chiến trường. Chẳng hạn, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tất cả các trận đánh, bộ đội ta đều tấn công theo đội hình hàng dọc. Từ chiến hào mở đường máu qua các bãi mìn lớp lớp rào kẽm gai, tạo thành những mũi xung phong tấn công thẳng vào lô cốt địch. Cách đánh sấm sét ấy thể hiện chiến lược “đánh chắc tiến chắc” mà thiên tài quân sự - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra. Tuy nhiên, khi làm phim “Ký ức Điện Biên”, đạo diễn lại để quân ta đánh theo kiểu “ào ạt xông lên” bằng đội hình hàng ngang dày đặc thường gọi là “chiến thuật biển người”. Nếu đánh như thế, chúng ta sẽ làm “bia sống” cho pháo binh và các loại hỏa lực của địch, chắc chắn không thể có chiến thắng lẫy lừng như vậy. Đặc biệt, ở cuối phim, người xem tinh mắt sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một khẩu pháo được đặt ngay gần… hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát. Tuy hình ảnh chỉ thoáng qua và khẩu pháo ở hậu cảnh, nhưng ai có chút kiến thức tối thiểu về quân sự cũng thấy rõ đó là điều phi lý. Trên thực tế, không một nhà quân sự nào lại bố trí khẩu pháo ở vị trí ngay sở chỉ huy trung tâm như vậy cả!

Không thể làm bừa, làm ẩu

Trước thực trạng còn tồn tại quá nhiều hạt sạn trong phim đề tài chiến tranh, các nhà làm phim biện hộ rằng, do thiếu kinh phí nên khó làm được kỹ. Tuy nhiên, khách quan và công bằng mà nói, chúng ta vẫn quá cẩu thả, tùy tiện ngay cả trong những phim có kinh phí sản xuất tiền tỉ. Bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm” là một ví dụ. Tuy có kinh phí đầu tư khá lớn, lại còn được đưa sang tận Australia để làm hậu kỳ nhưng khi được công chiếu phim vẫn bị khán giả chê là kỹ xảo cháy nổ còn thua xa… trò chơi điện tử!

Phần nữa, không thể phủ nhận là trách nhiệm của các nhà làm phim chưa cao. Vì kém kiến thức tổng quan về mọi mặt, thiếu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra nên nhiều nhà làm phim mới làm bừa, làm liều, làm ẩu theo chủ quan, chả cần biết đúng sai, có hợp logic hay không. Kết quả là từ cách làm ăn giả dối, cẩu thả, tùy tiện đó mà nhiều khi phim không đạt tới hiệu quả nghệ thuật như mong đợi. Trái lại còn gây phản cảm cho khán giả, thậm chí khiến khán giả có những góc nhìn sai lệch, không đúng với sự thật! Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn từng kể: Tận mắt ông đã chứng kiến một vị đạo diễn phim người Pháp bực tức bỏ về khi thấy các diễn viên vào vai bộ đội mặc trang phục mới tinh. Ông ta yêu cầu người thiết kế trang phục phải làm cho trang phục cũ đi và người hóa trang phải tạo hình nhân vật sao cho da đen, cháy nắng để lột tả sự ác liệt của chiến tranh. Còn không, dứt khoát ông không cho bấm máy. “Thế mới thấy, lâu nay các đạo diễn của ta làm ẩu thật” - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn kết luận!

Sản xuất và chiếu phim lịch sử, chiến tranh không chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu giải trí mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục lịch sử cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, các nhà làm phim không được phép làm bừa, làm ẩu. Dù có hư cấu, phóng tác đến mấy thì cũng phải hợp logic, phải đảm bảo được tính chân thực của lịch sử, chiến tranh. Dân tộc ta đã trải qua một cuộc trường trinh oanh liệt với những chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu. Làm thế nào để có những bộ phim ngang tầm sự vĩ đại đó, để những người đã từng tham gia cuộc chiến và các thế hệ mai sau trân trọng? Câu hỏi này xin dành cho các nhà làm phim Việt đang và sẽ theo đuổi đề tài chiến tranh. Trong khi chưa có được những bộ phim về chiến tranh thật hay thì điều mà khán giả mong chờ ở các nhà làm phim là giá như họ cẩn thận hơn và có trách nhiệm hơn, để khán giả đỡ phải “nhai” những “món ăn” nhiều “sạn”!

Lê Chi

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.