Bộ GD-ĐT làm gì để “cứu” các trường ngoài công lập?

06:40 | 08/03/2013

1,295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không tuyển được người học, nguy cơ phải đóng cửa, thậm chí phải bán trường để trả nợ đã hiển hiện, hàng loạt trường ĐH, CĐ, TCCN ngoài công lập (NCL) đang đứng trước "bờ vực" và rốt ráo tìm lối thoát.

Nợ nần vì “đói” sinh viên 

Không giống như hệ thống trường công lập được rót vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn sống gần như duy nhất của các trường ngoài công lập là học phí từ sinh viên. Vì thế, không tuyển được người học đồng nghĩa với việc trường sẽ lâm vào tình cảnh đói kém, nợ nần.

Mới đây, trường Trung cấp Trường Sơn (ở Đắk Lắk) đã phải đăng thông báo bán trường để lấy tiền….trả nợ. Theo ông Nguyễn Viết Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, do nhiều năm trường không thể tuyển đủ người học, giá mặt bằng thuê đất xây trường quá cao, nợ ngân hàng ngày càng lớn nên trường không "đủ sức" để tiếp tục duy trì.

Trước đó, cuối năm 2012, trường ĐH Văn Hiến TP Hồ Chí Minh cũng phải thương thảo để chuyển đổi nhà đầu tư nhằm cứu trường thoát khỏi nguy cơ phải bán với giá... bèo. 

Mặc dù đưa ra nhiều "ưu đãi", song trường NCL vẫn khó thu hút được thí sinh.

Tình cảnh của hai trường trên đang có nguy cơ trở thành bức tranh ảm đạm chung của rất nhiều cơ sở đào tạo khác khi mùa tuyển sinh 2012, hàng loạt trường ngoài công lập tiếp tục rơi vào cảnh ế ẩm. Trường CĐ Kỹ Thuật công nghiệp Quảng Ngãi tuyển được 0,64% chỉ tiêu; con số này của trường ĐH Công nghệ Đông Á (Đà Nẵng) có khá khẩm hơn, ở mức 5,2%; ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) đạt 15,5% chỉ tiêu…

Cá biệt, trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) không tuyển được thí sinh nào. Đầu tư cơ sở vật chất hoàng tráng, thuê giáo sư nước ngoài về dạy và cấp học bổng trọn gói từ ăn, ở, học phí cho toàn bộ sinh viên trong năm nhất nhưng ĐH Tân tạo (TP. Hồ Chí Minh) cũng chỉ “gom” được 30 thí sinh. Ngay những trường lâu năm như Đại học Dân lập Hải Phòng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.

“Nếu tình hình cứ như hiện nay thì trường ngoài công lập sẽ “chết”, ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập buồn bã nói.

Bộ GD-ĐT và cách “cứu” trường NCL

Việc tuyển sinh khó khăn của các trường ngoài công lập đã diễn ra nhiều năm nay và cũng có kiến nghị Bộ GD-ĐT các giải pháp để có thể tăng nguồn tuyển như hạ điểm sàn, đề nghị được mở lớp dự bị đại học, được xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT....

Trong cuộc trao đổi với Hiệp hội các trường ĐH,CĐ NCL, hai vấn đề lớn mà các trường đề nghị Bộ xem xét đó là hỗ trợ như thế nào để các trường tuyển được SV, đủ chỉ tiêu và cơ chế chính sách giúp các trường phát triển, tháo khỡ khó khăn vướng mắc cơ chế đất đai, thuế, đầu tư, cơ sở hạ tầng.

Liên quan đến tuyển sinh, báo cáo của Hiệp hội cho rằng những năm gần đây tuyển sinh các trường gặp khó khăn; đặc biệt năm 2012 nhiều trường đạt mức độ thấp, có nguy cơ dừng hoạt động khi không đủ người học, tài chính yếu. Nhiều ý kiến các thành viên Hiệp hội để xuất nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học để tránh lãng phí, tốn kém.

Một ý kiến khác của các trường NCL là cơ chế điểm sàn không hợp lý dẫn tới nguồn tuyển thu hẹp, không tuyển đủ. Bỏ điểm sàn hoặc nhiều mức độ khác nhau ở các top trường tương ứng, giao các trường tự xác định điểm sàn khu vực và ngành nghề. Bên cạnh đó, các trường NCL cũng mong muốn giao cho các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng và dựa vào kết quả phổ thông.

Trước các ý kiến của Hiệp hội, Bộ GD-ĐT khẳng định Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng: thi, xét tuyển hoặc kết hợp nhưng phải làm như thế nào thuyết phục, đảm bảo công bằng, không xảy ra học thêm dạy thêm, làm thế nào xã hội yên tâm về chất lượng. Nếu xét tuyển kết quả phổ thông, Bộ lưu ý hiện nay Bộ đã cho các trường khối nghệ thuật thi 2 môn năng khiếu và  xét tuyển môn Văn. Bộ GD-ĐT cũng khuyên Hiệp hội cân nhắc kỹ, bởi cuối cùng vẫn là chất lượng đầu ra, nếu xã hội không chấp nhận sẽ ảnh hướng uy tín các trường.

Nếu không đáp ứng được chỉ tiêu, các trường NCL sẽ đứng trước nguy cơ "phá sản".

Bộ cũng cho biết không ghép hai kỳ thi làm một vì tính chất khác nhau và cần có bước chuẩn bị nghiên cứu thận trọng. Từ nay đến 2015 vẫn tổ chức thi theo hình thức “ba chung” và Bộ đang trong tiến trình nghiên cứu mức điểm sàn hợp lý để đảm bảo chất lượng, nguồn tuyển không khó khăn.

Vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ các trường, xã hội hóa giáo dục. Nghị định 69 về ưu tiên thuế, giao đất cho các hoạt động văn hóa xã hội trong đó có giáo dục đào tạo. Nhưng trên thực tế, chính sách ưu đãi về thuế đất, giải phóng mặt bằng cho các cơ sở giáo dục đào tạo các địa phương chưa thực hiện được. Chưa địa phương nào giao đất sạch cho các trường. Trong khi đó, có một quy định để được ưu đãi thuế các trường phải đảm bảo 55m2/sinh viên, không trường nào đạt nên phải đóng đủ 25%.

Trước kiến nghị của Hiệp hội để cho các trường hưởng chính sách thuế ưu đãi, Bộ đã gửi lên Bộ Tài chính và Chính phủ đề xuất cho phép các trường NCL đã được phép hoạt động không cần có điều kiện 55m2/sv vẫn được hưởng chính sách nộp thuế 10% thay vì 25% như hiện nay.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, với mức độ phát triển "nóng" như hiện nay, mục tiêu từ nay đến 2020 đạt 450SV/10.000 dân sẽ phải tính toán lại. Về cơ bản từ nay đến 2020 sẽ có rất ít trường được mở thêm. Một số trường sẽ phải nhập vào nhau để đủ lớn, tránh manh mún dẫn tới tranh nhau nguồn tuyển sinh và không đảm bảo chất lượng như hiện nay.

Trước đó, ngày 17/1, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã gửi văn bản kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ về nguy cơ tan rã của hệ thống trường này.

Văn bản đề nghị ba vấn đề cấp bách. Thứ nhất, đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. 

Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH NCL, tổ chức nghiên cứu những bài học thành công về phát triển giáo dục ĐH NCL của nước ngoài để vận dụng sáng tạo.

Thứ ba, Hiệp hội xin được gặp và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng về một số nội dung khẩn cấp khác liên quan đến vấn đề tồn tại, phát triển hay tan rã của hệ thống giáo dục ĐH NCL. Mục đích trước mắt là giải cứu hệ thống giáo dục NCL khỏi nguy cơ tan rã, sau là nhằm phát triển mạnh hệ thống này, đồng thời thúc đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

 

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...