Thể thao Việt Nam “trắng tay” tại Thế vận hội London 2012: Cần phải giải mã sự thất bại

04:00 | 18/08/2012

1,264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đối với những người yêu thể thao trong nước, nhắc đến Thế vận hội Olympic 2012, cảm giác chung là buồn. Người hâm mộ nước nhà cứ day dứt, nhiều người cho rằng, cần phải lý giải cặn kẽ vì sao một quốc gia khỏe mạnh, có dân số gần 100 triệu người, thể thao chuyên nghiệp vẫn được quan tâm phát triển, mà không thể giành nổi dù chỉ một tấm huy chương đồng tại “đấu trường” Olympic. Có thể đổ lỗi cho thể lực và sức vóc vốn nhỏ hơn người các châu lục khác? Hay là sự hạn chế trong chế độ tập luyện và dinh dưỡng?...

“Không biết đầu tư trọng điểm”

Tìm gặp các đồng nghiệp, các cây bút thể thao gạo cội, người viết cũng bắt gặp sự đồng cảm tương tự. Đồng ý là sân chơi Thế vận hội rất lớn và khó khăn đối với một nền thể dục thể thao có sức vóc vừa phải như Việt Nam. Nhưng hãy nhìn Bắc Triều Tiên, Malaysia, Singapore, Gabon hay những quốc gia nhỏ bé khác như đảo Sip, Botswana kia, họ vẫn ẵm huy chương, dù chỉ là một tấm huy chương đồng. Đừng đổ tại Chính phủ không quan tâm, bởi chính lãnh đạo ngành đã trình Thủ tướng kế hoạch chuẩn bị từ rất lâu rồi. Đừng đổ tại cho tâm lý vận động viên (VĐV), bởi chính kế hoạch luyện tập, thi đấu, chọn điểm rơi phong độ của ban huấn luyện và trưởng các đoàn chuyên môn là người của Tổng cục chứ đâu. Nhưng các VĐV đã được cọ xát nhiều đến mức họ có thể vững vàng trước mọi đối thủ và mọi khán phòng, sân vận động nhiều chục nghìn người chưa?

Trả lời đông đảo báo giới tại sân bay Nội Bài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội London 2012 Lâm Quang Thành đã phải thừa nhận, ngành thể dục thể thao sẽ phải tái cơ cấu toàn diện từ tư duy đến cách làm, ngay sau kỳ đại hội này. Ông Trưởng đoàn bật mí, chúng ta đã sai khi không tập trung đầu tư có trọng điểm cho các môn thể thao Olympic. Ai quan tâm đều dễ dàng nhận thấy, nền thể thao nước nhà hiện giờ chỉ là bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, tennis... gọi là có thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ chỉ đến các đợt chuẩn bị cho những “trận đánh lớn” tương tự SEA Games, Á Vận hội... thì chèo thuyền, thể dục dụng cụ, cử tạ... mới được “lướt” qua tí chút. Vậy sự quan tâm đúng mức để bù đắp thiệt thòi cho VĐV thể thao đỉnh cao nằm ở chính cách làm của toàn ngành thể dục thể thao. Họ đã làm gì trong những năm qua (từ sau Bắc Kinh 2008), phải đến khi đoàn thể thao thua tan nát ở London về, màn bí mật mới được vén lên.

Bao giờ những hình ảnh này xuất hiện trên bầu trời Olympic

Đừng trách các VĐV

VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh 4 tháng liền không có thầy, các đồng đội của cô là Ngân Thương hay Nguyễn Thị Lụa không được chữa trị chấn thương, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) được chính người trong ngành “tố” với báo giới là hoàn toàn không được chuẩn bị sớm, hay các VĐV giỏi như Lê Huỳnh Châu (Taewondo), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) không được tạo điều kiện gửi đến những nơi huấn luyện tốt, có đối tượng luyện tập tương đương trình độ. Điền kinh cũng hầu như không có đợt tập huấn nước ngoài nào. Các đội tuyển khác như cầu lông, Taekwondo, đấu kiếm, Judo... có khá hơn khi được ra nước ngoài tập huấn và có chuyên gia ngoại dẫn dắt, nhưng chủ yếu cũng chỉ sát ngày mới có được những đầu tư này. Taekwondo có 2 chuyến tập huấn ngắn ngày tại Hàn Quốc và Pháp, Judo cũng chỉ tập khoảng hơn 1 tháng tại Trung Quốc... Riêng môn cử tạ, phải đến khi kết thúc giải Vô địch châu Á, cử tạ Việt Nam mới xác định được đâu là gương mặt sẽ được đầu tư cho Olympic. Bởi thế, dù có chuyến tập huấn tại Bulgaria, nhưng rõ ràng là kế hoạch diễn ra một cách vội vã, dẫn đến thiếu hiệu quả.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam khẳng định: Nếu ngành thể dục thể thao nói là họ tập trung tiền của cho những VĐV xác định rõ sẽ giành huy chương Olympic, thì họ sẽ không để các VĐV được đầu tư chuẩn bị đi Olympic ăn, ở như điều kiện bình thường giống các VĐV khác, không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Như vậy, rõ ràng trong kế hoạch của thể thao Việt Nam từ đầu năm 2011 (các quốc gia khác chuẩn bị cho Thế vận hội từ 1-2 chu kỳ, tương đương 4-8 năm) ngành thể thao đã không xác định đúng mục tiêu đó là giành huy chương Olympic mà chỉ tập trung giành càng nhiều suất tham dự Olympic càng tốt. Xác định như thế và tổ chức để làm thế nào giành được nhiều chỉ tiêu tham dự vòng loại. “VĐV thua, ban huấn luyện và lãnh đạo đội cứ đổ tại tâm lý. Tâm lý là do các vị nhào nặn chứ đâu. Điểm rơi phong độ đâu, cọ xát như thế nào, với ai, theo trình độ từ dưới lên cao... có hết trong kế hoạch rồi. Hay các vị không thực hiện hoặc thực hiện cho có? Người ta chuẩn bị hàng 5-7 năm mới có một tấm huy chương, mình đây còn nâng lên đặt xuống, đủ mọi động tác bên lề mới cho ra một bản kế hoạch... ngắn hạn. Thế thì quá muộn rồi!?”, ông Minh bức xúc nói.

Vị nguyên Trưởng đoàn cũng phân tích, Hà Minh Thành bắn súng giỏi hơn Hoàng Xuân Vinh, là một trong 6 người giỏi nhất ở nội dung đó, có lúc từng vượt qua thành tích Olympic Bắc Kinh… Lẽ ra như Thành phải được đầu tư ngay sau Olympic Bắc Kinh để giành được huy chương. Đầu tư là gì, là ăn tốt hơn, tập tốt hơn, ở tốt hơn, mua dụng cụ tập luyện tốt hơn, thầy tốt hơn, có chế độ dinh dưỡng và y học, hồi phục tốt hơn. VĐV của ta có thể đạt được, nhưng tiếc là ta không đầu tư, dốc hết sức ra để làm. Trần Lê Quốc Toàn có triển vọng từ Olympic Bắc Kinh, sao không đầu tư cao điểm ngay sau thời điểm đó đi?

Có lần nói chuyện với chủ công Kitsada, tuyển thủ quốc gia bóng chuyền nam Thái Lan, người đang đầu quân cho CLB Tập đoàn Dầu khí VN, người viết nhận thấy ngay trong tư duy VĐV giữa các quốc gia đã khác nhau một trời một vực. Với Thái Lan, mọi VĐV khi khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia đều hướng tới đỉnh chinh phục cao nhất. Hoặc huy chương, hoặc không gì cả. Tư duy của VĐV là do huấn luyện viên trưởng, do lãnh đạo đội truyền đạt, “nhét” vào đầu họ từ lúc bắt đầu nhập môn. Còn ở chúng ta, tâm lý đông vui có lẽ vẫn chiếm phần đa. Một đoàn thể thao cỡ khá về quân số và thành viên lúc đi thì trống dong cờ mở, nhưng khi tàn cuộc thì… lặng lẽ, ê chề.

VĐV lao động một loại hình công việc đặc thù, tuổi nghề ngắn, trong khi hiệu quả mang tính chất quảng đại họ mang lại đôi khi vượt quá sự kỳ vọng của cả xã hội. Chức vô địch AFF Cup 2008 của Đội tuyển Bóng đá Quốc gia nam là một ví dụ. Uy tín của Việt Nam tăng lên mạnh mẽ, cái nhìn quốc tế đối với chúng ta cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, đó là những giá trị không gì sánh được. Cái quan trọng là làm sao để nhân rộng “mô hình” đó. Bắt đầu từ đâu và như thế nào, hình như một mình ngành thể dục thể thao sẽ không đủ sức để gánh vác trọng trách này!

Hữu Tùng

Năng lượng Mới số 147, ra thứ 6 ngày 17/8/2012