Phòng chống gì trước mùa hội 2013?

06:00 | 18/01/2013

618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiệu quả quản lý lễ hội 2012 sẽ được phát huy, đẩy mạnh. Nhưng những tiêu cực tồn tại và vấn nạn tiềm ẩn với nhiều biến tướng sẽ được ngăn chặn mạnh mẽ hơn như thế nào? Chống tiêu cực lễ hội có khi từ việc nhìn lại và hạn chế những gì đang phổ biến, tưởng như bình thường lâu nay.

Băn khoăn còn đó!

Mùa lễ hội 2012, ngành văn hóa, có thể nói nhất là các nhà quản lý cấp bộ đã sát sao hơn trong công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra…, cùng với sự chấn chỉnh hiệu quả hơn trong công tác tổ chức ở ngành văn hóa địa phương và cấp cơ sở, nên đã ngăn chặn, hạn chế được một phần những biểu hiện tiêu cực lễ hội, vốn gây nhức nhối dư luận mấy năm qua.

Tuy nhiên, như phản ánh của dư luận, dù có sự nỗ lực và theo dõi thường xuyên, nhưng tại không ít lễ hội vẫn tái diễn những cảnh không lấy gì làm đẹp, không gợi nên ý thức văn hóa, phong cách văn minh trong việc quản lý, điều hành, tham dự lễ hội. Người ta vẫn thấy và vẫn gài, rải, thả tiền lẻ ở nhiều vị trí khác nhau tại di tích trong những ngày đầu xuân và lễ hội, thậm chí như ở Văn Miếu Quốc tử giám, tiền còn được thả lên cả mái ngói. Vẫn còn đó sự chen lấn, quá tải do đường xá và việc phân luồng không đáp ứng được lượng người đổ về lễ hội quá đông.

Cảnh chìa nón hứng tiền tại hội Lim năm 2012

Đơn cử như ở hội Lim, trên đoạn đường 1A cũ dẫn vào thị trấn, có lúc đã tắc hàng giờ với nhiều loại xe cộ dồn ứ vào những khu vực chật chội, trong khi vỉa hè và cả một phần lòng đường ở đây bị trưng dụng làm những điểm gửi xe liên tiếp. Hoặc nếp sống văn minh, lịch thiệp trong sinh hoạt lễ hội vẫn còn là mong ước khi cách thể hiện của nhiều người đi hội còn hồn nhiên đến vô duyên. Có thể kể đến hình ảnh NSƯT Thúy Cải biểu diễn tại lễ hội gò Đống Đa sáng mồng 5 tháng Giêng, công chúng rất mến mộ nghệ sĩ nên nhiều người lao cả lên sân khấu, thả tiền lẻ vào chiếc nón quai thao nghệ sĩ đang cầm, tạo nên hình ảnh không mấy lịch sự và ảnh hưởng đến tiết mục biểu diễn.

Rồi rác trên đường bừa bãi không kịp thu dọn, rồi giá vé gửi xe đắt, rồi hòm công đức, giọt dầu vẫn đặt quá nhiều tại di tích; hình ảnh treo bán thịt thú rừng, thịt sống được xả ra để chào mời ngay gần điểm tu hành; không khí ầm ĩ, rầm rộ, ô nhiễm âm thanh… vẫn bị phản ánh, phê phán, vẫn là nỗi bực dọc, nỗi buồn của người đi hội và cả sự không vui trong lòng nhà quản lý.

Mùa lễ hội 2012 còn nêu lên một băn khoăn về năng lực tổ chức, quản lý, điều hành sự kiện, hoạt động lễ hội ở cấp cơ sở. Ngoài các nguyên nhân quá tải, sự vô ý thức của một bộ phận công chúng, thì sự yếu kém, lỏng lẻo của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng khiến cho tiêu cực cũ và mới, cho những cảnh tượng vô duyên, kệch cỡm và thói hình thức có cơ hội nhen nhóm. Có thể điểm qua những tiêu cực nảy sinh trong công tác tổ chức khi người ta đã cố gắng khắc phục hạn chế này, nhưng hạn chế khác lại không kiểm soát được.

Ví dụ như ở lễ hội đền Trần Nam Định, nạn chen lấn, lộn xộn đến kinh hoàng đã được giải quyết, nhưng người ta lại nhận thấy những phức tạp, không rõ ràng trong việc phát - bán ấn hoặc đột ngột dừng phát ấn khiến nhiều công chúng bất bình. Như ở hội Lim, màn hát quan họ hàng mấy nghìn người, chỉ là cuộc tập hợp đông đảo rồi hát hai bài ca như một sự vội vã ghi kỷ lục. Tiết mục này sau đó được nhiều báo chí, chuyên gia góp ý, nhưng phản đối gay gắt của người đứng đầu Hội những người yêu quan họ càng không để lại ấn tượng đẹp.

Tiêu cực vẫn tiềm ẩn

Năm nay, phát huy từ những hiệu quả được ghi nhận từ năm 2012 và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)… công tác quản lý, kiểm tra lễ hội đang được chuẩn bị với tinh thần yêu cầu cao hơn trách nhiệm của cấp Sở VH-TT&DL và chính quyền, ban quản lý, ban tổ chức các lễ hội cơ sở.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) Phạm Văn Thủy cho biết, Bộ và Cục sẽ trao đổi, phối hợp với các cấp cơ sở, chấn chỉnh và xiết chặt hơn trong các nhiệm vụ quy hoạch lễ hội, hạ tầng cơ sở, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, ngăn cấm đốt vàng mã nhiều và bừa bãi, chống hàng quán lộn xộn, phòng ngừa việc đặt hòm công đức, giọt dầu quá nhiều, không đúng nơi quy định và nạn rải tiền công đức bừa bãi…

Cảnh đốt hương, vàng mã ở hội Lim

Ông Thủy cho biết: Sau khi lễ hội kết thúc, trong vòng 10 ngày, cấp cơ sở và Sở VH-TT&DL phải báo cáo với Bộ thông qua Cục VHCS để kịp thời rút kinh nghiệm những hạn chế và phòng tránh cho các lễ hội diễn ra sau đó. Được biết, trước tết Quý Tỵ, Bộ VH-TT&DL sẽ có 6 đoàn kiểm tra trên diện rộng, bám sát công tác chuẩn bị của các lễ hội nhằm kịp thời cố vấn, góp ý, điều chỉnh đối với ngành văn hóa và chính quyền địa phương. Dịp tết, dịp xuân Quý Tỵ sẽ tiếp tục có các đoàn thanh kiểm tra để đảm bảo việc theo dõi, chấn chỉnh lễ hội được thường xuyên, kịp thời.

Những cố gắng tiếp theo của ngành văn hóa có thể sẽ phát huy được nhiều hiệu quả hơn trong mùa lễ hội này. Nhưng ngay từ bây giờ, cần lường trước, dự đoán được khả năng sẽ tái diễn những hạn chế, tiêu cực và biến tướng lễ hội để có những phương án đề phòng ngay trong việc chuẩn bị, tổ chức ở cơ sở. Nhất là đối với đội ngũ cán bộ văn hóa, lãnh đạo chính quyền ở cấp sở, huyện, xã…, những nơi trực tiếp phối hợp, điều hành, quan sát các lễ hội. Nếu đội ngũ càng ở cấp dưới càng không được nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, không xắn tay tích cực vào việc đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn cảnh quan, môi trường, hình ảnh lễ hội, cố vấn và cùng với nhân dân tổ chức, duy trì lễ hội văn minh, văn hóa, thanh lịch… thì những chỉ đạo và kiểm tra sát sao của cấp trên cũng chỉ là can thiệp, giải quyết ở phần ngọn.

Cũng phải đặt ra mối lo lắng khi mà nhiều cấp chủ trương, hô hào chống tiêu cực lễ hội thì có những điều kiện xúc tác của tiêu cực vẫn phát triển. Một ví dụ nổi bật là vấn đề tiền lẻ - mệnh giá thấp. Việc gài, rải, thả tiền lẻ vô tội vạ liệu có thể tràn lan không, nếu như nguồn tiền này không được phát hành mới trước mỗi dịp tết và dịch vụ đổi tiền lẻ không tung hoành tại các lễ hội?

Nếu như người dân đi lễ hội, vào thắp hương các di tích, chỉ cần bỏ tiền công đức, giọt dầu vào một hai điểm duy nhất thay vì vung tiền lẻ khắp nơi, thì tại điểm thờ tự, tín ngưỡng đâu cần đến cả một đội ngũ đếm, vận chuyển, đổi tiền lẻ, đâu cần đến sự phát triển của dịch vụ đổi tiền lẻ, cả tiền mới và tiền cũ một cách không cần thiết! Ngành văn hóa, chính quyền địa phương cần xiết chặt hơn trong việc kiểm soát, quản lý những tiêu cực này. Cũng như ở đầu mối phát hành tiền lẻ mệnh giá thấp, nên suy nghĩ nghiêm túc để hạn chế, đi đến dừng việc phát hành này. Không nên vì cái lợi của ngành mình để dẫn đến những hình ảnh không đẹp trong mùa lễ hội, gây ra bao phức tạp, phiền toái cho ngành khác và cho nhân dân.

Cùng với mấy ví dụ trên, vấn đề thiếu sự thống nhất trong vai trò, quyền lợi của chính quyền cơ sở và ban quản lý các di tích trong dịp lễ hội, cũng là điều mà các chuyên gia và báo chí đã nêu lên, đòi hỏi xây dựng một cơ chế thích hợp, hài hòa để phòng chống sự tư lợi, phối hợp rời rạc hoặc thiếu liên kết. Giải quyết được mấy vấn nạn tiềm ẩn này và những tồn tại cụ thể ở từng địa bàn, mùa lễ hội 2013 mới “dễ thở” hơn!

Lưu Nguyễn