Trang phục truyền thống: Không thể thiết kế tùy hứng!

06:00 | 12/12/2012

1,909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trang phục dân tộc được thiết kế cho thí sinh trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế những năm gần đây đều gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, những trang phục đó được cóp nhặt từ hình ảnh trong game chiến thuật, từ sự sáng tạo tùy hứng…

Gần đây nhất có thể kể đến đó chính là Hoàng My với bộ váy dân tộc lấy ý tưởng từ trang phục của người Âu Lạc để trình diễn tại cuộc thi “Hoa hậu quốc tế - Miss World 2012”. Khi bộ trang phục này xuất hiện, ngay lập tức đã tạo nên một “cơn bão”. Nhiều người cho rằng, hình ảnh của Hoàng My với bộ váy này gợi nhớ về sự tích Mỵ Châu - Trọng Thủy cùng mối tình si đã đẩy Âu Lạc vào sự diệt vong, hơn là hình ảnh của người phụ nữ Âu Lạc thời xa xưa nào đó.

Hay vừa rồi là bộ trang phục dân tộc lấy từ hình tượng của Thánh Gióng của Trương Nam Thành mang dự thi “Mr World 2012” cũng thành đề tài đàm tiếu. Bộ trang phục hết sức cầu kỳ và rất nặng nề trên 30kg này bị nhiều người chỉ trích là không đẹp, quá khác biệt với hình tượng Thánh Gióng trong trí tưởng tượng của mọi người qua sự tích Thánh Gióng. Mặt khác, bộ trang phục này rất có thể được cóp nhặt từ hình ảnh trong các game chiến đấu… Và những bộ trang phục này không được giải gì!

Đẹp và xấu là cặp phạm trù không có tính bất biến, vẻ đẹp với người này là cái xấu của người kia, cái đẹp của hôm nay là sự xấu xí của ngày mai… nên cuộc tranh cãi xung quanh những bộ trang phục truyền thống của các thí sinh “mang chuông đi đánh xứ người” bao giờ cũng kết thúc mà không có lời đáp cuối cùng! Vậy, câu hỏi đặt ra là nên nhìn nhận vấn đề thế nào cho thấu đáo?

Những bộ trang phục dân tộc gây tranh cãi thời gian gần đây

Có lẽ, điều quan trọng đầu tiên là cần trả lời câu hỏi thế nào là trang phục dân tộc?! Chúng ta có thể hiểu nôm na rằng, một bộ trang phục dân tộc đầu tiên phải mang tính đặc thù riêng do sự sáng tạo của chính dân tộc đó. Kế đến, nó phải thể hiện được những nét văn hóa mặc của dân tộc và quá trình lịch sử phát triển của dân tộc ấy. Mặc khác, trang phục dân tộc hay trang phục truyền thống phải đẹp, trang trọng được dân tộc đó mặc trong các dịp lễ hội.

Những nhà thiết kế trang phục gây tranh cãi ấy đều cho rằng, đó là sự sáng tạo của họ trên ý tưởng từ câu chuyện lịch sử. Tất nhiên, sự sáng tạo bao giờ cũng cần thiết phải có để tạo nên những trang phục truyền thống ấn tượng. Tuy nhiên, cơ sở của sự sáng tạo ấy là gì và sự sáng tạo ấy mang lại ý nghĩa như thế nào mới là quan trọng nhất. Và sự tự do sáng tạo của nhà thiết kế phải tuân thủ những quy tắc chung là tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật thể hiện lên trong từng thiết kế.

Dễ dàng nhận thấy rằng, có sự áp đặt câu chuyện lịch sử lên cái gọi là trang phụ truyền thống của dân tộc Việt Nam qua các trang phục nêu trên. Như đã nói trang phục dân tộc là những bộ trang phục có một quá trình hình thành, tồn tại từ lịch sử kéo dài đến tương lai. Còn các nhân vật truyền thuyết, hư cấu thì làm sao để kiểm chứng và thấy được những bộ trang phục ấy! Thánh Gióng ngày xưa mặc trang phục giống như Trương Nam Thành trong “Mr World” vừa qua chăng? Chắc chắn là không, dù chỉ là một phần trăm! Hẳn nhiều người chưa biết về văn hóa Việt Nam, sẽ tưởng tượng ra rằng, người Việt Nam mặc những trang phục như váy của Hoàng My hay Trương Nam Thành trong các lễ hội truyền thống. Thế mới tai hại!

Trao đổi với tôi, nhà thiết kế (NTK) Quốc Tuấn, người từng làm việc với nhiều nhân vật nổi tiếng qua các show diễn thời trang quốc tế đã thẳng thắn nhận xét rằng: “Đó không phải là sự sáng tạo, nó là một sự ăn cắp trắng trợn, sự cóp nhặt linh tinh một chút chi tiết từ các tuồng cổ Trung Quốc, một chút từ các thổ dân châu Phi, một chút thổ cẩm từ các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam và phần lớn còn lại là sự cóp nhặt từ các bộ trang phục của các nhân vật trong game kiếm hiệp”.

Vậy chúng ta thiếu những trang phục truyền thống đẹp thật sự để thể hiện trong các cuộc thi quốc tế chăng? Câu trả lời là không! Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng về truyền thống văn hóa và trang phục dân tộc khác nhau và đều rất đẹp. Đặc biệt nhất trong số ấy là chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ. Chúng ta không phát huy hết những nét đẹp ấy của dân tộc mà lại cất công đi sưu tầm, thực hiện những trang phục mà chính dân tộc mình phải đi từ ngạc nhiên này đến sự ngỡ ngàng khác khi chiêm ngưỡng thì… kỳ lạ thật!

Diễm Hương chọn áo dài truyền thống dự thi Hoa hậu hoàn vũ 2012

Vừa qua, Hoa hậu Diễm Hương đã chọn chiếc áo dài truyền thống để thể hiện trong cuộc thi “Hoa hậu hoàn vũ 2012” diễn ra tại Mỹ. Trong một cuộc thi mà tiêu chí của nó là sự gợi cảm, nóng bỏng như Hoa hậu hoàn vũ thì việc chọn trang phục áo dài dân tộc là sự táo bạo của nhà thiết kế cũng như đơn vị giữ bản quyền thi Hoa hậu hoàn vũ năm nay. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cũng như những khen ngợi của khán giả trong nước. Có lẽ bởi một điều cơ bản là nó đúng là trang phục truyền thống dân tộc Việt, nó đẹp tinh tế chứ không rườm rà và không mang tính thực dụng như những bộ trang phục trước đó!

Trở lại những bộ trang phục nhái truyền thống gây tranh cãi, ta thấy dấu ấn của sự chủ quan cá nhân của các NTK cũng như đơn vị đưa thí sinh đi thi. Mỗi NTK đều có những thế mạnh và ý tưởng của riêng mình, song một bộ trang phục truyền thống cho thí sinh thi quốc tế không phải là trang phục bình thường, đó là bộ mặt văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì thế ngoài việc đòi hỏi người sáng tạo ra nó phải có tư duy sáng tạocao, gu thẩm mỹ thời trang rộng, một nền tảng về kiến thức thời trang; đặc biệt cần thiết hơn đó là phải trình làng trước với các nhà thiết kế nổi tiếng, gạo cội khác để cho ra những nhận định chính xác nhất trước khi thiết kế hay mang đi trình diễn xứ người. Thậm chí, cần thiết phải lập một hội đồng để thẩm định những bộ trang phục truyền thống này.

Nước ta không thiếu NTK tài năng và nổi tiếng, họ được cả thế giới công nhận, song rất tiếc là những tên tuổi này hiếm khi có mặt trong việc thiết kế trang phục truyền thống cho thí sinh thi quốc tế. Những gương mặt tạo ra những trang phục gây tranh cãi gần đây đều là những gương mặt trẻ, thậm chí có người vừa tốt nghiệp thiết kế. Và những nhân vật được quyền thiết kế các bộ trang phục cho thí sinh thi quốc tế, dù nhiều bộ vừa ra đời đã gây tranh cãi. Nhiều người đặt dấu hỏi là phải chăng những nhà thiết kế này có mối quan hệ cá nhân đặc biệt nào đó với đơn vị cử thí sinh đi thi? Chắc chắn câu trả lời sẽ là một… bất ngờ thú vị!

“Một bộ trang phục truyền thống là bộ mặt văn hóa của tất cả con người Việt Nam thì không thể để những nhà thiết kế trẻ người non dạ làm nên bằng những mối quan hệ quen biết cá nhân được!” – NTK Quốc Tuấn đã thẳng thắn bày tỏ với tôi như thế! Dù câu anh nói có ẩn chứa sự thật tế nhị gì đi chăng nữa thì thiết nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là cần có những thay đổi trong tư duy thiết kế trang phục dân tộc; cần có sự công khai và thẩm định kỹ càng hơn trước khi mang đi trình diễn để công chúng Việt thật sự hài lòng về trang phục truyền thống Việt!

Trúc Vân