Truyền hình thực tế:

Trẻ bị “đẻ non, chín ép”!

07:05 | 08/10/2014

1,577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ trẻ em lại có nhiều sân chơi trên truyền hình như hiện nay. Tuy nhiên, các sân chơi này, như “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”… lại là sự “nhỏ hóa” sân chơi người lớn. Điều này khiến chính các em đang bị ép “già” trước tuổi, phải đối mặt với nhiều thị phi, với chuyện thắng thua. Câu hỏi đặt ra là: Truyền hình thực tế đang là sân chơi của các em hay là nơi người lớn thể hiện tài năng “đạo diễn” và kinh doanh?…

Năng lượng Mới số 363

Sau sự thành công và hút khách của một loạt chương trình truyền hình thực tế, game show của người lớn, lần lượt cũng ra đời các sân chơi âm nhạc cho trẻ nhỏ “ăn theo” như “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”… bên cạnh sân chơi vốn dành riêng cho trẻ như “Đồ rê mí”. Cả chương trình “Đồ rê mí”, “Giọng hát Việt nhí” và mới đây là “Bước nhảy hoàn vũ nhí” đã bắt đầu dấy lên không ít nghi ngại và những ảnh hưởng không mấy tích cực cho trẻ.

Trong sân chơi “Đồ rê mí” 2014, các bé dự thi thường còn nhỏ, chỉ khoảng 4-7 tuổi, mặc dù được đặt trong phần dự thi “Bài hát hai thế hệ” nhưng những “Bóng cây Kơ-nia”, “Biển hát chiều nay”… đều hơi quá sức với các bé. Hơn nữa, đối với các bé còn quá nhỏ, sự sáng tạo và trình diễn trong tất cả các ca khúc hầu như đều do người lớn biên diễn. Các mầm non có khi còn chưa biết đọc nhưng cũng được học thanh nhạc, vũ đạo, có một ê-kíp chuyên nghiệp về thiết kế trang phục ăn nhập theo từng bài hát và sân khấu. Trong 13 show ghi hình nhưng mỗi bé chỉ được thể hiện tài năng ở 4 bài hát cũng mất khá nhiều thời gian của các bé. Và trong 13 show ghi hình này chỉ có đêm chung kết mới trực tiếp, còn các show còn lại được quay chỉnh sửa và hát… hát nhép. Điều này đã từng bị lên án nhưng theo ban tổ chức, để đảm bảo sự “chỉn chu” và suôn sẻ của một show ăn khách, thì hát nhép là chuyện… tất nhiên.

“Đẻ non, chín ép”!

 

Minh Quân có nhiều động tác khêu gợi với bạn diễn nữ

Trong chương trình “Giọng hát Việt nhí” năm đầu tiên, dù là sân chơi của các em nhỏ nhưng các bài hát được lựa chọn toàn là tiếng Anh và xuất hiện không ít những bài hát có chủ đề yêu đương mùi mẫn. Năm nay, số lượng bài hát tiếng Anh đã không còn áp đảo như năm trước nhưng vẫn “dính” bài hát không phù hợp lứa tuổi các em như: “Thương nhau Lý Tơ hồng” do Mai Chí Công và Thiện Nhân song ca, và dù được sửa lời cho phù hợp nhưng thiết nghĩ không quá cần thiết phải lựa chọn một ca khúc chênh tuổi các em như vậy.

Mới đây nhất, chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí” - chương trình truyền hình thực tế mùa đầu tiên ăn theo phiên bản người lớn cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nếu xét về tính giải trí của “Bước nhảy hoàn vũ nhí” thì nhà sản xuất hoàn toàn đã đạt được, thậm chí là thành công khi biến chương trình thành một thỏi nam châm hút quảng cáo và sự chú ý dõi theo của dư luận. Ở Việt Nam, bộ môn dancesport ở trẻ mới phát triển vài năm trở lại đây và chắc hẳn sẽ có không ít người thích thú khi thấy những phiên bản tí hon cũng sành sỏi lắc hông uyển chuyển trên sân khấu thế nào.

Tuy ồn ào nhưng “Bước nhảy hoàn vũ nhí” đã không có nhiều điểm cộng đối với phụ huynh và những nhà giáo dục. Hình ảnh múa cột của cô bé Bảo Ngọc khi hóa thân thành ca sĩ lập dị Lady Gaga trong đêm chung kết vừa rồi trở thành tâm điểm với những dư luận trái chiều. Trả lời báo chí, nữ hoàng dance sport Khánh Thy cho rằng, mọi người đang định kiến quá về hình ảnh múa cột, chứ thực chất đây là một bộ môn thể thao và là một loại hình trong múa. Cô còn cho rằng, đây là chương trình nhảy múa mang tính giải trí chứ không đặt nặng về văn hóa hay giáo dục. Thế nhưng, nếu để xét về cả liveshow chung kết của “Bước nhảy hoàn vũ nhí” thì trước hết là các phụ huynh sẽ thật sự choáng ngợp với những màn trình diễn quá sexy và có phần khêu gợi của các bé. Đó là chưa nói đến chủ đề khi ban tổ chức lựa chọn những thần tượng âm nhạc thế giới có không ít scandal cho các bé thể hiện.

Trở lại chuyện cô bé Bảo Ngọc múa cột, sự hóa thân thành cô nàng quái chiêu, lập dị Laday Gaga và động tác múa cột trong tiết mục trình diễn của em khiến công chúng không thể không lên tiếng. Sự lựa chọn thần tượng để thể hiện đã là một điều thiếu tính cân nhắc và cài cắm các động tác múa cột khiến chương trình đã làm “lớn” các em quá nhiều. Thật sự ở sân chơi của các em, không thể nói đến đặt nặng tính giải trí hơn văn hóa, thuần phong mỹ tục. Nếu cho rằng dư luận có định kiến với cái cột thì liệu có quá thoáng trong cách suy nghĩ?! Bởi ngay cả ở những nền văn hóa như phương Tây thì chiếc cột cũng chỉ xuất hiện ở những clip ca nhạc vô cùng sexy nóng bỏng hoặc ở trong các quán bar.

“Đẻ non, chín ép”!

Phần trình diễn của Bảo Ngọc có động tác múa cột phản cảm

 Còn nhớ cách đây không lâu, ngôi sao ca nhạc tuổi teen nổi loạn Miley Cirus đã bị chỉ trích thậm tệ khi cô nàng biểu diễn những động tác khêu gợi bên cái cột trong một show diễn. Và chính những người lên án ở đây là phụ huynh của những đứa trẻ đang hâm mộ Miley. Họ không thể chấp nhận hình ảnh thần tượng của con mình đang lả lơi bên cái cột. Tất nhiên những động tác khêu gợi của Miley mới là điều đáng lên án, nhưng gắn với cái cột thì dường như ngay cả bên trời Tây, phụ huynh cũng không hề nghĩ thoáng và “tây” như xứ ta.

Ở trường hợp của Bảo Ngọc, dẫu động tác của em không khêu gợi, không lả lơi, nhưng không phù hợp khi xuất hiện trên truyền hình trong một chương dành cho trẻ. Cũng không thể nói đó là một bộ môn thể thao, một bộ môn múa bởi đây có thể là bộ môn thể thao đang được giới trẻ yêu thích và đua nhau đi học, nhưng ai dám khẳng định những bạn trẻ học múa cột dám đứng lên biểu diễn uốn éo khêu gợi bên cái cột ở trong một chương trình nào đó! Hay chỉ có những vũ công mới bạo dạn có những màn trình diễn sexy như vậy. Hơn nữa ngay cả với người lớn, việc biểu diễn múa cột cũng phải dè chừng vì rất dễ bị phản ứng. Nữ hoàng nổi loạn Angele Phương Trinh cũng đã từng bị cấm biểu diễn vì hình ảnh lả lơi múa cột trong một quán bar.

Thực chất vấn đề múa cột không phải là định kiến mà văn hóa của chúng ta chưa thể biến cái cột trở thành một đạo cụ đơn thuần trong nhảy múa của bất cứ lứa tuổi nào, nhất là các em thiếu nhi. Bởi thậm chí ngay cả bên nước ngoài, hình ảnh này nếu không được đặt đúng chỗ, đúng lứa tuổi cũng đều trở nên phản cảm.

Ngoài ra, trong đêm chung kết “Bước nhảy hoàn vũ nhí” vừa qua, tiết mục của Minh Quân mang phong cách Bruno Mars cũng có cả những động tác nhảy uốn éo đầy khêu gợi kết hợp với bạn nhảy nữ. Dường như để thỏa tính giải trí của chương trình, ban tổ chức và các biên đạo múa đang thu nhỏ chính phiên bản người lớn đặt vào các em, khiến các em bị ép phải “già” đi và mất tính hồn nhiên vốn có ở lứa tuổi của mình.

Hơn nữa, nếu nói đến sự gánh vác tính giải trí cho một chương trình truyền hình thực tế, có nghĩa là phải có tình tiết “sốc” để tạo dư luận thì thật không phù hợp cho một sân chơi dành cho trẻ em. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho trẻ. Không chỉ thế, việc biến con trẻ thành “ngôi sao”, thành “thần tượng” quá sớm; hay những lời khen ngợi tung hô quá sức khiến trẻ dễ bị ngộ nhận, tự kiêu ở bản thân mình.

Và sau không ít các chương trình truyền hình thực tế dành cho con trẻ, chúng ta phải nhìn nhận xem con trẻ được hưởng lợi gì từ đây? Chúng có thật sự vui chơi thoải mái đúng lứa tuổi hay lao vào cuộc tranh đấu nặng tính hơn thua? Chưa kể không ít trẻ bị biến thành công cụ để nhà sản xuất tạo chiêu trò, thu lợi nhuận! Và điều đáng nói chương trình đang biến các bé càng ngày càng trở thành một “người lớn” với quan điểm, suy nghĩ thoáng quá mức đối với cả một người lớn!

Linh Chi