Bị kịch làm dâu xứ người

06:23 | 15/03/2012

1,537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện một "di dân tân nương" (thuật từ được báo chí Đài Loan dùng) tên Phạm Thị Loan (Cần Thơ) bị giết thảm tại Hàn Quốc thượng tuần tháng 3/2012 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng "mua bán" cô dâu phổ biến và vô số mặt trái của thảm kịch làm dâu xứ người. Làm thế nào để tình trạng này ngưng tiếp diễn là câu hỏi bức xúc đang được đặt ra…

Cơn sốt vẫn chưa nguội

Nửa đêm tại Hà Nội, tức khoảng 2 giờ tại Seoul, sau chuyến bay 5 tiếng đồng hồ, Kim Wan-su được đưa từ sân bay đến tiệm karaoke Lucky Star, nơi 23 cô gái trẻ ở độ tuổi 20 người Việt đang thấp thỏm chờ trong hai căn phòng sáng lờ mờ. “Tôi có thể ngắm họ và chọn ngay được chứ?” – Kim Wan-su hỏi người môi giới. Thế là Kim Wan-su, công nhân sản xuất phụ tùng xe hơi 39 tuổi sống tại ngoại ô Seoul, bắt đầu dõi mắt chọn. Trong một hoặc hai ngày nữa, nếu tour du lịch tìm vợ kéo dài 5 ngày kết thúc theo đúng lịch trình, Kim Wan-su sẽ có một cô vợ Việt và hưởng tuần trăng mật tại chùa Hương trước khi cả hai trở về Hàn Quốc.

Theo thống kê chính thức, hiện có 37.335 phụ nữ Việt Nam đang làm dâu tại Hàn Quốc

Một chú rể khác đi cùng tour là Kim Tae-goo, 51 tuổi, làm nghề trồng táo và nhân sâm tại Yeongju, thị trấn cách Seoul về phía đông nam. Tae-goo vừa ly dị cô vợ hai (Trung Quốc) mà ông cưới sau khi cô vợ đầu (Hàn Quốc) từ trần. Tae-goo sống với cô con gái 16 tuổi và bà mẹ già. Cô con gái lớn 21 tuổi đã rời gia đình ra sống riêng. Tay môi giới Ahn Jae-won (Hàn Quốc) dặn dò: “Các cô ở đây đều xinh cả nhưng nhớ đừng hạ mình. Cũng đừng nói dối. Nếu biết ông gạt, họ sẽ phản bội và bỏ trốn”. Tae-goo gật đầu. Khi gặp cô Bùi Thị Thủy 22 tuổi, Tae-goo gãi đầu nói: “Cô con gái 16 tuổi đang sống với tôi. Tôi là nông dân đấy. Tôi sẽ gửi 100 USD/tháng cho bố mẹ cô. Cô đồng ý chứ?”. “Em cũng là nông dân mà” – Thủy trả lời…

Đó là một đoạn ngắn trong phóng sự của Norimitsu Onishi đăng trên New York Times, cho thấy một phần bức tranh hiện tượng đàn ông Hàn Quốc ùn ùn đổ xô sang Việt Nam kiếm vợ. Tại sao làn sóng này hình thành? Tờ Chosun cho biết tỉ lệ dân Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài đang tăng nhanh, hơn 10 lần kể từ năm 1990. 1/8 cuộc hôn nhân (trong tổng cộng 337.528 trường hợp) năm 2006 tại Hàn Quốc đều là hôn nhân ngoại quốc (thậm chí chiếm 22,68% tại tỉnh Nam Jeolla).

Trong 29.660 trường hợp phụ nữ nước ngoài kết hôn với đàn ông Hàn Quốc năm 2006, có 14.450 cô từ Trung Quốc, 9.812 từ Việt Nam, 1.131 từ Philippines, 559 từ Mông Cổ và 380 từ Campuchia. Và theo thống kê tháng 6/2011, số người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài đã tăng lên đến 33.300 trường hợp vào năm 2009 và số phụ nữ nước người làm cô dâu tại Hàn Quốc chiếm đến hơn 100.000 người trong 1,2 triệu người nước ngoài sống ở nước này (Việt Nam chiếm 19,5% và Philippines 6,6%).

Một trong những bi kịch ít được nói là ngày càng có nhiều người vợ nước ngoài tại Hàn Quốc đã bỏ trốn sau khi "hốt” sạch của cải nhà chồng, như một cách trả thù sau thời gian chung sống bị ngược đãi. Trong ảnh là nạn nhân Ahn Jae-sung (phải) – Giám đốc Trung tâm Nạn nhân hôn nhân quốc tế, được sáng lập với mục đích truy tìm tông tích những "cô dâu chạy trốn” (koreajoongangdaily.joinsmsn.com, 14/2/2012)

Đáng buồn thay, số vụ ly dị từ các cuộc hôn nhân ngoại quốc cũng tỉ lệ thuận, từ 2.784 vụ năm 2003, lên 3.315 vụ năm 2004 và đến 4.208 vụ năm 2005… Riêng với Việt Nam, tỉ lệ đàn ông Hàn Quốc kết hôn với vợ Việt đang tăng cực nhanh, từ 134 trường hợp năm 2001 lên 5.822 – chỉ mới tính đến năm 2005 – thời gian mà một khảo sát do nghiên cứu sinh Đại học Quốc gia Seoul tên là Thanh Ha Minh thực hiện cho thấy có bốn lý do thường được nêu đối với các cô gái Việt lấy chồng Hàn: 1/ Kinh tế; 2/ Sức ép gia đình; 3/ Mơ cuộc sống sung túc; 4/ Ảnh hưởng từ văn hóa hiện đại Hàn Quốc (đặc biệt từ điện ảnh). Hầu hết cô dâu đều thuộc gia đình nghèo và các chú rể đều ở độ tuổi cao và không ít người trong số đó thuộc thành phần “sứt cán gãy gọng”. Nghiên cứu của Thanh Ha Minh cho thấy, 85% cặp chồng Hàn – vợ Việt có khoảng cách tuổi tác hơn 10 năm và 15% thậm chí chênh lệch nhau đến 20 năm…

Chẳng có gì khó hiểu khi hiện tượng đàn ông Hàn Quốc kiếm vợ nước ngoài trở thành xu hướng. International Herald Tribune cho biết, nếu tình trạng nam thừa nữ thiếu tại Hàn Quốc tiếp tục như đà hiện nay, đến năm 2012, tỉ lệ dân số trẻ Hàn Quốc sẽ là 124 nam/100 nữ ở độ tuổi 24-30. Hơn nữa, phụ nữ Hàn Quốc ngày càng trở nên “chảnh”. Không có tiền, công việc tử tế hoặc nhà cửa đàng hoàng, đừng mong lấy được vợ trong nước! “Loại” nông dân chân lấm tay bùn hoặc công nhân lương ba cọc ba đồng chắc chắn sẽ bị bỏ xó – theo Lee Eun-tae, chủ công ty môi giới Interwedding, nơi từng mai mối cho đàn ông Hàn Quốc kiếm vợ phương xa (Việt Nam, Mông Cổ, Philippines, Indonesia, Campuchia, Uzbekistan, Trung Quốc…).

Thạch Thị Hoàng Ngọc bên người chồng Hàn Quốc trong ngày cưới (ảnh do gia đình cung cấp)

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Đài Loan. Theo ông Ngô Kiến Quốc (Wu Chien-kuo) – Giám đốc Phòng kinh tế Đài Bắc, mỗi năm, khoảng 10.000 cô gái Việt đã đến văn phòng mình xin đăng ký kết hôn. Và như được kể trong bộ phim tài liệu "Di dân tân nương” của Thái Sùng Long (Tsai Tsung-lung), hầu như tất cả chú rể Đài Loan đều thuộc thành phần có “vấn đề”. Một đoạn trong phim cho thấy cuộc sống gia đình chú rể Huang Nai-hui và người vợ Chiang Na-wei (Campuchia). Chẳng hề tìm thấy màu sắc lung linh của hạnh phúc hôn nhân, mỗi ngày Chiang phải cơm dâng nước rót cho ông chồng bị liệt não!

Những thảm kịch tiếp nối

Đã có quá nhiều phóng sự trong – ngoài nước cho thấy vô số giấc mơ đã vỡ vụn đối với cô dâu Việt nơi xứ người. Tháng 2/2007, một cô dâu Việt được phát hiện nằm bên vách tường một nhà máy gỗ tại Đài Trung. Nạn nhân cho biết mình bị chồng lẫn gia đình chồng đánh đập tàn nhẫn bởi cô không sinh con sau bốn năm kết hôn. Bị bỏ đói bảy ngày, cuối cùng cô bị chồng tống ra khỏi nhà. Giữa năm 2011, Lim Chae-won 37 tuổi đã đâm chết cô vợ Hoàng Thị Năm 23 tuổi (quê Bình Thuận). Vụ án chấn động khắp Hàn Quốc khi người ta biết rằng, hung thủ Lim đã đâm vợ đến 53 nhát dao!

Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đòi xử lý nghiêm những trường hợp chồng bản địa giết hoặc ngược đãi vợ Việt Nam (sau vụ cô Thạch Thị Hoàng Ngọc 20 tuổi bị chồng Hàn Quốc giết chết thảm giữa năm 2010)

Gần đây hơn, cuối năm 2011, cô Phạm Thị Thanh Trúc (quê Trà Vinh) đã bị ông chồng Trần Lập Thánh (Đài Loan) giết chết rồi quẳng xác xuống biển! Thánh giết vợ chỉ bởi cô Trúc không sinh được con trai cho hắn (chỉ có hai cháu gái)… Như Hàn Quốc, đàn ông Đài Loan hiện cũng rơi vào tình trạng “ế vợ”. Taipei Times đã dẫn lời Marloes Schoonheim (nhà nghiên cứu dân số học thuộc Academia Sinica) cho biết, việc đàn ông Đài Loan rủ nhau tìm vợ nước ngoài đã giúp công nghiệp môi giới quốc tế nơi này đạt doanh thu 8 tỉ đài tệ/năm (243 triệu USD). Báo cáo Trafficking in Persons 2011 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm nhiều cô dâu nước ngoài tại Đài Loan được mua để cung cấp cho nhà thổ từ các đường dây tội phạm chuyên nghiệp.

Vấn đề đang được quan tâm là trong cơn sốt hôn nhân nước ngoài hiện nay, làm thế nào để hạn chế tình trạng bị ngược đãi hoặc có thể tìm được cuộc sống hạnh phúc trong môi trường mới? Tại Đài Loan, nhiều nhóm xã hội đã thực hiện các chương trình giúp cô dâu nước ngoài rút ngắn khoảng cách văn hóa và phong tục tập quán địa phương bằng việc giúp học chữ và tư vấn.

Một số tổ chức đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với các cô dâu nước ngoài tại Đài Loan, chẳng hạn Eden Foundation, Pearl S. Buck Foundation và Trung tâm Catholic Rerum Novarum. Hạ tuần tháng 7/2007, Phó giám đốc Cơ quan di trú Đài Loan (NIA) Ngô Học Yến (Steve Wu) từng đích thân chủ tọa buổi họp báo ra mắt bộ phim truyền hình nhiều tập do NIA tài trợ mang tựa "Những cô dâu Việt ở Đài Loan”, nói về bốn cô dâu Việt (hư cấu) đã tìm cách điều chỉnh và thích nghi với cuộc sống và môi trường mới sau khi kết hôn với người bản địa (hiện có khoảng 420.000 gia đình chồng bản địa – vợ nước ngoài tại Đài Loan).

Dùng giải trí truyền thông để giúp các cô dâu Việt Nam nói riêng và nước ngoài nói chung hiểu thêm văn hóa gia đình và xã hội bản địa mà họ đang sống cũng là một cách mang lại sự hội nhập dễ dàng hơn. Trong ảnh là bộ phim truyền hình Đài Loan "Biệt tái khiếu ngã ngoại tịch tân nương” (Đừng gọi tôi là cô dâu nước ngoài), được dựng với mục đích như vậy.

Thông điệp của bộ phim rất rõ: khả năng điều chỉnh để thu hẹp khoảng cách trong văn hóa gia đình đối với các cô dâu nước ngoài nói chung và cô dâu Việt nói riêng chính là yếu tố tiên quyết để tồn tại. Báo chí Đài Loan từng không ít lần viết về những kinh nghiệm thành công chẳng hạn trường hợp Nguyễn Diễm Quyên. Cửa hàng hủ tíu mì của Quyên không thuần túy kinh doanh mà còn là “trung tâm” tư vấn cho nhiều cô dâu Việt.

Làm dâu ở Hàn Quốc cũng tương tự. Và cũng chẳng thiếu nghịch cảnh. Trung tâm Công giáo cho di dân Philippines từng là nơi tá túc cho nhiều cô dâu Philippines, chẳng hạn trường hợp Abon 19 tuổi. Chỉ vài tháng sau khi kết hôn, Abon đã bị ông chồng 38 tuổi dùng dao để ép cô phục vụ tình dục. Văn hóa và ngôn ngữ luôn là rào cản lớn đối với các cặp hôn nhân ngoại quốc, trong khi nhiều đàn ông Hàn Quốc không bao giờ chịu học ngôn ngữ hoặc văn hóa của vợ – theo Bae Suk-ill, Chủ tịch Incheon Women’s Hotline, nơi tư vấn và dạy tiếng Hàn Quốc cho các cô dâu nước ngoài.

Nghiên cứu Thanh Ha Minh cho biết, 18% cô dâu Việt kể rằng họ là nạn nhân của bạo lực; bị kiểm soát chặt đến mức không bao giờ có được một xu dính túi; hoặc không bao giờ được gọi điện về nhà… Một lần nữa, sự ra đời các trung tâm tư vấn tại Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan là yếu tố cần thiết để hạn chế những trường hợp đau lòng.

Đến nay, Hàn Quốc vẫn bị đè nặng bởi yếu tố truyền thống, đặc biệt trong văn hóa gia đình. Mẹ chồng có toàn quyền “sinh sát” đối với con dâu. Bà có thể “đuổi cổ” con dâu nếu bị phật ý. Có một ngạn ngữ thế này: “Một tân nương (Hàn Quốc) phải biết điếc ba năm, câm ba năm và mù ba năm”. Tại nhiều làng quê, việc kết hôn cho con vẫn được cha mẹ (hoặc thậm chí ông bà) định đoạt và phong tục môi giới vẫn được xem là nét văn hóa truyền thống phổ biến. Tác giả Bae Ji-sook (Korea Times) cho biết, dù nếp sống hiện đại bắt đầu ngấm vào xã hội Hàn Quốc nhưng cấu trúc “gia đình hạt nhân” vẫn được xem là chuẩn mực. Hiện có 15,8 triệu hộ gia đình tại Hàn Quốc và 55% hộ là các gia đình hạt nhân, trong đó cha mẹ và con cái cùng sống chung (6,9% là gia đình “tam đại đồng đường” và 0,1% là gia đình “tứ đại đồng đường”). Bất chấp ảnh hưởng văn hóa phương Tây, các cô vợ Hàn Quốc vẫn phải chu đáo việc nhà sau khi bở hơi tai kiếm tiền bên ngoài; và tất nhiên phải biết “nịnh” mẹ chồng và cả bà nội chồng! Tương tự Đài Loan, nếp sống chịu ảnh hưởng phong kiến vẫn là đặc trưng của văn hóa gia đình Hàn Quốc.

Lư Trung