Vinh danh Nghệ nhân văn hoá phi vật thể

12:39 | 01/07/2014

1,850 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổ chức việc xét chọn, phong tặng danh hiệu và đãi ngộ nghệ nhân cần phải trên tinh thần “tất cả vì nghệ nhân” để tính trước và loại bỏ đi những rắc rối, phức tạp có thể gây khó khăn cho các nghệ nhân. Đồng thời, nên có những hình thức quan tâm hơn đối với nghệ nhân chứ không chỉ dừng lại ở định hướng trong nghị định.

Năng lượng Mới số 335

Mạnh ai ấy làm

Vấn đề vinh danh, quan tâm đãi ngộ các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành chủ đề lớn lâu nay. Công việc này được ngành văn hóa bắt tay vào từ tận chục năm trước nhưng qua thời gian dài vẫn chưa hoàn thành, thiếu tiếng nói thống nhất và đồng thuận từ giới chuyên môn, nhà quản lý và những người thực hành việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể. Thậm chí cho đến nay, Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể mới được Thủ tướng ký ngày 25-6 vừa qua thì những băn khoăn xung quanh việc tổ chức xét chọn, thực hiện chính sách đãi ngộ vẫn chưa được giải đáp.

Nhìn lại công tác tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể cho đến nay, người ta thấy cả một diện mạo ngổn ngang, có sự chậm chạp, có hạn chế, có địa phương đã tự nghiên cứu triển khai như Bắc Ninh, Phú Thọ… nhưng nhiều địa phương khác thì vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bộ VH-TT&DL nhiều năm kỳ vọng, khởi thảo, dự định. Có lúc Bộ VH-TT&DL với Bộ Công Thương bàn bạc tích cực nhưng sự thể lại rơi vào im ắng và Bộ Công Thương tự thực hiện chương trình xét chọn, tôn vinh các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống. Có lúc dự kiến đãi ngộ, kế hoạch xét chọn được đưa ra, công bố rộng rãi, tưởng như các nghệ nhân sắp được xét tặng, tôn vinh, nhưng rồi lại tiếp tục… dự thảo. Về phía Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong nhiều năm qua, Hội này đã hăng hái tìm kiếm, phát hiện, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho hàng mấy trăm nghệ nhân trong cả nước. Nhưng điều kiện kinh phí, vật chất hạn chế nên sau danh hiệu này, các nghệ nhân khó lòng được hưởng hình thức đãi ngộ nào.

Nghệ nhân, nghệ sĩ ca trù Lỗ Khê- Hà Nội

Và với mỗi lần một bản dự thảo, một kế hoạch nào đó về vinh danh nghệ nhân được công bố lại có nhiều trăn trở, băn khoăn, phàn nàn của chuyên gia, dư luận được khơi lên. Trong khi hoàn cảnh sống khó khăn và sự ra đi của nhiều nghệ nhân tên tuổi thì không thể chờ đợi.

Quy định chặt chẽ

Theo Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được công bố, ở phần quy định chung, những người được xét chọn là công dân Việt Nam, đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Cũng trong phần này, có nói đến quyền lợi và nghĩa vụ của nghệ nhân sau khi được nhận danh hiệu. Về quyền lợi, nghệ nhân được phong tặng sẽ được nhận Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước cùng tiền thưởng kèm danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của chính phủ. Còn về nghĩa vụ của nghệ nhân, văn bản quy định: Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực tuyên truyền, giảng dạy kỹ năng…

Trong việc xét tặng danh hiệu, ở Chương II, Nghị định đưa ra các tiêu chuẩn, trong đó, ngoài những tiêu chí về trung thành với Tổ quốc, đạo đức tốt… thì nghệ nhân phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước; thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật. Nghệ nhân nhân dân phải có thời gian hoạt động nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Còn nghệ nhân ưu tú, phải có thời gian hoạt động nghề từ 15 năm trở lên.

Nghị định cũng gồm các nội dung quy định về các cấp hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thành phần xét, việc xây dựng hồ sơ, hoàn chỉnh thủ tục liên quan.

Đãi ngộ lâu dài

Theo Nghị định thì nghệ nhân phải tự làm hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét tặng. Trong hồ sơ có băng, đĩa hình mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ. Có lẽ đây là những yêu cầu mà nhiều nghệ nhân, nhất là nghệ nhân cao tuổi, sức yếu, neo đơn, khó khăn sẽ gặp lúng túng. Ngành văn hóa, các địa phương nơi tổ chức xét chọn, trưng cầu ý kiến về nghệ nhân, cần giúp đỡ, thậm chí đầu tư, tài trợ cho các nghệ nhân chuẩn bị hồ sơ xét tặng danh hiệu. Đồng thời không nên kéo dài thời gian xét chọn và phong tặng danh hiệu, gây cảm giác sốt ruột, mệt mỏi cho nghệ nhân. Bên cạnh đó, phải tăng cường đội ngũ chuyên gia và tiếng nói chuyên môn trong các hội đồng xét tặng danh hiệu…

Vợ chồng nghệ nhân quan họ Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Thị Bướm làng Ngang Nội, Bắc Ninh

Còn về việc đãi ngộ, Nghị định mới chỉ nhắc đến chứng nhận, tiền thưởng và thêm phần trợ cấp cho các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Dường như dừng lại ở đây là chưa đủ. Nên chăng, cần có những định hướng rõ hơn về kinh phí - có thể căn cứ theo mức lương tối thiểu được cấp hằng tháng hoặc thường niên, hoặc theo quý. Cũng nên quan tâm đến chế độ bảo hiểm y tế. Việc đãi ngộ này nên rút kinh nghiệm từ hạn chế trong việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Ngoài chứng nhận và tiền thưởng một lần, các nghệ sĩ đã có danh hiệu không được nhận thêm sự đãi ngộ nào khác.

Cùng với đó, việc đãi ngộ ý nghĩa, lâu dài và bền vững, chính là giúp cho tri thức, kỹ năng của các nghệ nhân được lan tỏa, được giới thiệu thông qua các chương trình truyền nghề, đào tạo, các dự án quảng bá, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Nhất là trong bối cảnh di sản văn hóa phi vật thể bị lấn át bởi văn hóa nghệ thuật hiện đại và các phương tiện nghe nhìn, công cuộc gìn giữ, phát huy vốn cổ gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí tổ chức, thực hiện, thiếu chế độ thù lao, bồi dưỡng, thiếu mối quan tâm của giới trẻ.

Và ngoài quy định của Nghị định, trong thực tế triển khai, cần có những quan tâm, đãi ngộ sâu hơn ở cấp cơ sở. Như vậy, không chỉ Nhà nước, Bộ VH-TT&DL, mà nhất là các cấp địa phương cũng phải nâng cao ý thức trân trọng, xây dựng hoặc bổ sung đáng kể mức hỗ trợ cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Mỗi tỉnh, thành thường có những không gian văn hóa với các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, theo đó cũng có nhiều những nghệ nhân tài hoa của mỗi vùng miền. Vì thế, cần chuẩn bị ngay cho tiến trình tôn vinh các nghệ nhân của địa phương mình.

Nghị định sau nhiều năm mong mỏi, nay đã được ký, nhưng hẳn rằng sẽ tiếp tục cần nhiều góp ý, phản biện trong thời gian tới khi đi vào thực tế, văn bản này sẽ được điều chỉnh, bổ sung khi xuất hiện những bất cập.

Lưu Nguyễn