Sân khấu còn lại gì sau mỗi kỳ… liên hoan?

07:25 | 19/11/2013

1,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện tượng, khán giả ùn ùn kéo tới rạp xem kịch Lưu Quang Vũ hay Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc vừa qua chưa phải là tín hiệu vui…!

Nghệ thuật truyền thống vẫn còn “đất” sống trong lòng công chúng? Nghệ thuật truyền thống lấy lòng được người trẻ? Nghệ thuật truyền thống có thể trở về thời kỳ hoàng kim?... Là những gì người ta có thể liên tưởng và mừng lòng khi chứng kiến hàng trăm lượt khán giả ùn ùn kéo đến rạp mỗi đêm công diễn kịch Lưu Quang Vũ hay Liên hoan sân khấu chèo thời gian gần đây… Những suy nghĩ đó, hoàn toàn có cơ sở. Bởi đã lâu lắm, sân khấu nghệ thuật truyền thống mới rộn ràng đến thế!

Rạp Đại Nam trong đêm công diễn “Nàng Sita” tưởng chừng như "vỡ trận", nườm nượp đoàn người hứng khởi kéo tới rạp. Tuy là vé mời nhưng rất nhiều khán giả không có vé vẫn đến cửa rạp để mong may mắn kiếm được một suất xem kịch Lưu Quang Vũ từ vé... chợ đen. Rạp Đại Nam, rạp Công Nhân, rạp Nhà hát Tuổi Trẻ đêm diễn nào cũng không một ghế trống, người ta phải chen lấn nhau ngồi tràn cả lối đi, hành lang, thậm chí đứng lấp kín cửa ra vào... dù xem trong tình trạng ngó nghiêng, dù chỉ nhìn thấy nghệ sĩ lờ mờ trên sân khấu... nhưng như thế đã là quá đủ.

Tương tự với sân khấu của rạp tháng Tám (TP Hải Phòng), công chúng phải rất vất vả mới có thể xem các vở chèo về tề tựu trong Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc. Mặc dù trước đó, cứ ngỡ rằng: “Liên hoan sân khấu là chỗ để các đoàn diễn cho nhau xem”.

Khán giả đổ xô đi xem kịch Lưu Quang Vũ 

Cảnh tượng này hoàn toàn khác những hờ hững với sân khấu truyền thống thời gian trước đó. Nên nhìn vào “hiện tượng” này người ta có thể mơ về sự trở lại thời kỳ hoàng kim của… sân khấu.

Đúng như một nhận định: Nghệ thuật truyền thống thì khó có thể mất đi. Vì nghệ thuật truyền thống nó đã gần gũi như là máu thịt, ẩn chứa sâu xa trong mỗi con người về lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Nên chỉ cần đợi dịp, là có thể bùng phát… Và, những kỳ Liên hoan như vừa qua là một minh chứng. Nhưng bình tĩnh nhìn nhận thì hẳn nhiên, đây cũng chưa phải là hiện tượng đáng mừng!

Bởi xét cho cùng thì, khán giả đến với rạp đông là vì được xem… miễn phí. Người già thì đến với tâm lý tìm lại những ngày tháng tuổi trẻ. Còn người trẻ thì đến xem với trạng thái tò mò xem “nghệ thuật truyền thống” rốt cuộc là như thế nào? Và chắc chắn một điều: Nếu là bán vé thì rạp sẽ không đông đến mức trở thành hiện tượng như vậy!

Thêm nữa, tình trạng những “cơn mưa” huy chương, giải thưởng vẫn cứ là bài toán khó giải quyết tại các kỳ Liên hoan sân khấu nghệ thuật. Và sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ nếu như không có việc kết thúc với một kịch bản cũ rích đó là ấm ức nhau về giải thưởng và không phục nhau về huy chương. Đương nhiên, cái kết này vô tình lại làm mất đi ý nghĩa của Liên hoan. Con số 50 huy chương được trao (16 huy chương vàng, 34 huy chương bạc), trong liên hoan này quả là không thua kém bất kỳ những “thi đua” của ngành sân khấu nào.

Tương tự, “cơn mưa” giải thưởng cũng trút xuống sân khấu Liên hoan chèo toàn quốc khi đủ các hạng mục huy chương vàng, bạc dành cho tập thể cộng với 110 giải thưởng vinh danh cá nhân - một con số quá lớn…

Thực tế sân khấu truyền thống vẫn còn bộn bề những khó khăn

Như vậy là giải thưởng có, rộn ràng có… nhưng thử hỏi sân khấu truyền thống còn lại gì sau mỗi kỳ Liên hoan? Không sai khi nói những kỳ Liên hoan đó là những ngày hội của người làm nghề. Còn sau Liên hoan, nghệ thuật truyền thống vẫn đứng trước thảm cảnh đìu hiu. Số rạp được "đỏ đèn" liên tục không nhiều. Và ngày càng khó khăn hơn khi công nghệ kỹ thuật phát triển thì việc kéo khán giả đến với sân khấu truyền thống càng nhọc nhằn.

Sẽ là thiếu xót khi không nhắc đến những nỗ lực mà các nghệ sĩ đã và đang làm cho sân khấu truyền thống. Điển hình như với sân khấu kịch, nghệ sĩ Chí Trung, nhà hát Tuổi Trẻ đã từng tâm sự: “Diễn kịch Lưu Quang Vũ, chúng tôi tin tưởng vẫn kéo được khán giả đến với rạp. Tất nhiên không thể kéo khán giả đến rạp đông như hiện tượng ở Liên hoan. Nhưng những khán giả chịu bỏ tiền túi mua vé, đó đã là đối tượng khán giả được tinh luyện, có lòng đam mê, yêu mến và chắc chắn chịu ngồi đến khi rèn buông, rèn tắt”. Với sân khấu Tuồng, Chèo... thì những dự án đưa sân khấu đến với học đường, cũng như những sân khấu nhỏ đã tạo được những hiệu ứng đáng kể. Nhưng thực tế vẫn xa rời so với những “xa hoa” thấy được từ Liên hoan.

Vậy mới nói, các Liên hoan chưa phản ánh thực tế đời sống của các đơn vị nghệ thuật và nghệ thuật truyền thống mới chỉ “tỏa sáng” ở các kỳ thi thố mà thôi. Để nghệ thuật truyền thống sống được và để sân khấu truyền thống bước ra cuộc sống, đến gần cuộc sống thực tế… thì một mình nỗ lực của các nghệ sĩ thôi là chưa đủ.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc làm của nghệ sĩ là nên tinh lọc giải thưởng, tránh những xa hoa không cần có… thì cũng cần lắm sự chung tay từ phía công chúng là từ bỏ thói quen “xem chùa, xài chùa” để nghệ thuật được đáp đền đúng với công sức mà nghệ sĩ bỏ ra. Như vậy mới mong, nghệ thuật truyền thống sống được lâu bền…!

Huy An