Tọa đàm sân khấu đề tài lịch sử: Cảnh báo nguy cơ tùy tiện

07:00 | 21/11/2012

1,147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sáng tạo ra sao về lịch sử, hư cấu đến đâu, khai thác dữ liệu lịch sử như thế nào, thực trạng có những gì còn bất cập… Nhiều vấn đề đã được nói đến trong tọa đàm “Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử” vừa qua. Tuy nhiên, phần nhiều những gì mà tọa đàm đặt ra cũng giống như sự nói lại những gì dư luận đã ồn ào lâu nay.

Đừng lấy khoa học “soi” nghệ thuật

Sân khấu đề tài lịch sử tiếp tục là câu chuyện được bàn tới lui trong tọa đàm ngày hôm qua 14/11 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam “Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử”. Nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, họa sĩ, nhà quản lý… đã nhìn lại chặng đường dài sân khấu gắn bó với các thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử và đạt nhiều thành quả. Nhưng cùng với đó, thời gian qua cũng không ít vở diễn khai thác mảng đề tài này lại không được giới chuyên môn, báo chí và công chúng ghi nhận do sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết, thiếu chân thực, tùy tiện trong sáng tạo, hư cấu.

Cảnh trong vở "Dời đô" của Nhà hát kịch Quân đội

Nhiều tác giả tham luận với những kiến giải nguyên nhân của các hạn chế, đề xuất phương hướng tái hiện, sáng tạo đối với các đề tài lịch sử để vừa đảm bảo tôn trọng quá khứ, vừa đảm bảo yêu cầu hư cấu, tưởng tượng của nghệ thuật. Có những quan điểm đòi hỏi cao về chân thực lịch sử như quả quyết của NSƯT Trần Minh Ngọc: “Đành rằng, sáng tác là hư cấu nhưng giới hạn của hư cấu tới đâu? Giữa chân thực nghệ thuật và trung thực lịch sử thì phải tôn trọng sự thực thế nào?... Hư cấu là cần cho sáng tác nhưng hư cấu làm rõ sự thực chứ không bóp méo sự thật, không xuyên tạc, không làm sai lệch lịch sử là yêu cầu hàng đầu của công việc sáng tác và sáng tạo”.

Nhưng cũng có những ý kiến nhấn mạnh vào khả năng hư cấu nhằm thể hiện giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa, tác dụng của tác phẩm hơn là chỉ tập trung vào tái hiện lịch sử có tính chất tư liệu. Nhà nghiên cứu Hồ Ngọc cho rằng: “Kịch lịch sử thuộc phạm trù nghệ thuật, còn lịch sử thuộc phạm trù khoa học. Không nên lấy tiêu chuẩn khoa học lịch sử để đánh giá kịch lịch sử với tư cách là tác phẩm hư cấu nghệ thuật. Đã từng xảy ra nhiều chuyện bắt bẻ, thậm chí kiện cáo vì sự lẫn lộn này”. Theo tác giả Lê Quý Hiền, kịch lịch sử chắc chắn không phải là minh họa lịch sử. Mọi thứ “minh họa” trong văn học nghệ thuật đều hạ thấp văn học nghệ thuật như thực tế đã chứng minh khi có lúc chúng ta minh họa nghị quyết, minh họa chủ trương chính sách mà mất đi yếu tố hiện thực và nhân bản nằm trong tác phẩm.

Ít “nước” nên “quả” không “ngon”!

Nhiều hạt sạn sân khấu đề tài lịch sử bị không ít người phê phán và coi đó như một trong những mối nguy hại khiến cho công chúng quay lưng với lịch sử, hiểu sai lịch sử, không hiểu sử nước nhà bằng sử nước ngoài. Các hạt sạn thể hiện ngay từ nội dung, ngôn ngữ kịch bản cho đến ý tưởng dàn dựng, trang trí sân khấu, phục trang, đạo cụ… Chúng khiến cho vở diễn bị áp đặt những ham muốn thể hiện quan điểm trước lịch sử, trước thực tại nhưng lại thiếu hiểu biết kín kẽ. Có khi thành nơi thử nghiệm cho những ý đồ dàn dựng, trang trí thiên về khoa trương, ôm đồm, cách tân thái quá hoặc chỉ đơn giản, hời hợt, thiếu tâm huyết.

PGS.TS Trần Trí Trắc nêu, không ít vở mà ở đó có cả tên người, tên sự kiện, tên địa danh rồi quần áo, tác phong… rất cổ hoặc rất tân thời lộng lẫy, thế mà chúng ta vẫn buồn chán, khó tin, khó hiểu, khó chịu! Nhà văn Ngô Thảo cảnh báo: Nguy cơ tùy tiện, bẻ cong lịch sử, bóp méo diện mạo nhân vật, do trình độ, do nhận thức, do động cơ thực dụng cũng từng nhiều lần bộc lộ. Thậm chí, theo nhà văn, điều này còn thể hiện trong những tác phẩm được coi là thành công, được nhiều người yêu mến.

Còn theo nhà nghiên cứu Văn Thành - Phó trưởng ban Lý luận phê bình - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì, ngôn ngữ nhân vật lịch sử trong một số kịch bản không được chăm chút nên dẫn đến tình trạng các nhân vật ở một thời đại xa xưa đối đáp với nhau bằng ngôn từ, cách diễn đạt y như con người thời nay. Theo ông Thành, trong phương diện mỹ thuật sân khấu, nhất là khu vực kịch hát, đặc biệt là cải lương thì những vi phạm về chân thực lịch sử thể hiện ở mức độ đáng quan ngại nhất.

Năng lực thẩm định của nhà quản lý hạn chế, nguồn sử liệu thiếu, chế độ nhuận bút thấp, còn ít chương trình, hoạt động gợi mở, bồi dưỡng cho đội ngũ sáng tạo… cũng là những thực tế được nêu lên trong tọa đàm. Tuy nhiên về những giải pháp cụ thể, hiệu quả cho một tương lai gần tốt đẹp hơn của sân khấu đề tài lịch sử thì qua cuộc tọa đàm, vẫn chỉ được bàn chung chung, khái quát.

Chủ đề “Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử” đặt ra bao hàm nhiều vấn đề lớn, đòi hỏi một hội thảo với nhiều tiểu ban cho mỗi kịch chủng hay thành phần sáng tạo tác phẩm sân khấu như tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo… Đặc biệt là cần nhấn mạnh vào các giải pháp, vai trò, trách nhiệm cụ thể của Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các Sở VH-TT&DL cho đến các đơn vị sân khấu… Hy vọng, những gì còn dở dang sẽ sớm được chắp nối tiếp chứ không để ngỏ như nhiều cuộc bàn thảo về sân khấu trước đây.

“Nhiều văn nghệ sĩ và cả công chúng băn khoăn trước những câu hỏi: “Đâu là hư cấu, đâu là giải thiêng”, “Đâu là lịch sử, đâu là nghệ thuật?”… Thậm chí không ít công chúng bức xúc khi thấy qua một số tác phẩm văn học, nghệ thuật, các anh hùng lịch sử đã được cả dân tộc tôn vinh bị xuyên tạc, bị bôi nhọ…”.

(Công văn số 172-CV/HĐ của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TW)

“Đâu đó thường xuất hiện khuynh hướng hoành tráng, đồ sộ mà không gắn kết với nội dung câu chuyện của vở diễn đề cập đến… Phần phục trang, những bất cập trong việc thiếu cân nhắc về kiểu cách trang phục theo chức tước, sử dụng dung chất liệu không đúng danh phận nhân vật. Màu sắc thiếu cân nhắc, lòe loẹt làm người xem hoa mắt, chóng mặt…”.

(NSND họa sĩ Dân Quốc)

“Thời gian qua, nhất là trong vài ba năm trở lại đây, trong cơ chế thị trường, cũng giống như các khâu kịch bản, đạo diễn, diễn xuất của diễn viên… trang trí sân khấu cho các vở diễn đề tài lịch sử cũng có vẻ như chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình… không ít diễn viên quan niệm, lên sân khấu chỉ cần phục trang, hóa trang thật đẹp, để khoe với khán giả là chính”.

(GS Hoàng Chương)


Xuyên Sơn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.