Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ: Nghệ thuật phải lo “trồng người”

18:36 | 22/04/2014

1,849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều nhà văn hóa, đạo đức than vãn rằng: Nền văn hóa nghệ thuật biểu diễn của nước ta đang xuống cấp trầm trọng! Biểu hiện dễ thấy nhất là sự bùng nổ những scandal, những chiêu trò lố bịch, phản cảm từ những chương trình biểu diễn và từ những nhân vật được gọi là “ngôi sao”, là “thần tượng” của giới trẻ. Ngược lại, rất ít khi xuất hiện những chương trình có chiều sâu nghệ thuật được đầu tư mỗi năm hoặc có thì chương trình đó cũng rơi vào tình trạng… ế chỏng ế chơ! Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Dự án ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, chuyên gia văn hóa đã có những trao đổi thú vị với phóng viên Năng lượng Mới xung quanh thực trạng nói trên của văn hóa nghệ thuật.

Năng lượng Mới số 315

Xưng tụng cá nhân

PV: Nhìn những gì đang diễn ra trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật biểu diễn thì chúng ta thấy ngay sự xô bồ, bát nháo. Nhiều chương trình, nhiều nhân vật biểu diễn đua nhau tạo ra những scandal để thu hút dư luận mà không chú ý đến chất lượng nghệ thuật. Tiến sĩ nghĩ gì về hiện tượng này?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Văn hóa nghệ thuật biểu diễn là một loại hình văn hóa bên trong của cả tầng hệ thống văn hóa một dân tộc. Khi được gọi là văn hóa nghệ thuật biểu diễn thì ít nhất loại hình văn hóa đó phải đạt được những giá trị đóng góp cho cuộc sống, bao gồm củng cố, phát triển thêm những quan niệm về thẩm mỹ, về chân, thiện, mỹ của con người, định hướng đến một xã hội tốt đẹp và ít nhất là tăng cường năng lực cảm thụ nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật của người dân; qua đó người dân có thể nâng cao đời sống tinh thần.

Cuộc sống vật chất có thể giàu có, nhưng nếu như không biết cách hưởng thụ nghệ thuật, không có năng lực cảm thụ mỹ thuật thì ý nghĩa của cuộc sống giảm đi rất nhiều. Vì thế nghệ thuật biểu diễn ngoài chức năng giải trí, còn chuyển tải nhiều thông điệp bao gồm nâng cao năng lực thẩm định nghệ thuật, làm phong phú hóa thêm cuộc sống của con người và chuyển tải những thông điệp về giáo dục đạo đức, lối sống con người, cộng đồng… Nếu như làm được những điều như thế sẽ đạt được đến mức là văn hóa nghệ thuật biểu diễn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ

Nhìn vào thực trạng trước mắt, có thể thấy có một hiện tượng là sự đa dạng, phong phú hóa loại hình nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng cho nhiều tầng lớp, đặc biệt là tầng lớp trẻ với những thị hiếu khác nhau. Hiện tượng đó gắn liền với thời cuộc và phản ánh một xu thế đang diễn ra trên khắp thế giới là phong trào về văn hóa đại chúng. Chúng ta chịu ảnh hưởng của văn hóa đại chúng nên nghệ thuật biểu diễn cũng chạy theo xu hướng như vậy.

Trong văn hóa đại chúng, đối tượng thường là giới trẻ, lấy giới trẻ làm trung tâm. Trên truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế (THTT) cũng hướng đến giới trẻ. Nghệ thuật biểu diễn ở những nơi công cộng như rạp hát hay phim ảnh cũng lấy đối tượng giới trẻ là chính. Đó là cao trào chung của thế giới. Nhưng nếu chúng ta chỉ chạy theo cao trào văn hóa đại chúng và chỉ tập trung vào giới trẻ thì chúng ta sẽ đi lệch hướng, bởi trong xã hội, nhân dân đâu chỉ có giới trẻ. Còn nhiều thành phần khác như nhà trí thức, trung niên, những người lớn tuổi.

Giới trẻ chưa đủ trưởng thành, nhận thức chưa chín nên thị hiếu không thể đại diện cho hết các thị hiếu của công chúng. Tuy nhiên, có hiện tượng một số đơn vị truyền thông, đơn vị tổ chức sự kiện có thiên hướng chỉ tổ chức dành riêng cho giới trẻ hoặc chỉ hướng tới đối tượng chung là giới trẻ. Do đó tạo ra sự không cân bằng - đó chính là cái mọi người nói là xô bồ. Chuyện này chính là sự phản ánh của phong trào văn hóa đại chúng, nhưng chưa kịp đánh giá và điều chỉnh cho đúng hướng với tình hình Việt Nam

Bên cạnh đó một phần là do giới trẻ thường có nhiệt huyết, thích hát, thích nhảy, thích những động tác mạnh mẽ nên một số đối tượng khán giả khác lại thấy không hài lòng, không thoải mái. Do đó người ta đưa ra những nhận định như quá lún sâu vào cái xô bồ, cái nhiệt huyết, không có chiều sâu, không thể hiện được trình độ tri thức của văn hóa thẩm mỹ hoặc văn hóa nghệ thuật của cả dân tộc.

PV: Thưa tiến sĩ, nếu đánh giá về thực trạng nền nghệ thuật biểu diễn nước ta hiện tại ảnh hưởng đến xã hội, nhất là giới trẻ hiện nay thì đó sẽ là những gì?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Như tôi đã nói ban đầu, cái gọi là văn hóa nghệ thuật phải tạo ra những chuỗi giá trị, bao gồm củng cố và đề cao chân, thiện, mỹ hoặc để tạo ra những bài học đạo đức về gắn kết cộng đồng hoặc định hướng đến vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là giới trẻ trong xã hội. Cuộc sống phải phong phú, sâu sắc qua sự tăng lên của năng lực cảm thụ nghệ thuật và các chương trình diễn xướng. Lời hát truyền tải thông điệp gì, điệu múa cũng phải có định hướng về giáo dục là hướng con người ta tới việc rèn luyện thân thể, thể hiện nghệ thuật tốt hơn chứ không nên đi lệch quá theo khơi gợi sắc dục, hay khơi gợi chủ nghĩa cá nhân.

Tôi thấy gần đây nhiều chương trình đề cao quá nhiều cái tôi cá nhân. Có thể là đề cao một siêu mẫu, ca sĩ nào đấy nhưng đã tác động đến giới trẻ và kết quả là họ không còn chịu hướng về cái chung nữa. UNESCO khi nói về văn hóa đã có định hướng là: Chúng ta xem một chương trình một nghệ thuật biểu diễn cũng là đang học, học để sống tốt hơn. Mục tiêu của học là học để biết, học để làm, học để sống chung, rồi mới khẳng định sự thành công của mình trong đời. Như vậy là học để sống chung là một trong những điều rất quan trọng. Như vậy nghệ thuật biểu diễn cũng phải đạt đến chức năng như vậy.

Đâu là “chân - thiện - mỹ”?

PV: Những năm gần đây, hầu hết các chương trình nghệ thuật thiên về giải trí, thương mại, kèm theo đó là những chiêu trò scandal để hút khách. Phải chăng giá trị nghệ thuật không còn được xem trọng trong hệ thống giá trị của tác phẩm nữa thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Trong những chương trình hiện tại, số chương trình mang tính nghệ thuật cao,  có định hướng giáo dục và thẩm mỹ, đạo đức, lối sống có dấu hiệu càng ngày càng lắng đọng hơn. Tuy nhiên vẫn có những chương trình có chất lượng cao như một số chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam hoặc chương trình của các cơ quan cấp bộ, cấp thành phố. Còn chương trình của các công ty tổ chức sự kiện thì do lợi nhuận, mục tiêu kinh tế được đặt quá cao nên bất chấp tất cả.

Những scandal, chiêu trò thường xuyên diễn ra ở các chương trình, các nhân vật trong giới showbiz

Ví dụ như hình ảnh một chàng trai Arập đẹp trai, bị từ chối lễ hội ở một nơi nào đó là một hiện tượng rất bình thường, nhưng cớ gì cứ phải tổ chức một chương trình thật lớn, mời anh ta đến làm xáo trộn cả một nhóm cộng đồng! Đồng thời hướng con người đến chủ nghĩa cái tôi cá nhân không thực sự tốt đẹp, không hướng tới một sự hài hòa.

Còn chuyện scandal hay không scandal thì tôi không rõ là các đơn vị tổ chức có cố tình làm hay bản thân họ cũng bị đối tượng tham gia lừa gạt, nhưng những hiện tượng như vậy là phải tuyệt đối tránh bỏ. Khán giả cần sự tôn trọng. Mục đích cao nhất của một chương trình văn hóa nghệ thuật là chân - thiện - mỹ, trong đó “chân” là hàng đầu. Nếu biết đặt các bài học về sống chung, về hài hòa xã hội lên đầu, sau đó song hành với mục tiêu kinh tế sẽ tạo ra được một chương trình mang tính văn hóa và bền vững.

PV: Thêm vào đó, hiện tượng các ca sĩ, người mẫu, diễn viên tiến thân bằng scandal, sẵn sàng chụp ảnh khoe thân, lột đồ, phát ngôn gây sốc. Phải chăng đây là kết quả của việc chạy theo hình thức mà dần bỏ quên nội dung nghệ thuật phải không?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Hiện tượng này không phải là hiếm và không phải chỉ riêng Việt Nam. Đúng là có một số người muốn trở nên nổi tiếng bằng con đường rất phi giá trị. Nhưng nếu giới truyền thông không chú ý tới họ, không đưa tin gì về họ thì liệu họ có trở nên nổi tiếng không? Nếu các công ty tổ chức sự kiện, các đài truyền hình không mời họ biểu diễn thì đất đâu để họ diễn? Họ chỉ có thể phô diễn những thứ rất xấu xa trên mạng theo nguyện vọng cá nhân của họ thôi. Vì thế vấn đề chính là do công chúng của chúng ta nữa. Công chúng đã tạo những điều kiện để họ trở nên nổi tiếng hơn thông qua những scandal, những chiêu trò không lành mạnh.

Thêm vào đó là việc quản lý tổ chức sự kiện cũng chưa thực sự chuẩn trong việc lựa chọn ca sĩ, những người nổi tiếng để đại diện cho công chúng để xuất hiện trước số đông công chúng. Chúng ta phải quản lý cả cách họ ăn mặc có chuẩn không, cách họ đeo vòng vàng, trang sức có đạt không, vì họ chính là hình mẫu của thanh niên. Họ làm thế nào, thanh niên sẽ làm như vậy. Do đó, khi họ bước ra sân khấu, phải kiểm tra xem họ có thực sự là người có thể làm gương cho những người khác hay không. Một số quốc gia quy định rất chặt chẽ việc này. Việt Nam thì có khi cũng kiểm tra, có khi chưa thực sự. Chẳng hạn như một vài bạn nam ca sĩ trẻ đeo hai bên tai rất nhiều thứ, lên sân khấu như vậy thì làm sao? Kiểu tóc, phục trang của họ cũng không nói nên giới tính. Và kết quả là không có ý nghĩa gì cả, thậm chí lèo lái, đưa thanh niên tới một cái đích nào đó mà mình không thể quản lý được.

Không được bỏ qua chức năng giáo dục

PV: Thưa tiến sĩ, chúng ta nói đi thì cũng phải nói lại. Suy cho cùng thì thực trạng đáng buồn của văn hóa nghệ thuật biểu diễn hiện tại là xuất phát từ thị hiếu của công chúng. Bởi hiện tại có một điều dễ thấy là những chương trình, những bộ phim thiên về tính giải trí hay những nhân vật có scandal thì rất đông người xem, người biết tới; còn ngược lại, những gì thuộc về chiều sâu nghệ thuật thì… ế chỏng ế chơ. Tiến sĩ nghĩ sao?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Thị hiếu của con người muôn màu, muôn vẻ và không bao giờ có điểm dừng. Thị hiếu được phân ra thành thị hiếu để nhận biết, thị hiếu để phát triển và những nhu cầu giải trí. Trong nhu cầu giải trí, nếu như không có điểm dừng sẽ dẫn tới những nhu cầu không lành mạnh. Đôi khi nhà sản xuất lợi dụng cái gọi là thị hiếu và cái gọi là đáp ứng thị hiếu để đạt mục đích kinh tế, tạo ra scandal.

Giới trẻ được học hành, được lập nghiệp, được giao lưu, trao đổi, chia sẻ rộng trên thế giới nên thị hiếu đa dạng hơn rất nhiều so với trước đây theo chiều hướng truyền thống chưa có hoặc ít có kinh nghiệm. Chính vì vậy, cần có những nghiên cứu về thị hiếu trong thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ và của cộng đồng nói chung để có thể thấy rõ trong thời điểm hiện tại, thị hiếu nghiêng về cái gì, trong những nền tảng thị hiếu như vậy, sẽ định hướng, giáo dục ra sao và cuối cùng hướng tới các chương trình nghệ thuật diễn xướng sẽ vừa một mặt để đáp ứng thị hiếu, nhưng cũng phải đạt được mục tiêu là định hướng về một xã hội tốt đẹp, một nếp sống văn minh đô thị, một giới trẻ sống hòa đồng mà vẫn phát huy được sức sáng tạo.

Chúng ta cần cân đo đong đếm giữa một bên là thị hiếu, một bên là định hướng. Nếu bỏ qua định hướng, chỉ chạy theo thị hiếu thì chúng ta sẽ chỉ phục vụ công chúng, không định hướng được công chúng và không dẫn dắt xã hội đến một mục đích tốt đẹp hơn. Do đó cần nghiên cứu kỹ thị hiếu bằng điều tra xã hội học, so sánh giữa thị hiếu của công chúng Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á và mở rộng ra nữa là khu vực Đông Á.

Mặt khác, nghệ thuật thất thế là hệ quả của một quá trình lâu dài không có định hướng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nó liên quan đến một quá trình lịch sử mấy chục năm. Cụ thể, rất lâu rồi những nhà hát Opera ít đỏ đèn. Khả năng thưởng thức nghệ thuật Opera của người Việt Nam rất hạn chế. Số người có thể hiểu được nhạc Opera không nhiều. Một phần là do chúng ta không giáo dục cách thưởng thức. Thậm chí nhạc lý, thanh nhạc không biết, những điệu múa cơ bản để ứng xử với cộng đồng không có. Người ta không biết về nghệ thuật và lâu dần không có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nữa, không biết sự cảm thụ nghệ thuật để cuộc sống của mình phong phú hơn.

Thay vào đó, người ta muốn nghe những tình tiết đến cao trào, lâm li, bi đát, giải trí tại chỗ để khóc, để cười, để vật vã, để yêu, ghét theo những nhân vật trong phim và khi kết thúc thì không để lại bất cứ thứ gì!

PV: Thưa tiến sĩ, các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca trù, đờn ca tài tử… cũng đang mai một dần vì sự lãng quên của những người làm văn hóa nghệ thuật, như trường hợp mà tiến sĩ vừa chia sẻ chăng?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Sự mai một đang diễn ra theo hai chiều. Một là người ta ít được biết đến nó, người ta không được dạy hát những điệu ca trù hay chèo. Thứ hai là hình thức của nó không phù hợp với lối sống nhanh, hiện đại. Nhưng dù sao thì vẫn có lượng khán giả đi kèm.

Trong lịch sử, có rất nhiều loại hình mai một, chứ không phải đến bây giờ mới mai một. Trong thời đại chúng ta đang chuyển đổi quá nhiều như hiện nay, rất dễ bị rơi vào nguy cơ mất bản sắc. Do đó chúng ta phải có biện pháp để bảo tồn như đưa nghệ thuật truyền thống vào làng văn hóa các dân tộc, khu nghệ thuật, hoặc dựng thành những chương trình lớn trên sóng Đài Truyền hình quốc gia để nhiều người nghe, nhiều người nhận thức, nhiều người hiểu.

Ngoài ra các chương trình này cần có sự bình luận để công chúng hiểu hơn về các loại hình, bởi vì có hiểu họ mới thấy quý. Như vậy cần vừa đại chúng hóa bằng hình thức linh hoạt, vừa bảo tồn, bảo tàng. Người ở đồng bằng rất muốn tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật diễn xướng ở miền núi. Người nước ngoài rất muốn nghe đờn ca tài tử hoặc múa rối nước của người Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào mang ra cho công chúng và làm cho công chúng hiểu, thích.

PV: Quay lại chuyện scandal bùng phát trong giới nghệ thuật biểu diễn. Vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trong vấn đề này là điều khỏi phải bàn. Nhưng liệu do nhà quản lý không đủ công cụ pháp lý, xử lý còn nhẹ tay hay công chúng không tẩy chay mà ngược lại còn ủng hộ nên mới để xảy ra tình trạng hiện tại, thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Ngọc Thơ: Quản lý Nhà nước đó là quản lý thực hiện và hệ quả của những chương trình nghệ thuật diễn xướng. Giáo dục hướng tới nhận thức, còn quản lý hướng tới thực hiện. Nhưng đều cần thấu suốt của những chương trình nghệ thuật là chức năng định hướng xã hội, hướng đến sự hài hòa, chứ không phải mục tiêu cá nhân, tỏa sáng cá nhân. Các đơn vị tổ chức sự kiện cũng như đơn vị quản lý sẽ định liệu cho mình phương pháp làm việc cụ thể, những tiêu chí, tiêu chuẩn, vi phạm những gì sẽ không được xuất hiện. Phát ngôn của nghệ sỹ, hoặc những chương trình quảng cáo trên truyền hình, trên báo cũng phải đạt mục tiêu. Nói như vậy nhưng không phải là quá khuôn phép bởi nếu quá khuôn phép thì không ra chương trình nghệ thuật.

Về phía công chúng, phần đông công chúng vẫn là những người hướng tới cái đẹp, nhưng cũng có những cá nhân chưa nhận thức đầy đủ hoặc cố tình theo chủ nghĩa cá nhân của mình nên vẫn phát tán những hình ảnh không đẹp. Do đó yếu tố đầu tiên vẫn là quản lý Nhà nước. Phải có các chế tài với các chương trình, các cá nhân không để lại những dấu ấn đẹp hoặc có hại. Bên cạnh đó, vẫn là nhiệm vụ gieo trồng nhận thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Muốn “trồng” con người cần thời gian lâu dài, chính sách nhất quán đến suốt mấy thập niên, thậm chí là hàng thế kỉ mới có được nhận thức đúng đắn.  Từ đó, với nhận thức đúng đắn đó, các hoạt động bao gồm cả nghệ thuật diễn xướng sẽ theo đúng định hướng và không phải đi giải quyết những hậu quả của nó như hiện tại nữa!

PV: Cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!

Lê Trúc - Thành Ngọc (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.