Quốc phục Việt Nam: Đừng lâu hơn nữa!

06:00 | 25/12/2012

1,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đặt vấn đề, mong mỏi và dự định thực hiện từ lâu nhưng chuyện quốc phục, lễ phục vẫn nằm trong chủ trương, trên bàn giấy và trong các tham luận. Việc hiện thực hóa xây dựng quốc phục, lễ phục đòi hỏi những hành động riết róng hơn.

Việc cần thiết!

Nhìn lại lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã có cả một quá trình lâu dài sử dụng các bộ trang phục nhân các dịp nghi lễ, hoạt động triều chính, hoạt động ngoại giao. Trong những năm đầu thế kỷ 20, lễ phục cũng đã có những cải tiến trên nền tảng truyền thống, cho phù hợp hơn với xã hội hiện đại.

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể, ông từng tham vấn một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi còn đương chức về quốc phục, ý kiến trả lời là cần thiết. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng kể lại việc tại hội thảo về văn học nghệ thuật với đề tài lịch sử mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong đêm văn nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (12-12-2012) kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn, cả Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đều rất ngượng vì ông Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục Hàn Quốc, còn ta thì chỉ mặc đồ tây! Nhà văn Hoàng Quốc Hải khẳng định: “Việc cần có lễ phục để dùng trong những ngày lễ trọng của nước ta và dùng trong nghi thức ngoại giao là rất cần thiết. Bởi nó thể hiện bản sắc văn hóa của nước ta, đó còn là nhu cầu để bảo tồn nền văn hóa dân tộc”.

Một số bộ lễ phục trong giỗ tổ Hùng Vương

Nhiều năm qua, trong các hoạt động ngoại giao, giao tiếp, lãnh đạo của nhiều nước mặc trang phục truyền thống của nước họ, còn lãnh đạo của ta, nam thì mặc bộ veston. Rất may là các đại biểu nữ còn mặc áo dài. Điều này từ lâu dấy lên câu hỏi, bao giờ Việt Nam mới có quốc phục sử dụng cho các kỳ cuộc quan trọng như vậy?

Nhưng khó quá!

Từ 30 năm trước, vấn đề quốc phục từng được đặt ra nhưng không triển khai được. Năm 1992, Nhà nước có văn bản thông báo, quy định về lễ phục cho các cấp lãnh đạo, cán bộ… Năm 1998, nhân Hội nghị ASEAN 6, đã có việc may thử nhưng không thành công. Năm 2006, nhân Hội nghị APEC, chuyện quốc phục lại được nêu ra. Rồi đến năm 2010, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm đặt vấn đề xây dựng đề án quốc phục nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tiếp đó, theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, năm 2011 đã có cuộc họp của nhiều nhà quản lý các ban, ngành… Nhưng cho đến nay, theo Họa sĩ, Cục trưởng Vi Kiến Thành thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, hoặc cần thiết phải làm, hoặc cho rằng không cần thiết, vô bổ… Nhà sử học Dương Trung Quốc trong hội thảo “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn” do Cục tổ chức hôm 21-12 vừa qua cho rằng, chúng ta “lại” bàn chuyện quốc phục.

Trang phục truyền thống

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhớ lại thời kỳ sắp bước sang thiên niên kỷ mới, ông còn làm ở Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT khi đó đã triển khai nhiều cuộc hội họp, thống nhất ý kiến, chọn mẫu để thực hiện bộ lễ phục sử dụng trong dịp giỗ tổ vua Hùng. Mong mỏi chung là các đồng chí lãnh đạo cao cấp cũng sử dụng, nhưng cuối cùng việc này “tạm hoãn”, chỉ có lãnh đạo tỉnh Phú Thọ mặc trong khi làm lễ. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà sáng tác quan tâm đến quốc phục, lễ phục lâu nay cũng ôm mối băn khoăn lớn về việc tại sao một công việc có ý nghĩa văn hóa, ngoại giao quan trọng như vậy, hành trình của nó lại lâu la, dài dòng đến vậy!

Đừng dông dài hơn!

Thực ra, mong mỏi, ước ao cùng những ý tưởng sáng tạo, đề xuất thì đã có rất nhiều. Nhưng cơ hội cho việc bàn luận, trao đổi nhằm thực hiện những kiến nghị, sáng kiến thì chưa mấy. Cũng như việc nhận thức về vấn đề quốc phục còn đa chiều và khó thống nhất về mục đích, giới hạn sử dụng, nên như Cục trưởng Vi Kiến Thành thì mãi vẫn chưa xong “đầu bài”. Theo ông Thành, xây dựng xong đề án thì không khó, nhưng để được cấp trên phê duyệt thì mới có thể triển khai được. Vì thế, hội thảo vừa qua là một cố gắng thêm và nữa của cơ quan quản lý nhằm trưng cầu các đóng góp của giới chuyên môn, tiến tới đẩy thêm một bước cho hành trình quốc phục vốn nhọc nhằn này. TS.NSƯT Đoàn Thị Tình đưa ra nhiều gợi ý cho việc xây dựng lễ phục, từ chất liệu lụa hàng vân, sợi tơ tằm, cho đến màu sắc đen, đỏ, hỏa hoàng với thủ pháp làm mờ. Rồi thiết kế họa tiết hoa văn trên cơ sở nghiên cứu những biểu tượng điển hình của văn hóa dân tộc. Theo quan điểm của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương thì quốc phục cho nam giới nên nghiên cứu, thiết kế bộ comple để có những đặc điểm riêng về hình dáng, kích thước, số cúc, loại vải, màu sắc…; với quốc phục nữ thì nên phát triển từ bộ áo dài truyền thống hiện nay. Cùng với đó, khăn quàng, khăn xếp, mẫu giày… cũng phải thiết kế phù hợp.

Trong cuộc hội thảo còn khá vắng vẻ vừa qua, những đóng góp của các chuyên gia hoặc gợi ý cụ thể, hoặc còn xa xôi, nhưng về cơ bản đều đòi hỏi nhanh chóng triển khai việc xây dựng quốc phục chứ đừng để việc chờ đợi, bàn đi tính lại kéo dài hơn nữa. Cần huy động sức sáng tạo của các nhà thiết kế, trưng cầu ý kiến của nhân dân, cũng như gấp rút kiến nghị với Chính phủ cho thực hiện đề án. Chứ không thì như lo lắng của TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nhỡ đâu 10 năm, 20 năm nữa cũng chưa thực hiện được!

Hội thảo Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên: Đề nghị Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm quan tâm hiện thực hóa chứ không nên bàn mãi. Đề nghị Cục xin ý kiến thành lập Ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo, phát động cuộc thi thiết kế cùng thời hạn cụ thể. Trên cơ sở đó có hội đồng xét duyệt để tiếp tục trình lên trên. Trong quá trình đó, các tiêu chí cho lễ phục sẽ trở nên rõ ràng hơn.

GS.TSKH Phan Đăng Nhật: Chúng ta là một quốc gia đa dân tộc. Vì vậy đa văn hóa lễ phục. Xét về ý nghĩa nghệ thuật, đồng thời ý nghĩa chính trị, đoàn kết dân tộc, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến lễ phục các dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Huy Hiệp - Văn phòng Chủ tịch nước: Nên khảo sát, nghiên cứu về trang phục, lễ phục của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á… Qua tìm hiểu trang phục, lễ phục của các nước, chúng ta có thể học tập được kinh nghiệm của các nước trong việc lựa chọn và xây dựng lễ phục, quốc phục.

GS Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam: Khi chưa tìm ra mẫu lễ phục chung thì, nên phát triển theo hình mẫu trang phục truyền thống – Khăn đóng, áo dài… Nhất thiết, khi quan hệ, tiếp xúc với một nước nào đó mà họ mặc lễ phục dân tộc thì phía ta cũng nên đối ứng bằng lễ phục Việt Nam.

Xuyên Sơn