Âm nhạc phương Đông: Bản sắc và giá trị

17:58 | 19/12/2014

1,746 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes)- Cần có những hình thức bảo tồn đi liền với phát triển chứ không thể giữ gìn hiện trạng như hình thức đóng băng trưng bày trong bảo tàng là khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động âm nhạc của Việt Nam và các nước như Singapore, Lào, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc...

Hội thảo đã nghe hơn 20 tham luận xoay quanh ba nội dung chính. Nghệ thuật âm nhạc phương Đông và các vấn đề giữ gìn bản sắc, giao lưu tiếp biến văn hóa. Nghệ thuật âm nhạc của người Việt. Nghệ thuật âm nhạc của các dân tộc (các nghiên cứu về giá trị, bản sắc âm nhạc các dân tộc phương Đông: Ấn Độ, Philippines… và các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam: Chăm, Khmer, Chơ ro…).

Trong nghệ thuật âm nhạc phương Đông và các vấn đề gìn giữ bản sắc, giao lưu tiếp biến văn hóa, tham luận của các nhà nghiên cứu nhấn mạnh quá trình giao lưu và tiếp biến âm nhạc giữa các dân tộc phương Đông với phương Tây, và quá trình giao lưu giữa các dân tộc phương Đông với nhau.

TS, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng trình bày tham luận tại hội thảo

Người nghe ấn tượng với tham luận của TS Nguyễn Thị Hải Phượng, giảng viên Nhạc viện TPHCM và là nghệ sĩ đàn tranh, với tham luận “Đàn tranh và một số loại đàn cùng họ”. Bằng phương pháp thực chứng và so sánh ảnh hưởng liên văn hóa, TS Hải Phượng đã đưa ra những điểm tương đồng và dị biệt của các nhạc khí: Zheng (Trung Quốc), Gayageum (Triều Tiên), Koto (Nhật Bản) và Đàn Tranh (Việt Nam). Nguồn tư liệu chủ yếu được tác giả dựa vào các nhà âm nhạc dân tộc học, quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng và một số nhạc sĩ có thời gian giảng dạy hoặc biểu diễn lâu dài ở Việt Nam đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đồng thời, người nghe cũng ấn tượng với tham luận “Âm nhạc trong nghìn lẻ một đêm” của nghiên cứu sinh Khoa Văn học – Ngôn ngữ ĐH KHXH &NV TPHCM Nguyễn Ngọc Bảo Trâm. Tham luận nhấn mạnh: xuất phát từ truyền thống của văn học dân gian Arab và được văn bản hóa, tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm” đã tạo nên bầu không khí đặc biệt của những chuyện kể trong thế giới Arab với những âm hưởng tuyệt vời. NCS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm đã đưa người nghe về không gian “Phương Đông huyền bí” trong “Nghìn lẻ một đêm”, qua đó thấy được những đặc điểm của đời sống âm nhạc và những chức năng của âm nhạc đã được thể hiện như thế nào trong một tác phẩm kinh điển của truyền thống văn hóa Arab Islam.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến âm nhạc dân tộc trong đời sống đương đại và giải pháp bảo tồn bản sắc âm nhạc của các dân tộc Việt Nam (âm nhạc của dân tộc Khmer, âm nhạc của dân tộc Chăm hay hát sắc bùa, đờn ca tài tử… của dân tộc Việt) trong làn sóng ảnh hưởng từ âm nhạc Tây phương và âm nhạc phương Đông đến từ Hàn Quốc, Nhật, Philippines…

Cần có những hình thức bảo tồn đi liền với phát triển chứ không thể giữ gìn hiện trạng như hình thức đóng băng trưng bày trong bảo tàng là khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu tại hội thảo. Quan trọng hơn, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính dành cho những nghệ nhân đang lưu giữ các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Đối với một số loại hình âm nhạc đặc thù của các dân tộc Chăm, Khmer, Chơ ro… có nguy cơ bị thất truyền thì cần lập tổ công tác chuyên ngành để tiến hành quay phim, ghi âm, ký âm để thuận tiện trong công tác bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau bằng văn bản, tránh bị thất truyền do lối truyền khẩu, truyền ngón.

 

Thanh Thanh