Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương:

"Tôi tôn thờ tình yêu như tôn thờ sân khấu"

09:58 | 17/09/2012

947 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là cô đào chính của trên 100 vở cải lương, kịch nói, vai diễn điện ảnh và là tác giả của hơn 50 vở kịch… nghệ sĩ Kim Cương đã đứng ở đỉnh cao trong lĩnh vực nghệ thuật, đỉnh cao của danh vọng cuộc đời. Nhưng ngoài đời, cho đến giờ đường tình duyên của bà vẫn không trọn vẹn, dù rằng bà yêu và tôn thờ tình yêu như tôn thờ sân khấu.

Tôi gặp NSND Kim Cương tại nhà riêng sau ngày giỗ mẹ (NSND Bảy Nam) nghe bà tâm sự chuyện đời, chuyện nghề và vẫn còn đó giọng ca của cô Diệu trong vở “Lá sầu riêng” cách đây mấy mươi năm làm rơi lệ bao thế hệ khán giả.

Một nghề khó khăn

PV: Đã xa sân khấu 15 năm nhưng sức hút của nghệ sĩ Kim Cương còn rất lớn, bằng chứng là trong 3 đêm “Tạ ơn đời” của bà vừa qua, khán phòng Nhà hát Lớn thành phố luôn kín khán giả. Nhưng sau chương trình này, có nhiều người nói là chị bỏ nghề, giã từ sân khấu. Sau này, nếu có khán giả yêu cầu thì bà có quay lại hát nữa không?

NSND Kim Cương: Là nghệ sĩ không ai dám nói câu bỏ nghề, 15 năm nay tuy không diễn nhưng tôi đâu có tuyên bố bỏ nghề. Vì không bỏ nghề nên mới có 3 đêm diễn “Tạ ơn đời” vừa qua đấy chứ. Còn trong tương lai thì Kim Cương khó trở lại sân khấu vì giờ đây sức khỏe và hoàn cảnh của tôi không được như xưa, thêm nữa là tình hình sân khấu hiện nay rất khó để có thể tổ chức 3 đêm diễn như vừa qua.

PV: Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghệ thuật, bà có bao giờ thấy rằng, chính truyền thống gia đình luôn là áp lực không?

NSND Kim Cương: Lớn lên trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nghệ thuật là điều tôi rất hãnh diện, đó cũng là lẽ sống và hạnh phúc của tôi suốt mấy mươi năm qua. Chính điều đó tạo cho tôi cơ hội để tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực nghệ thuật. Má tôi từng khoe là 90 tuổi đời và 70 năm tuổi nghề. Bản thân tôi không dám nói là theo gót má nhưng tôi đã dành 40 năm đẹp nhất của đời phụ nữ để phụng sự sân khấu - nơi mà cả má và tôi đều tôn thờ như thánh đường

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương

PV: Làm nghệ thuật vừa khó khăn, vừa thiêng liêng nên để làm nghệ sĩ đích thực con đường cũng rất gian truân?

NSND Kim Cương: Đúng vậy. Đây là một nghề có rất nhiều khó khăn, vì khó khăn nên nó thiêng liêng đối với người nghệ sĩ. Đây là lĩnh vực của tâm hồn mà tâm hồn thì không thể định lượng được, chỉ có cảm xúc của tâm hồn mới thuyết phục được những tâm hồn mà thôi. Cho một ví dụ nhỏ để em thấy, trước khi bước vào rạp hát, 1.000 người với 1.000 tâm trạng khác nhau, nhưng khi mình diễn thì chỉ 20 phút sau phải làm sao để 1.000 người xem đều cười hoặc khóc theo mình, đó là điều không dễ nên má tôi nói “nghệ sĩ là kỹ sư tâm hồn” quả không sai.

PV: Hiện nay, sân khấu cải lương ngày càng đìu hiu, sân khấu kịch nói cũng lúc đầy lúc vơi, điều này làm cho những nghệ sĩ như bà có nhiều trăn trở?

NSND Kim Cương: Phải thừa nhận là sân khấu bây giờ không còn sôi động như trước, đó là nỗi buồn không của riêng tôi mà còn đối với tất cả những người tâm huyết với sân khấu. Có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân là anh em nghệ sĩ trẻ chưa thấy sân khấu thiêng liêng nên không nắm được tâm hồn của người xem, đó là điều đương nhiên. Chú Năm Châu và má tôi nói: “Nghề này là đạo nên phải thờ phụng, phải say mê nó bằng tất cả tâm hồn mới mong tới được tâm hồn khán giả”.

PV: Ngoài vai trò là một nghệ sĩ trên sân khấu, NSND Kim Cương còn là soạn giả được mọi người biết đến với vai trò là soạn giả của nhiều vở kịch, cải lương vang bóng một thời như “Lá sầu riêng”, “Huyền thoại mẹ”, “Trà hoa nữ”, “Dưới hai màu áo”, “Người mua hạnh phúc”...

NSND Bảy Nam (má Diệu - giữa) và NSND Kim Cương (vai Diệu - phải) đã làm rơi lệ nhiều thế hệ khán giả với vở “Lá sầu riêng”

NSND Kim Cương sinh năm 1938 trong một gia đình 4 đời làm nghệ thuật. Bà cố, bà nội và thân phụ đều làm bầu gánh. Bên mẹ có 4 người nổi danh là Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền. Thân phụ bà là ông Nguyễn Ngọc Cương (tự Phước Cương) - bầu gánh hát Đại Phước Cương và mẹ là NSND Bảy Nam. Từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước, bà được xem là một ngôi sao sáng của sân khấu và màn bạc. Kim Cương đã viết trên 50 vở kịch, có những vở một thời vang bóng, đến nay vẫn còn đọng lại như: “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”, “Trà hoa nữ”, “Tôi làm mẹ”, “Vực thẳm chiều cao”, “Bông hồng cài áo”… Hơn mấy chục năm theo nghề hát bà đã đẩy thương hiệu Đoàn kịch Kim Cương ở vị trí số 1 trong làng thoại kịch miền Nam.

Trong lĩnh vực điện ảnh, những phim bà sản xuất trước năm 1975 như: “Biển động”, “Mưa trong bình minh”, “Chiếc bóng bên đường”… hay những phim thực hiện sau năm 1975: “Lá sầu riêng”, “Trà hoa nữ”… đều có doanh thu cao, thành công rực rỡ về mặt tài chính. Từng đoạt nhiều giải thưởng: Diễn viên được yêu thích nhất năm 1956-1957; Diễn viên được yêu thích nhất của thoại kịch miền Nam; Nữ diễn viên đóng nhiều phim nhất của Hội Điện ảnh miền Nam (1974) và giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Loan (1974)… Sau 15 năm tạm xa ánh đèn sân khấu để chuyên tâm làm từ thiện thì đầu tháng 8 vừa qua, bà trở lại sân khấu với 3 đêm “Tạ ơn đời” tại Nhà hát Lớn TP HCM. NSND Kim Cương hiện là Thường vụ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM và là Phó chủ tịch thứ nhất Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM.

NSND Kim Cương: Thực ra, lúc đầu tôi đâu nghĩ mình sẽ thành một soạn giả. Khi ấy, vì chưa tự tin với bút lực nên tôi lấy bút danh Hoàng Dũng, rồi những vở kịch của tôi được khán giả thương yêu nên mãi sau năm 1975, tôi lấy bút danh Kim Cương.

PV: Xin bà cho biết bí quyết nào để kịch Kim Cương lấy nhiều nước mắt của khán giả và kịch Kim Cương sống lâu đến vậy?

NSND Kim Cương: Có lẽ vì trong kịch của tôi ai cũng thấy gần gũi như có một phần hình ảnh của mình trong đó. Tôi lấy câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên để làm câu sấm trong cuộc đời mình “Tận cùng của lý mà lý thì thật là vô lý vô cùng/ Tận cùng của lý phải là tình mới là có lý”. Nói một cách dân dã thì nếu sống không có tình có nghĩa thì sống làm chi. Nên kịch nói - cải lương của Kim Cương chủ yếu đánh động cái tình của con người: tình mẹ con, tình bạn bè, tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng, tình yêu quê hương… Tôi khai thác kỹ cái đẹp trong tình cảm của con người; tô đậm, tôn trọng tình người, tình yêu trên đời để thấy cuộc đời đẹp hơn. Nhiều khán giả khi xem thì khóc, bi lụy nhưng sau đó thì thấy nhẹ nhàng tâm hồn, có lẽ đó là một trong những nguyên nhân thành công của kịch Kim Cương.

PV: Bà yêu và trân trọng sân khấu đến vậy, sao lại rời xa nó?

NSND Kim Cương: Tôi cũng hụt hẫng lắm, nhất là mấy năm đầu sau khi rời xa sân khấu, tôi thường nói, đem Kim Cương ra khỏi sân khấu giống như vớt cá ra khỏi nước nhưng cũng may nhờ tìm tới Phật pháp, tôi biết chỗ nào nên dừng và biết đem tâm hồn của mình để thấm vào những mảnh đời bất hạnh. Do đó, tôi đã tìm được sự quân bình trong mấy năm nay.

Rèn luyện trái tim nghệ sĩ

PV: Bà còn được biết đến là một nghệ sĩ rất tích cực trong công tác từ thiện suốt mấy mươi năm qua. Vì sao sân khấu và công tác xã hội là hai lĩnh vực tưởng như khác xa nhau lại được chị trân quý và đeo đuổi gần cả cuộc đời như vậy?

NSND Kim Cương: Tôi quan niệm, khi diễn trên sân khấu hay làm công tác từ thiện, cả trực tiếp hay gián tiếp đều giúp cuộc đời đẹp hơn. Làm công tác xã hội là cơ hội để người nghệ sĩ thường xuyên tiếp xúc với cảnh khổ của người khác, giúp rèn luyện trái tim người nghệ sĩ, học tâm trạng của người bất hạnh để khi bước lên sân khấu trái tim mình thấm hơn vai diễn, hiểu hơn nhân vật thì diễn tốt hơn. Nên hai công việc tưởng khác xa nhau nhưng lại có mối quan hệ gắn kết với nhau bền chặt mà tôi không rời được trong cuộc đời mình.

PV: Có dư luận cho rằng, nhiều người làm từ thiện không phải bằng tấm lòng mà chủ yếu để đánh bóng tên tuổi, liệu nghệ sĩ Kim Cương có bao giờ bị hiểu nhầm như thế không?

Nghệ sĩ Kim Cương thời trẻ

NSND Kim Cương: Mỗi người đều có suy nghĩ của riêng mình. Còn tôi tâm nguyện sống làm sao để không thẹn với lòng, với những người mình tin tưởng là đủ rồi. Tôi làm từ thiện bởi vì không thể không làm, thế thôi. Còn có nhiều người chưa hiểu thì với những việc mình làm, qua thời gian họ sẽ hiểu thôi, vì không ai thông minh để đóng kịch cả đời được. Cũng nhờ làm từ thiện mà tôi thấy mình trưởng thành lên từng năm. Tôi cho rằng, công tác từ thiện làm cả đời cũng không hết vì cái khổ của nhân loại là muôn đời, càng làm càng thấy thiếu. Tôi chỉ biết ráng hết sức mình từ những việc làm rất nhỏ, làm hết lòng mình là thỏa mãn.

PV: Được biết bà là Phật tử thuần thành, lý do nào khiến chị tìm đến Phật pháp?

NSND Kim Cương: Phật nói, có tám vạn bốn ngàn con đường để con người đi tới Phật pháp, riêng trường hợp của tôi, tôi tìm đến Phật pháp bằng “con đường đau khổ của mình”. Nếu tôi không khổ, có lẽ tôi chưa tìm đến Phật pháp.

PV: Cuộc đời bà là điều mơ ước của nhiều người, thế sao nghệ sĩ Kim Cương lại tìm đến Phật pháp bằng “con đường đau khổ của mình”?

NSND Kim Cương: Nghệ sĩ là người có trái tim nhạy cảm, dễ vui, dễ buồn và nhờ vậy nên mới dễ thể hiện, dễ nhập vai, nhưng nó cũng dễ đưa đến những bi kịch trong tình cảm. Có thể nói, đời tôi may mắn từ nghề nghiệp, quan hệ xã hội, rồi nhiều người thương yêu giúp đỡ. Và khi tìm đến Phật pháp, tôi may mắn gặp được những ân sư hết lòng thương yêu, dìu dắt, nhưng trên đường tình duyên cho đến giờ này cũng không trọn vẹn. Dù rằng, trong cuộc đời tôi cũng gặp nhiều người tốt và có ý định đi tới hôn nhân, nhưng rồi cũng không đi tới đâu. Tôi thấy tạo hạnh phúc cho một gia đình bền vững khó quá, lúc đầu buồn lắm nhưng nhờ học Phật pháp mà 20 năm qua tôi đã ngộ ra rằng, mình phải chấp nhận, có những điều mình muốn tha thiết nhưng không bao giờ thực hiện được. Nhưng thôi, “Hạnh phúc nào rồi cũng qua, đau khổ nào rồi cũng hết”, Phật đã dạy như vậy. Do đó, 20 năm nay tôi sống rất thanh thản với những gì cuộc đời đã cho tôi.

Cuộc đời tôi hạnh phúc cũng nhiều mà đau khổ cũng lắm, vinh quang cũng nhiều mà cay đắng cũng không ít. Nếu trên sân khấu tôi làm cho khán giả khóc bao nhiêu thì ngoài đời Kim Cương cũng khóc trả lại bấy nhiêu. Phật dạy: “Sướng khổ tại tâm”, mình chấp nhận nó thì mình không khổ nữa, dù rằng, để chấp nhận nó cũng khó khăn vô cùng.

PV: Thường mỗi cuộc đổ vỡ trong tình yêu của bà là do đâu? Hoàn cảnh hay do chính người trong cuộc?

NSND Kim Cương: Mỗi cuộc tình đổ vỡ là thiệt thòi chung cho cả hai bên, nên không thể đổ tội cho một ai cả. Tất cả đều vô thường, còn duyên thì hợp - hết duyên thì tan, nhưng các bạn bè thương tôi thì thường nói: “Một người của quần chúng như Kim Cương thì khó có hạnh phúc trọn vẹn lắm”. Có lẽ đúng vậy.

Khi xưa không toàn vẹn trong tình yêu tôi cứ nghĩ đó là điều bất hạnh, nhưng giờ ngẫm lại thì đó là điều may mắn. Nếu tôi có trách nhiệm với một người chồng, gia đình riêng nhiều thì có lẽ Kim Cương không có nhiều thời gian để dành cho sân khấu, cho công tác xã hội, cho người khác đâu. Mình cứ nghĩ vậy là thấy thanh thản, bình an, không vướng bận gì nữa.

Tim tôi bao giờ cũng cháy bỏng, đầy lửa yêu thương, nhưng bây giờ tỉnh táo hơn mình đã biết đặt tình yêu cho đúng chỗ. Tôi là người yêu và tôn thờ tình yêu không khác gì tôn thờ sân khấu. Đối với tôi, mối tình nào cũng là mối tình đầu nên khi đổ vỡ tôi đau khổ gấp bội so với mọi người. Từ trong sâu thẳm tôi vẫn mong có một bờ vai để dựa, một người bạn để chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, có điều giờ này tỉnh táo hơn nên tìm hoài không ra và sẽ không tìm nữa.

PV: Nếu có một điều ước cho thời gian quay trở lại, bà có ước rằng, sẽ là một phụ nữ bình thường với một gia đình hạnh phúc bên chồng, bên con thay vì một nghệ sĩ Kim Cương quá nổi tiếng?

NSND Kim Cương: Bạn biết không, năm tôi lên 10, má không cho tôi theo sân khấu, bà chỉ mong sau này gả tôi cho một ông giáo làng và sống một cuộc sống bình an như bao người phụ nữ khác. Vì đời má cũng là nghệ sĩ, cũng chịu nhiều khổ đau nên má không muốn con gái theo nghiệp của mình. Thế nhưng, dòng đời xô đẩy cuối cùng cũng đưa Kim Cương đến với sân khấu và sống gần trọn đời với nó mà nói như trong Phật pháp, đó là “duyên” nên muốn tránh cái “duyên” của mình cũng không được.

PV: Cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này.

CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU NÓI VỀ NSND KIM CƯƠNG

* "Với tôi, Kim Cương không chỉ là một kỳ nữ của nghệ thuật sân khấu mà phải là một nữ hoàng, bởi vì chỉ có một nữ hoàng mới có thể tạo nên, gìn giữ và xây dựng, bảo vệ được triều đại của mình, bảo vệ được ngai vàng của mình. Triều đại đó là triều đại kịch nói Kim Cương và ngai vàng nghệ thuật sân khấu. Bởi Kim Cương hội tụ tất cả mọi tố chất, mọi năng lực đó là TÀI, SẮC, TRÍ, UY, VŨ, DŨNG, NHÂN... Và trong lòng tôi Kim Cương sẽ mãi mãi là nữ hoàng kịch nghệ", GS Trần Văn Khê.

* Qua cuộc đời và tác phẩm của NSND Kim Cương, GS Cao Huy Thuần khái quát: “Ở đâu có khóc, ở đấy có Kim Cương. Đó là Kim Cương của sân khấu. Kim Cương khóc với nhân vật. Mà đó cũng là Kim Cương ở ngoài đời, bởi vì ở ngoài đời Kim Cương cũng tìm khóc mà đến, nhưng đến để làm vơi nước mắt, để mang lại nụ cười. Người ta nói: Sân khấu cũng là cuộc đời. Chị biết rõ hơn ai hết: Cuộc đời cũng là sân khấu”.


Thiên Thanh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 155, ra thứ Sáu ngày 14/9/2012)

Giới thiệu 17 ấn phẩm đặc sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ

Giới thiệu 17 ấn phẩm đặc sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ

(PetroTimes) - Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng hình thức và thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký, nhật ký, truyện tranh...