Hà Nội:

Bao giờ “dọn hết rác trời”?

05:55 | 28/12/2012

1,159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhằm chỉnh trang mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, đồng thời hạn chế tối đa các sự cố hạ tầng kỹ thuật trong truyền tải điện, thông tin liên lạc trên địa bàn thành phố, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội vừa giao Công ty Điện lực Hoàn Kiếm tiến hành thí điểm đề án “Cải tạo chỉnh trang sắp xếp đường dây, cáp viễn thông và thông tin trên cột điện tại tuyến phố Lý Thái Tổ”.

“Mạng nhện” giăng “bẫy”

Lâu nay các đơn vị của ngành điện lực thường phải “đứng mũi chịu sào” trong việc lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến của dư luận xã hội về “nạn rác trời”, gây nguy hiểm cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày. “Rác trời” ở đây là những búi dây điện, dây cáp viễn thông và thông tin giăng như mạng nhện, nối dài từ cột điện này tới cột điện khác khắp thành phố.

Người dân vẫn luôn kêu ca về tình trạng những đường dây điện chằng chịt, những búi dây cáp vừa to vừa nặng treo lủng lẳng trên các cột điện khiến ai nhìn cũng phải sợ. Dọc tuyến phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ… người dân luôn lo ngại những búi dây giăng mắc trên đầu hoặc gần với lan can căn nhà của mình có thể bị chập điện, cháy nổ bất ngờ. Đường phố đã hẹp lại thêm đường dây điện chạy dọc ngang khiến người dân sống trong những con phố này gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Khi nghe nhắc đến “đề tài” này không ai là không bức xúc, nhiều người còn khẳng định: “Có tới 50% số dây cáp trong búi mạng nhện trên kia là đồ “hết đát”. Chuyện chập cháy có xảy ra thì cũng chẳng lạ”.

Các công nhân Công ty Điện lực Hoàn Kiếm tỉ mỉ "dọn dẹp" những búi dây cáp nhằng nhịt

“Vũ điệu dây cáp” lan rộng khắp ngõ phố Hà thành. Có nơi, những búi dây nhằng nhịt trĩu xuống khiến người dân và cả những công nhân điện lực trên địa bàn phải tìm cách khắc phục bằng cách tìm cột chống, lấy cầu thang tre để “hỗ trợ” cho các cột điện trong việc gồng gánh sức nặng ấy. Một số nơi khác, người dân đành chọn cách buộc vải, nilon vào những đầu dây bị đứt, rơi thõng xuống đất. Chẳng ai dám cắt hay giật những đường dây bị đứt đó, phần vì sợ trách nhiệm, phần vì chẳng biết chắc đó là dây điện hay dây viễn thông, thông tin.

Có thể nói, những “mạng nhện” này không trừ một con phố nào, từ những tuyến phố mới xây đến những đường phố cũ, đặc biệt ở vùng ven thì tình trạng này thực sự gây nhức nhối trong dư luận. Đã có nhiều người chết oan hoặc bị thương tật chỉ vì dây điện, dây điện thoại bất ngờ rơi xuống, giăng ngang đường. Đó thực sự là những cái bẫy chết người.

Ông Phạm Đại Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật điện lực Hoàn Kiếm đã từng thẳng thắn nhìn nhận: “Tình trạng các đơn vị ngoài ngành điện kéo đường dây đi nhờ cột điện diễn ra khá công khai và đơn vị chủ quản thường là không được biết”. Bên cạnh đó, các đơn vị có hợp đồng với đơn vị điện lực về việc thuê cột điện để treo dây, trong hợp đồng có thỏa thuận việc các đơn vị này phải liên hệ với điện lực để tiến hành khảo sát, cũng như tiến hành một số biện pháp để tăng cường an toàn cho tuyến cột và việc treo dây phải được đánh dấu để phân biệt dây với các đơn vị khác. Nhưng không phải đối tác nào cũng thực hiện cam kết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã bức xúc khi lý giải nguyên nhân tình trạng “con nhện giăng tơ” trên các cột điện: “Chủ yếu do các đơn vị khác vô trách nhiệm và chỉ quan tâm đến việc của mình, trong khi ngành điện đang tích cực tiến hành hạ ngầm dây cáp điện”. Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, về lâu dài cần có sự chỉ đạo chung, thống nhất của thành phố để các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau, thành phố phải cho xây dựng các mương kỹ thuật, sau đó cho các đơn vị thuê để lắp đặt đường dây của mình.

Ông Dương Đức Thái - Giám đốc Ban Quản lý Giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì cho rằng: Trong khi chúng ta chưa có hệ thống quy hoạch đồng bộ thì việc buông lỏng quản lý từ nhiều năm và việc các doanh nghiệp chỉ biết thu tiền mà không có trách nhiệm đầu tư đã góp phần làm cho tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn...

Lỗi viễn thông - Tội điện lực?

Vụ tranh cãi giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty viễn thông về việc tăng tiền thuê treo cáp viễn thông trên các cột điện từng khiến dư luận rất quan tâm. Hàng loạt sự cố mất an toàn từ các búi dây dợ lằng nhằng trên các cột điện vẫn xảy ra. Rốt cục, chỉ có người dân là phải gánh chịu nỗi hiểm nguy này. EVN đã từng phải tổ chức họp báo thông tin thêm về vấn đề này. Theo EVN, cột điện là để truyền tải điện tới người tiêu dùng một cách an toàn và liên tục. Vì thế, EVN không khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông treo cáp trên hệ thống của mình. Nhưng các doanh nghiệp viễn thông cũng không muốn xây dựng cột riêng, mà muốn tận dụng hạ tầng đã được đầu tư của EVN.

Sau khi các búi dây đã được "quy hoạch" gọn gàng

Trước năm 2003, EVN gần như miễn phí tiền thuê cột điện. Từ năm 2003 trở lại đây, chủ sở hữu cột điện đã thu của các doanh nghiệp viễn thông một số tiền chỉ có tính chất tượng trưng, không đáng kể. Các doanh nghiệp đã lạm dụng chuyện cho thuê cột với giá quá rẻ, để không chịu đầu tư. Nhưng, EVN không còn muốn “làm từ thiện” nữa, nên quyết định tăng phí cho thuê cột lên. Vì thế, các doanh nghiệp viễn thông không chịu và tố EVN hành xử độc quyền. Với việc không đồng thuận này, sự vụ lùm xùm chỉ kết thúc khi được can thiệp bởi các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đại diện của EVN đã thở dài khi chia sẻ: Chính Tập đoàn cũng không còn nắm được các cây cột điện của mình phải oằn lưng chịu tải bao nhiêu sợi cáp, của bao nhiêu đơn vị… Bởi vậy, khi có những tai nạn xảy ra với người đi đường, cơ quan điều tra không làm sao truy vấn được doanh nghiệp nào là chủ nhân của những sợi cáp “tội lỗi”. Các công ty điện lực địa phương (trực thuộc EVN) chịu trách nhiệm quản lý hệ thống này. Nhưng sợi cáp treo trên đó lại của doanh nghiệp khác, mà nhiều khi bản thân công ty điện lực địa phương cũng không nhận biết hết được.

Đã có nhiều quy định khá chi tiết, kỹ lưỡng để áp dụng cho các doanh nghiệp thuê cột điện và bên đi thuê phải thỏa thuận với EVN về đảm bảo an toàn cho thiết bị, cũng như con người. Nhưng đến khi sự cố xảy ra, vẫn không ai chịu trách nhiệm. Đại diện EVN cũng tự nhận với chức trách và nhiệm vụ của mình, đã buông lỏng quản lý một thời gian dài, không tính đến chuyện ngồi với các doanh nghiệp viễn thông, tìm cách quản lý một cách chặt chẽ hơn các sợi cáp đang được giăng mắc như mạng nhện trên đó.

Việc cần làm đã bắt đầu

Chính Công ty Điện lực Hoàn Kiếm đã ấp ủ đề án “dọn rác trên trời” này từ lâu. Bên cạnh việc tham khảo, học tập từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên viên kỹ thuật của Công ty Điện lực Hoàn Kiếm cũng đã khảo sát kỹ thực tế trên địa bàn trước khi quyết định tiến hành thí điểm công trình cải tạo, chỉnh trang, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông và thông tin trên cột điện tại tuyến phố Lý Thái Tổ.

Sau 10 ngày khẩn trương tiến hành thí điểm, 450m cáp điện hạ thế của điện lực và hệ thống cáp viễn thông của các công ty kinh doanh hạ tầng viễn thông (Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty Dịch vụ Truyền thanh Truyền hình Hà Nội, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Công ty Điện thoại Hà Nội 1) treo trên cột điện dọc theo tuyến phố Lý Thái Tổ đã được Công ty Điện lực Hoàn Kiếm và đơn vị thi công chỉnh trang, bó gọn, vừa đảm bảo mỹ quan hơn, an toàn cho người dân, vừa tạo thuận lợi cho công tác phối hợp quản lý và khai thác đường dây đi chung trên cột điện.

Công trình chỉnh trang làm gọn dây này đi chung trên cột điện đã xác định rõ chủ sở hữu của tất cả các dây thông tin đang mắc chung trên cột điện bằng cách treo thẻ nhận biết tài sản theo quy định. Các nhóm thi công cũng tiến hành loại bỏ các dây thông tin không có chủ sở hữu dư thừa, treo trên cột điện sai quy định. Có thể nhận thấy, tình trạng dây thông tin treo chằng chịt trên các cột điện lực, các búi dây cáp thông tin bị trùng, võng đã được khắc phục rất triệt để. Chính sự gọn gàng này cũng làm giảm tải trọng phải chịu đựng hiện nay cho các cột điện lực, hạn chế tối đa việc nghiêng, gãy, đổ cột điện, gây mất an toàn trong cung cấp điện và mất an toàn cho người dân.

Quá trình chỉnh trang này cũng là dịp để cho các bên có liên quan thống nhất chủng loại vật tư, phụ kiện, thẻ nhận biết… để từ đó tiến hành áp dụng đồng bộ trong các công trình sẽ tiến hành trong thời gian sắp tới trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.

Được biết, toàn bộ kinh phí cho đề án thí điểm này đều do Công ty Điện lực Hoàn Kiếm đầu tư, với khoảng 230 triệu đồng. Từ những lợi ích thiết thực mà đề án đem lại, UBND quận Hoàn Kiếm đã quyết định trích ngân sách để nhân rộng mô hình đầu tư cải tạo, chỉnh trang, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông và thông tin trên cột điện. Trong thời gian sắp tới công ty điện lực sẽ tiếp tục tiến hành “dọn rác trên trời” dọc tuyến phố Nguyễn Hữu Huân và Lê Lai.

Phú Duy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc